Bình luận: Xu hướng quan hệ Mỹ – Trung Quốc sau khi ông Trump trở lại
- Hà Thanh Liên
- •
Trong gần 100 cuộc bầu cử trên thế giới năm 2024 thì bầu cử Tổng thống Mỹ đáng được coi là tâm điểm. Ông Trump đã trở lại đỉnh cao của chính trường Mỹ, dù vẫn chưa chính thức nhậm chức nhưng hàng loạt phát biểu chính sách đối nội hay về quan hệ quốc tế đã khiến các nước khác bắt đầu có điều chỉnh, từ đồng minh đến đối thủ cạnh tranh, hay thậm chí các nước có quan hệ tương đối xa lánh đều chuẩn bị ứng biến. Nhưng trong tất cả các quan hệ đối ngoại của Mỹ, quan hệ Mỹ – Trung đương nhiên là ưu tiên hàng đầu.
Chiến lược ngoại giao chủ nghĩa hiện thực
Ông Trump đã mời ông Tập Cận Bình tham dự lễ nhậm chức, do nước Mỹ chưa từng có tiền lệ này khiến giới truyền thông tập trung suy đoán liệu ông Tập có đến hay không, những người hiểu một chút về văn hóa Trung Quốc cho rằng Tập sẽ không đến, vì động thái của Trump hàm nghĩa giống như việc vua một nước lên ngôi thì vua nước chư hầu phải đến chầu. Thực tế ông Trump cũng có mời một số nguyên thủ khác đến Washington để dự lễ, và cử chỉ mời đó phần nào cho thấy chiến lược ngoại giao của chính phủ Trump 2.0. Chiến lược này đã được làm rõ bởi thư ký báo chí Karoline Leavitt của Trump trong chương trình Fox and Friends vào ngày 12/12, xem lời mời này là nỗ lực tăng cường quan hệ giữa hai nước Mỹ – Trung Quốc: “Đây là minh chứng về việc Tổng thống Trump thiết lập đối thoại cởi mở với các nhà lãnh đạo của các nước khác – không chỉ các đồng minh của chúng ta mà còn cả các đối thủ và những bên cạnh tranh của chúng ta”.
Ngoài Trung Quốc, xem xét lại việc Trump tuyên bố với các đồng minh Mexico, Canada rằng ông sẽ tăng thuế quan và đó là đàm phán đơn phương, cách tiếp cận này thực sự là phủ nhận nguyên tắc đãi ngộ thương mại (MFN) của các thành viên WTO, ngoại giao của Trump không còn phân chia bạn bè và thù địch theo hệ tư tưởng, mà rất rõ ràng là chỉ lấy lợi ích làm đòn bẩy ngoại giao. Bài phát biểu của ông tại thành phố Phoenix ngày 22/12 được coi là “thông báo trước nhiệm kỳ thứ hai”. Tại một hội nghị bảo thủ được tổ chức vào ngày 22/12 ở Phoenix – Arizona, Trump đã có bài phát biểu dài 75 phút, trong đó cho biết “cuộc cách mạng nhận thức thông thường” sắp diễn ra tại Mỹ, bài phát biểu này chỉ là một cuộc diễn tập nhỏ, ngoài thể hiện ưu tiên phát huy sức mạnh trong nước, còn giải thích nguyên tắc cơ bản chính sách đối ngoại “Nước Mỹ trên hết”, chú trọng đơn phương hơn đa phương, tăng thuế quan, bày tỏ muốn “thu hồi” kênh đào Panama và quyết tâm giải quyết xung đột Nga – Ukraine.
Từ bài phát biểu cho thấy, quan hệ Mỹ – Trung là nhiệm vụ chính nhưng không phải vấn đề nhạy cảm đối với nhiệm kỳ Trump 2.0 (tôi đã phán đoán như vậy sau khi Trump thắng cử), ông gọi “hợp tác Mỹ – Trung có thể làm được rất nhiều việc lớn” tốt nhất nên xem là một loại nguyện vọng và thái độ chứ thực tế như thế nào thì rất khó đoán.
Trung Quốc chấp nhận “ngoại giao chủ nghĩa hiện thực”
Như chúng ta đã biết, tác giả Mearsheimer của cuốn sách “Bi kịch của chính trị nước lớn” (The Tragedy of Great Power Politics) là khách thường xuyên đến Trung Quốc trong những năm gần đây, và theo đó chiến lược ngoại giao chủ nghĩa hiện thực tấn công (Offensive Realism – được đề xuất bởi nhà nghiên cứu Kenneth Waltz vào những năm 1990) của ông này đã được đông đảo những người Trung Quốc nghiên cứu quan hệ quốc tế (đặc biệt là quan hệ Mỹ – Trung) biết đến. Cùng với cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung từ năm 2019, so với sự thất vọng, phẫn uất của các đồng minh EU của Mỹ sau khi ông Trump đắc cử, Trung Quốc ngày càng dễ dàng hơn trong việc chấp nhận chính sách ngoại giao hiện thực, dùng lợi ích (thuế quan) làm đòn bẩy của Trump.
Nói về quan hệ Mỹ – Trung trong cuộc họp báo ngày 16/12 tại trang viên Mar-a-Lago, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nói rằng “hợp tác Mỹ – Trung Quốc có thể cùng nhau giải quyết tất cả các vấn đề trên thế giới”, và nói rằng sẵn sàng tiếp tục đối thoại với Bắc Kinh vào ngày hôm sau, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh tại “Hội nghị chuyên đề về tình hình quốc tế và ngoại giao Trung Quốc năm 2024” rằng chính sách của Trung Quốc đối với Mỹ không thay đổi, rằng tiến bộ trong quan hệ giữa hai nước trong năm qua “hoàn toàn chứng minh rằng chỉ cần Mỹ – Trung hợp tác, có thể đạt được nhiều điều lớn lao và tốt đẹp”. Nhưng ông Vương Nghị cũng nhắc lại rằng vấn đề Đài Loan, hệ thống chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, dân chủ nhân quyền, và quyền phát triển là “4 lằn đỏ không thể thách thức” của Trung Quốc
Xét rằng Trump 1.0 về cơ bản không đề cập đến đối đầu ý thức hệ và chính quyền Biden nhấn mạnh ngoại giao với Trung Quốc không nhằm mục đích thay đổi hệ thống của Trung Quốc, có thể thấy trong 4 lằn đỏ mà Trung Quốc vạch ra, chỉ có vấn đề Đài Loan và quyền phát triển là trở ngại thực sự. Thái độ các bên trong vấn đề quan trọng Đài Loan có khác biệt tinh tế: Đài Loan nhấn mạnh độc lập là sự thật nhưng lo lắng về vấn đề bị Trung Quốc dùng vũ lực thống nhất; Trung Quốc đặt cược vào việc xâm nhập gây ảnh hưởng, ông Tập Cận Bình cho biết tại Hội nghị thượng đỉnh ở San Francisco vào tháng 11 năm ngoái rằng Trung Quốc không có kế hoạch tấn công Đài Loan; Mỹ nhấn mạnh duy trì hiện trạng, nhưng các tổng thống khác nhau có cách duy trì khác nhau. Vì vậy, vấn đề trọng tâm là cái gọi là “quyền phát triển”, đây là từ ngữ ngoại giao xuất hiện thường xuyên hơn ở Trung Quốc trong những năm qua, đặc biệt là sau khi Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt về vấn đề chip.
Đánh giá từ các loại dư luận trong nước Trung Quốc, chính quyền Trung Quốc đã chuẩn bị phương án B cho sự trở lại của ông Trump trước cuộc bầu cử: Trump 2.0 sẽ tăng cường áp lực kinh tế và quân sự đối với Trung Quốc, áp dụng các chính sách như áp đặt nhiều thuế quan hơn và hạn chế đầu tư. Nhưng giới học giả nhà nước của Trung Quốc cho rằng ngoại giao chủ nghĩa biệt lập của ông Trump (đây là sự khái quát hóa của Bắc Kinh và các đồng minh đối với MAGA) và thái độ không ổn định đối với các đồng minh, ngược lại có thể tạo ra cơ hội chiến lược cho Bắc Kinh. Bởi vì ông Trump thiếu ý định đối đầu về ý thức hệ, chính sách ngoại giao lấy MAGA làm cốt lõi sẽ làm suy yếu sự ủng hộ của Mỹ đối với các đồng minh, thúc đẩy các nước châu Âu và châu Á có xu hướng thiết lập quan hệ hợp tác kinh tế với Trung Quốc, trong điều kiện này khiến đối đầu Mỹ -Trung sẽ không biến thành Chiến tranh Lạnh 2.0.
Thái độ này được Trung Quốc thể hiện rõ ràng trên tạp chí Foreign Affairs Mỹ thông qua các tổ chức tư vấn trong nước. Gần đây, Chủ nhiệm Nghiêm Học Thông (Yan Xuetong), Khoa Quan hệ Quốc tế của Đại học Thanh Hoa, đã đăng một bài báo đặc biệt trên Foreign Affairs với tựa đề “Tại sao Trung Quốc không sợ Trump” (Why China Isn’t Scared of Trump), quan điểm cơ bản cho thấy rõ những biểu hiện trên: Ông Trump sẽ vào Nhà Trắng với ý định kiềm chế Trung Quốc, nhưng Trung Quốc không sợ Trump. Lý do là: (1) Bởi vì chính sách đối ngoại của ông chưa bao giờ thể hiện bất kỳ cam kết sâu sắc nào về ý thức hệ nên cạnh tranh khó có thể phát triển thành tình huống hủy diệt như Chiến tranh Lạnh; (2) Trump không muốn tham gia vào chiến tranh, thích tập trung vào cải cách trong nước.
