Chủ tịch Brad Smith của Microsoft cảnh báo rằng nếu không có luật pháp phù hợp và kịp thời để bảo vệ mọi người trước trí thông minh nhân tạo (AI), thì đến năm 2024, cuộc sống loài người sẽ không khác gì phiên bản “1984” (tiểu thuyết của cố nhà văn George Orwell).

p2942641a265969763
Nguyên lý hoạt động của phần mềm nhận dạng khuôn mặt là đối chiếu khớp hình ảnh thời gian thực với ảnh trước đó đã được cung cấp (Nguồn: Gerd Altmann / Pixabay).

“1984” của cố nhà văn Orwell là một cuốn tiểu thuyết xuất bản năm 1949, nói về chủ nghĩa toàn trị, tình trạng giám sát quy mô lớn và nguy cơ tất cả mọi người và mọi động thái trong xã hội đều nằm trong vòng kiểm soát áp chế của quyền lực chính trị.

Cảnh báo về AI được sử dụng tại Trung Quốc

Nguồn tin từ Daily Mail ngày 27/5 cho biết trong mục “Loài người có biết sợ không?” của chương trình “Toàn cảnh” (Panorama) thuộc đài BBC phát sóng ngày 26/5, Chủ tịch Brad Smith của Microsoft dự đoán nếu không có thêm những biện pháp nhằm hạn chế bùng nổ trí thông minh nhân tạo thì cuộc sống ngột ngạt diễn ra cho loại người từng được cố nhà văn Orwell mô tả “có thể thành hiện thực vào năm 2024”.

Trong chương trình đặc biệt thảo luận về việc nhà cầm quyền Trung Quốc ngày càng tăng cường sử dụng trí tuệ nhân tạo để giám sát công dân của họ, ông nói với chương trình “Toàn cảnh” của BBC rằng các nhà lập pháp sẽ khó theo kịp sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo và công nghệ giám sát. Chủ tịch Microsoft cho biết: “Nếu trong tương lai chúng ta không ban hành luật bảo vệ công chúng, chúng ta sẽ thấy công nghệ đã phát triển quá nhanh chóng”.

Chương trình có được một kỹ sư phần mềm (giấu tên) cung cấp bằng chứng tài liệu “gây sốc đáng sợ” về việc nhà cầm quyền Trung Quốc sử dụng trí thông minh nhân tạo để theo dõi người dân, bao gồm các công nghệ có thể “nhận biết cảm xúc” và kết tội. Vì lo ngại cho sự an toàn của mình nên kỹ sư đó giấu tên, anh nói với chương trình rằng anh đã giúp lắp đặt hệ thống giám sát cho đồn cảnh sát ở tỉnh Tân Cương, nơi có 12 triệu người chủ yếu là người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. “Chúng tôi đặt máy ảnh phát hiện cảm xúc cách đối tượng ba mét. Nó tương tự như máy kiểm tra nói dối, nhưng có công nghệ tiên tiến hơn. Nó được sử dụng để xác nhận dự đoán của cơ quan chức năng mà không có bất kỳ bằng chứng đáng tin cậy nào. Điểm máy tính sẽ cho thấy một đối tượng tình nghi nào đó là nguy hiểm, từ đó quy kết đối tượng chắc chắn đã mắc nhiều sai lầm…”, anh diễn tả.

Trí tuệ nhân tạo truyền thống sử dụng các phương pháp đầu vào, thông qua thuật toán với một lượng lớn thông tin nó được cung cấp để “chỉ dẫn” một vấn đề nào đó. Ví dụ như có thể chia sẻ hình ảnh của một loại thực vật cụ thể cho phép xác định xem một bức ảnh có chứa hình ảnh của loài thực vật đó mà không cần con người nhập vào hay không. Tuy nhiên, nó có thể được sử dụng cho những mục đích bất chính hơn, ví dụ ở Trung Quốc có thể dùng xác định xem một người bị cảnh sát bắt giữ có phạm tội hay không.

Cho đến năm 2019, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trong số bằng sáng chế về AI, họ hy vọng vào năm 2030 sẽ trở thành nước dẫn đầu thế giới trong phát triển trí tuệ nhân tạo.

