CIA và “nhiệm vụ mới” chuyển hướng tập trung vào ĐCSTQ
- Trình Văn
- •
Trong một cuộc họp kín gần đây với các lãnh đạo Trung tâm Chống khủng bố của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), quan chức số 2 của CIA đã nói rõ vấn đề trấn áp Al Qaeda và các nhóm cực đoan khác vẫn là ưu tiên, nhưng nguồn lực của CIA sẽ ngày càng tập trung vào việc chống lại mối đe dọa từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Theo hãng tin AP ngày 8/8, trong một cuộc họp kín cách đây vài tuần, Phó Giám đốc CIA David Cohen cho hay, mặc dù Mỹ sẽ tiếp tục truy lùng những kẻ khủng bố, nhưng vấn đề cấp bách hiện nay là phải tập trung hơn cho việc tìm hiểu và ứng phó ĐCSTQ.
Một năm sau khi rút quân khỏi Afghanistan, Tổng thống Joe Biden và các quan chức an ninh quốc gia hàng đầu của Mỹ đã ít nói hơn về chủ nghĩa chống khủng bố, thay vào đó nói nhiều hơn về các mối đe dọa chính trị, kinh tế và quân sự do ĐCSTQ và Nga gây ra. Đã có một bước ngoặt thầm lặng trong CIA, đó là việc điều động lại hàng trăm quan chức vào các vị trí tập trung vào ĐCSTQ, bao gồm một số người trước đây đã từng làm việc trong lĩnh vực chống khủng bố.
Tuần trước, họ đã nhấn mạnh rằng Mỹ phải cùng lúc giải quyết cả hai vấn đề. Sau vài ngày khi máy bay không người lái của CIA giết thủ lĩnh al-Zawahiri của Al-Qaeda ở Kabul, ĐCSTQ đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn và đe dọa nếu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thăm Đài Loan thì sẽ cắt quan hệ với Mỹ.
Mỹ từ lâu đã cảnh giác trước những tham vọng kinh tế và chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc. Nhà cầm quyền ĐCSTQ đã cố gắng gây ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử ở nước ngoài, phát động gián điệp mạng và và bỏ tù hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung. Một số chuyên gia cũng tin rằng trong những năm tới ĐCSTQ sẽ cố gắng dùng vũ lực thôn tính nước Đài Loan dân chủ.
Các quan chức tình báo CIA nói rằng họ cần tìm hiểu thêm về ĐCSTQ, đặc biệt là sau vấn đề không thể xác minh được nguyên nhân của đại dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán). Trong vấn đề này, nhà chức trách ĐCSTQ bị cộng đồng quốc tế cáo buộc che giấu thông tin về nguồn gốc của virus.
Cuộc chiến Ukraine làm nổi bật tầm quan trọng của Nga như một mục tiêu khác. Mỹ đã sử dụng thông tin được giải mật để vạch trần các kế hoạch chiến tranh của Nga trước cuộc xâm lược Ukraine và để giành được sự ủng hộ ngoại giao cho Ukraine.
Những người ủng hộ cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Mỹ Biden chỉ ra khả năng Mỹ truy tìm và tiêu diệt al-Zawahiri cho thấy đe dọa của Mỹ đối với Afghanistan ngay cả khi ở bên ngoài. Giới quan sát có chỉ ra rằng al-Zawahiri sống ở Kabul dĩ nhiên được Taliban bảo vệ, cho thấy sự trỗi dậy của các nhóm cực đoan mà Mỹ khó đối phó.
Các nhà lập pháp lưỡng đảng và nhiều cựu quan chức tình báo của Mỹ từ lâu đã ủng hộ sự thay đổi các mục tiêu ưu tiên của CIA, họ cho rằng đáng lý cần làm sớm hơn. Điều đó cũng được ủng hộ từ nhiều người phục vụ ở Afghanistan cũng như tham gia vào các nhiệm vụ khác chống lại Al-Qaeda cùng các nhóm khủng bố khác.
Cựu quân nhân từng phục vụ ở Afghanistan và Iraq hiện tại là Dân biểu Dân chủ Jason Crow cho biết, ông tin rằng sự tập trung của Mỹ vào chống khủng bố trong vài năm qua là đi quá mức. Ông nói với AP rằng các nhóm khủng bố “sẽ không phá hoại lối sống của người Mỹ theo kiểu của ĐCSTQ.. . ”; “Mối đe dọa tồn tại lớn hơn là Nga và ĐCSTQ”. Crow cũng từng phục vụ trong Ủy ban Tình báo và quân sự Hạ viện Mỹ.
Người phát ngôn của CIA là Tammy Thorp chỉ ra rằng khủng bố “vẫn là một thách thức rất thực tế”. Thorpe cho biết: “Ngay cả khi các cuộc khủng hoảng như cuộc xâm lược Ukraine của Nga và những thách thức chiến lược như Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đòi hỏi sự chú ý của chúng tôi, CIA sẽ tiếp tục tích cực theo dõi các mối đe dọa khủng bố trên khắp thế giới và làm việc với các đối tác để giải quyết chúng”.
