Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung là một trong những tâm điểm của năm bầu cử tổng thống Mỹ này, theo đó ngày càng có nhiều lời kêu gọi Mỹ nên hủy bỏ quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) đối với Trung Quốc và đưa vấn đề trong quan hệ Mỹ – Trung này trở lại 24 năm trước.

chien tranh thuong mai My Trung
(Ảnh minh họa: Rawf8/Shutterstocks)

Ngày càng có nhiều lời kêu gọi

Để đáp trả các hoạt động thương mại không công bằng đã kéo dài của Trung Quốc, Chính phủ Mỹ từ thời ông Trump lên nắm quyền tổng thống đã thúc đẩy áp đặt thuế quan cao cho hàng hóa Trung Quốc, khiến quan hệ thương mại Mỹ – Trung đặc biệt căng thẳng. Tổng thống đương nhiệm Biden không chỉ duy trì chính sách thuế quan đó, mà còn tăng cường kiểm soát nhắm vào sản phẩm công nghệ cao của Trung Quốc, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ trọng điểm. Vào ngày 14/5 sau khi Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ hoàn tất việc xem xét các mức thuế theo Mục 301 áp đặt đối với Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Biden đã thông báo áp dụng các mức thuế mới đối với các sản phẩm Trung Quốc trị giá 18 tỷ USD, đặc biệt áp thuế đến 100% đối với xe điện từ Trung Quốc.

Cuộc cạnh tranh chiến lược ngày càng khốc liệt giữa Mỹ và Trung Quốc đang mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có quan hệ kinh tế, thương mại. Gần đây, ngày càng có nhiều lời kêu gọi hủy bỏ quy chế Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) do Mỹ cấp cho Trung Quốc vào năm 2000.

Các cơ quan hữu trách của Mỹ như Ủy ban Đặc biệt của Hạ viện Mỹ về Đảng Cộng sản Trung Quốc và Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ-Trung đều khuyến nghị hủy bỏ tình trạng quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn của Trung Quốc. Đảng Cộng hòa tại Hạ viện và Thượng viện thậm chí còn đưa ra các dự luật nhằm loại bỏ tình trạng đó.

Theo Đài VOA Mỹ ngày 25/5, ông Jamieson Greer – người là cố vấn hàng đầu của trưởng đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer thời chính quyền Trump – cho biết, ông đồng tình với đề xuất của Hạ viện hủy bỏ mối quan hệ này đối với Trung Quốc, thậm chí còn cho rằng việc không hủy bỏ tình trạng này của Trung Quốc là kiểu làm việc thiếu trách nhiệm.

“Tôi nghĩ rằng ngày càng có đồng thuận rằng không thể duy trì cho Trung Quốc hưởng lợi từ quy chế thương mại bình thường với Mỹ (PNTR). Có nhiều lý do giải thích cho điều đó, tôi nghĩ mọi người đều hiểu hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc giúp họ phát triển thành kẻ thù của Mỹ thay vì là đối tác. Từ góc độ chính sách, nếu bạn là một nhà hoạch định chính sách của Mỹ, việc cung cấp ưu đãi thương mại bình thường vĩnh viễn cho một đối thủ cạnh tranh thì điều đó có vẻ giống như kiểu làm việc thiếu trách nhiệm”, ông nói.

Greer – người hiện là đối tác thương mại quốc tế tại công ty luật King & Spalding, cho rằng ở một mức độ nhất định thì Mỹ và Trung Quốc về nhiều mặt không còn có mối quan hệ thương mại bình thường. Thay vì để vấn đề này tiếp tục làm Mỹ khốn đốn, Mỹ nên gửi tín hiệu rõ ràng tới cộng đồng doanh nghiệp, các đồng minh và đối tác của Mỹ, nêu rõ muốn làm gì, đang làm gì và sẽ làm gì trong vấn đề ứng phó Trung Quốc này.

Về câu hỏi làm thế nào để thực hiện, ông cho biết thực hiện từng bước để loại bỏ dần quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn. Đặc biệt là cơ quan chịu trách nhiệm về pháp luật thương mại là Quốc hội Mỹ nên có tuyên bố rõ: “Chúng ta sẽ hủy bỏ tình trạng quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn, vì điều này không còn phù hợp nữa. Cách chúng ta làm là không thực hiện một cách đột ngột mà thay vào đó sẽ thực hiện từng bước….”.

