Chính phủ Thủ tướng Pháp Michel Barnier đã bị lật đổ trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm
Vào hôm thứ Tư (4/12), chính phủ của Thủ tướng Michel Barnier đã bị lật đổ trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, với 331 nghị sĩ bỏ phiếu thuận, đẩy Pháp — nền kinh tế lớn thứ hai Liên minh châu Âu — vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, đe dọa khả năng lập pháp và kiểm soát thâm hụt ngân sách khổng lồ.
- Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm (no-confidence vote) để xác định liệu cơ quan lập pháp (như quốc hội) có còn tin tưởng và ủng hộ chính phủ hoặc một cá nhân quan chức cụ thể (ví dụ: thủ tướng) hay không. Một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm lật đổ chính phủ thành công đòi hỏi 288 phiếu tại Quốc hội Pháp.
Cuộc bỏ phiếu được cả phe cực hữu và cực tả hợp lực, đánh dấu lần đầu tiên một chính phủ Pháp bị lật đổ theo cách này kể từ thời Georges Pompidou vào năm 1962. Cuộc khủng hoảng bắt đầu khi Tổng thống Emmanuel Macron kêu gọi bầu cử sớm vào tháng Sáu, dẫn đến việc quốc hội Pháp bị phân cực sâu sắc.
Ông Barnier, với nhiệm kỳ thủ tướng kéo dài chỉ vẻn vẹn ba tháng – ngắn nhất trong lịch sử Đệ Ngũ Cộng hòa Pháp kể từ năm 1958 – cùng toàn bộ chính phủ của ông sẽ đệ đơn từ chức lên Tổng thống Pháp Macron, khép lại một chương đầy sóng gió trong lịch sử chính trường Pháp. Truyền thông Pháp dự đoán ông Barnier sẽ từ chức vào sáng hôm thứ Năm (5/12).
Bối cảnh chính trường Pháp
Sau cuộc bầu cử quốc hội vào tháng Bảy, Tổng thống Macron đã bổ nhiệm ông Barnier giữ cương vị Thủ tướng vào tháng Chín, khiến liên minh phe cánh tả Mặt trận Nhân dân mới (NPF) phẫn nộ.
- NPF (Mặt trận Nhân dân Mới) là một liên minh gồm nhiều đảng phái với khuynh hướng từ trung tả đến cực tả. Các thành viên bao gồm: đảng cánh tả cấp tiến Nước Pháp Bất Khuất (LFI), Đảng Xã hội trung tả truyền thống (PS), đảng Cộng sản cánh tả Pháp (PCF), đảng Xanh trung tả (EELV).
- Tổng thống Emmanuel Macron là chính trị gia sáng lập đảng Phục hưng (RE) trước đây tên là đảng Cộng hòa Tiến bước (LREM) – tuyên bố theo xu hướng trung dung kết hợp các ý tưởng từ cả hai phe cánh tả và cánh hữu. Trước đó, từ năm 2006 đến 2009, ông Macron là thành viên của Đảng Xã hội trung tả truyền thống (PS).
Liên minh phe cánh tả NPF đã thỏa thuận hợp tác với Tổng thống Macron, giành được nhiều ghế nhất tại quốc hội trong cuộc bầu cử sớm vào mùa hè vừa qua, nhằm ngăn đảng cánh hữu Tập hợp Quốc gia (RN) có ảnh hưởng tại quốc hội. Nhưng sau đó, ông Macron đã phản bội thỏa thuận với NPF, chọn cách thành lập một nội các thiểu số và thỏa hiệp với RN, điều này khiến NPF tức giận.
Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi ông Barnier đề xuất cắt giảm chi tiêu ngân sách an sinh xã hội lên đến 40 tỷ euro (41,87 tỷ USD) cũng như tăng thu 20 tỷ euro tiền thuế để đối phó với thâm hụt ngân sách lớn. RN đã đe dọa bỏ phiếu bất tín nhiệm trừ khi nội các thiểu số của ông Macron thực hiện một số nhượng bộ đối với “lằn ranh đỏ” của họ.
Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm lần này là sự trừng phạt của cả phe cánh tả và cánh hữu đối với ông Barnier vì ông đã sử dụng quyền hạn đặc biệt theo Hiến pháp để thông qua một phần ngân sách gây tranh cãi mà không cần sự chấp thuận cuối cùng của quốc hội, nơi chính phủ không nhận được đa số ủng hộ từ các nhà lập pháp.