Smith cho rằng đây là một ví dụ có thể thấy trên toàn thế giới, trí tuệ nhân tạo đưa thế giới thực đến gần hơn với khoa học viễn tưởng. Ông nói với BBC: “Tôi luôn nghĩ về những bài học của Orwell trong tác phẩm ‘1984’ của ông. Bạn biết câu chuyện cơ bản này… là về một chính phủ, họ có thể quan sát được mọi thứ chúng ta làm, nghe được mọi câu chuyện hàng ngày của chúng ta. Dù điều đó không xảy ra vào năm 1984, nhưng nếu chúng ta không cẩn thận, nó có thể xảy ra vào năm 2024”.

Cựu Giám đốc điều hành của Google và Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ về Trí tuệ Nhân tạo, ông Eric Schmidt nói rằng việc đánh bại Trung Quốc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo là rất quan trọng. “Chúng tôi đang mâu thuẫn với chiến lược địa chính trị của Trung Quốc, cách để giành chiến thắng là tập hợp các nguồn lực của chúng tôi trong xây dựng các chiến lược quốc gia và toàn cầu để các nước dân chủ có thể giành chiến thắng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Nếu chúng tôi không làm được như vậy, chúng ta sẽ phải chấp nhận loại hệ giá trị khác áp đặt tương lai chúng ta”, Schmidt nói.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Jin Keyu là giáo sư tại Trường Kinh tế London (Anh) cho biết, Trung Quốc “không tìm cách xuất khẩu hệ giá trị của họ”, bà nói thêm rằng tầm nhìn của họ là “cùng tồn tại”.

Mỹ cũng nỗ lực trong cuộc đua

Không chỉ Trung Quốc sử dụng trí thông minh nhân tạo để giám sát con người, Mỹ cũng sử dụng công nghệ của Google, chẳng hạn như công nghệ nhận dạng hình ảnh có thể phân biệt người và vật trong video được lắp trên máy bay không người lái. Đây được gọi là Dự án Maven (Maven Project), việc sử dụng nó trong quân đội đã khiến một số nhân viên của Google phải từ chức để phản đối.

Tiến sĩ Schmidt nói: “Thời điểm đó, Marvin là … phương pháp quan sát tự động thay thế mắt người, lắp ở máy bay không người lái sử dụng trong các sự kiện xung đột tại Ả Rập. Tôi nghĩ việc sử dụng công nghệ này là quan trọng đối với an ninh quốc gia, đối với Google thì đó là mối quan hệ đối tác tốt đẹp”.

Tiến sĩ Tiết Lan (Xue Lan), một nhà tư vấn cho Chính phủ Trung Quốc, cáo buộc Mỹ đang dẫn đầu một cuộc chiến tranh lạnh về mặt kỹ thuật. Ông nói rằng trong trường hợp xảy ra sự cố nghiêm trọng, nhận dạng khuôn mặt có thể cho thấy “trợ giúp rất lớn” để biết các cuộc tụ tập quy mô lớn gây hiểm họa, chứ không chỉ nhằm để giám sát.

Mặc dù Google đã rút khỏi dự án Marvin, Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn tiếp tục tìm kiếm các đối tác ở thung lũng Silicon trong nỗ lực giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh trí tuệ nhân tạo.

Seth Moulton, Chủ tịch Lực lượng Đặc nhiệm Phòng vệ Tương lai Mỹ (US Future Defence Task Force), cho biết: “Chúng ta đang trong cuộc cạnh tranh, và đó là ý nghĩa tồn tại của nó”. Ông cũng cho rằng các công ty công nghệ nên ủng hộ chính phủ, rằng cuộc chạy đua vũ trang trí tuệ nhân tạo này một ngày nào đó sẽ “dẫn đến xung đột với Trung Quốc”.

Chia sẻ với chương trình “Toàn cảnh”, giáo sư Stuart Russell, một chuyên gia về trí tuệ nhân tạo người Anh đang làm việc tại Đại học California, Berkeley, cho rằng loài người đang ở ngã ba đường. Ông nhấn mạnh: “Nếu chúng ta đi đúng hướng, loài người có thể tiến tới thời kỳ hoàng kim, sẽ không còn đói nghèo và bệnh tật. Nếu chúng ta đi sai, chúng ta có thể tạo ra một chế độ độc tài toàn cầu với công nghệ hỗ trợ mạnh mẽ, thậm chí chúng ta có thể không còn quyền kiểm soát thế giới vì chính công nghệ của chúng ta”.

Thành Dung, Vision Times

Xem thêm: