Phản ứng của lãnh đạo thế giới sau khi ông Trump công nhận Jerusalem là thủ đô Israel
- Yên Sơn
- •
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Tư (6/12) đã chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Động thái này của Washington lập tức đã kích hoạt một loạt các phản ứng khác nhau của đồng minh và các quốc gia Hồi giáo trên khắp thế giới.
Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Reuters cho hay ông Trump đã thông báo chính phủ Mỹ sẽ bắt đầu tiến trình chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới Jerusalem và điều này sẽ mất vài năm thực hiện.
“Tôi quyết định rằng đã đến lúc chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Mặc dù các vị tổng thống tiền nhiệm đã coi điều này là lời hứa chiến dịch chính của họ, nhưng họ đã không thực hện. Hôm nay, tôi thực hiện điều này”, Reuters dẫn phát biểu của ông Trump tại Tòa Bạch Ốc.
>>Tổng thống Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã hoan nghênh tuyên bố của Tổng thống Trump, coi đó là “dấu mốc lịch sử”. Tuy nhiên, các đồng minh phương Tây khác của Washington như Anh Quốc và Pháp đều phản đối động thái này.
Phía Palestine cáo buộc Hoa Kỳ từ bỏ trách nhiệm của họ trong nỗ lực làm trung gian hòa giải trong tiến trình hòa bình Trung Đông.
Ngay sau phát biểu của Tổng thống Mỹ, các cuộc biểu tình đã bùng phát tại thủ đô Amman của Jordan nơi có nhiều người tị nạn Palestine. Bên ngoài lãnh sứ quán Mỹ tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) cũng có hàng trăm người tập hợp phản đối quyết định của ông Trump.
Những thanh niên biểu tình tại Amman hô vang các hiệu ngữ chống Mỹ như: “Thất vọng với Mỹ, Mỹ là mẹ của khủng bố”. Trong khi, tại trại tị nạn Baqaa ở ngoại ô thủ đô Jordan, hàng trăm người biểu tình tuần hành trên đường phố mạt sát ông Trump và kêu gọi chính phủ Jordan xóa bỏ hiệp định hòa bình với Israel ký năm 1994. Quốc Vương Jordan tuyên bố động thái của ông Trump là “không hợp pháp”.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abba hôm thứ Tư (6/12) đã gọi Jerusalem là “thủ đô vĩnh cửu của nhà nước Palestine”. Ông Abbas cho rằng quyết định của ông Trump tương đương với việc Hoa Kỳ rút lui khỏi vai trò trung gian hòa giải [trong tiến trình hòa bình Israel – Palestine].
Nhóm phiến quân Hồi giáo Hamas tại Palestine cáo buộc ông Trump có hành vi “xâm lược thô bạo chống lại người Palestine”.
Giáo Hoàng Francis kêu gọi các bên cần tôn trọng hiện trạng thực tế tại Jerusalem và nói thêm rằng mâu thuẫn mới sẽ góp phần gia tăng các cuộc xung đột trên thế giới. Trung Quốc và Nga cũng bảy tỏ quan ngại về động thái của Mỹ có thể làm trầm trọng thêm tình trạng chiến tranh ở Trung Đông.
Thủ tướng Anh Theresa May cho hay: “Chúng tôi không đồng tình với quyết định của Mỹ chuyển sứ quán của họ tới Jerusalem và công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel trước khi có thỏa thuận cuối cùng. Chúng tôi tin rằng điều đó không có lợi cho tiến trình hòa bình trong khu vực. Đại sứ quán Anh tại Israel đặt tại Tel Aviv và chúng tôi không có ý định di dời”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng thông báo của ông Trump là “rất đáng tiếc”. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho hay chưa có lựa chọn thay thế cho giải pháp hai nhà nước đối với Israel và Palestine. “Không có Kế hoạch B”, ông Guterres nhấn mạnh.
Phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Angela Merkel nói trên Twitter rằng Berlin “không ủng hộ lập trường này [của Mỹ] vì hiện trạng Jerusalem chỉ có thể được quyết định thông qua đàm phán trong khuôn khổ của giải pháp hai nhà nước”.
Những phản ứng gay gắt nhất đến từ thế giới Hồi giáo. Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu gọi quyết định của ông Trump là “vô trách nhiệm”.
Ông Cavusoglu đăng tweet rằng: “Quyết định này là chống lại luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của Liên Hiệp Quốc”.
Truyền thông Ả-rập Saudi cho hay Quốc vương Salman hôm thứ Ba (6/12) trong cuộc điện đàm với ông Trump đã nói rằng việc chuyển sứ quán hoặc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel “sẽ tạo nên một sự khiêu khích mãnh liệt với cộng đồng Hồi giáo trên khắp thế giới”.
Tổng thống Ai Cập Abdul Fattah al-Sisi cảnh báo rằng động thái của Mỹ “làm phức tạp tình hình khu vực, làm suy yếu cơ hội hòa bình tại Trung Đông”.
Liên đoàn Ả-rập gọi quyết định của ông Trump là “biện pháp nguy hiểm có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng” trong khu vực và cũng đặt vấn đề về vai trò “trung gian hòa giải đáng tin cậy” của Mỹ trong các cuộc đàm phán hòa bình.
Iran nói rằng động thái này của Mỹ gây nguy cơ về “một cuộc xâm lược mới” hoặc một cuộc nổi dậy. Bộ Ngoại giao Iran nhấn mạnh Hoa Kỳ rõ ràng đã vi phạm các nghị quyết quốc tế.
Tổng thống Li Băng Michel Aoun cho rằng tiến trình hòa bình Trung Đông sẽ bị lùi lại vài thập kỷ do quyết định của ông Trump, trong khi Ngoại trưởng Qatar nói động thái này của Washington là “án tử hình cho tất cả những ai muốn tìm kiếm hòa bình”.
Lường trước được những phản ứng của Palestine, thế giới Hồi giáo và cộng đồng quốc tế, trong bài phát biểu của mình, ông Trump đã nói rằng quyết định công nhận Jerusalem của ông không có mục đích đẩy mạnh ủng hộ Israel và cho rằng bất kỳ thỏa thuận nào liên quan tới tương lai của Jerusalem sẽ phải được các bên liên quan quyết định thông qua đàm phán.
Tổng thống Trump cũng nhấn mạnh rằng ông không có quan điểm về “bất kỳ vấn đề thực trạng cuối cùng nào, trong đó có ranh giới cụ thể về chủ quyền của Israel tại Jerusalem, hoặc giải quyết các biên giới tranh chấp”.
Israel luôn coi Jerusalem là thủ đô vĩnh cửu và không thể phân chia của họ. Chính quyền Tel Aviv muốn sứ quán của tất cả các nước tại Israel đặt ở Jerusalem. Trong khi đó, Palestine muốn thủ đô của nhà nước Palestine độc lập đặt tại Đông Jerusalem. Khu vực này đang do Israel kiểm soát sau cuộc chiến tranh Trung Đông 1967, bất chấp cộng đồng quốc tế chưa công nhận việc Nhà Nước Do Thái sáp nhập Đông Jerusalem vào Israel.
Yên Sơn
Xem thêm:
Từ khóa Donald Trump Israel Xung đột Israel - Palestine Palestine Jerusalem