Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Sullivan thăm Trung Quốc, hội kiến ông Tập Cận Bình
- Trí Đạt
- •
Hôm thứ Năm (29/8), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. Ông Sullivan cũng đã gặp ông Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia), Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và nhấn mạnh rằng cả hai bên cần quản lý quan hệ Mỹ – Trung một cách có trách nhiệm. Một nhà phân tích chỉ ra rằng cuộc gặp của ông Sullivan với phía Trung Quốc không có kết quả, cả hai bên đều thảo luận về “các vấn đề cũ” và không đạt được tiến bộ đáng kể nào.
Ông Sullivan đã gặp ông Tập Cận Bình, thảo luận về các vấn đề eo biển, cuộc chiến của Nga với Ukraine và Biển Đông
Ngày 29/8, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc CCTV, ông Tập Cận Bình đã nói khi bắt đầu cuộc gặp với ông Sullivan rằng: “Chúng tôi hy vọng rằng Mỹ sẽ hợp tác với Trung Quốc, cùng hỗ trợ nhau đi về phía trước”. Ông cũng kêu gọi Washington nhìn nhận sự phát triển của Trung Quốc với “thái độ lý trí”. Ông Sullivan nhắc lại cam kết của Tổng thống Biden trong việc ngăn chặn cạnh tranh Mỹ – Trung “tiến triển thành xung đột hoặc đối đầu” và cho biết hai nước nên ra sức hợp tác trong các lĩnh vực “có cùng lợi ích”.
Ông Sullivan nói trong cuộc gặp ông Tập tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh rằng, Tổng thống Biden “mong được gặp lại ông trong những tuần tới”. “Tổng thống Biden cam kết quản lý một cách có trách nhiệm mối quan hệ quan trọng này, đảm bảo rằng cạnh tranh không biến thành xung đột hoặc đối đầu, và cùng nhau hợp tác ở những chỗ chúng ta có chung lợi ích.”
Bloomberg đưa tin, cuộc gặp kéo dài khoảng một giờ giữa ông Tập Cận Bình và ông Sullivan đã tạo cơ hội cho ông Tập nói chuyện trực tiếp với người đứng đầu các nỗ lực toàn cầu của chính quyền Biden nhằm ngăn chặn Trung Quốc có được những con chip tiên tiến. Bắc Kinh cáo buộc Washington đang cố gắng kiềm chế sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc thông qua thuế quan và các biện pháp trừng phạt, điều mà Washington tuyên bố là nhằm đảm bảo an ninh quốc gia của Mỹ.
Tân Hoa Xã ĐCSTQ đưa tin, ông Tập Cận Bình đã chỉ ra: “Trước tình hình quốc tế hỗn loạn, các quốc gia cần đoàn kết và hợp tác thay vì chia rẽ và đối đầu nhau; người dân hy vọng cởi mở và tiến bộ, thay vì đóng cửa và thụt lùi. Với tư cách là hai nước lớn, Trung Quốc và Mỹ nên có trách nhiệm với lịch sử, có trách nhiệm với người dân và thế giới, trở thành nguồn ổn định cho hòa bình thế giới và là động lực cho sự phát triển chung”.
Nhà Trắng tuyên bố trong một thông cáo báo chí rằng “cuộc gặp này là một phần trong nỗ lực không ngừng của hai bên nhằm duy trì các kênh liên lạc và quản lý một cách có trách nhiệm mối quan hệ giữa Mỹ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Hai bên đã thảo luận thêm việc thực hiện các vấn đề mà Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập đã cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh Woodside vào tháng 11/2023 bao gồm chống ma túy, liên lạc giữa quân đội hai nước, với quân đội, cũng như rủi ro và an toàn trí tuệ nhân tạo.”
Theo Nhà Trắng, ông Sullivan và ông Tập “còn thảo luận về các vấn đề xuyên eo biển, cuộc chiến của Nga ở Ukraine và Biển Đông. Cả hai bên hoan nghênh những nỗ lực tiếp tục duy trì các kênh liên lạc mở, bao gồm cả kế hoạch điện đàm giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập trong thời gian tới.”
Ông Trương Hựu Hiệp lần đầu gặp mặt ông Sullivan
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Sullivan bắt đầu chuyến thăm 3 ngày tới Trung Quốc bắt đầu từ thứ Ba (ngày 27/8). Sáng ngày 29/8, ông Sullivan đã gặp ông Trương Hựu Hiệp, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương ĐCSTQ.
