Bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào với Nga đều không có nội dung cho phép Ukraine kết nạp vào NATO, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Pete Hegseth trả lời các phóng viên vào thứ Tư (12/2). Ông Hegseth nói thêm rằng nỗ lực đưa Ukraine trở lại biên giới năm 2014 là “không thực tế” và quân đội Hoa Kỳ sẽ không tham gia vào việc duy trì bất kỳ khu thực địa nào. 

shutterstock 12102830291
Lầu Năm Góc. (Ảnh: Ivan Cholakov/Shutterstock)

Kiev đã nhiều lần nhấn mạnh rằng việc gia nhập NATO là vấn đề an ninh quan trọng đối với quốc gia này. Tổng thống Ukraine Zelensky đã tuyên bố đây là điều kiện tiên quyết để nối lại các cuộc đàm phán với Nga. Tuy nhiên, khối quân sự NATO do Hoa Kỳ đứng đầu chưa bao giờ đưa ra mốc thời gian để kết nạp Ukraine, và nhiều quan chức đã loan báo với giới truyền thông rằng không có khả năng cho Ukraine gia nhập khối này trong khi chiến tranh Nga-Ukraine vẫn đang diễn ra.

Phát biểu trước cuộc họp của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine do Hoa Kỳ đứng đầu tại Brussels, Bỉ, ông Hegseth đã bác bỏ khả năng Ukraine gia nhập NATO, tuyên bố rằng “Hoa Kỳ không tin rằng tư cách thành viên NATO của Ukraine là kết quả thực tế của một giải pháp đàm phán“. Ông Hegseth nhấn mạnh rằng bất kỳ đảm bảo an ninh nào cho Ukraine “phải được hỗ trợ bởi quân đội châu Âu và quân đội ngoài châu Âu có năng lực“.

Nói cho rõ là, bất kỳ sự đảm bảo an ninh nào sẽ đều không có quân đội Hoa Kỳ được triển khai tới Ukraine”, ông Hegseth nhấn mạnh.

Bình luận của Bộ trưởng Hegseth được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang nỗ lực chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Ông Trump cũng bày tỏ sự hoài nghi về khả năng Ukraine trở thành thành viên NATO, lập luận rằng điều này có thể làm leo thang căng thẳng với Nga. Ông Trump cũng nhấn mạnh rằng các quốc gia châu Âu nên chịu trách nhiệm lớn hơn cho an ninh của chính họ.

Trong khi đó, Moskva từ lâu đã phản đối nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine, mô tả đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra cuộc chiến tranh hiện nay. Điện Kremlin tuyên bố rằng việc NATO mở rộng về phía biên giới của Nga, là đe dọa đến an ninh của nước này và nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào đều phải có yêu cầu Ukraine áp dụng quy chế trung lập. Các quan chức Nga cũng cảnh báo rằng việc phương Tây tiếp tục viện trợ quân sự cho Kiev chỉ kéo dài tình trạng thù địch và làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán.

Phạm Duy, theo RT