Sau khi Tạp Chí Phố Wall của Mỹ đăng “câu chuyện chân thật” về vụ nổ Nord Stream trong đó chỉ ra rằng về căn bản toàn bộ chính là do Ukraine làm ra, Mykhailo Podolyak trả lời Reuters rằng việc này không liên quan chút gì với Ukraine, đồng thời ám chỉ vụ nổ này là do Nga làm ra.

230914 podo 01
Mykhailo Podolyak, cố vấn cao cấp văn phòng tổng thống Ukraine. (Ảnh lấy từ video phỏng vấn hôm 12/9/2023)

“Một hành động như vậy chỉ có thể được thực hiện với nguồn lực dồi dào cả về tài chính và kỹ thuật… mà ai có được tất cả điều ấy vào thời điểm đánh bom đó? Chỉ có Nga mà thôi,” ông cố vấn Mykhailo Podolyak đã trả lời bằng văn bản như vậy, như Reuters đăng tin hôm Thứ Năm 15/8.

“Ukraine không có bất kỳ liên quan nào tới vụ nổ [đường ống] Nord Stream,” ông Podolyak cho hay, và tuyên bố rằng vụ nổ đó không đem lại bất kỳ lợi ích gì cho Ukraine, dù là lợi ích chiến lược hay chiến thuật.

Kể từ tháng 9/2022 khi đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Đức, Nord Stream 1 và 2, bị đánh nổ, đã có không ít cơ quan và tổ chức tiến hành điều tra, gồm cả chính phủ các nước Đức, Đan Mạch, và Thụy Điển.

‘Ai là thủ phạm’ đã trở thành một trong những chủ đề tốn nhiều giấy mực của giới truyền thông, và bên cạnh những điều tra mang tính chính thống thì có không ít những phỏng đoán hoặc tin tức ngoài luồng khác.

Một trong những tin trái chiều được lưu hành rộng rãi cho rằng vụ việc là do CIA của Mỹ đứng sau, xuất phát từ tuyên bố của nhà báo kỳ cựu Seymour Hersh người Mỹ, và Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng cho rằng điều đó rất có thể là sự thật. Ngoài ra còn một số thuyết lưu hành ít hơn, ví như cho rằng vụ này là do chính Nga làm ra.

Cũng có những công bố, khởi đầu được báo cáo trên Washington Post, rằng vụ việc là do Ukraine làm ra.

Trong diễn biến mới nhất, hôm Thứ Tư (14/8) các báo chí Đức —như ARD, Süddeutsche Zeitung, và Die Zeit— đồng loạt đưa tin rằng công tố viên Đức đã đưa trát bắt người cho Ba Lan từ hồi tháng 6, đòi dẫn độ một công dân Ukraine được biết đến với cái tên Volodymyr Z. Nghi phạm này đã tẩu thoát khi rời khỏi Ba Lan vào tháng 7.

Ukraine 1
Công tố viên Đức đã có trát bắt một công dân Ukraine có tên Volodymyr Z., người bị tình nghi đã đánh nổ đường ống khí đốt Nord Stream. (Ảnh: Facebook)

Tạp Chí Phố Wall (WSJ) của Mỹ đăng tải câu chuyện chi tiết hơn về “sự thật” đằng sau vụ nổ này. Câu chuyện mà WSJ có được qua những người trong cuộc và những người thạo tin ấy, về căn bản, chính là kể rằng toàn bộ vụ việc là do Ukraine làm ra. Tất cả bắt đầu từ “một tối say xỉn” mà một nhóm doanh nhân cùng quân nhân Ukraine đã nảy ra ý tưởng rồi lên kế hoạch. Tiếp đó kế hoạch được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phê duyệt, và Tổng tư lệnh bấy giờ Valery Zaluzhny hậu thuẫn.