Đây là cuộc gặp đầu tiên của ông Trương Hựu Hiệp với ông Sullivan. Ông Trương phát biểu mở đầu cuộc gặp: “Mỹ đề xuất cuộc gặp này để phản ánh tầm quan trọng của họ đối với an ninh quân sự và quan hệ giữa quân đội hai nước.”
Ông Trương Hựu Hiệp cho rằng vấn đề Đài Loan là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, là nền tảng chính trị của quan hệ Trung – Mỹ và là ranh giới đỏ đầu tiên không thể vượt qua trong quan hệ hai nước.
Ông Sullivan cho rằng có rất ít cơ hội cho những trao đổi như vậy, đồng thời nhấn mạnh rằng cả hai bên cần quản lý quan hệ Mỹ – Trung một cách có trách nhiệm, để ngăn chặn cạnh tranh biến thành xung đột hoặc đối đầu.
Ông Sullivan đề cập với ông Trương về tầm quan trọng của hòa bình và ổn định xuyên eo biển, cam kết của Mỹ đối với tự do hàng hải ở Biển Đông và những lo ngại về sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với các doanh nghiệp công nghiệp quân sự của Nga, cũng hy vọng hai nước sẽ tránh tính toán sai lầm và leo thang trên không gian mạng, đồng thời tiếp tục thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin ở Gaza.
Nhà Trắng cho biết, hai bên nhắc lại tầm quan trọng của việc liên lạc định kỳ giữa quân đội hai nước, hai bên dự kiến tiến hành cuộc tư lệnh chiến khu trong thời gian tới.
Hành động khiêu khích của ĐCSTQ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Trong những năm gần đây, các hành động khiêu khích của ĐCSTQ ở Biển Đông, eo biển Đài Loan và biển Hoa Đông đã gây ra căng thẳng trong khu vực.
Tranh chấp chủ quyền giữa ĐCSTQ và Philippines ở Biển Đông ngày càng nóng lên với nhiều vụ va chạm tàu thuyền giữa hai bên. Ngày 25/8, Cảnh sát biển ĐCSTQ va chạm với tàu của Chính phủ Philippines. Phía Trung Quốc bắn vòi rồng vào tàu Philippines khiến tàu Philippines gặp trục trặc và buộc phải chấm dứt sứ mệnh tiếp tế nhân đạo. Trong tuần qua cũng đã xảy ra những vụ va chạm tàu thuyền.
- Philippines lại cáo buộc Trung Quốc bắn pháo sáng vào máy bay tuần tra hôm 22/8
- Trung Quốc và Philippines lại đổ lỗi cho nhau về xung đột mới tại bãi Sa Bin
Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines (NSC) ra tuyên bố: “Chính phủ Philippines kêu gọi Trung Quốc chấm dứt các hành động khiêu khích phá hoại hòa bình và an ninh khu vực. Philippines vẫn kiên quyết khẳng định các quyền của mình theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển và Biển (UNCLOS) và phán quyết của Tòa Trọng tài Biển Đông năm 2016.”
Ngoài tranh chấp chủ quyền với Philippines ở Biển Đông, việc máy bay quân sự của ĐCSTQ xâm phạm không phận Nhật Bản hôm thứ Hai (26) cũng gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ từ phía Nhật Bản.
Theo Kyodo News, máy bay thu thập thông tin tình báo Yun-9 của ĐCSTQ đã nhập không phận Nhật Bản ngoài khơi quần Quần đảo Danjo ở thành phố Goto, tỉnh Nagasaki trong khoảng thời gian từ lúc 11:29 đến 11:31 sáng ngày 26/8, giờ Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản đã gửi công hàm phản đối mạnh mẽ tới ĐCSTQ thông qua các kênh ngoại giao về việc máy bay quân sự vi phạm không phận, yêu cầu những sự việc như vậy không bao giờ xảy ra nữa.
Mỹ bảo vệ đồng minh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Trong 2 ngày đầu tiên của chuyến thăm Trung Quốc, ông Sullivan đã nhắc lại cam kết bảo vệ các đồng minh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ khi gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Theo tuyên bố của Nhà Trắng và báo cáo của CCTV, hai bên “đã có những cuộc thảo luận thẳng thắn, thực chất và mang tính xây dựng”. Các chủ đề được thảo luận bao gồm tình hình giữa Nga và Ukraine, thương mại, eo biển Đài Loan, Philippines và các tranh chấp khác. Hai nước đồng ý tổ chức các cuộc gặp giữa các chỉ huy chiến khu vào một “thời điểm thích hợp”.
