Châu Âu đang hứng chịu trận lụt tồi tệ nhất trong nhiều năm, số người chết lên tới gần 130
- Tiến Minh
- •
Lũ lụt kinh hoàng đã làm tan hoang nhiều ngôi làng và giết chết ít nhất 128 người ở châu Âu, với hầu hết các nạn nhân ở miền tây nước Đức, nơi các dịch vụ khẩn cấp vẫn đang được tiến hành để xử lý đống đổ nát từ hôm thứ Sáu.
Các cư dân đã hoàn toàn mất cảnh giác trước dòng nước mà tờ báo Bild của Đức gọi là “cơn lũ chết chóc”.
Ở một số khu vực, đường phố và nhà cửa bị nhấn chìm trong nước, ô tô bị lật và bị ngâm trên đường phố trước khi nước lũ rút đi. Một số khu vực bị cắt điện hoàn toàn.
“Mọi thứ đều chìm dưới nước trong vòng 15 phút”, cô Agron Berischa, 21 tuổi đến từ Bad Neuenahr ở bang Rhineland-Palatinate, nói với AFP.
“Căn hộ của chúng tôi, văn phòng của chúng tôi, các ngôi nhà hàng xóm của chúng tôi, mọi thứ đều chìm trong nước.”
Tại Schuld gần đó, ông Hans-Dieter Vrancken, 65 tuổi, cho biết “các nhà xe lưu động, ô tô bị cuốn trôi, cây bật gốc, nhà cửa bị đánh sập”.
“Chúng tôi đã sống ở Schuld hơn 20 năm và chúng tôi chưa bao giờ trải qua bất cứ điều gì như vậy. Nó giống như vừa có chiến tranh”, ông nói.
Roger Lewentz, Bộ trưởng Nội vụ của Rheinland-Palatinate, nói với tờ Bild rằng số người chết có thể sẽ tăng lên khi các dịch vụ khẩn cấp tiếp tục tìm kiếm các khu vực bị ảnh hưởng trong những ngày tới.
Ông nói: “Khi dọn sạch các hầm chứa hoặc bơm nước từ các hầm chứa ra, chúng tôi liên tục tìm thấy những người đã thiệt mạng do trận lũ lụt này.”
Với 5 người chết vừa được tìm thấy trong bang vào tối thứ Sáu, số người chết trên toàn quốc đã tăng lên 108 người.
Cùng với sự tàn phá, người ta lo ngại còn nhiều người khác đã chết do trận lở đất ở thị trấn Erftstadt ở North Rhine-Westphalia (NRW) do lũ lụt gây ra.
Tại nước láng giềng Bỉ, chính phủ xác nhận số người chết đã tăng lên 20 người với hơn 21.000 người không có điện trong vùng.
Thủ tướng Alexander De Croo tuyên bố lũ lụt “có thể là thảm họa lớn nhất mà đất nước chúng ta từng chứng kiến” và cho biết hôm thứ Ba là ngày quốc tang.
Luxembourg và Hà Lan cũng bị ảnh hưởng bởi những trận mưa lớn, làm ngập lụt nhiều khu vực và buộc hàng nghìn người phải sơ tán ở thành phố Maastricht.
Lo sợ điều tồi tệ nhất
Tại quận Ahrweiler bị ảnh hưởng nặng nề của Đức ở Rhineland-Palatinate, một số ngôi nhà đã bị sập hoàn toàn, có thể so sánh với hậu quả của một trận sóng thần.
Ít nhất 24 người được xác nhận đã chết ở Euskirchen, một trong những thị trấn bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
“Tôi sợ rằng chúng ta sẽ nhìn thấy toàn bộ mức độ của thảm họa trong những ngày tới”, Thủ tướng Angela Merkel cho biết vào cuối ngày thứ Năm từ Washington, nơi bà gặp Tổng thống Joe Biden.
“Sự đồng cảm và trái tim của tôi hướng tới tất cả những người trong thảm họa này đã mất người thân, hoặc những người vẫn đang lo lắng cho số phận của những người còn mất tích.”
Ở Ahrweiler, khoảng 1.300 người chưa được xác minh, mặc dù chính quyền địa phương nói với Bild rằng có thể là do mạng điện thoại bị hỏng.
Ông Lewentz nói với truyền thông địa phương rằng có tới 60 người được cho là mất tích, “và khi bạn không nhận được tin tức từ mọi người trong một thời gian dài … bạn phải lo sợ điều tồi tệ nhất đã xảy ra với họ”.
Gerd Landsberg, người đứng đầu Hiệp hội các thị trấn và thành phố của Đức, cho biết thiệt hại có thể lên tới “hàng tỷ euro”.
Tại Bỉ, quân đội đã được cử đến 4 trong số 10 tỉnh của nước này để giúp cứu hộ và sơ tán.
Chủ tịch vùng Wallonia, Elio Di Rupo, cảnh báo dòng sông Meuse “sẽ rất nguy hiểm đối với Liege”, một thành phố gần đó với 200.000 dân.
Tại Thụy Sĩ, các hồ và sông cũng bị ngập ứ nước sau trận mưa lớn đêm qua. Đặc biệt, ở Lucerne, nước từ hồ Lucerne đã bắt đầu tràn vào trung tâm thành phố.
Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, một số khu vực ở Tây Âu đã hứng chịu lượng mưa của hai tháng chỉ trong hai ngày nên đất đã gần bão hòa.
Tuy nhiên, tình hình đã có một số cải thiện vào thứ Sáu khi nước bắt đầu rút.
Tiến Minh (theo AFP)
Từ khóa lũ lụt ở Đức lũ lụt ở châu âu