Các nhà lập pháp đề xuất loại trừ Myanmar khỏi ASEAN nếu quân đội không lùi bước
- Lê Xuân
- •
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) phải khai trừ Myanmar nếu các nhà cầm quyền quân sự của nước này từ chối khôi phục nền dân chủ và trả tự do cho các nhà lãnh đạo dân sự sau cuộc đảo chính hồi tháng Hai, sáu nhà lập pháp nổi tiếng trong khu vực nêu ý kiến hôm thứ Tư, theo SCMP.
Tuyên bố chung – do lãnh đạo phe đối lập lưu vong Campuchia Sam Rainsy khởi xướng – cho biết các chính phủ khu vực trong khối 10 quốc gia cần từ bỏ “học thuyết cũ về không can thiệp” vào công việc của các thành viên ASEAN khác, thay vào đó cần tìm ra các khả năng trừng phạt kinh tế đối với quân đội.
Lãnh đạo phe đối lập của Malaysia Anwar Ibrahim, nghị sĩ và cựu phó chủ tịch quốc hội Indonesia Fadli Zon, thượng nghị sĩ Philippines Kiko Pangilinan, cựu nghị sĩ chính phủ Singapore Charles Chong và cựu ngoại trưởng Thái Lan Kasit Piromya là những người đã cùng ký tuyên bố chung.
“Trọng tâm của vấn đề [là] các chính phủ của ASEAN bị bất lợi bởi học thuyết không can thiệp mà họ tự áp đặt,” tuyên bố cho biết. “Học thuyết này có thể cần thiết trong quá khứ, nhưng nó đã trở thành một cản trở và trở ngại lớn đối với sự phát triển của các nền dân chủ, cũng như cản trở việc bảo vệ các quyền cơ bản của các dân tộc ASEAN”.
“Tất cả các chính phủ ASEAN khác phải đoàn kết và gửi một thông điệp rõ ràng tới quân đội Myanmar, buộc họ phải ngay lập tức tất cả các tù nhân chính trị, khôi phục tình hình chính trị ở Myanmar như trước cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2 năm 2021 và tôn trọng lá phiếu của người dân trong Tổng tuyển cử tháng 11 năm 2020,” các chính trị gia nói thêm.
“Tất cả những kẻ chịu trách nhiệm về việc giết hại những người vô tội cũng phải bị truy tố và đưa ra công lý. Nếu không, tất cả các chính phủ ASEAN khác phải đoàn kết và đình chỉ tư cách thành viên ASEAN của Myanmar và sau đó áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và thương mại nhằm chống lại chính quyền quân sự và các cộng sự của họ.”
Tuyên bố của các nhà lập pháp được đưa ra khi quân đội Myanmar tiếp tục gia tăng bạo lực chống lại thường dân không vũ trang trên khắp đất nước.
Văn phòng nhân quyền Liên Hợp Quốc hôm thứ Ba (16/3) cho biết ít nhất 149 người đã thiệt mạng kể từ khi cuộc đảo chính. Trong khi đó, Nhóm hoạt động của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP) ước tính đã có 217 người thiệt mạng và nói rằng con số thực tế có thể cao hơn nhiều.
Trước đó vào tháng 3, ASEAN đã triệu tập một cuộc họp đặc biệt nhằm xoa dịu tình hình, nhưng các cuộc đàm phán không mang lại kết quả.
Khối này đã lên án bạo lực nhưng khẳng định sẽ không áp dụng các biện pháp trừng phạt, nói rằng các cuộc đàm phán giữa đảng Liên minh Quốc gia vì dân chủ (NLD) và quân đội vẫn là hy vọng tốt nhất cho một giải pháp hòa bình.
Các quốc gia riêng lẻ cũng đã nhấn mạnh rằng họ không có kế hoạch từ bỏ nguyên tắc “không can thiệp” của ASEAN.
