Bộ trưởng Quốc phòng Philippines phủ nhận việc đạt được thỏa thuận với ĐCSTQ
- Lý Ngôn
- •
Khi tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông tiếp tục leo thang, Philippines hôm thứ Bảy (27/4) bác bỏ tuyên bố của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) rằng hai bên đã đạt được các thỏa thuận liên quan, đồng thời gọi đó là hành động tuyên truyền của ĐCSTQ.
Người phát ngôn Đại sứ quán ĐCSTQ tại Manila hôm 18/4 cho biết hai bên đã thống nhất về “mô hình mới” vào đầu năm nay, để giải quyết căng thẳng trên bãi cạn Second Thomas (Việt Nam gọi là Bãi Cỏ Mây, Trung Quốc gọi là Bãi Nhân Ái), nhưng không nói rõ chi tiết.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro hôm thứ Bảy (27/4) cho biết, kể từ khi Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. lên nắm quyền vào năm 2022, Bộ Quốc phòng “không biết và không tham gia vào bất cứ thỏa thuận nội bộ nào với Trung Quốc (ĐCSTQ)”. Ông cho biết, kể từ năm ngoái, các quan chức Bộ Quốc phòng đã không nói chuyện với bất kỳ quan chức ĐCSTQ.
Bắc Kinh và Manila đã xung đột liên tục trong những tháng gần đây về Bãi cạn Second Thomas, nơi Philippines cho rằng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này, nhưng ĐCSTQ cũng tuyên bố chủ quyền.
Philippines cáo buộc ĐCSTQ ngăn cản nước này cung cấp hàng tiếp tế cho quân đóng trên bãi cạn Second Thomas và bắn vòi rồng áp lực cao vào các tàu tiếp tế đang thực hiện nhiệm vụ. Năm 1999, Manila đã cố tình để một tàu đổ bộ thời Thế chiến thứ hai mắc cạn ở Bãi cạn Second Thomas và bố trí một đội nhỏ canh gác bãi cạn này nhằm bảo vệ chủ quyền của Philippines.
ĐCSTQ tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông. Biển Đông là tuyến đường thủy chiến lược quan trọng trên thế giới, với lượng hàng hóa trị giá 3 nghìn tỷ USD đi qua đây mỗi năm. Tuyên bố chủ quyền của ĐCSTQ chồng chéo với tuyên bố của Philippines và 4 quốc gia khác. Năm 2016, Tòa trọng tài thường trực ở The Hague cho biết yêu sách của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý, tuy nhiên Bắc Kinh từ chối chấp nhận phán quyết này.
Ông Teodoro gọi những tuyên bố của ĐCSTQ về một thỏa thuận song phương là “tuyên truyền của Trung Quốc (ĐCSTQ)”, đồng thời nói thêm rằng Philippines sẽ không bao giờ ký bất kỳ thỏa thuận nào làm suy yếu tuyên bố chủ quyền của mình đối với vùng biển này.
Ông cho biết những tuyên bố vô lý được các quan chức ĐCSTQ lan truyền là một nỗ lực nhằm tạo ra “một vòng dối trá mới”.
Trả lời về vấn đề này, Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines Eduardo Ano cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Bảy tuần trước (20/4), “Thái độ của tổng thống rất rõ ràng: Chính phủ khóa này không biết bất kỳ bí mật hay thỏa thuận ‘quân tử’ nào, nếu chính phủ khóa trước có thỏa thuận như vậy, thì thỏa thuận đó đã bị thu hồi (trong chính phủ khóa này).”
So với người tiền nhiệm, Philippines dưới thời ông Marcos đã tích cực hơn trong việc bảo vệ các quyền của Philippines đối với vùng đặc quyền kinh tế của mình thông qua các tuyên bố công khai, đồng thời thiết lập các liên minh quân sự chặt chẽ hơn với các quốc gia khác đang tìm cách duy trì pháp quyền về mặt chiến lược.
Đầu tháng này, ông Marcos đã tham dự hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Philippines, Nhật Bản và Mỹ, cam kết tăng cường hợp tác kinh tế và hàng hải. Ba nước và Úc cũng tổ chức tập trận bốn bên ở biển Tây Philippines. ĐCSTQ tỏ ra tức giận và nói rằng việc này có thể làm leo thang căng thẳng trong khu vực.
Quân đội Philippines bác bỏ những lời chỉ trích của ĐCSTQ và cho biết cuộc tập trận nhằm tăng cường khả năng phòng thủ lãnh thổ của Manila và không nhằm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào.
Philippines sẽ tổ chức cuộc tập trận thường niên “Vai kề Vai” (Balikatan) kéo dài 6 ngày với Mỹ bắt đầu từ thứ Năm tuần này (25/4). Hơn 16.800 quân nhân Mỹ, Philippines và Úc cũng như các tàu khu trục của hải quân Pháp sẽ tham gia. Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA) đưa tin, ĐCSTQ đã cử tàu trinh sát điện tử hải quân “Sao Thiên Vương” đi sau theo dõi.
Đại sứ Pháp cho biết hôm thứ Năm (25/4) rằng Pháp đang tăng cường hợp tác an ninh với Philippines. Pháp và Philippines sẽ bắt đầu đàm phán vào tháng tới về một hiệp ước quốc phòng cho phép quân đội hai nước tiến hành tập trận trên lãnh thổ của nhau.
Đại sứ Pháp tại Philippines Marie Fontanel cho biết bộ trưởng quốc phòng Pháp và Philippines đã nhất trí vào tháng 12 năm ngoái tại Manila về việc tìm kiếm một thỏa thuận như vậy. Các quan chức của cả hai nước sẽ gặp nhau tại Paris vào tháng tới để đàm phán về thỏa thuận quân đội thăm viếng.
Philippines hiện có các thỏa thuận “Thỏa thuận địa vị quân đồn trú” (status-of-forces agreements, hoặc Thỏa thuận quân đội thăm viếng) với Mỹ và Úc. Những thỏa thuận như vậy cung cấp khuôn khổ pháp lý cho các lực lượng quân sự nước ngoài tiến vào một quốc gia.
Philippines và Nhật Bản dự kiến sẽ ký Thỏa thuận tiếp cận tương hỗ (RAA) vào cuối năm 2024 trong bối cảnh tranh chấp leo thang với Trung Quốc ở Biển Đông. RAA – rất giống với Thỏa thuận quân đội với Mỹ – sẽ đóng vai trò là hướng dẫn cho các lực lượng Philippines tiến vào và hoạt động trên lãnh thổ và tàu thuyền của Nhật Bản và ngược lại.
Đây sẽ là RAA Nhật Bản đầu tiên ký kết với một thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và là lần thứ ba sau khi ký thỏa thuận với Úc và Vương quốc Anh vào đầu năm nay.
Từ khóa Philippines quan hệ Trung Quốc - Philippines Dòng sự kiện