Chỉ hơn một năm trước, Trung Quốc đã chào đón nồng nhiệt Tổng thống Syria Bashar al-Assad và phu nhân trong chuyến thăm kéo dài sáu ngày tới Bắc Kinh, mang đến cho lãnh đạo Syria một khoảng thời gian hiếm hoi sau nhiều năm bị cô lập trên trường quốc tế kể từ khi cuộc nội chiến nổ ra vào năm 2011.

Bashar al Assad 2
Tổng thống Syria Bashar al-Assad bắt tay Chủ tịch Tập Cận Bình. (Ảnh chụp màn hình)

Khi ông bà Assad tham dự sự kiện khai mạc Thế vận hội châu Á, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết sẽ ủng hộ tổng thống Syria trong việc “phản đối sự can thiệp từ bên ngoài” và trong quá trình tái thiết quốc gia Trung Đông này. Khi đó, phu nhân của ông Assad là bà Asma cũng đã được truyền thông Trung Quốc ca ngợi hết lời.

Nhưng theo các nhà phân tích, sự kết thúc đột ngột của chế độ Assad mà ông Tập Cận Bình rõ ràng đã rất ủng hộ vào năm ngoái, đã giáng một đòn mạnh vào tham vọng ngoại giao của Trung Quốc ở Trung Đông và phơi bày những hạn chế trong chiến lược của Bắc Kinh tại khu vực nhiều bất ổn này. 

Một liên minh các chiến binh thánh chiến đã chiếm thủ đô Damascus của Syria vào Chủ Nhật (8/12) sau một cuộc tấn công chớp nhoáng trong khoảng một tuần lễ, lật đổ chế độ của Assad và chấm dứt triều đại kéo dài 50 năm của gia đình ông.

Có rất nhiều phán đoán bị cường điệu về khả năng định hình kết quả chính trị của Trung Quốc trong khu vực“, ông Jonathan Fulton, một thành viên cấp cao không thường trú của tổ chức nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương nhận xét.

Theo ông Fulton, trong khi sự sụp đổ của chế độ Assad được coi là làm giảm ảnh hưởng của những người ủng hộ trọng yếu nhất của ông ta là Iran và Nga, thì đó cũng là một đòn giáng vào tham vọng toàn cầu của Trung Quốc.

Nhiều điều (Trung Quốc) đã đang làm trên trường quốc tế, đều dựa vào sự hỗ trợ của các quốc gia đó, và việc họ không thể hỗ trợ đối tác lớn nhất của mình ở Trung Đông nói lên khá nhiều về khả năng của họ trong việc làm được nhiều điều ngoài khu vực này“, ông Fulton nhận định. 

Giải quyết các điểm nóng

Sau khi Trung Quốc làm trung gian cho một thỏa thuận giữa các đối thủ lâu năm là Ả Rập Saudi và Iran vào năm 2023, các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã ca ngợi vị thế ngày càng tăng của Bắc Kinh tại một khu vực mà Washington từ lâu đã có ảnh hưởng lớn.

Ông Vương Nghị, nhà ngoại giao cấp cao nhất của Trung Quốc, tuyên bố nước này sẽ đóng vai trò xây dựng trong việc giải quyết các “vấn đề điểm nóng” toàn cầu.

Trung Quốc cũng đã làm trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn giữa Fatah, Hamas và các phe phái đối thủ khác của Palestine vào đầu năm nay, và đã nhiều lần kêu gọi ngừng bắn ở Gaza.

Nhưng mặc dù đã đưa các nhà lãnh đạo Trung Đông đến Bắc Kinh và các vòng “ngoại giao con thoi” của đặc phái viên Trung Đông Trác Tuyển (Zhai Jun) trong nhiều tháng kể từ đó, người Palestine vẫn chưa thành lập được chính phủ thống nhất và xung đột ở Gaza vẫn tiếp diễn.

Sự sụp đổ đột ngột của [chế độ] Assad không phải là kịch bản mà Bắc Kinh mong muốn“, ông Fan Hongda, một học giả về Trung Đông tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, nhận xét. “Trung Quốc thích một Trung Đông ổn định và độc lập hơn, vì sự hỗn loạn hoặc khuynh hướng ủng hộ Mỹ trong khu vực là không phù hợp với lợi ích của Trung Quốc“.

Phản ứng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước sự sụp đổ của ông Assad vẫn khá im ắng. Bộ này chủ yếu lên tiếng tập trung vào sự an toàn của công dân Trung Quốc và kêu gọi một “giải pháp chính trị” để khôi phục sự ổn định ở Syria càng sớm càng tốt.

Hôm thứ Hai (9/12), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh dường như đã để ngỏ khả năng hợp tác với chính phủ tương lai. “Quan hệ hữu nghị của Trung Quốc với Syria là dành cho tất cả người dân Syria“, bà Mao Ninh tuyên bố.

Các chuyên gia và nhà ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh hiện sẽ chờ cơ hội tốt nhất của mình trước khi công nhận chính phủ mới ở Damascus.

Họ tuyên bố có thể sử dụng chuyên môn và sức mạnh tài chính của mình để hỗ trợ Syria tái thiết, nhưng các cam kết của họ có thể bị hạn chế vì Trung Quốc đã tìm cách giảm thiểu rủi ro tài chính ở nước ngoài trong những năm gần đây.

Syria đã tham gia Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) quan trọng nhất của Trung Quốc vào năm 2022, nhưng không có khoản đầu tư đáng kể nào từ các công ty Trung Quốc kể từ đó, một phần là do các lệnh trừng phạt.

Trung Quốc “về cơ bản thực sự không thể thay thế phương Tây với tư cách là đối tác kinh tế, hoặc lực lượng ngoại giao hoặc quân sự trong khu vực“, ông Bill Figueroa, phó giáo sư tại Đại học Groningen và là chuyên gia về quan hệ Trung Quốc-Trung Đông, nhận định.

Theo ông Figueroa, “Trung Quốc trong năm 2024 có ít tiền hơn nhiều so với Trung Quốc vào năm 2013 – 2014, khi BRI được đưa ra“. Ông Figueroa nói thêm rằng, “có một sự đánh giá lại rõ ràng đang diễn ra theo hướng đầu tư an toàn hơn và giảm thiểu toàn bộ rủi ro của Trung Quốc“.