Dự thảo ngân sách giúp Pháp tiết kiệm 60 tỷ euro (63 tỷ USD) cũng như thu hẹp thâm hụt tài chính từ 6% xuống còn 5% vào năm 2025, nhưng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ.
“Thực tế (thâm hụt ngân sách) này sẽ không [được giải quyết] chỉ bằng phép màu của một kiến nghị bất tín nhiệm [khiến chính phủ bị lật đổ]”, ông Barnier phát biểu trước các nhà lập pháp trước cuộc bỏ phiếu, đồng thời cảnh báo rằng vấn đề thâm hụt ngân sách sẽ là một thách thức lớn cho bất kỳ chính phủ nào thay thế chính phủ của ông.
Ngoài ra, ông Barnier cũng nói thêm rằng việc không thể thông qua ngân sách vào năm 2025 có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng đe dọa tài chính nhà nước.
Pháp đang đối mặt với tình trạng bất ổn chính trị trầm trọng, trong bối cảnh không thể tổ chức bầu cử quốc hội trước tháng 7 năm 2025.
Ngoài ra, quốc gia này cũng đứng trước nguy cơ không có ngân sách cho năm 2025 lẫn một chính phủ ổn định, mặc dù hiến pháp cho phép áp dụng các biện pháp đặc biệt để tránh một tình trạng “đóng cửa chính phủ” kiểu Hoa Kỳ.
Phản ứng của Tổng thống Macron
Tổng thống Macron, đang gánh trên vai trọng trách chèo lái con thuyền quốc gia, buộc phải nhanh chóng bổ nhiệm một thủ tướng mới. Tuy nhiên, quốc hội chia rẽ sẽ gây khó khăn cho việc thông qua các dự luật.
Ông Macron dự kiến sẽ phát biểu trước cử tri Pháp cũng như tuyên bố bổ nhiệm một thủ tướng mới, có thể trước buổi lễ tái khai trương Nhà thờ Đức Bà vào hôm thứ Bảy (7/12).
Ông Macron đang đứng trước hai lựa chọn khó khăn: hoặc thành lập một chính phủ lâm thời để tạm quyền giữ vững sự ổn định trong nước, hoặc thuyết phục các đảng phái đồng thuận nhằm phá vỡ thế bế tắc trong quốc hội Pháp.
Ông Macron có thể yêu cầu ông Barnier và các bộ trưởng của ông ở lại đảm nhận vai trò chính phủ tạm quyền trong khi ông bổ nhiệm một thủ tướng mới — một chính trị gia nhận được sự ủng hộ đủ lớn từ các đảng phái trong quốc hội để có thể thành công thông qua các dự luật.
Một chính phủ tạm quyền có thể lựa chọn giữa hai giải pháp: (1) đề xuất luật khẩn cấp để gia hạn các điều khoản chi tiêu và thuế từ ngân sách 2024 sang năm tiếp theo, hoặc (2) sử dụng quyền hạn đặc biệt để thông qua ngân sách 2025 bằng sắc lệnh – mặc dù các nhà luật học cho rằng điều này vừa gây tranh cãi về mặt pháp lý vừa tiềm ẩn rủi ro chính trị lớn.
Đồng thời, các đồng minh thân cận của ông Macron đang tìm cách mô tả bà Marine Le Pen, lãnh đạo phe cực hữu thuộc đảng Tập hợp Quốc gia, là một nhân tố gây hỗn loạn sau khi đảng của bà hợp lực với phe cánh tả để lật đổ ông Barnier.
“Người dân Pháp sẽ phán xét nghiêm khắc lựa chọn mà bà sắp đưa ra“, ông Laurent Wauquiez, một nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ Les Republicains và cũng là chính trị gia ủng hộ ông Macron, nói với bà Le Pen tại quốc hội.
Sau cuộc bầu cử quốc hội vào tháng Bảy, Tổng thống Macron đã mất gần hai tháng để bổ nhiệm một thủ tướng mới. Ông Macron sẽ tránh tuyên bố một cuộc bầu cử khác, vì Hiến pháp Pháp cấm tổ chức bầu cử trong vòng ít nhất một năm.
Lịch sử Đệ ngũ Cộng hòa chỉ ghi nhận hai lần chính phủ bị lật đổ bởi cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, làm nổi bật mức độ nghiêm trọng của khủng hoảng chính trị đang lan tỏa khắp nước Pháp.