Ông Sullivan nói với ông Vương Nghị rằng Mỹ lo ngại về tác động của việc ĐCSTQ hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng Nga đối với an ninh châu Âu; bày tỏ quan ngại về các hành động của ĐCSTQ nhắm vào hoạt động tiếp tế hợp pháp của Philippines, hành động phá hoại sự ổn định ở Biển Đông; ngoài ra ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, đồng thời tái khẳng định cam kết bảo vệ các đồng minh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Ông Vương Nghị nhấn mạnh rằng Trung Quốc cam kết giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine một cách hòa bình và “sẽ tiếp tục làm điều đúng đắn, phía Mỹ không nên đẩy trách nhiệm về phía Trung Quốc, càng không được áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương bất hợp pháp một cách bừa bãi”. Ông cũng nói, “Đài Loan thuộc về Trung Quốc, và Trung Quốc sẽ thống nhất”, phía Mỹ nên ngừng trang bị vũ khí cho Đài Loan, đồng thời không được ủng hộ hay dung túng cho những hành vi xâm phạm của Philippines.
Mỹ răn đe chưa đủ đối với ĐCSTQ
Chuyên gia quân sự và ngoại giao Mỹ Dư Mậu Xuân nói với Đài Châu Á Tự Do (RFA) rằng cuộc gặp của ông Sullivan với Trung Quốc không có kết quả, hai bên đều là thảo luận “vấn đề cũ”, không có tiến triển thực chất.
Ông Dư Mậu Xuân nói: “‘Quân đội Mỹ và Trung Quốc nên có đối thoại định kỳ trong tương lai không xa’, nói điều này cũng giống như không nói ra. Người thực sự nắm giữ quyền lực thực sự và sức mạnh quân sự là ông Tập Cận Bình. Ông ấy có thể giải quyết nhiều vấn đề chỉ bằng một mệnh lệnh, nhưng ông ấy sẽ không ra lệnh giải quyết vấn đề, ông ấy sẽ trì hoãn, những vấn đề này đã được thảo luận với ông Biden, và chúng đều là những lời sáo rỗng, vì vậy tôi nghĩ là có rất nhiều ‘cú đánh giả’ trong quan hệ Trung – Mỹ.”
Ông cho biết, Tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ của mình đã đặt ra nhiều “lằn ranh đỏ” cho ĐCSTQ, chẳng hạn như ĐCSTQ không được cung cấp vũ khí, trang thiết bị cho Nga nhưng ĐCSTQ vẫn đi theo con đường riêng của mình. Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Hồng Kông và Trung Quốc giúp đỡ Nga, nhưng các trừng phạt này đều không có kết quả.
Ông Dư Mậu Xuân nói: “Tôi không nghĩ mối quan hệ Mỹ – Trung có thể được giải quyết thông qua bất kỳ hình thức đàm phán nào. Điều quan trọng nhất là lời nói và việc làm của chính ĐCSTQ, nói cả nửa ngày trời là muốn duy trì và bảo vệ hòa bình thế giới, hy vọng Mỹ tôn trọng Trung Quốc, nhưng ĐCSTQ lại hét vào mặt các nước láng giềng mỗi ngày và làm tăng khả năng xảy ra chiến tranh, nên tất nhiên sẽ không có nhiều nhà lãnh đạo Mỹ tin tưởng.”
Ông Dư Mậu Xuân tin rằng chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc nên dựa trên sự răn đe. Ông nói rằng Biden chưa làm đủ về phương diện này.
Truyền thông ĐCSTQ vẫn là chiến lang
Ngoài ra, giới truyền thông ĐCSTQ vẫn có thái độ cứng rắn đối với cuộc gặp giữa ông Sullivan và ông Vương Nghị. Thời báo Hoàn cầu đã đăng một bài xã luận một ngày trước khi ông Sullivan đến Trung Quốc, chỉ trích Mỹ đã hiểu sai về Trung Quốc. Một số nhà bình luận chính trị Trung Quốc cũng đưa ra những lời chỉ trích kiểu chiến lang, cho rằng Trung Quốc có thể cứng rắn hơn trong việc giải quyết các vấn đề với Mỹ.
Trước những vấn đề kinh tế nghiêm trọng của Trung Quốc, ông Thẩm Dật (Shen Yi), giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, đã viết một bài viết nêu rõ: “Mỹ cần Trung Quốc, Trung Quốc không cần phải thỏa hiệp với Mỹ”.
Từ khóa mối quan hệ Mỹ - Trung Jake Sullivan Tập Cận Bình