Chúng ta biết gì về khinh khí cầu của Trung Quốc?
- Thiên Đức
- •
Một khinh khí cầu do thám, mà Bắc Kinh miêu tả là vô tình đi nhầm vào không phận Hoa Kỳ, đã bị quân đội nước này bắn rụng ngoài khơi bờ biển Nam Carolina cuối tuần trước sau khi chu du cắt ngang nước Mỹ. Trong khi đợi các nhà chức trách hoàn tất việc vớt tàn dư của nó, Reuters đăng một bài tóm tắt một số thông tin về khinh khí cầu này.
Thông số kỹ thuật
Chắc chắn sẽ có những thông tin chi tiết hơn được công bố ra khi người ta tìm hiểu kỹ hơn những mảnh tàn dư thu được.
Người đứng đầu Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ, Tướng Glen VanHerck, đã mô tả khinh khí cầu cao 200 feet (61 m), với khối tải trọng mà nó nâng lên có kích thước bằng một chiếc máy bay chở khách nội địa và có thể nặng hơn vài nghìn pound.
Những người dân thường nhìn khinh khí cầu từ mặt đất đã mô tả nó giống như một quả cầu khổng lồ màu trắng khi nó lơ lửng ở độ cao khoảng 60.000 feet (18.300 m), độ cao gần gấp đôi so với độ cao của giao thông hàng không dân dụng.
Các quan chức Hoa Kỳ cho biết họ đã theo dõi thiết bị này được một thời gian, ít nhất là từ ngày 28/1 khi nó bay vào không phận Hoa Kỳ.
Trung Quốc đã nói gì?
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết khinh khí cầu chủ yếu được sử dụng cho mục đích khí tượng, và khả năng điều khiển rất hạn chế. Điều đó có ý giải thích cho việc nó bị ảnh hưởng bởi thời tiết và bất ngờ trôi dạt vào không phận Hoa Kỳ.
Bộ cũng cho biết họ không có thông tin để chia sẻ về công ty hoặc tổ chức nào sở hữu chiếc khinh khí cầu này.
Có đúng là một khinh khí cầu quan sát thời tiết?
Kaymont, một công ty của Mỹ sản xuất và phân phối các loại khinh khí cầu thời tiết trên toàn cầu, cho biết kích thước, trọng tải và thời gian bay của chiếc khinh khí cầu này vượt quá khả năng của những khinh khí cầu thời tiết thông thường vốn được làm bằng latex.
“Một bóng thám không điển hình sẽ có trọng lượng đầu dò vô tuyến nhẹ, chỉ khoảng 200 gram. Khi mới được thả, nó sẽ có kích thước khoảng 1,4 mét và sẽ phồng lên thật nhanh tới đường kính khoảng 6 mét, với thời gian bay sẽ trong khoảng 90-120 phút,” Jesse Geffen, một người quản lý của Kaymont, nói với Reuters.
“Trọng tải cho các thiết bị cho phép chụp ảnh quay phim ở đội cao lớn thì có thể được mang theo bởi những khinh khí cầu lớn hơn, nhưng ngay cả như vậy cũng sẽ không bằng 1/3 kích thước của chiếc khinh khí cầu [vừa bị bắn rụng].”
Tại Trung Quốc, việc sản xuất khinh khí cầu thời tiết được chi phối bởi một công ty con của tập đoàn hóa chất khổng lồ nhà nước ChemChina, Viện Nghiên cứu và Phát triển Cao su & Nhựa Chu Châu (Cao su Chu Châu), nơi sản xuất 75% khinh khí cầu tầm cao được Cục Khí tượng Trung Quốc, cơ quan quản lý của nước này sử dụng, theo một tuyên bố năm ngoái.
Trong những nhà sản xuất nhỏ hơn, có Công ty Thiết bị Thời tiết Double-One Quảng Châu. Chủ tịch của công ty là Lin Xiuping nói với Reuters rằng công ty của bà và Cao su Chu Châu có khả năng chế tạo những khinh khí cầu có thể bay ở độ cao mà khinh khí cầu vừa bị bắn rụng ở Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, bà nói rằng Quảng Châu Double-One không phải là nhà sản xuất khinh khí cầu đó.
Một nhân viên trả lời điện thoại tại trụ sở của Cao su Chu Châu cho biết khinh khí cầu của Mỹ không liên quan gì đến công ty và từ chối nhận thêm câu hỏi.
