Các nước hợp tác để ứng phó với chiến lược “vùng xám” của ĐCSTQ trên Biển Đông
- Mộc Vệ
- •
Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines và Việt Nam trong tuần này sẽ lần đầu tiên tổ chức cuộc tập trận chung tại Vịnh Manila để thực hiện cam kết tăng cường hợp tác hàng hải.
Cuộc tập trận chung của lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines và Việt Nam sẽ được tổ chức vào ngày 9/8, là cuộc tập trận chung đầu tiên giữa hai nước. Hai nước đều tuyên bố chủ quyền đối với các phần của Biển Đông và đã đụng độ với lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp.
Vào tháng 1 năm nay, trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tới Việt Nam, Manila và Hà Nội đã ký hai thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác giữa lực lượng bảo vệ bờ biển hai nước để ngăn chặn những sự cố khó chịu trong sự kiện Biển Đông.
Tàu Cảnh sát biển Việt Nam CSB8002 dài 90 mét đã cập cảng Manila hôm thứ Hai để thực hiện chuyến thăm cảng kéo dài 5 ngày.
Các quan chức Cảnh sát biển Philippines (PCG) cho biết, tàu cảnh sát biển Việt Nam vào thứ Sáu sẽ tiến hành diễn tập với tàu tuần tra ngoài khơi dài 83 mét BRP Gabriela Silang của Philippines, tập trung vào Tìm kiếm cứu nạn và phòng chống cháy nổ.
Người phát ngôn Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines Armando Balilo cho biết: “Bất chấp sự cạnh tranh, (Philippines và Việt Nam) cũng là những bên có yêu sách ở Biển Tây Philippines, điều này cho thấy chúng tôi có thể hợp tác. Hy vọng rằng điều này sẽ mở ra một mô hình có thể áp dụng cho cả Trung Quốc, nhằm làm dịu căng thẳng”.
Manila gọi vùng biển trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ là Biển Tây Philippines.
Philippines và Việt Nam đã đệ trình riêng lên Liên Hợp Quốc các yêu sách về thềm lục địa mở rộng để công nhận quyền của mỗi bên vượt ra ngoài vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý ở Biển Đông.
Tuy nhiên, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm các phần biển được Philippines, Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Biển Đông là tuyến đường thủy chiến lược có lượng hàng hóa thương mại trị giá 3000 tỷ USD đi qua mỗi năm. Quan điểm phổ biến cho rằng Biển Đông dồi dào trữ lượng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên cũng như nguồn cá.
Mới đây một viện nghiên cứu về Biển Đông chia sẻ thông tin rằng một máy bay quân sự không người lái của Trung Quốc đã bật thiết bị theo dõi khi bay gần bờ biển Việt Nam vào tuần trước. Trong 5 năm theo dõi của tổ chức nghiên cứu này, đây là lần đầu tiên họ phát hiện Bắc Kinh công khai tiến hành các hoạt động như vậy. Chuyến bay diễn ra vài ngày sau khi Hà Nội tuyên bố sẽ tổ chức cuộc tập trận chung đầu tiên của lực lượng bảo vệ bờ biển với Philippines.
Lực lượng tuần tra bờ biển các nước hợp tác để ứng phó với chiến lược “vùng xám” của ĐCSTQ
Hơn 10 năm qua, ĐCSTQ đã thiết kế cách tiếp cận “vùng xám” với các nước láng giềng, sử dụng các xung đột phi quân sự, phi vũ lực, phi chính quy, dùng cách hợp tác giữa các tàu đánh cá, tàu tuần tra nghề cá, tàu cảnh sát biển và hải quân đã dần làm xói mòn sự ổn định hiện có ở Biển Đông và khiến tình hình ngày càng căng thẳng. Các nước láng giềng cũng bắt đầu đoàn kết phản công.
Tướng Dư Tông Cơ (Yu Tsung-chi), cựu Hiệu trưởng Trường Tác chiến chính trị tại Đại học Quốc phòng Đài Loan, nói với tờ Epoch Times hôm 3/8 rằng: “Trước hết, tôi tin rằng các quốc gia trong toàn bộ chuỗi đảo thứ nhất đang phải đối mặt với cách tiếp cận gọi là vùng xám của ĐCSTQ. Cách hiệu quả nhất hiện nay là tăng cường hợp tác tuần tra chung giữa lực lượng bảo vệ bờ biển các nước.”
“Bởi vì xét từ mỗi một quốc gia, số lượng tàu thuyền của riêng mỗi một nước thì đều không có cách nào so sánh với Trung Quốc. Vì vậy, bây giờ cách duy nhất để chống lại sự xâm nhập của ĐCSTQ vào vùng xám và dưới ngưỡng chiến tranh là sử dụng cái gọi là lực lượng dân quân, tàu đánh cá hoặc tàu tuần tra trên biển và tất cả các nước trong chuỗi đảo thứ nhất cùng hợp tác để ứng phó.”
