Các nhà lãnh đạo của nhóm quan hệ đối tác Tứ giác Ấn Độ – Thái Bình Dương (Bộ tứ – Quad), bao gồm Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ, đã công bố những nỗ lực mới vào ngày 21/9 để tăng cường năng lực an ninh hàng hải chung của nhóm và mở rộng các lĩnh vực hợp tác khác trong khu vực.

Bo Tu hop tai Hoa Ky
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden chụp ảnh kỷ niệm cùng với Thủ tướng Úc Anthony Albanese, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida khi các nhà lãnh đạo nhóm Bộ Tứ họp tại Wilmington, Delaware, Hoa Kỳ vào ngày 21 tháng 9 năm 2024. (Nguồn ảnh: BRENDAN SMIALOWSKI/AFP via Getty Images)

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh trực tiếp các nhà lãnh đạo Bộ Tứ lần thứ tư tại thành phố Wilmington thuộc tiểu bang Delaware, Hoa Kỳ vào ngày 21/9 để thảo luận một loạt chủ đề liên quan đến bốn quốc gia này, bao gồm các cách thức thực thi luật pháp quốc tế trên các tuyến đường hàng hải ở Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh, Nhà Trắng thông báo rằng các đối tác của Bộ Tứ sẽ sớm bắt đầu một cuộc tập trận bảo vệ bờ biển chung đầu tiên của nhóm. Sự kiện này sẽ trở thành nỗ lực huấn luyện luân phiên của nhóm. Hoa Kỳ sẽ chủ trì vòng huấn luyện chung đầu tiên. Các quân nhân Úc, Nhật Bản, và Ấn Độ sẽ lên tàu Cảnh sát biển Hoa Kỳ để học hỏi và trao đổi kỹ năng.

Nhà Trắng cho biết, Bộ Tứ cũng sẽ mở rộng sáng kiến Quan hệ đối tác Ấn Độ – Thái Bình Dương về Nhận thức Khu vực Hàng hải (IPMDA) hiện có. Sáng kiến IPMDA nhằm mục đích tăng cường tính minh bạch về hoạt động hàng hải trong khu vực và cách các quốc gia có thể khẳng định các yêu sách khác nhau của mình trên các tuyến đường hàng hải ở Ấn Độ – Thái Bình Dương. Sáng kiến này không chỉ cung cấp nhận thức cho các thành viên Bộ Tứ, mà còn cung cấp cho các quốc gia đối tác khác trong khu vực.

Quan hệ đối tác bốn bên của Bộ Tứ có khả năng đóng vai trò kiểm soát những theo đuổi bành trướng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng các thành viên Bộ Tứ đã tránh công bố bất kỳ liên minh quân sự bốn bên nào mà có thể một ngày nào đó phải đối mặt với chiến tranh với chính quyền cộng sản Trung Quốc nếu Bắc Kinh tiến hành thực thi mô hình quản lý của họ trong khu vực. Thay vào đó, Hoa Kỳ đã theo đuổi các liên minh song phương riêng biệt và các quan hệ đối tác an ninh định vị cụ thể hơn để đối phó với các hành động thù địch trong khu vực.

Mỹ – Úc

Tổng thống Joe Biden đã gặp Thủ tướng Úc Anthony Albanese vào tối ngày 20/9 để thảo luận song phương trước cuộc họp chính của Bộ Tứ. Trong bài phát biểu sau buổi thảo luận, cả Tổng thống Biden và Thủ tướng Albanese đều nhấn mạnh tính trung tâm của các giá trị chung của liên minh Mỹ – Úc đối với mối quan hệ giữa hai quốc gia. Cả hai nhà lãnh đạo Mỹ – Úc đề cập một cách ngắn gọn về “sự hợp tác sâu sắc” trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, quan hệ kinh tế, cũng như các sáng kiến về khí hậu và năng lượng sạch.

Theo bản tin của Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo Mỹ – Úc đã thảo luận về sự ủng hộ của họ đối với việc duy trì hòa bình trên khắp Eo biển Đài Loan. Người dân Đài Loan từ lâu đã tự cai trị đảo quốc của mình một cách độc lập khỏi Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn coi Đài Loan, còn được gọi Trung Hoa Dân Quốc, là một phần lãnh thổ của mình mặc dù không có hiệp ước hòa bình chính thức nào chấm dứt cuộc nội chiến Trung Quốc vào năm 1949. Kể từ những năm 1970, Hoa Kỳ đã ủng hộ một hiện trạng mơ hồ về mặt chiến lược đối với câu hỏi ai nên kiểm soát Đài Loan.

