Chuyên gia: ‘Chính trị dựa trên bản sắc’ là công cụ để phá vỡ nước Mỹ
- Lê Xuân
- •
Theo Mike Gonzalez, một thành viên cấp cao tại viện Heritage Foundation, chính trị bản sắc hay chính trị theo danh tính [identity politics] là việc định hình lại về nước Mỹ, theo đó Hoa Kỳ sẽ không phải là một quốc gia thống nhất, mà là một liên minh của các nhóm khác nhau dựa trên bản sắc hay danh tính.
Trả lời phỏng vấn trong chương trình “Crossroads” của Epoch Times, ông Gonzalez cho hay chính trị bản sắc giống như tạo ra một nhóm “bị áp bức” và một nhóm “kẻ áp bức”.
Trên thực tế, những nhóm này đã được các nhà hoạt động cánh tả dần dần tạo ra với mục đích truyền cho các thành viên của nhóm “bị áp bức” cảm giác rằng họ trở thành “nạn nhân”, từ đó khơi dậy sự bất bình trong họ, và lợi dụng họ như một chất xúc tác để “tiến hành đấu tranh”, thay đổi xã hội và thay đổi nước Mỹ theo chương trình nghị sự mà cánh tả mong muốn.
Ông Gonzalez cho biết, điều này phù hợp với những xung đột giữa “kẻ áp bức” và “kẻ bị áp bức” trong chủ nghĩa Mác.
Đằng sau nền ‘chính trị bản sắc’ là nỗ lực nhằm biến đổi xã hội Hoa Kỳ và nước Mỹ thành một hệ thống kế hoạch hóa tập trung kiểu cộng sản. Ông Gonzalez đã vạch ra điều này trong cuốn sách của mình, “Âm mưu thay đổi nước Mỹ: Chính trị bản sắc đang chia cắt Đất nước Tự do như thế nào”.
Các danh mục nhận dạng
Gonzalez cho biết danh tính gốc Tây Ban Nha (Hispanic) và La tinh (Latino) được tạo ra bởi Văn phòng Quản lý và Ngân sách vào năm 1977 và những danh mục này đã được đưa vào điều tra dân số quốc gia. Một nhóm nhận dạng khác là người Mỹ gốc Á cũng đã xuất hiện ngay sau đó.
Khi các nhà nghiên cứu của trường đại học UCLA phỏng vấn các cộng đồng người Mỹ gốc Mexico ở Texas và California vào cuối năm 1960, báo cáo cho thấy người Mỹ gốc Mexico – dân tộc thiểu số lớn nhất ở Mỹ, hóa ra không cảm thấy như họ là “nạn nhân” hay giống như “bị gạt ra ngoài lề xã hội” hay “là thành viên của một nhóm thiểu số” trong nước Mỹ.
“Trên thực tế, họ biết rằng họ phải đối mặt với sự phân biệt đối xử, đặc biệt là ở Nam Texas, nhưng họ nghĩ rằng họ có quyền tự quyết cá nhân, rằng họ có thể tự giải quyết vấn đề của mình,” ông Gonzalez nói.
Vào năm 2015, một danh mục nhận dạng mới có tên là “Trung Đông hoặc Bắc Phi” (hay còn gọi là “MENA”) được tạo bởi Cục điều tra dân số. Tuy nhiên, cuộc tranh luận về danh mục này vào thời điểm đó tại Cục điều tra dân số cho thấy rằng “người Mỹ gốc Trung Đông không quan tâm đến việc trở thành thành viên của một nhóm nào đó,” ông Gonzalez nói. Ông cho biết hầu hết họ muốn tiếp tục được coi là người da trắng; đã hòa nhập với xã hội chính thống của Mỹ; và không cảm thấy rằng họ bị gạt ra ngoài lề xã hội.
Cũng tại cuộc họp này, một giáo sư nghiên cứu về sắc tộc đã đề xuất trao cho các thành viên của nhóm MENA một số lợi ích như được ưu đãi khi nhập học, hoặc được làm việc trong chính phủ, để thuyết phục những người đó coi mình là một nhóm nhận dạng, ông Gonzalez nói.
Herbert Marcuse, một học giả Mác-xít nổi tiếng của Trường phái Frankfurt, đã viết: “Mọi sự giải phóng đều phụ thuộc vào ý thức về nô lệ”. Ông Gonzalez giải thích, điều này có nghĩa là mọi người cần phải ý thức về sự nô lệ của mình hay sự bị áp bức của mình trước khi họ có thể àm cách mạng.
Theo Marcuse, công nhân Mỹ sẽ không bao giờ lật đổ hệ thống vì công nhân Mỹ quá hài lòng và quá hạnh phúc với chủ nghĩa tư bản, ông Gonzalez nói.