Vậy nó là loại khinh khí cầu nào?
Kaymont cho biết khinh khí cầu có thể được làm bằng màng nhựa chứ không phải cao su. Cho đến nay, một số mô tả về mảnh vỡ khinh khí cầu được trục vớt từ Đại Tây Dương nói rằng có nhựa.
Về ngoại hình và kích thước, nó giống với khinh khí cầu do hãng Aerostar của Mỹ sản xuất, công ty này đã từng nhầm khinh khí cầu của mình với khinh khí cầu của Trung Quốc khi nó bay qua Memphis.
Aerostar là một nhà thầu quốc phòng và hàng không vũ trụ cung cấp các khí cầu tầng bình lưu cho các cơ quan như Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia (NASA) được làm từ màng polyetylen có thể bay trong hơn 200 ngày và mang theo hàng trăm cân Anh.
Trước đây, họ cũng đã thỏa thuận với Google để sử dụng những khinh khí cầu như vậy để cung cấp internet cho các vùng nông thôn.
Các công ty khác phát triển hệ thống khinh khí cầu bao gồm công ty du lịch vũ trụ World View của Mỹ và công ty CNIM Air Space của Pháp.
Trung Quốc dường như không có công ty tư nhân tương đương, nhưng Viện Nghiên cứu Thông tin Hàng không vũ trụ (AIR) và Viện Quang điện tử chính thức của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đều đã tiến hành nghiên cứu quan trọng về khinh khí cầu tầng bình lưu và công bố các báo cáo về các vụ phóng.
Ví dụ vào năm 2017, Viện Quang điện tử thông báo họ đã cho bay thành công một khinh khí cầu “siêu áp suất” do họ phát triển ở Nội Mông, mô tả nó có thể tích 7.000 mét khối và có thể chở 150 kg.
Tháng 9 năm ngoái, AIR của Trung Quốc đã công bố thử nghiệm thành công khinh khí cầu có thể đạt độ cao 30 km và mang theo 1,2 tấn như một phần của dự án phát triển công nghệ cận vũ trụ.
AIR đặc biệt quan tâm đến công nghệ khinh khí cầu và đã đăng một số bài báo trên tài khoản WeChat của mình về Aerostar.
Reuters đã không thể xác định ngay những công ty nào cung cấp khí cầu cho AIR hoặc Viện Quang điện tử.
Cả hai viện đã không trả lời yêu cầu bình luận.
Video của ABC đăng 8/2:
Theo video của ABC mới đăng hôm 8/2 cho biết, phần tải trọng có kích thước cỡ khoảng 3 chiếc xe buýt của khinh khí cầu gián điệp này có thể chứa chất nổ. Có thể nó có chức năng tự hủy. Do tầm bay của khinh khí cầu không người lái này quá cao, cho nên khi các máy bay của Không lực Hoa Kỳ bay tới để chụp ảnh cận cảnh và sau đó là để bắn rụng thì các phi công phải mặc bộ đồ trùm toàn thân tựa như bộ đồ của các nhà du hành vũ trụ.
Trong khi các hoạt động trục vớt tàn dư của khinh khí cầu, cũng theo video trên, thì Trung Quốc tuyên bố đòi phải trả khinh khí cầu lại cho họ, nói “khinh khí cầu đó là của Trung Quốc chứ không phải của Hoa Kỳ.”
Khi phóng viên hỏi về việc Hoa Kỳ sẽ trả lại cho Trung Quốc những mảnh vỡ này không, phát ngôn viên Nhà trắng John Kirby đã trả lời rằng “Tôi không biết có bất kỳ dự định hay kế hoạch nào như vậy.”
Các nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc gần đây đã lập luận trong các tài liệu công khai rằng khinh khí cầu nên được phát triển và triển khai hơn nữa trong một loạt các nhiệm vụ, như tin đã đưa.
Trong khi các nhà phân tích chưa biết quy mô của đội khinh khí cầu Trung Quốc, các quan chức Mỹ đã nói về hàng chục nhiệm vụ mà họ đã làm kể từ năm 2018 trên khắp 5 châu lục, trong đó có một số mục tiêu nhắm vào Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam, Đài Loan và Philippines.
Từ khóa Khinh khí cầu Khinh khí cầu Trung Quốc