Sau khi Trung Quốc gần đây tăng cường gây hấn với Philippines ở Biển Đông, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm Việt Nam và ký nhiều thỏa thuận.

Tap Can Binh Nguyen Phu Trong 1
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng bí thư ĐCS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tham dự lễ chào mừng tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, Việt Nam ngày 12 tháng 12 năm 2023. (Nguồn ảnh: NHAC NGUYEN/POOL/AFP via Getty Images)

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang tìm kiếm mối quan hệ nồng ấm với Việt Nam trước những thách thức địa chính trị.

Ngày 12/12, ông Tập tuyên bố quan hệ Trung Quốc-Việt Nam đã được nâng cấp lên thành “cộng đồng chung vận mệnh” mà phía Việt Nam diễn giải thành “cộng đồng chia sẻ tương lai”. Hai nước đã ký 37 thỏa thuận, trong đó có một thỏa thuận rằng Trung Quốc sẽ tăng cường hỗ trợ tài chính cho xây dựng đường sắt xuyên biên giới.

Khi các nước Đông Nam Á bao gồm Campuchia, Lào và Myanmar tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, Việt Nam vẫn do dự vì sợ rằng đây có thể bị xem là sự tán thành cho hành vi bành trướng và bắt nạt của Trung Quốc.

Cây bút, biên tập viên cấp cao của The Epoch Times, ông Shi Shan cho biết: “ĐCSTQ đã hoà hoãn với Việt Nam trong xung đột ở Biển Đông, nơi hiện đang là cuộc đối đầu lớn giữa Trung Quốc và Philippines”.

Một cuộc khủng hoảng sắp xảy ra

Philippines
Tàu cá Philippines (gần) và tàu tuần dương của Trung Quốc (xa) gần bãi cạn Scarborough. (Ảnh: TED ALJIBE/AFP qua Getty Images)

Ngay trước chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Việt Nam, các tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã chặn, tấn công và đâm vào các tàu tiếp tế của Philippines trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông vào ngày 9 và 10/12. Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Philippines Romeo Brawner Jr. có mặt trên con tàu bị đâm.

Đại sứ Philippines tại Hoa Kỳ Jose Manuel Romualdez cảnh báo rằng xung đột giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Ông nhấn mạnh Biển Đông “là điểm nóng, không phải Đài Loan”.

Một liên minh mới đối đầu Trung Quốc

Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia đã đang kết thân với Việt Nam trong bối cảnh chương trình nghị sự bành trướng của Trung Quốc. Vào tháng Chín, Tổng thống Joe Biden đã đến thăm Việt Nam và nâng cấp mối quan hệ giữa hai nước lên “đối tác chiến lược toàn diện”. Hoa Kỳ và Việt Nam đã ký một số thỏa thuận, trong đó có thỏa thuận về chất bán dẫn và khoáng sản.

Cuối tháng Mười Một, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm Nhật Bản và hội kiến Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Hai nhà lãnh đạo khẳng định sẽ mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh trước sự hung hăng của Trung Quốc.

Giống như Hoa Kỳ, Việt Nam cũng đã nâng cấp quan hệ với Nhật Bản lên “đối tác chiến lược toàn diện”. Đây là mức độ hợp tác cao nhất mà trước đây Việt Nam chỉ có với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc.

Ngoài ra, Hàn Quốc, vốn từ lâu vẫn phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, đã chuyển trọng tâm sang Việt Nam trong những năm gần đây. Kể từ khi cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người lên nắm quyền vào năm 2017, thúc đẩy “Chính sách hướng Nam mới” nhằm tăng cường hợp tác với các nước ASEAN, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn của Hàn Quốc.

Thương mại Hàn Quốc-Việt Nam đạt 87,7 tỷ USD vào năm 2022. Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc sau Trung Quốc và Hoa Kỳ, đồng thời vốn của Hàn Quốc trở thành nguồn đầu tư hàng đầu tại Việt Nam, đạt 81 tỷ USD vào năm 2022, vượt trên mức đầu tư 70,8 tỷ USD của Singapore. 

Hồi tháng Sáu, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đến thăm Việt Nam cùng một phái đoàn doanh nghiệp và cho rằng “sự hợp tác chặt chẽ giữa Hàn Quốc và Việt Nam là quan trọng hơn bao giờ hết” trong môi trường quốc tế hiện nay.