Quy chế tối huệ quốc của Trung Quốc từng gắn liền với nhân quyền

“Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn” (Permanent Normal Trade Relations, PNTR) trước đây được gọi là đối xử “Quốc gia được ưa chuộng nhất” (tối huệ quốc). Trong thương mại quốc tế, đối xử tối huệ quốc (Most Favoured Nation, MFN) đề cập đến những lợi ích và ưu đãi đặc biệt (về thương mại, thuế quan, vận chuyển, tình trạng pháp lý của công dân…) mà một nước ký kết với một nước khác. Nước được hưởng đối xử tối huệ quốc là nước được hưởng lợi, thường dựa trên các quy định của một hiệp ước song phương hoặc đa phương…

Theo quy chế tối huệ quốc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các thành viên trong WTO đối xử bình đẳng với nhau khi giao dịch với các thành viên khác, có các nhượng bộ, đặc quyền, ưu đãi hoặc miễn trừ thuế quan cho nhau. Nếu quy chế tối huệ quốc của một thành viên bị thu hồi, điều đó có nghĩa là hàng xuất khẩu của thành viên đó sang các nền kinh tế khác sẽ phải chịu mức thuế cao hơn.

Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu vào ngày 19/9/2000 để trao cho Trung Quốc quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn, mở đường cho Trung Quốc vào năm 2001 gia nhập WTO. Quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn còn được gọi là quy chế thương mại tối huệ quốc vĩnh viễn.

Vào tháng 10/2000, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Bill Clinton đã tổ chức một buổi lễ long trọng tại Nhà Trắng để ký kết luật này cho Trung Quốc. Luật này quy định một khi Trung Quốc gia nhập WTO thì Mỹ sẽ trao cho Trung Quốc mối quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (nghĩa là được đối xử tối huệ quốc vĩnh viễn). Như vậy, Mỹ đã hỗ trợ quét sạch mọi trở ngại để cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO), và năm 2001 Trung Quốc chính thức trở thành thành viên của WTO.

Vấn đề quy chế tối huệ quốc và việc Trung Quốc gia nhập WTO là chủ đề gây tranh cãi trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc những năm 1990. Trước khi Trung Quốc được hưởng quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn với Mỹ, theo Đạo luật Thương mại Mỹ năm 1974, Trung Quốc và các nước có nền kinh tế phi thị trường khác không thể tự động được hưởng quy chế thương mại tối huệ quốc mà có cơ chế thẩm định hàng năm, theo đó tổng thống sẽ đề xuất cho Quốc hội gia hạn. Trước năm 1989, việc xem xét đối xử tối huệ quốc của Trung Quốc về cơ bản đã diễn ra suôn sẻ.

Sau biến cố nhà cầm quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc đàn áp phong trào dân chủ tại Thiên An Môn năm 1989, tình hình nhân quyền của Trung Quốc đã làm dấy lên mối lo ngại ở Mỹ. Một số tổ chức nhân quyền và thành viên Quốc hội đề xuất thu hồi quy chế tối huệ quốc của Trung Quốc để trừng phạt Trung Quốc vì hành vi vi phạm nhân quyền. Dù cuối cùng Mỹ đã quyết định duy trì quy chế thương mại tối huệ quốc cho Trung Quốc, nhưng cả chính quyền và Quốc hội Mỹ trong các đánh giá hàng năm đều quan ngại về nhân quyền tại Trung Quốc.

Năm 1993, Tổng thống Clinton chính thức tuyên bố rằng các điều kiện về nhân quyền sẽ gắn liền với vấn đề đối xử tối huệ quốc. Ông đã ban hành lệnh hành pháp nêu rõ rằng, nếu Trung Quốc không đạt được tiến bộ toàn diện và đáng kể về nhân quyền thì năm sau (1994 – 1995) Trung Quốc sẽ mất quy chế thương mại tối huệ quốc. Chính quyền Clinton hy vọng rằng chính phủ Cộng sản Trung Quốc sẽ nhượng bộ về nhân quyền để đổi lấy được tiếp tục tình trạng tối huệ quốc.

Nhưng kết quả thấy rõ hy vọng của Mỹ chỉ là mơ mộng.

Dù vậy, vào tháng 5/1994 Tổng thống Clinton tuyên bố tiếp tục trao quy chế tối huệ quốc cho Trung Quốc, tách thương mại ra khỏi nhân quyền. Ông Clinton áp dụng chiến lược nhân quyền mới, đưa các vấn đề nhân quyền của Trung Quốc vào chương trình nghị sự đa phương quốc tế và hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ của Trung Quốc.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc và thời Tổng thống Clinton là Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Châu Á-Thái Bình Dương, ông Winston Lord nhớ lại rằng chính quyền Tổng thống Clinton đã không thực hiện chính sách này một cách chân thành: “Tổng thống Clinton đã mắc sai lầm lớn, phá hỏng chính sách của chính ông”.