Marcuse cho rằng sẽ có những người thuộc các chủng tộc và màu da khác nhau và đó sẽ là cơ sở cách mạng để vùng lên và lật đổ cái gọi là hệ thống áp bức, nhưng họ phải được hướng dẫn trước về sự áp bức và nô lệ của mình, ông Gonzalez nói.
Chịu trách nhiệm về cuộc sống của chính mình và giải quyết các vấn đề của mỗi cá nhân không phải là những gì Các Mác [Karl Marx] chủ trương. Họ thừa nhận rằng một người có thể thành công với tư cách cá nhân, nhưng lại cho rằng nếu làm như vậy thì người đó đã tham gia vào một hệ thống tồi tệ, ông Gonzalez giải thích.
Gonzalez nói rằng Angela Davis, một nhà hoạt động cộng sản người Mỹ, giáo sư và người cố vấn cho các nhà lãnh đạo của tổ chức Black Lives Matter, đã công khai tuyên bố rằng một người thành công trong cuộc sống cá nhân chính là đã tham gia vào một hệ thống “phân biệt chủng tộc có hệ thống” và nó cần phải được tháo dỡ.
Ông nói, để phá bỏ hệ thống, theo tư tưởng của chủ nghĩa Mác, “bạn cần phải tức giận,” cảm thấy mình là nạn nhân của hệ thống, và chỉ khi đó mọi người mới hành động tập thể.
Do đó, những người theo chủ nghĩa Mác “không muốn cải thiện cá nhân – trên thực tế, họ chủ trương chống lại tất cả những thứ có thể giúp cá nhân thành công trong xã hội,” ông Gonzalez nói.
Nguồn gốc của Lý thuyết Chủng tộc Phê phán (Critical Race Theory)
Lý thuyết chủng tộc phê phán nhìn nhận tất cả cuộc sống của người Mỹ qua lăng kính chủng tộc, tuyên bố rằng động lực chủng tộc là áp bức, và rằng nước Mỹ phân biệt chủng tộc về mặt hệ thống, cấu trúc và thể chế. Do đó, tất cả các thiết chế và cấu trúc trong hệ thống phải được thay đổi.
“Đó là triết lý Mác-xít ngay từ đầu và đó thực sự là triết lý đằng sau các tổ chức Black Lives Matter, dự án 1619 và tất cả dạng ‘văn hóa thức tỉnh’ [woke culture] mà chúng ta thấy ngày nay,” ông Gonzales nói.
[Chú thích của TTVN: woke culture hay ‘văn hóa thức tỉnh’ gắn liền với phong trào Black Lives Matter; kêu gọi nhận thức và cả hành động về bất công hoặc căng thẳng chủng tộc.]
Thuyết chủng tộc phê phán là một nhánh của Thuyết Phê phán, được phát triển bởi những người sáng lập Phái Frankfurt, một nhóm trí thức Mác-xít đầu tiên liên kết với Đại học Frankfurt và sau đó là Đại học Columbia ở New York.
Thuyết phê phán xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1937, cho rằng “không có chân lý phổ quát và con người không thể là khách quan.”
Ông Gonzalez cho biết, nó được phát triển bởi những người theo chủ nghĩa Mác, những người đang tự hỏi tại sao nỗ lực thành lập một nước cộng hòa Xô Viết Đức vào năm 1919 đã thất bại và giai cấp vô sản Đức không vùng lên để lật đổ tư sản mặc dù đã thành lập thành công Liên Xô vào năm 1917.
Họ đi đến kết luận rằng giai cấp vô sản đã chấp nhận “tất cả những gì mà kẻ áp bức đưa ra” như tôn giáo, mô hình kinh tế của chủ nghĩa tư bản, và gia đình phụ hệ. Do đó, họ cần “tiếp cận người lao động không chỉ với tư cách là tầng lớp kinh tế mà còn về mặt văn hóa, khiến họ ngừng chấp nhận nhà nước-quốc gia, nhà thờ, gia đình, và hệ thống tư bản, và thay đổi suy nghĩ của họ thông qua các phiên đấu tranh.”
Do đó, Trường phái Frankfurt đã phát triển Thuyết phê phán, được ông Gonzalez mô tả là “một sự chỉ trích dữ dội không ngừng đối với tất cả những thể chế của phương Tây như gia đình, nhà thờ để nhằm phá bỏ chúng, để chúng dễ dàng bị phá bỏ hơn và thay thế chúng với những điều mà Các Mác mong muốn”.
Lê Xuân (theo Epoch Times)
Xem thêm:
Từ khóa văn hóa thức tỉnh woke culture chính trị bản sắc chính trị danh tính Dòng sự kiện Thuyết chủng tộc phê phán Thuyết phê phán trường phái Frankfurt Mác-xít