Borrell xác nhận đúng rằng ông Biden đã cho phép vũ khí tầm xa tấn công Nga
- Nhật Tân
- •
“Chính quyền Biden đã cho phép dùng vũ khí [Mỹ] ở phạm vi lên tới 300 km đánh vào lãnh thổ Nga,” chính khách cấp cao của EU Josep Borrell trả lời phóng viên hôm Thứ Hai, “Chính quyền Mỹ nói ‘NO’ trong một thời gian dài và cuối cùng họ đã nói ‘YES’.” Quyết định của Tổng thống Joe Biden là sự leo thang đáng kể chiến tranh Ukraine, sau khi Nga tuyên bố rằng nếu làm như vậy sẽ được coi là NATO trực tiếp tham chiến. Sự việc xảy ra khi nhiệm kỳ ông Biden chỉ còn 2 tháng, trước khi chuyển giao cho Donald Trump, người đã hứa sẽ chấm dứt chiến tranh Ukraine một cách nhanh nhất. Điều ấy khiến nảy sinh nghi ngờ về động cơ đằng sau quyết định này của ông Biden.
Hôm Chủ Nhật, New York Times và các kênh truyền thông Mỹ đồng loạt đưa tin về việc chính quyền Biden cho phép dùng vũ khí tầm xa (tên lửa ATACMS) tấn công vào lãnh thổ Nga, dẫn nguồn tin là từ quan chức chính phủ Mỹ.
Trong họp báo sau khi họp giữa các ngoại trưởng các nước EU hôm Thứ Hai ở Brussels, ông Borrell đã xác nhận việc này, bình luận rằng, “Về tầm bắn tuy không xa, cũng không đi sâu vào nước [Nga], nhưng đây là quyết định của chính quyền Biden.”
“Tại sao họ đưa ra quyết định ấy vào lúc này mà không phải trước lúc bầu cử [tổng thống]? Tôi không biết,” ông Borrell nói thêm.
Theo phân tích của Daniel Kovalik, một nhà hoạt động nhân quyền và chính trị người Mỹ, thì đó là do ông Biden không muốn một quyết định leo thang chiến tranh, mang theo hình ảnh của phe hiếu chiến, sẽ gây ảnh hưởng tới quá trình ứng viên của Đảng Dân chủ tham gia bầu cử tổng thống.
Truyền thông của Tây phương, chủ yếu là Anh quốc, đã bàn tán rất nhiều về việc dùng vũ khí tầm xa tấn công sâu vào lãnh thổ Nga từ hồi tháng 9. Đích thân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tới Mỹ vào cuối tháng 9, và trong cái mà ông gọi là “kế hoạch chiến thắng” thì việc vũ khí tầm xa này là 1 trong các điểm then chốt. Bấy giờ, phía Nga nói rằng nếu Mỹ hoặc NATO làm vậy thì tương đương với NATO trực tiếp tham chiến, không còn là chiến tranh ủy nhiệm thông qua Ukraine nữa.
Theo phân tích của Daniel Davis, một cựu quân nhân Mỹ nay mở kênh trên mạng xã hội chuyên bình luận về chiến tranh, thì có khả năng rất lớn là Zelensky đã biết việc này. Theo đoạn video khi Zelensky tuyên bố “những điều này không phải là để tuyên bố, mà hãy để các tên lửa tự lên tiếng nói” và đoạn video khi Zelensky cười khi phóng viên cho rằng Donald Trump có thể buộc ông ta ngồi vào đàm phán, cho thấy thái độ rất tự tin của Zelensky, tự tin khác thường.
Ngoài ra, trong thông báo hôm Chủ Nhật của truyền thông Mỹ, thì cái lý do cho việc ông Biden cho dùng vũ khí tầm xa ấy là để trả đũa việc Nga dùng đến quân Bắc Triều Tiên, nhưng mà theo ông Davis chỉ ra, vụ quân Bắc Triều Tiên lùm xùm mãi cho đến nay, nhưng vẫn chưa có bằng chứng nào mang tính độc lập một cách thực chất về việc này. Ngoài ra, hiển nhiên với số quân Bắc Triều Tiên, nếu thật sự có tham chiến và đúng như Kiev nói là hơn 11.000, thì cũng không đáng kể so với tầm cỡ cuộc chiến tranh này. Mà tỉnh Kursk, nơi mà ông Zelensky nói là sẽ đụng quân Bắc Triều Tiên, thì cũng không phải tầm xa gì cả. Cho nên việc dùng vũ khí tầm xa đánh quân Bắc Triều Tiên ở tỉnh Kursk, là một cái cớ mà không cần che giấu sự trần trụi của nó.
Cho nên ông Davis cho rằng quyết định vũ khí tầm xa là đã có từ trước, và quân Bắc Triều Tiên chỉ là cái cớ. Theo ông thì lý do đích thực cũng không phải là vì để Ukraine có được lợi thế trong chiến tranh, khi ngay cả Bộ Trưởng quốc phòng Lloyd Austin đã nói rằng vũ khí tầm xa không thay đổi được kết cục cuộc chiến, và Nga đã di rời hầu hết các mục tiêu quân sự khỏi tầm bắn của ATACMS rồi.
Theo ông Davis thì nguyên nhân chủ yếu là để gây khó dễ cho Donald Trump, người đã hứa sẽ chấm dứt chiến tranh Ukraine trong thời gian sớm nhất, trước khi nhậm chức 20/1, thậm chí chỉ cần 24 giờ sau khi chính thức đắc cử.
Theo Reuters thì Kiev có khả năng sẽ tiến hành tấn công bằng vũ khí tầm xa vào lãnh thổ Nga trong thời gian gần sắp tới, khiêu khích lằn ranh đỏ của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Theo truyền thông Nga, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã tái khẳng định khi trả lời phỏng vấn của báo chí về việc này, rằng nếu Nga bị tấn bằng vũ khí tầm xa thi đó là “các nước NATO đang tham chiến chống Nga.”
Khi được hỏi rằng theo ông phỏng đoán thì Donald Trump sau khi nhậm chức sẽ hủy bỏ quyết định này của Joe Biden hay không, thì ông Peskov né tránh trả lời, và chỉ bình luận về việc leo thang chiến tranh, rằng “đây chắc chắn sẽ là một vòng xoáy leo thang căng thẳng mới về chất và một tình huống mới về chất khi Mỹ tham gia vào cuộc xung đột này.”
Nhật Tân
Từ khóa Dòng sự kiện Chiến tranh Nga - Ukraine Donald Trump Joe Biden