Phản ứng của các đảng phái tại Pháp
Lãnh đạo phe cực hữu Marine Le Pen, thuộc đảng Tập hợp Quốc gia (RN), chỉ trích mạnh mẽ cách Thủ tướng Barnier xử lý khủng hoảng ngân sách, đồng thời khẳng định ủng hộ cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm khiến chính phủ của ông Barnier bị lật đổ, dù bà không coi việc chính phủ Pháp bị lật đổ là một thắng lợi.
“Tôi không coi đây là một chiến thắng. Chúng tôi đã đưa ra quyết định nhằm bảo vệ nhân dân Pháp. Điều này không được thực hiện một cách tùy tiện. Không còn giải pháp nào khác”, bà Marine Le Pen phát biểu với đài TF1 sau cuộc bỏ phiếu.
Bà Marine Le Pen từ lâu đã cố gắng khẳng định rằng đảng Tập hợp Quốc gia của bà sẵn sàng thành lập một chính phủ thay thế.
“Tôi không kêu gọi ông Macron từ chức. Áp lực lên tổng thống sẽ ngày càng lớn hơn. Chỉ có ông ấy mới có thể đưa ra quyết định đó”, bà Le Pen phát biểu.
Tuy nhiên, bà Le Pen cáo buộc thủ tướng là một người “cực kỳ bảo thủ và [mang tư tưởng] cục bộ bè phái” trong các cuộc thảo luận ngân sách và bà cũng đã đưa ra thời hạn cho ông Barnier để đáp ứng các yêu cầu của đảng RN, những yêu cầu mà Bộ trưởng Ngân sách Laurent Saint-Martin đã thẳng thừng bác bỏ.
Đồng thời, bà Le Pen cũng tuyên bố rằng đảng của bà sẽ ủng hộ bất kỳ điều luật khẩn cấp nào để kéo dài các điều khoản chi tiêu và thuế trong ngân sách năm 2024 sang năm sau nhằm đảm bảo nhà nước có nguồn tài chính tạm thời.
Lãnh đạo đảng Nước Pháp Bất Khuất (LFI) Jean-Luc Mélenchon, một thành viên quan trọng trong liên minh phe cánh tả NPF, nhận định rằng kết quả chính phủ của Thủ tướng Barnier bị lật đổ là điều “không thể tránh khỏi” đồng thời lớn tiếng yêu cầu Tổng thống Macron từ chức, điều mà ông Macron đã thẳng thừng bác bỏ.
Phe đối lập với ông Macron cũng có thể tiếp tục bỏ phiếu bất tín nhiệm để lật đổ hết thủ tướng này đến thủ tướng khác, khiến bất ổn chính trị gia tăng.
“Dù cứ mỗi ba tháng lại có một Barnier mới, Macron cũng không thể kéo dài thêm ba năm”, ông Mélenchon viết trên mạng xã hội X.
Ảnh hưởng đến nền kinh tế Pháp, liên minh châu Âu, và thế giới
Tuy đồng euro không bị tác động nhiều so với đồng USD, giao dịch ở mức khoảng 1,05 USD mỗi euro, nhưng giảm so với các đồng tiền châu Âu khác, chẳng hạn như đồng franc Thụy Sĩ và đồng bảng Anh.
“Tôi ngạc nhiên khi đồng euro không biến động nhiều. Có hai cường quốc lớn ở châu Âu, Pháp và Đức, cả hai hiện đang trải qua tình trạng bất ổn [cả về kinh tế lẫn chính trị]”, ông Nick Rees, nhà phân tích thị trường ngoại hối cấp cao tại Monex Europe, phát biểu.
Tuy nhiên, chỉ số chứng khoán CAC 40 của Pháp đã lao dốc gần 10%,và là chỉ số sụt giảm nặng nhất trong số các nền kinh tế hàng đầu EU.
Chi phí vay nợ của Pháp đã tăng vọt, thậm chí vượt qua cả Hy Lạp – một tín hiệu báo động khiến giới đầu tư vào trái phiếu chính phủ và cổ phiếu lo ngại.
Khủng hoảng chính trị tại Pháp sẽ làm suy yếu không chỉ vị thế của Pháp trong Liên minh Châu Âu mà còn làm suy yếu cả Liên minh Châu Âu, nhất là khi nước Đức, đồng minh làng giềng của Pháp và là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, cũng đang chao đảo sau sự tan rã của chính phủ liên minh tại Đức.
Thiên Vân (T/h)
Từ khóa Chính phủ Pháp Chính phủ Pháp sụp đổ Dòng sự kiện Michel Barnier