Bộ Tư pháp Mỹ xác định 4 công dân Trung Quốc hoạt động tin tặc cho ĐCSTQ
- Lâm Nghiên
- •
Hôm thứ Hai (19/7), Bộ Tư pháp Mỹ đã thông báo rằng 4 công dân Trung Quốc đã hoạt động tin tặc trên khắp thế giới trong thời gian từ năm 2011 – 2018; mục tiêu là sở hữu trí tuệ và bí mật thương mại từ hàng chục công ty, trường Đại học và cơ quan chính phủ ở Mỹ cùng nhiều nước khác nhằm phục vụ lợi ích của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và giới doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc. Cáo trạng xác định các đối tượng đã lập công ty bình phong để che đậy vai trò của ĐCSTQ trong các hành vi trộm cắp này.
Thông báo của Bộ Tư pháp được đưa ra vào thời điểm Mỹ và nhiều nước khác cáo buộc cơ quan an ninh của ĐCSTQ thực hiện các hoạt động tin tặc toàn cầu. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, trọng tâm của hoạt động tin tặc là thu thập thông tin đặc biệt quan trọng, bao gồm cả quá trình nghiên cứu và phát triển, trợ giúp các công ty [nhà nước] Trung Quốc.
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết trong một thông cáo báo chí phát hành vào ngày 19/7 cáo buộc 4 đối tượng Trung Quốc tham gia vào các cuộc xâm nhập máy tính toàn cầu, với mục tiêu là “quyền sở hữu trí tuệ và bí mật kinh doanh, và cả nghiên cứu về bệnh tật truyền nhiễm”.
Theo thông cáo báo chí, 4 công dân Trung Quốc bị cáo buộc thực hiện các hoạt động này vào thời gian từ năm 2011 – 2018. Họ đã đột nhập vào hệ thống máy tính của hàng chục công ty, trường Đại học và các tổ chức chính phủ ở Mỹ và nước ngoài. Bản cáo trạng tuyên bố rằng những âm mưu trộm cắp này chủ yếu là để lấy thông tin có thể mang lại lợi ích kinh tế lớn cho các công ty và cơ quan thương mại của Trung Quốc, một số trong đó có thể cho phép các công ty và tổ chức thương mại của Trung Quốc tránh được “quá trình R&D kéo dài và tốn nhiều nguồn lực”.
Cáo trạng nêu rõ có 3 bị cáo là nhân viên của Cục An ninh Nhà nước (HSSD) tỉnh Hải Nam thuộc Bộ An ninh Nhà nước (MSS) của ĐCSTQ.
Bộ Tư pháp Mỹ xác định các bị cáo và đồng phạm của họ là Cục An ninh Quốc gia Hải Nam đã cố gắng che giấu vai trò của chính quyền ĐCSTQ trong loại hình trộm cắp này bằng cách thành lập công ty bình phong “Hainan Xiandun Technology Development Co., Ltd”.
Cáo trạng cáo buộc các bị cáo gồm Ding Xiaoyang, Cheng Qingmin và Zhu Yunmin là nhân viên của Ban An ninh Quốc gia Hải Nam; họ là những chuyên gia ngôn ngữ học và hacker máy tính phụ trách điều phối, thúc đẩy và quản lý tin tặc máy tính tại Công ty Xiandun Hải Nam và các công ty bình phong khác của Bộ An ninh Quốc gia ĐCSTQ, để thực hiện các cuộc tấn công tin tặc có lợi cho các tổ chức do ĐCSTQ hậu thuẫn.
Cáo trạng cáo buộc Wu Shurong là một tin tặc máy tính, trong những công việc tại Công ty Xiandun Hải Nam có nhiệm vụ tạo ra phần mềm độc hại, xâm nhập hệ thống máy tính của các chính phủ, công ty và trường Đại học nước ngoài, đồng thời quản lý các tin tặc khác của Công ty Xiandun Hải Nam.
Bộ Tư pháp Mỹ xác định những tin tặc này đã nhắm mục tiêu vào các thực thể ở Mỹ, Áo, Campuchia, Canada, Đức, Indonesia, Malaysia, Na Uy, Ả Rập Xê Út, Nam Phi, Thụy Sĩ và Vương quốc Anh. Các ngành công nghiệp mục tiêu bao gồm hàng không, quốc phòng, giáo dục, chính phủ, chăm sóc sức khỏe, dược phẩm sinh học và các vấn đề hàng hải. Các bí mật kinh doanh bị đánh cắp và thông tin kinh doanh bí mật bao gồm các công nghệ nhạy cảm được sử dụng trong tàu lặn và xe hơi không người lái, công thức hóa học đặc biệt, dịch vụ máy bay thương mại, công nghệ và dữ liệu trình tự gen độc quyền, và thông tin nước ngoài.
Bộ Tư pháp Mỹ xác định, ĐCSTQ hy vọng có được những thông tin nước ngoài này để hỗ trợ trong việc giúp các doanh nghiệp nhà nước của ĐCSTQ có được hợp đồng tại các quốc gia mục tiêu (ví dụ, các dự án phát triển đường sắt tốc độ cao quy mô lớn). Đối với các tổ chức nghiên cứu và trường Đại học, mục tiêu tấn công của tin tặc là nhắm vào hoạt động nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm liên quan đến Ebola, MERS, HIV/AIDS, virus Marburg, và bệnh sốt rét.
Bộ Tư pháp Mỹ cũng xác định các nhân viên Bộ An ninh Quốc gia ĐCSTQ bị cáo buộc này đã phối hợp với các nhân viên và giáo sư từ nhiều trường Đại học khác nhau ở Hải Nam và các khu vực khác của Trung Quốc để thực hiện các mục tiêu của âm mưu. Các trường Đại học này không chỉ hỗ trợ Bộ An ninh Quốc gia xác định và tuyển dụng tin tặc cùng những nhà ngôn ngữ học để xâm nhập và đánh cắp mạng máy tính của các thực thể mục tiêu, bao gồm cả các đối tác của họ ở nhiều trường Đại học nước ngoài, còn xác định các nhân viên của Đại học Hải Nam giúp hỗ trợ và quản lý công ty bình phong Xiandun Hải Nam trong các hoạt động như quản lý tiền lương, phúc lợi và địa chỉ gửi thư.
Các bị cáo đều bị truy tố một tội danh âm mưu lừa đảo máy tính với mức án tối đa là 5 năm tù, ngoài ra một tội danh khác là âm mưu gián điệp kinh tế với mức án tối đa là 15 năm tù. Mức án tối đa có thể xác định đối với trường hợp này sẽ do Quốc hội Mỹ ấn định, còn mức hiện tại chỉ mang tính chất tham khảo, vì mức án nào của bị cáo sẽ do thẩm phán được chỉ định kết án.
Theo Lâm Nghiên, Epoch Times
Xem thêm:
Từ khóa tin tặc Trung Quốc Hacker ĐCSTQ Hainan Xiandun Technology Development Co.