Sẽ điều chỉnh chiến lược về Trung Quốc
Nhìn từ chính sách Trung Quốc của chính quyền Biden thực tế đã kế thừa chính sách kinh tế của Trump, cộng với hình thái cấm vận, ngoại giao của Trump đối với Trung Quốc sẽ không có động thái lật ngược, nhưng có thể sẽ thay đổi điều lệ cuộc chiến chip với Trung Quốc.
Kể từ khi chính quyền Biden lên nắm quyền, kiềm chế sự phát triển của ngành công nghiệp chip Trung Quốc luôn là một trong những ưu tiên chính sách của họ. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Raymond lưu ý về cuộc chiến chip với Trung Quốc chia thành phòng thủ và tấn công. Về phòng thủ đề cập đến sự hỗ trợ tài chính cho sự đổi mới trong nước của Mỹ theo Đạo luật Khoa học và Chip được ban hành trong nhiệm kỳ của Biden, đạo luật này đề xuất đầu tư gần 53 tỷ USD vào sản xuất, nghiên cứu và phát triển chất bán dẫn và lực lượng lao động, đồng thời khuyến khích ngành công nghiệp bán dẫn nước ngoài đầu tư vào Mỹ. Tấn công đề cập đến việc thực hiện kiểm soát xuất khẩu đối với sản xuất chip và cản trở Trung Quốc tiếp cận công nghệ sản xuất chip mới nhất. Theo WSJ ngày 22/12, bà Raimondo cho hay nỗ lực của Mỹ nhằm hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ bán dẫn tiên tiến không cản trở tiến bộ của Trung Quốc, trong cuộc cạnh tranh chip thì vấn đề “cố gắng ngăn chặn Trung Quốc là ‘lãng phí công sức’, kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn sang Trung Quốc chỉ là làm chậm tốc độ tiến tới vị trí thống trị công nghệ toàn cầu của Trung Quốc mà thôi.
Tháng 10 năm nay, Trump đã chỉ trích Đạo luật Khoa học và Chip là “thực sự tồi tệ”. Ông phản đối việc thông qua chính sách trợ cấp để khuyến khích các công ty bán dẫn xây dựng nhà máy, tin rằng điều này không thu hút được “công ty tốt”. Ông đề nghị áp thuế quan cao để buộc các công ty “tự nguyện” quay trở lại Mỹ. Ông cũng đề xuất đẩy nhanh việc phê duyệt các dự án doanh nghiệp có vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD, bao gồm miễn trừ các thủ tục xem xét môi trường liên quan và khuyến khích các công ty đầu tư. Điều này phù hợp với dư luận trong nước ở Mỹ. Giáo sư Chris Miller tại Trường Fletcher thuộc Đại học Tufts và là tác giả của cuốn sách “Cuộc chiến chip”, chỉ ra rằng 80% số tiền được phân bổ trong Đạo luật Khoa học và Chip là trợ cấp xây dựng nhà máy, nhiều quan điểm thất vọng về vấn đề không công bằng. Tập đoàn Intel nhận được rất nhiều trợ cấp, nhưng có rất ít kết quả, trở thành tâm điểm chỉ trích.
Trong chính sách Trung Quốc thì Trump không có ưu tiên về ý thức hệ, nhưng thái độ Trung Quốc trong số các thành viên nội các quan trọng của ông thì mềm cứng khác nhau. Những người diều hâu đối với Trung Quốc là Ngoại trưởng Rubio; Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz; ứng cử viên giám đốc CIA John Ratcliffe… sẽ quán triệt theo chính sách đối ngoại “Nước Mỹ trên hết” của Trump. Giám đốc tình báo Tulsi Gabbard có thể hiểu rõ hơn ý định của ông Trump, bởi vì bà gọi ông Rubio là “đại diện cho chủ nghĩa bảo thủ mới, phe hiếu chiến”.
Tóm lại, chính sách Trung Quốc trong nhiệm kỳ 2.0 của chính quyền Trump có thể tập trung nhiều hơn vào cạnh tranh kinh tế và chiến lược, nhưng không có khả năng dẫn đến đối đầu ý thức hệ. Trong quá trình này, cải cách nội bộ nước Mỹ và thay đổi tình hình ở hai nước sẽ quyết định hướng cạnh tranh trong tương lai.
Hà Thanh Liên
(Bài viết chỉ đại diện cho quan điểm của cá nhân tác giả, được đăng trên Vision Times.)
Từ khóa Donald Trump mối quan hệ Mỹ - Trung Hà Thanh Liên