Một số nguồn tin quen thuộc với vấn đề này (giấu tên) cho hay, Quốc hội Mỹ đã thúc đẩy CIA và các cơ quan tình báo khác coi Trung Quốc trở thành ưu tiên hàng đầu để thảo luận về các vấn đề tình báo nhạy cảm. Việc thúc đẩy các nguồn lực tập trung vào mối đe dọa từ ĐCSTQ đòi hỏi phải cắt giảm trong các lĩnh vực khác, bao gồm cả chống khủng bố. Vì ngân sách tình báo là bí mật nên không có số liệu cụ thể.
Đặc biệt, giới lập pháp Mỹ muốn có thêm thông tin về những phát triển công nghệ tiên tiến của Trung Quốc (ĐCSTQ). Dưới thời ông Tập Cận Bình, ĐCSTQ đã cam kết đầu tư hàng ngàn tỷ USD vào khoa học lượng tử, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khác mang tính đột phá trong cách thức chiến tranh và chi phối cấu trúc kinh tế.
Nguồn tin quen thuộc với vấn đề này cho biết, là một phần trong sự thay đổi của CIA, một ủy ban quốc hội đang cố gắng theo dõi tốt hơn cách CIA chi tiền cho các vấn đề Trung Quốc và tìm kiếm các chương trình cụ thể hơn về cách đóng góp cho sứ mệnh đó.
Dân biểu Chris Stewart của Cộng hòa trong Ủy ban Tình báo Hạ viện nói: “Chúng tôi làm muộn, nhưng thật tốt là cuối cùng chúng tôi cũng đang chuyển trọng tâm sang khu vực này cả về con người, nguồn lực, tài sản quân sự và ngoại giao”.
Năm ngoái, CIA đã thông báo rằng họ sẽ thành lập hai “trung tâm sứ mệnh” mới – một cho Trung Quốc và một cho các công nghệ mới nổi – để tập trung và cải thiện việc thu thập thông tin tình báo về những vấn đề này. CIA cũng đang cố gắng tuyển dụng nhiều người biết tiếng Hoa hơn và giảm thời gian chờ đợi hơn để thuê người mới nhanh hơn.
Nguồn tin này cho biết, nhiều quan chức trong CIA đang học tiếng Hoa và chuyển sang các vị trí mới tập trung vào Trung Quốc, nhưng không phải tất cả những công việc đó đều yêu cầu đào tạo tiếng Hoa.
Các quan chức Mỹ lưu ý rằng giới chức tình báo CIA đang được đào tạo để thích nghi với những thách thức mới, vì sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 thì nhiều người đã lập tức được chuyển sang vai trò chống khủng bố. Nguồn tin từ cựu quan chức CIA cho biết một số tiến bộ trong nỗ lực chống khủng bố – bao gồm sử dụng tốt hơn dữ liệu và các nguồn tình báo khác nhau để xây dựng mạng lưới và định vị mục tiêu – cũng đã giúp ích cho mục tiêu đối với tập trung vào Nga và ĐCSTQ.
Cựu quan chức tại Trung tâm chống khủng bố của CIA là Douglas Wise nói: “Máy phân tích và định vị đã trở nên phi thường”.
Sau khi được tổ chức lại vào năm 2015, Trung tâm Chống Khủng bố của CIA được đổi tên thành Trung tâm Nhiệm vụ Chống Khủng bố, đối với nhiều người thì tổ chức này vẫn là nguồn tự hào, coi đây là nơi bảo vệ người Mỹ khỏi khủng bố sau vụ 11/9.
Từ lâu đã có một cuộc tranh luận về việc liệu hoạt động chống khủng bố có khiến CIA mất tập trung vào hoạt động gián điệp truyền thống hay không, liệu một số công việc của CIA chống lại những kẻ khủng bố có nên giao lại cho các lực lượng đặc biệt thuộc quân đội hay không.
Marc Polymeropoulos là một sĩ quan CIA đã nghỉ hưu và là cựu chỉ huy trưởng căn cứ ở Afghanistan. Ông nói rằng ông ủng hộ việc tập trung nhiều hơn vào Trung Quốc và Nga, nhưng “không có lý do gì để giảm bớt những gì chúng tôi phải làm”.
Ông cho rằng việc định vị lại CIA để tập trung hơn vào Trung Quốc và Nga cuối cùng sẽ mất nhiều năm, đồng thời sẽ đòi hỏi sự kiên nhẫn và công nhận rằng văn hóa của cơ quan này cũng sẽ cần thời gian để thay đổi. “Trong nhiều thập kỷ qua chúng tôi đã tập trung thực hiện chống khủng bố. Chúng tôi phải có một kế hoạch hợp lý cho sự thích nghi này, và sẽ không mất quá nhiều thời gian”, ông nói.
Từ khóa Chống khủng bố CIA Dòng sự kiện