Sau chuyến thăm Việt Nam của ông Yoon, nhiều phương tiện truyền thông Hàn Quốc đã cho rằng Hàn Quốc nên giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc bằng cách chuyển hướng sang Việt Nam.

Nhật báo lâu đời nhất Hàn Quốc Chosun Ilbo đã đăng một bài viết chỉ ra Việt Nam là điểm khởi đầu cho quá trình “phi Trung Quốc hóa”. Một tờ nhật báo khác là JooAng Ilbo cũng cho rằng “phi Trung Quốc hóa” dường như là xu hướng nhằm tránh chi phí lao động tăng vọt ở Trung Quốc và sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ.

Ông Shi Shan cho rằng Việt Nam đã trở thành nước hưởng lợi lớn nhất trong cuộc tranh giành quyền lực trong khu vực vì tất cả các nước đều đang dành nhiều ưu đãi cho Việt Nam để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.

Mối quan hệ đầy sóng gió Việt Nam – Trung Quốc

Ông Shi Shan chỉ ra rằng trong Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc có thể thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với Hoa Kỳ nhờ Việt Nam và Việt Nam luôn đóng một vai trò quan trọng trong quan hệ Mỹ-Trung và chiến lược khu vực của ĐCSTQ. 

Năm 1961, trong Chiến tranh Việt Nam, Cộng sản Bắc Việt tiến vào miền Nam nhằm lật đổ chính quyền miền Nam Việt Nam – một đồng minh của Hoa Kỳ, và để ngăn chặn sự bành trướng của Cộng sản, cựu Tổng thống John F. Kennedy đã gửi quân đến hỗ trợ miền Nam Việt Nam. Từ năm 1965, lực lượng Mỹ tham chiến trên quy mô lớn. Bắc Việt, với sự hỗ trợ của ĐCSTQ và Liên Xô cũ, đã áp dụng chiến thuật chiến tranh du kích, khiến quân đội Mỹ khó phát huy hiệu quả.

Dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Richard Nixon năm 1973, Hoa Kỳ đã ký Hiệp định Hòa bình Paris với Bắc Việt và sau đó rút quân Mỹ. Thỏa thuận này được cho là sẽ giữ nguyên hiện trạng với một miền Bắc và miền Nam Việt Nam bị chia cắt.

Quan hệ Mỹ-Trung luôn ở trong tình trạng đối đầu liên tục kể từ khi ĐCSTQ tiếm quyền. Trong cuộc Cách mạng Văn hóa, lãnh đạo ĐCSTQ Mao Trạch Đông có thiện cảm với Hoa Kỳ, dẫn đến việc Ngoại trưởng Henry Kissinger đến thăm Trung Quốc vào năm 1971 thay mặt cựu Tổng thống Nixon. Mối quan hệ được cải thiện của Trung Quốc với Hoa Kỳ là do sự bất hòa với Liên Xô.

Ông Shi Shan nói: “Đây là sự hiểu biết ngầm giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, và mục tiêu chiến lược là cùng nhau chống lại Liên Xô. Toàn bộ chiến lược này đã góp phần vào sự khởi đầu của ‘thời kỳ trăng mật’ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc”.

Tuy nhiên, Cộng sản Bắc Việt đã sớm xé bỏ hiệp định hòa bình với Hoa Kỳ và tấn công miền Nam Việt Nam, khiến toàn bộ Việt Nam rơi vào tay Cộng sản vào năm 1975. ĐCSTQ không hài lòng với hành động của Bắc Việt và bắt đầu cắt giảm thương mại, viện trợ cho Việt Nam, dẫn đến sự suy thoái của nền kinh tế Việt Nam và mối quan hệ giữa hai nước.

Ông Shi Shan cho biết: “Chiến tranh Trung-Việt năm 1979 là điểm đột phá cho sự đảo ngược hoàn toàn chiến lược trước đây của ĐCSTQ. Tuy nhiên hiện tại Trung Quốc một lần nữa là kẻ thù của Hoa Kỳ nên ĐCSTQ đã quay trở lại Việt Nam, vì vậy có thể nói Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chiến lược địa chính trị của ĐCSTQ. Tất cả các nước trong khu vực đều đang chơi ‘lá bài Việt Nam’”.

Anh Nguyễn, theo ET