Ông Dư Tông Cơ cho biết, Philippines gần đây đã tổ chức tuần tra hàng hải chung với Mỹ và mới đây đã hoàn tất hoạt động hợp tác như vậy với Nhật Bản. Do Philippines và Nhật Bản đã ký thỏa thuận tiếp cận chung, nên họ vừa hoàn thành cuộc tuần tra hàng hải chung sau khi ký kết.
Hôm Chủ nhật (4/8), Bộ trưởng Quốc phòng Đức và Philippines đã đạt được thỏa thuận đẩy nhanh việc xây dựng thỏa thuận quốc phòng giữa hai nước và thúc đẩy hợp tác bao gồm huấn luyện quân sự chung, bán vũ khí của Đức và chia sẻ thông tin an ninh hai bên; tuyên bố chung của hai bên cũng nhắc lại rằng họ sẽ tiếp tục duy trì các cam kết về tự do hàng hải theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.
Ông cho rằng việc Việt Nam tham gia tuần tra chung lực lượng bảo vệ bờ biển do Philippines kêu gọi cho thấy thực tế giữa Philippines và Việt Nam có sự hiểu ngầm với nhau: “Có nghĩa là, ngoài hợp tác cảnh sát biển còn có mặt trận hợp tác chung ở cấp độ pháp lý và luật pháp quốc tế.”
Ông cũng cho biết, Đài Loan và Nhật Bản thực tế đã hợp tác tuần tra hàng hải cách đây không lâu, Mỹ và Đài Loan cũng đã ký kết. “Nói cách khác, khi đối mặt với chiến lược quấy rối vùng xám trên biển của ĐCSTQ, tất cả chúng ta đều sử dụng bản ghi nhớ hợp tác tuần tra hàng hải chung để hình thành một mặt trận thống nhất ứng phó và đối kháng lại”.
Philippines có động thái lớn theo đuổi hợp tác quân sự với phương Tây
Căng thẳng giữa Philippines và ĐCSTQ ngày càng leo thang. Vào tháng 6 năm nay, lực lượng bảo vệ bờ biển hai nước đã xảy ra xung đột gay gắt. Theo hình ảnh do quân đội Philippines công bố, lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã dùng dao và các dụng cụ khác để đâm thủng tàu Philippines. Quân đội Philippines cũng cho biết một thủy thủ bị mất một ngón tay và bị thương nặng trong cuộc xung đột.
Philippines đã tăng cường hợp tác quân sự với các nước dân chủ. Thứ Sáu tuần trước (2/8), Lực lượng vũ trang Philippines tuyên bố Philippines và Nhật Bản đã tổ chức cuộc tập trận quân sự chung đầu tiên ở Biển Đông “nhằm tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế cũng như hợp tác cùng nhau để đạt được một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.
Ngày 31/7, quân đội Mỹ và Hải quân Philippines đã tổ chức cuộc tập trận chung ở Biển Đông. Philippines tuyên bố mục tiêu của hải quân hai nước là nâng cao năng lực chiến đấu chung và đảm bảo an ninh, ổn định hàng hải.
Vào tháng 4 năm nay, quân đội Mỹ đã lần đầu tiên triển khai hệ thống tên lửa tầm trung trên đảo Luzon trong cuộc tập trận chung Mỹ – Philippines, có thể phóng tên lửa hành trình “Tomahawk”. Phạm vi của nó có thể vươn tới các khu vực ven biển phía đông nam của Trung Quốc và các khu vực nhạy cảm ở Biển Đông và eo biển Đài Loan. Đây là lần đầu tiên hệ thống này xuất hiện ở chuỗi đảo đầu tiên. Tờ Nikkei của Nhật Bản dẫn lời các quan chức ĐCSTQ hôm 3/8 tiết lộ, Bắc Kinh đang rất bất an.
Philippines cũng đang tăng cường ký kết “Thỏa thuận tiếp cận lẫn nhau về quân sự” (IAA) với các nước khác và cũng không ngừng tăng cường lực lượng quân sự. Vào tuần trước, Philippines lần đầu tiên mua máy bay chiến đấu mới nhất từ Hàn Quốc, và lần đầu tiên tham gia cuộc tập trận quân sự chung Pitch Black của 20 quốc gia diễn ra ở Úc.
Mộc Vệ (t/h)
Từ khóa biển Đông Philippines quan hệ Trung Quốc - Philippines Dòng sự kiện Quan hệ Việt Nam - Philippines