Philippines từ bỏ ‘Vành đai và Con đường’, mong Mỹ, Nhật tiếp quản các dự án đường sắt
- Trí Đạt
- •
Philippines đang tìm kiếm các thỏa thuận tài chính khác sau khi từ bỏ đàm phán với Bắc Kinh. Các quan chức phụ trách dự án đường sắt chở hàng của Philippines cho biết, dự án có thể được xây dựng với sự hỗ trợ từ Mỹ và Nhật Bản.
Tuyến đường sắt Subic-Clark, với chi phí xây dựng khoảng 50 tỷ peso (tương đương 868 triệu USD), sẽ kết nối một số căn cứ quân sự cũ của Mỹ và biến chúng thành trung tâm thương mại. Dự án được coi là một phần của “Hành lang kinh tế Luzon”.
“Hy vọng rằng họ (Mỹ và Nhật Bản) sẽ tiếp quản và đầu tư vào đây”, Chủ tịch “Cơ quan Phát triển và Chuyển đổi Căn cứ” (Bases Conversion and Development Authority, BCDA) Delfin Lorenzana nói với Bloomberg hôm thứ Sáu (ngày 19/4).
Vào tháng Mười năm ngoái, “Sáng kiến Vành đai và Con đường” đã phải chịu thất bại nặng nề ở Philippines. Philippines tuyên bố chấm dứt 3 dự án xây dựng đường sắt với Trung Quốc, trong đó có tuyến đường sắt Subic-Clark dài 71km. Các dự án này do chính quyền Duterte tiền nhiệm khởi xướng, ban đầu dự kiến sẽ do Trung Quốc tài trợ và xây dựng. Thông báo của Philippines được đưa ra vào thời điểm quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines đang xấu đi do tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
- Sinh viên Trung Quốc đột ngột ồ ạt đến Philippines, gây lo ngại an ninh quốc gia
- Philippines nói quyết định củng cố quan hệ với Nhật, Mỹ là ‘lựa chọn chủ quyền’
Ngày 11/4, Tổng thống Mỹ Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên mang tính lịch sử, lãnh đạo ba nước tuyên bố thành lập “Hành lang kinh tế Luzon“, cải thiện kết nối giữa Vịnh Subic, Clark, Manila và các tỉnh Batangas của Philippines, đồng thời đẩy nhanh đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng, bao gồm cảng, năng lượng sạch, chuỗi cung ứng chất bán dẫn và kinh doanh nông nghiệp.
Đây là động thái mới nhất của Mỹ và Nhật Bản nhằm đối kháng lại ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Dự kiến, Mỹ, Nhật Bản và Philippines sẽ tổ chức một cuộc gặp ba bên khác tại Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ở Manila vào tháng Năm để thúc đẩy đầu tư vào dự án.
Philippines cho biết họ hy vọng sẽ đạt được khoảng 100 tỷ USD trong các hợp đồng đầu tư trong vòng 5 đến 10 năm sau hội nghị thượng đỉnh Washington.
Ông Lorenzana, Chủ tịch “Cơ quan Phát triển và Chuyển đổi Căn cứ” (Bases Conversion and Development Authority, BCDA) nói: “Chúng tôi chưa từ bỏ dự án đường sắt Subic-Clark.”
Ông Lorenzana, cũng từng là Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, cho biết ông sẽ “yên tâm hơn” nếu Mỹ và Nhật Bản tiếp quản dự án.
“Nếu không phải họ, có thể là Hàn Quốc hoặc các quốc gia khác thân thiện với chúng tôi”, ông nói và cho biết thêm rằng chính phủ cũng đang xem xét tìm kiếm nguồn tài trợ từ Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á.
Ông cũng cho biết các dự án BCDA có thể nằm trong Hành lang Kinh tế Luzon, cũng bao gồm việc xây dựng đường băng thứ hai tại Sân bay Quốc tế Clark và Nhà ga Thực phẩm Quốc gia Clark rộng 64 ha, nhằm mục đích đưa Philippines trở thành trung tâm tài nguyên nông nghiệp hàng đầu trong khu vực. Đường băng dự kiến có chi phí khoảng 174 triệu USD, bến tàu dự kiến có chi phí khoảng 152 triệu USD.
Ông nói, Subic và Clark là những địa điểm “rất có ý nghĩa chiến lược”.
“Subic là một trong số ít cảng nước sâu có thể tiếp nhận các tàu có kích thước bất kỳ và không bị ảnh hưởng bởi bão, và Clark có không gian rộng lớn,” ông Lorenzana cho biết. “Chúng tôi có sẵn nhân lực, chỉ cần được đào tạo thì có thể hoàn thành công việc này”.
Từ khóa Philippines sáng kiến 'Vành đai và Con đường' quan hệ Trung Quốc - Philippines Một vành đai một con đường quan hệ Mỹ - Nhật Bản