Bản tin của Nhà Trắng về cuộc gặp Biden – Albanese cho biết: “Các nhà lãnh đạo [Mỹ – Úc] đã thảo luận về chính sách ngoại giao tương ứng của họ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) và mối quan ngại chung của họ về các hoạt động cưỡng ép và gây bất ổn của CHND Trung Hoa, bao gồm ở cả Biển Đông”. 

Mỹ  – Nhật Bản

Tiếp theo, Tổng thống Joe Biden đã gặp người đồng cấp Nhật Bản, Thủ tướng Fumio Kishida vào chiều ngày 21/9 để thảo luận song phương lần thứ hai.

Bản tin của Nhà Trắng lưu ý: “Tổng thống [Biden] đã ca ngợi sự lãnh đạo dũng cảm có tầm nhìn xa trông rộng của Thủ tướng [Kishida] trong ba năm qua, điều này đã củng cố một cách căn bản năng lực quốc phòng của Nhật Bản và làm thay đổi vai trò của nước này trên thế giới. Ông ấy [Tổng thống Biden] đã cảm ơn Thủ tướng [Kishida] về sự ủng hộ kiên quyết của ngài ấy trong việc tăng cường hợp tác quốc phòng của Liên minh [Mỹ-Nhật], bao gồm cả chỉ huy và kiểm soát, hợp tác công nghiệp quốc phòng, cũng như tăng cường các cuộc tập trận và huấn luyện, đồng thời thúc đẩy một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”. 

Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Biden và Thủ tướng Kishida “đã nhắc lại quyết tâm của họ trong việc duy trì hòa bình và ổn định trên khắp Eo biển Đài Loan và nhấn mạnh sự phản đối của họ đối với bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực”. 

Tổng thống Biden cũng cảm ơn Thủ tướng Kishida vì sẵn sàng phát triển mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, điều này cho phép mở rộng quan hệ đối tác ba bên Mỹ – Nhật – Hàn. Quan hệ đối tác ba bên này có thể giúp ích cho việc củng cố hiện trạng trong khu vực. 

Các nhà lãnh đạo Mỹ – Nhật còn thảo luận về những nỗ lực chung nhằm phát triển và bảo vệ các công nghệ quan trọng, chẳng hạn như chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, hai lĩnh vực đang có sự cạnh tranh ngày càng tăng với chế độ Trung Quốc cộng sản.

Mỹ – Ấn Độ

Nhà Trắng đã công bố tài liệu thông tin chung với chính quyền của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào ngày 21/9, trong đó nhấn mạnh sự hợp tác Mỹ – Ấn hiện tại về một loạt vấn đề, bao gồm công nghệ quốc phòng và thăm dò không gian. Tài liệu thông tin này lưu ý, Ấn Độ có kế hoạch mua các máy bay không người lái MQ-9 Reaper, và quan hệ đối tác Mỹ – Ấn sẽ giúp duy trì phi đội máy bay vận tải quân sự C-130J Super Hercules của Ấn Độ.

Nhà Trắng cũng công bố lộ trình đưa ra sáng kiến năng lượng sạch Mỹ – Ấn. Lộ trình này mô tả kế hoạch mở rộng sản xuất các bộ phận thiết bị năng lượng mặt trời và năng lượng gió.

Lộ trình này kêu gọi đầu tư khoảng 1 tỷ USD nguồn tài chính đa phương mới thông qua Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế để giúp mở rộng chuỗi cung ứng năng lượng sạch trong nước của Ấn Độ.

Tài liệu của Nhà Trắng lưu ý: “Theo thời gian, chúng tôi tìm cách huy động nguồn tài chính bổ sung cho các lĩnh vực sản xuất năng lượng sạch ưu tiên bằng cách khai thác các công cụ tài chính công và tư nhân, đồng thời đi tiên phong về các phương tiện tài chính đổi mới nhằm đáp ứng nhu cầu nhanh chóng về các giải pháp tài chính môi trường linh hoạt”. 

Một mục tiêu khác của lộ trình năng lượng sạch Mỹ – Ấn này là xác định các cách thức để mở rộng các chuỗi cung ứng về các bộ phận thiết bị năng lượng sạch. Lộ trình này cũng bao gồm việc hợp tác với các quốc gia đối tác châu Phi trong các dự án mới về xe điện và năng lượng mặt trời. 

Ryan Morgan/The Epoch Times

Gia Huy biên dịch