WSJ: Chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc đã hình thành “thế 3 chân”
- Theo RFA
- •
Tổng thống Mỹ Biden tuần trước tuyên bố tăng thuế đối với Trung Quốc liên quan các lĩnh vực như xe điện, thép và chất bán dẫn… Tờ WSJ mô tả chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc đã như “ghế 3 chân”: Gồm thuế quan, trợ cấp công nghệ, và các cân nhắc về an ninh quốc gia.
So với sự thống trị kinh tế đất nước của Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua các kế hoạch 5 năm, tại Mỹ thì Chính phủ chỉ là “tay mới” thực hiện chiến lược kinh tế quốc gia. Nhưng trong bối cảnh cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ không ngừng leo thang, chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc cuối cùng đã hình thành. Hôm thứ Ba, tờ WSJ đã mô tả chiến lược mới này như “ghế 3 chân”, bao gồm thuế quan, trợ cấp công nghệ và các biện pháp hạn chế khác. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen cũng đang tích cực làm việc để thống nhất với Nhóm G7 trở thành “chân thứ 4 của băng ghế”.
Theo WSJ, Tổng thống Mỹ Biden tuần trước tuyên bố tăng thuế đối với xe điện, thép và chất bán dẫn. Do hầu như Mỹ không nhập khẩu những sản phẩm này từ Trung Quốc nên tác động của chính sách đến nền kinh tế là hạn chế, nhưng ý nghĩa quan trọng đáng kể là tính biểu tượng. Điều đó cũng có nghĩa là Mỹ không những không rút lại chính sách thuế quan trong thời kỳ Trump mà thay vào đó còn tăng cường, thúc đẩy mạnh hơn xu hướng tách rời kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ.
Có thể thấy, chính sách đầu tiên trong chiến lược cạnh tranh của Mỹ chống lại Trung Quốc là cung cấp trợ cấp để xây dựng các ngành sản xuất công nghệ như năng lượng sạch và chất bán dẫn; thứ hai là áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc đe dọa đến các mục tiêu trên; thứ ba là áp đặt các hạn chế Trung Quốc có khả năng tiếp cận vốn, công nghệ và tri thức có thể giúp cải thiện khả năng cạnh tranh của nước này; thứ tư là thiết lập một mặt trận thống nhất với các đồng minh, nhưng con đường này còn hạn chế.
Thông tin cho thấy ngay từ năm 2016 thời chính quyền Tổng thống Obama đã bắt đầu chất vấn về sự đồng thuận lưỡng đảng trong nước về vấn đề thương mại tự do và hợp tác với Trung Quốc. Năm 2017 thời Tổng thống Trump quyết tâm phá vỡ hiện trạng, nhưng chiến thuật của ông rất lộn xộn. Động thái thuế quan lớn đầu tiên của Trump nhằm tìm kiếm phiếu bầu chính trị ở các bang xoay quanh vành đai thép và Vành đai Rỉ sét (Rust Belt) lại là nhắm vào các đồng minh thay vì Trung Quốc; sau đó ông Trump ủng hộ kế hoạch cho Foxconn xây dựng một nhà máy LCD ở Wisconsin, nhưng kế hoạch này đã thất bại; ngoài ra ông Trump đã ban hành lệnh cấm các công ty Mỹ cung cấp công nghệ nhạy cảm cho nhà cung cấp thiết bị viễn thông Trung Quốc ZTE, sau đó lại quay đầu rút lại lệnh cấm đó.
Tờ WSJ chỉ ra rằng cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan – người được Tổng thống đương nhiêm Biden rất tin tưởng – coi các vấn đề thương mại, chính sách kinh tế trong nước và an ninh là một. Chiến lược thuế quan mà Sullivan hướng theo không chỉ tiếp nối quan điểm lịch sử của hai đảng ở Mỹ, mà còn dựa trên các biện pháp được thực hiện dưới thời ông Trump. Tổng thống Biden vào năm 2022 đã ký một dự luật để trợ cấp tổng cộng khoảng 29 tỷ USD cho những hãng sản xuất chip hàng đầu thế giới, khiến kế hoạch ban đầu của TSMC hứa trong thời Trump là thành lập một nhà máy ở Arizona đã được tăng lên đến 3 nhà máy vào năm 2030. Bên cạnh lệnh cấm đối với Huawei, Tổng thống Biden cũng mở rộng các hạn chế đối với việc bán cho Trung Quốc chip tiên tiến và thiết bị sản xuất chip.
Có được như mong đợi?
Nhưng thông tin WSJ cũng nhắc nhở rằng ngay cả khi chiến lược cạnh tranh kinh tế của Mỹ chống lại Trung Quốc cuối cùng đã hình thành, vẫn còn phải xem liệu cuối cùng chiến lược này có thành công hay không. Dưới đây là một vài yếu tố chính.
Trước hết, thế giới đang phải đối mặt với “tác động thứ cấp” từ việc xuất khẩu sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc. Theo công ty nghiên cứu Rhodium Group, Trung Quốc dự kiến tăng tỷ lệ sản xuất toàn cầu của các loại vi mạch “truyền thống” dành cho ô tô, thiết bị gia dụng và các lĩnh vực khác lên gần 40% vào năm 2027. Mặc dù tuần trước Biden đã thông báo rằng ông sẽ tăng gấp đôi thuế đối với những con chip như vậy lên 50%, nhưng những con chip này thường được nhập vào Mỹ dưới dạng được nhúng vào các sản phẩm khác, do đó không bị ảnh hưởng bởi thuế quan.
Vấn đề nữa là Mỹ vẫn chưa thể thành lập một mặt trận thống nhất kinh tế [chống Trung Quốc] với các đồng minh. Mặc dù chính quyền Tổng thống Biden đã đình chỉ thuế thép và nhôm đối với EU, nhưng EU vẫn chưa sẵn sàng hợp tác với Mỹ trong việc giải quyết vấn đề thép Trung Quốc. Trong lĩnh vực xe điện, EU vì lo ngại sẽ tụt hậu so với Mỹ và Trung Quốc nên cũng đang bận rộn xây dựng chính sách thuế quan và trợ cấp của riêng EU
Dù vậy, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen vẫn đang tích cực tìm cách hợp tác với Liên minh châu Âu và Nhóm G7 để giải quyết vấn đề dư thừa công suất công nghiệp của Trung Quốc. Theo Reuters, bà Yellen cho biết trong chuyến thăm Frankfurt – Đức hôm thứ Ba rằng, mặc dù Nhóm G7 không cần “phối hợp chi tiết” với Mỹ về vấn đề này, nhưng bà tin đoàn kết có thể giúp tác động mạnh mẽ hơn với Trung Quốc. Bà cho biết vấn đề năng lực sản xuất công nghiệp của Trung Quốc sẽ là một trong những trọng tâm thảo luận tại cuộc họp các bộ trưởng tài chính G7 tuần này.
Từ khóa chiến tranh thương mại Mỹ Trung mối quan hệ Mỹ - Trung