‘Các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu’ có thể liên quan đến vi phạm nhân quyền Tân Cương
- Minh Ngọc
- •
Hôm thứ Hai (29/3), một nhóm công tác của Liên Hợp Quốc cho biết, nhiều công ty Trung Quốc và nước ngoài sản xuất các nhãn hàng mang “thương hiệu nổi tiếng” có thể tham gia vào vấn nạn buôn bán người, lao động cưỡng bức và các hành vi vi phạm nhân quyền khác ở khu vực Tân Cương, Trung Quốc. Họ cũng kêu gọi sự chú ý sâu rộng hơn nữa của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề mà chính quyền Bắc Kinh đang ra sức phủ nhận này.
Hàng loạt cửa hàng H&M ở Trung Quốc bị cưỡng chế đóng cửa (Ảnh minh họa: Getty Images)
Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) cho biết: “Một số chuyên gia do Hội đồng Nhân quyền bổ nhiệm nói rằng họ đã nhận được thông tin liên quan đến hơn 150 công ty Trung Quốc và công ty có trụ sở ở nước ngoài bị cáo buộc nghiêm trọng về việc vi phạm nhân quyền đối với công nhân người Duy Ngô Nhĩ.”
Nhóm công tác không tiết lộ tên của công ty cụ thể nào, nhưng họ đã đề cập đến các lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp, công nghệ, ô tô và dệt may.
Sau quá trình thu thập thông tin điều tra, nhóm công tác tuyên bố: “Người lao động Duy Ngô Nhĩ được cho là đã bị bóc lột và lạm dụng trong quá trình làm việc, thậm chí có thể bị giam giữ tùy tiện, bị cuốn vào các vụ việc buôn bán người, lao động cưỡng bức và nô dịch.”
Các nguồn tin độc lập được cung cấp thông tin cho nhóm công tác của Liên Hợp Quốc tiết lộ, “hàng trăm nghìn thành viên trong cộng đồng người thiểu số Duy Ngô Nhĩ đã bị giam giữ trong các cơ sở giáo dục” và “nhiều người cũng được cho là đã bị ép buộc chuyển đến làm việc trong các nhà máy ở Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương cũng như một số tỉnh khác của Trung Quốc.”
Các thành viên của nhóm công tác đã viết thư cho chính quyền Trung Quốc, các doanh nghiệp sở hữu chuỗi cung ứng có cả các thực thể ở Tân Cương, và chính phủ của 13 quốc gia khác nơi các công ty đặt trụ sở chính “nhằm đảm bảo rằng các doanh nghiệp thuộc lãnh thổ và/hoặc quyền tài phán của họ tôn trọng tất cả các quyền con người trong suốt quá trình hoạt động”. Tuy nhiên, họ không nêu cụ thể tên các quốc gia này.
Nhóm công tác của Liên Hợp Quốc còn tham gia cùng các tổ chức khác từ các nước phương Tây yêu cầu Trung Quốc giải trình trước cáo buộc về vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Trong khi đó, phía Bắc Kinh chỉ trích những cáo buộc này là bịa đặt vu khống, không khác gì sự gây hấn của các “thế lực nước ngoài” trong suốt “thế kỷ bị sỉ nhục” của Trung Quốc từ giai đoạn đầu những năm 1800. Bắc Kinh cho rằng chính quyền ở Tân Cương đang điều hành các cơ sở đào tạo nghề nhằm chống lại các ý thức hệ khủng bố.
Bà Corri Zoli, giám đốc nghiên cứu tại Viện Chính sách An ninh và Luật tại Đại học Syracuse ở New York, khẳng định rằng các vụ việc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương mà các nhóm điều tra thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nêu ra là “ngày càng đáng tin cậy”. Viện chính sách này cũng đã góp phần thúc đẩy các cuộc điều tra của nhóm công tác của Liên Hợp Quốc.
Mối quan hệ căng thẳng giữa Bắc Kinh và các quốc gia phương Tây, bao gồm cả Mỹ đã leo thang vào tuần trước khi Washington bắt tay cùng Canada, Anh và EU tiến hành biện pháp trừng phạt các quan chức có liên quan đến vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.
“Chúng tôi sẵn sàng tăng cường đối thoại với chính phủ Trung Quốc trong thời gian sớm nhất và hoan nghênh phản ứng nhanh chóng của chính phủ này trước cáo buộc [vi phạm nhân quyền], cũng như sẵn sàng tiếp tục các cam kết mang tính xây dựng với chúng tôi,” nhóm công tác của Liên Hợp Quốc khẳng định.
“Với tư cách là các chuyên gia độc lập do Hội đồng Nhân quyền bổ nhiệm, trong đó Trung Quốc là thành viên nhà nước, chúng tôi cho rằng chuyến thăm chính thức đến Trung Quốc (bao gồm cả khu vực Tân Cương) sẽ là cơ hội lý tưởng cho cuộc đối thoại giữa hai bên và cũng là để cho chúng tôi tự mình đánh giá tình hình, nếu được quyền đến thăm và không bị cản trở,” họ nói thêm.
Theo SCMP, các chuỗi cung ứng toàn cầu có liên quan đến Tân Cương không chỉ giới hạn ở bông – một ngành công nghiệp chủ chốt ở vùng cực Tây Bắc của Trung Quốc. Khu vực này còn được chú trọng phát triển như một cơ sở sản xuất visco, một nguyên liệu đầu vào khác của ngành dệt và tua-bin điện gió.
Trong một diễn biến khác, các thương hiệu như nhà bán lẻ quần áo đa quốc gia của Thụy Điển H&M đã gặp phải phản ứng dữ dội ở Trung Quốc vì đã đưa ra lập trường về vấn đề này. Nike, Adidas và Burberry cũng đang phải đối mặt với những lời kêu gọi tẩy chay sản phẩm của họ ở Trung Quốc nhằm đáp trả tuyên bố của các công ty về việc từ chối sử dụng bông Tân Cương.
Minh Ngọc (Theo SCMP)
Xem thêm:
Từ khóa H&M Dòng sự kiện Trung Quốc vi phạm nhân quyền bông Tân Cương sản xuất bông ở Tân Cương