Cơ quan tình báo Mỹ kêu gọi ngừng sử dụng sản phẩm của Huawei và ZTE
- Trí Đạt
- •
Mới đây, 6 cơ quan tình báo lớn của Mỹ đã đưa ra cảnh báo đối với người dân: Không nên sử dụng điện thoại thông minh do Huawei hoặc ZTE sản xuất.
Ngày 13/2 vừa qua, cơ quan tình báo Mỹ đã công bố Báo cáo dự đoán mối đe dọa toàn cầu, 6 cơ quan tình báo lớn của Mỹ như Cục điều tra Liên bang, Cục tình báo Trung ương, Cục an ninh quốc gia, Cục tình báo quốc phòng, Tổng cục giám sát tình báo quốc gia và Cục Tình báo Địa-Không gian quốc gia đã tham dự buổi điều trần trước Ủy ban tình báo Thượng viện Mỹ, đồng thời kêu gọi người dùng Mỹ không nên sử dụng sản phẩm Huawei hoặc ZTE của Trung Quốc để tránh dữ liệu và thông tin cá nhân bị rò rỉ.
Cơ quan tình báo Mỹ kêu gọi dừng sử dụng điện thoại của Huawei
Ngày 14/2, tờ Hong Kong Economic Times đưa tin, ông Richard Burr – Chủ tịch Ủy ban tình báo Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa cho biết, Mỹ chú ý đến doanh nghiệp viễn thông có mối quan hệ đặc thù với chính quyền Trung Quốc, lo lắng rằng việc đầu tư, mua bán và sáp nhập có thể liên quan đến sự thâm nhập của gián điệp Trung Quốc.
Cục trưởng Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray cho biết, ông lo lắng việc cho phép bất cứ công ty công nghệ viễn thông nào có quan điểm khác với Mỹ và do chính phủ nước ngoài khống chế để phát huy sức ảnh hưởng trong thị trường Mỹ, bởi vì như vậy sẽ tạo thành mối uy hiếp cho người dùng Mỹ và nước Mỹ.
Christopher Wray nói, nếu cho phép những công ty như thế này vào Mỹ, sẽ để cho họ có năng lực gây áp lực cho Mỹ hoặc kiểm soát dịch vụ cơ sở hạ tầng thông tin, cũng sẽ để cho họ có năng lực đánh cắp thông tin, thậm chí có thể tiến hành hoạt động gián điệp.
Ông cho rằng, Mỹ cần phải nhìn rõ hành vi thâm nhập của chính phủ Trung Quốc bằng cách lợi dụng mua bán và sáp nhập các doanh nghiệp và các hình thức kinh doanh khác, chứ không chỉ đơn giản đánh giá là một dạng giao dịch thông thường.
Bản tin của Hong Kong Economic Times cũng nói, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Tom Cotton và Marcro Rubio đệ trình đề xuất lập pháp, kiến nghị chính phủ Mỹ dừng mua hoặc thuê công ty sản xuất thiết bị viễn thông như Huawei và ZTE.
Đứng sau Huawei là quân đội Trung Quốc
Mấy năm gần đây, Huawei có không ít vụ bê bối. Tháng 1/2016, Tập đoàn thông tin Huawei đã tặng cho 127 nghị viên của quốc hội Burkina Faso (quốc gia Tây Phi), mỗi người một chiếc máy tính bảng, hành động hào phóng này khiến dư luận bàn tán sôi nổi, nghi ngờ rằng Huawei có hành vi hối lộ quan chức nước khác.
Một nhân viên từng làm việc tại Huawei tiết lộ, nội bộ Huawei vận hành như một cơ quan đặc vụ, trong các hoạt động thương mại và bố trí sắp xếp nhân sự đều phải nghe theo lời của chính phủ Trung Quốc, đồng thời cung cấp một đội quân tác chiến mạng tinh nhuệ cho quân đội Trung Quốc.
>> Trung Quốc bị tố hoạt động gián điệp mạng tại Liên minh châu Phi
Một bản báo cáo điều tra tháng 10/2011 của Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tiết lộ, “trong 3 năm qua, Huawei đã được chính phủ Trung Quốc tài trợ gần 250 triệu đô la Mỹ”, báo cáo nói, công ty công nghệ viễn thông lớn nhất Trung Quốc Huawei giống như cơ quan tình báo KGB (Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô) của Liên Xô trước đây.
Còn người sáng lập Huawei, Nhậm Chính Phi, có thời gian phục dịch trong quân đội Trung Quốc từ năm 1974 đến năm 1983, năm 1978 với thân phận là đại biểu quân đội tham dự Đại hội khoa học toàn quốc Trung Quốc. Năm 1983, Nhậm Chính Phi rời khỏi quân đội, đến năm 1987, sáng lập ra công ty Huawei.
ZTE chịu sự khống chế của chính quyền Trung Quốc
Ngoài Huawei, công ty công nghệ viễn thông thành lập năm 1985 là ZTE cũng liên tục có nhiều tin đồn xấu trong mấy năm gần đây.
Tháng 1/2016, quỹ hưu trí lớn nhất thế giới, Quỹ lương hưu công cộng Na Uy tuyên bố rút khỏi đầu tư của ZTE, nguyên nhân chủ yếu là Ngân hàng Trung ương Na Uy điều tra và phát hiện, tập đoàn ZTE liên quan đến hành vi tham nhũng ở 18 nước, trong đó có 10 nước đang bị điều tra chống tham nhũng.
Không chỉ có vậy, ZTE còn tiến hành cung cấp các sản phẩm của Mỹ cho 5 nước mà Mỹ đang áp dụng các biện pháp trừng phạt như Bắc Triều Tiên, Iran, Sudan, Syria và Cuba.
Giáo sư Tạ Điền thuộc Phân viên tại AiKen của Đại học Nam Carolina từng chỉ ra, ZTE mạo hiểm ủng hộ Iran, nguyên nhân đằng sau không chỉ là lợi ích kinh tế. ZTE là doanh nghiệp thông tin lớn thứ 2 của Trung Quốc, mặc dù trên danh nghĩa là công ty tư nhân, nhưng thực tế lại chịu sự kiểm soát bởi đảng ủy công ty.
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa Cơ quan tình báo Mỹ CIA Huawei ZTE Điện thoại Huawei Điện thoại ZTE