Các nước NATO không ủng hộ tuyên bố của Tổng thống Pháp Macron về điều quân tới Ukraine
- Hải Đăng
- •
Anh, Đức, Ba Lan, Cộng hòa Czech, Phần Lan và Thụy Điển hôm thứ Ba (27/2) đều đã lên tiếng phản đối đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng quân đội phương Tây có thể triển khai tới Ukraine.
Ông Macron nói hôm thứ Hai (26/2) sau hội nghị thượng đỉnh của khoảng 20 quốc gia ủng hộ Ukraine tại Paris rằng mặc dù chưa có sự đồng thuận về gửi lực lượng vũ trang tới thực địa, nhưng “xét về động lực, chúng ta không loại trừ bất cứ điều gì” trong cuộc xung đột giữa Moscow và Kyiv.
“Vào giai đoạn này, chưa có sự đồng thuận… để gửi quân đội tới thực địa. [Nhưng] không điều gì nên bị loại trừ. Chúng ta sẽ làm mọi thứ mà chúng ta phải làm để Nga không thể thắng”, ông Macron tuyên bố.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với hãng tin AP, phản ứng với tuyên bố nêu trên của ông Macron: “Không có kế hoạch nào cho việc quân đội chiến đấu của NATO tại thực địa ở Ukraine”.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã không loại trừ việc gửi quân đội về mặt nguyên tắc, nhưng phát ngôn viên của ông nói với báo giới rằng: “Ngoài một số lượng nhỏ nhân sự hỗ trợ lực lượng vũ trang của Ukraine, chúng tôi không có bất kỳ kế hoạch nào về việc triển khai quân quy mô lớn”.
Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson nói với đài phát thanh công cộng SVT rằng, triển khai quân đội là “không thể xảy ra trong thời điểm này”. Ông nói thêm rằng, “vào lúc này, chúng tôi đang tập trung gửi khí tài tiên tiến tới Ukraine”. Tuần trước, Thụy Điển đã hứa viện trợ quân sự trị giá 7,1 tỷ Kronor (682 triệu USD) cho Ukraine. Thủ tướng Kristersson cũng nói rằng hiện tại Ukraine “không có yêu cầu” quân đội phương Tây trên thực địa.
Thủ tướng Phần Lan Sauli Niinisto nói với hãng tin Yle rằng, quan điểm “được đồng thuận rộng rãi” tại hội nghị thượng đỉnh ủng hộ Ukraine tại Paris là phản đối triển khai quân đội NATO trên thực địa. Ông Niinisto nói thêm rằng đây cũng là lập trường của Phần Lan.
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk hôm 27/2 tuyên bố rằng, Warsaw “không có kế hoạch gửi quân đội tới lãnh thổ Ukraine”.
Thủ tướng Cộng hòa Czech Petr Fiala cũng đồng tình với quan điểm trên, nói rằng “không cần thiết phải mở ra một số cách hay phương thức khác” trong việc hỗ trợ Kyiv.
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk nhấn mạnh rằng, nếu tất cả các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết thực hiện hỗ trợ Ukraine như Ba Lan và Cộng hòa Czech, thì thậm chí đã chẳng cần thảo luận về những cách thức giúp đỡ khác.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz thậm chí đưa ra quan điểm rõ ràng hơn, tuyên bố rằng sẽ “không có quân đội, không có binh lính trên đất Ukraine mà do các quốc gia châu Âu hoặc NATO gửi tới đó” trong tương lai.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cũng tuyên bố dứt khoát với báo giới khi đang có chuyến thăm Áo rằng: “Đặt chân trên thực địa không phải là lựa chọn của Đức”.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden sau đó cũng nhắc lại rằng họ không có kế hoạch gửi quân đội tới thực địa. Thay vào đó, Nhà Trắng thúc giục các nhà lập pháp Mỹ hãy chuẩn thuận gói viện trợ an ninh bổ sung cho Ukraine để đảm bảo rằng quân đội Kyiv nhận được vũ khí và đạn dược cần thiết trong cuộc chiến tranh tiếp diễn đã bước sang năm thứ ba với Nga.
Mỹ và các quốc gia đồng minh của Mỹ đã đang viện trợ quân sự, tài chính trị giá hơn 200 tỷ USD cho chính phủ Ukraine kể từ khi cuộc chiến tranh Nga-Ukraine bùng phát vào cuối tháng 2/2022. Phương Tây cam kết sẽ gây ra “thất bại chiến lược” cho Moscow, trong khi khẳng định họ không thực sự là một bên tham chiến trong cuộc xung đột vũ trang này. Những cảnh báo của Nga về nguy hiểm của đối đầu trực tiếp Nga-NATO đều đã đang bị bỏ ngoài tai.
Điện Kremlin cũng đã phát đi cảnh báo ngay lập tức về phát ngôn của Tổng thống Pháp Macron.
“Thực tế của thảo luận khả năng điều động quân đội tới Ukraine từ các quốc gia NATO là yếu tố mới rất quan trọng”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với báo giới, phản ứng với phát ngôn mới nhất của ông Macron.
Khi được hỏi về rủi ro nếu các quốc gia thành viên NATO triển khai quân đội tới chiến đấu ở Ukraine, ông Peskov nói: “Trong trường hợp đó, chúng ta sẽ không cần nói về khả năng có thể xảy ra, mà cần nói về việc không thể tránh khỏi (của một cuộc xung đột trực tiếp)”.
Hải Đăng (T/h)
Từ khóa Dòng sự kiện Chiến tranh Nga - Ukraine Emmanuel Macron NATO