WSJ chỉ ra rằng một khi sự thật này được phơi bày, nó sẽ có thể làm rạn nứt, hoặc thậm chí làm hỏng quan hệ giữa Berlin và Kiev. Từ đầu chiến tranh Ukraine đến nay, Đức vẫn luôn là quốc gia đứng đầu Tây Âu trong các hoạt động ủng hộ Kiev, cả về quân sự và kinh tế. Những nỗ lực chiến tranh mà Đức đổ vào Ukraine chỉ nhỏ hơn đầu tư của Mỹ mà thôi.

“Một cuộc tấn công quy mô này là [ở tầm cỡ] đủ lý do để kích hoạt điều khoản phòng thủ tập thể của NATO,” một quan chức cao cấp của Đức đã bình luận về vụ tấn công tài sản kinh tế then chốt trên biển Baltic như vậy. “Vấn đề là cơ sở hạ tầng quan trọng của chúng tôi đã bị phá hủy bởi một quốc gia mà chúng tôi hỗ trợ với các chuyến hàng vũ khí khổng lồ và hàng tỷ USD tiền mặt.”

Phía Ukraine đã phủ nhận hoàn toàn việc họ có dính líu gì tới vụ nổ đường ống Nord Stream.

Ông Zaluzhny, hiện đang làm Đại sứ Ukraine tại Anh quốc, đã nói rằng câu chuyện ông và Kiev liên quan tới vụ nổ là “bịa đặt thuần túy.”

Một quan chức cao cấp của tình báo SBU của Ukraine cũng bày tỏ ý tương tự, rằng chính quyền Kiev nói chung và Tổng thống Zelensky nói riêng “không chấp thuận thực hiện bất kỳ hành động nào như vậy trên lãnh thổ thứ ba, và cũng không đưa ra bất kỳ mệnh lệnh nào liên quan.”

RT, một kênh truyền thông Nga, tuy không đưa tin về phản ứng của phía Nga trong những ngày này, nhưng có nhắc lại rằng từ đầu tới nay, quan chức Nga và Tổng thống Nga vẫn cho rằng phía được lợi lớn nhất từ vụ nổ Nord Stream chính là Mỹ, còn Nga là phía chịu thiệt hại.

Trong một báo cáo khác cũng của RT vào ngày 6/8, dẫn nguồn số liệu từ Gazprom, cơ quan bán khí đốt của Nga, thì từ khi chiến tranh nổ ra ở Ukraine, thì hoạt động bán khí đốt sang Châu Âu đã chịu những ảnh hưởng.

Mặc dù các lệnh trừng phạt từ Brussels mà liên quan tới chiến tranh Ukraine không nhắm trực tiếp vào việc cung ứng khí đốt Nga qua đường ống, nhưng Ba Lan, Bungary, Phần Lan, và Hà Lan đã ra quyết định dừng mua. Tuy nhiên, Áo, Hungary, Slovakia, và Ý vẫn tiếp tục nhập khẩu khí đốt của Nga.

Ukraine nhiều lần tăng giá thu phí đường bán khí đốt quá cảnh qua nước này, nhưng tuyên bố đã quyết định sẽ dừng hẳn vào cuối năm nay. Theo truyền thông Ukraine, việc chấm dứt hợp đồng quá cảnh với lưu lượng khí đốt trị giá 5 tỷ USD hàng năm này sẽ làm Ukraine mất đi khoản thu nhập 800 triệu USD hàng năm.

Gazprom báo cáo đường ống TurkStream chạy qua Biển Đen và Thổ Nhĩ Kỳ tới Châu Âu đã tăng 29% lưu lượng vào tháng 7 so với tháng trước đó.

Cũng theo bình luận của RT, khi Châu Âu trong tiến trình loại bỏ phụ thuộc vào khí đốt của Nga, Gazprom đã mất đi vị trí từng là nhà cung cấp nhiên liệu số 1 cho châu lục này. Thay vào đó, Châu Âu mua LNG (khí đốt tự nhiên hóa lỏng) mà phần chủ yếu là mua từ Mỹ.

Nhật Tân (t/h)