Hiện không có quy định cụ thể nào trong Hiến chương ASEAN về các cách thức đình chỉ hoặc loại bỏ các quốc gia thành viên. Do đó, bất kỳ động thái nào nhằm đình chỉ tư cách thành viên của Myanmar chỉ có thể được thực hiện nếu nhận được sự ủng hộ nhất trí từ những người đứng đầu chính phủ của các nước còn lại trong khối.
Trong khi đó, Hoa Kỳ đã áp đặt một số biện pháp trừng phạt đối với các nhà lãnh đạo quân đội chủ chốt ngay sau cuộc đảo chính và Liên minh châu Âu được cho là đang lên kế hoạch cho hành động tương tự trong thời gian tới.
Ông Kasit, người từng là ngoại trưởng của Thái Lan từ năm 2008 đến năm 2011, lưu ý rằng đã có tiền lệ về sự can thiệp không chính thức của khu vực vào các vấn đề của Myanmar.
Ông nói rằng ông và những người đồng cấp khác trong khu vực đã tương tác chặt chẽ với các đại diện quân đội vào thời điểm đó để gây áp lực buộc các nhà cầm quyền quân sự phải tuân theo một lộ trình hướng đến nền dân chủ.
Từ năm 2010, quân đội Myanmar đã bắt đầu thực hiện các cải cách dân chủ sau gần 5 thập kỷ cai trị chuyên quyền.
Sau đó, đảng NLD của bà Suu Kyi lên nắm quyền trong cuộc bầu cử năm 2015 và cũng đã giành được chiến thắng trong cuộc bầucuwr vào tháng 11 năm ngoái.
Chính quyền quân sự hiện tại cho biết họ sẽ tổ chức lại cuộc bầu cử mới và sẽ giao chính quyền cho bên chiến thắng, cáo buộc cuộc bầu cử tháng 11 là gian lận. Tuy nhiên, chưa có lịch trình cụ thể được đưa ra.
Ông Rainsy, chính trị gia Campuchia lưu vong, cảnh báo rằng không chấp nhận những cáo buộc và yêu cầu của quân đội về những bất thường trong cuộc bầu cử vào tháng 11. “Chúng ta cần xác định rõ quá trình chuyển đổi hướng tới cái gì? Nó phải hướng tới quá trình chuyển đổi dân chủ,” ông Rainsy nói trong cuộc họp báo.
“Tôi nghĩ rằng quá trình chuyển đổi phải dựa trên kết quả của cuộc bầu cử tháng 11 năm 2020 và chúng ta không thể tin tưởng vào chính quyền quân sự và lời hứa của họ rằng họ sẽ tổ chức một cuộc bầu cử khác vào năm tới,” ông nói.
Các chính trị gia cũng đưa ra quan điểm của họ về việc liệu các đại diện của quân đội Myanmar có nên được phép tham dự các cuộc họp của ASEAN hay không.
Ông Kasit cho biết theo truyền thống, khối “không có điều kiện” về “loại chính phủ nào” sẽ được phép tham gia các cuộc họp.
Ông nói thêm rằng cuộc gặp tại Bangkok vào ngày 24/2 giữa Bộ trưởng Ngoại giao do chính quyền quân sự bổ nhiệm là ông Wunna Maung Lwin và người đồng cấp Indonesia Retno Marsudi chính là “sự công nhận ngầm” về quyền lực của quân đội.
Ông cho biết các nhà lãnh đạo ASEAN có quyền sử dụng các cuộc họp của khối để đưa ra tối hậu thư cho các đại diện quân đội, rằng nước này sẽ phải đối mặt với việc bị loại trừ khỏi khối nếu tình trạng bạo lực đối với dân thường không chấm dứt và các nhà lãnh đạo NLD vẫn bị giam giữ.
Ông Zon, nghị sĩ Indonesia, cho biết ông đang xem xét đưa ra đề xuất cho Hội đồng liên nghị viện ASEAN đình chỉ tư cách thành viên quốc hội Myanmar cho đến khi nền dân chủ được khôi phục.
Lê Xuân (theo SCMP)
Xem thêm:
Từ khóa Asean tư cách thành viên Myanmar trong Asean