Croatia sẽ rút quân khỏi lực lượng NATO nếu xảy ra chiến tranh Nga – Ukraine
- Gia Huy
- •
Tổng thống Croatia Zoran Milanovic đổ lỗi cho Hoa Kỳ đang làm leo thang cuộc khủng hoảng biên giới Ukraine – Nga, đồng thời tuyên bố quốc gia của ông sẽ không tham gia vào cuộc xung đột.
Trong bối cảnh căng thẳng ở biên giới giữa Nga và Ukraine ngày càng tăng, Tổng thống Milanovic thông báo, Zagreb sẽ rút quân khỏi các lực lượng dự phòng của NATO đóng quân trong khu vực này nếu xảy ra một cuộc xung đột toàn diện giữa Nga và Ukraine.
Hôm thứ Ba (25/1), trong một bài phát biểu trên truyền hình, nhà lãnh đạo Croatia lưu ý, “các báo cáo cho thấy chính NATO, chứ không phải một quốc gia riêng biệt, không phải Hoa Kỳ, đang tăng cường sự hiện diện của mình và đang cử các tàu do thám.”
Ông cho hay, chính quyền Zagreb “không liên quan gì đến chuyện này và chúng tôi sẽ không liên gì đến chuyện đó, tôi đảm bảo với bạn điều đó”.
Tổng thống Milanovic khẳng định: “Chúng tôi không chỉ không gửi quân đội, mà nếu có leo thang, chúng tôi sẽ triệu hồi tất cả mọi người lính Croatia. Điều này không liên gì đến Ukraine hay Nga, nó liên quan đến sự năng động của nền chính trị nội địa Mỹ, [Tổng thống Mỹ] Joe Biden và chính quyền của ông, điều mà tôi ủng hộ.”
Tuy nhiên, tổng thống Croatia chỉ ra rằng ông “nhận thấy hành vi nguy hiểm trong các vấn đề an ninh quốc tế”.
Phát biểu của Tổng thống Milanovic được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Moscow và Kiev đang tăng cao. Trong những tuần gần đây, một số nhà lãnh đạo phương Tây đã lên tiếng cảnh báo về việc Nga có chủ đích khi tăng cường lực lượng quân sự dọc biên giới với Ukraine. Hôm 24/1, khối quân sự do Mỹ đứng đầu thông báo rằng các quốc gia thành viên của họ sẽ điều thêm các hạm đội và máy bay chiến đấu đến các vùng biển Đông Âu khi Nga “tiếp tục tăng quân” trong bối cảnh tranh luận giữa Nga và phương Tây ngày càng tăng.
Tây Ban Nha và Pháp đang tập trung vào Đông Nam châu Âu. Madrid được cho là đang dự tính cử các tàu “tham gia lực lượng hải quân NATO, đồng thời đang xem xét điều các máy bay chiến đấu đến Bulgaria”. Trong khi đó, Paris “đã bày tỏ sự sẵn sàng đưa quân đến Romania đặt dưới sự chỉ huy của NATO”.
Giữa lúc các nước phương Tây đang cáo buộc Nga sắp tiến hành một cuộc xâm lược vào Ukraine, điều mà điện Kremlin đã liên tục phủ nhận, Moscow đang cố gắng nhận được phản hồi bằng văn bản từ các quan chức Mỹ về các đề xuất an ninh của mình sau một loạt các cuộc họp ngoại giao trong tháng này.
Hồi tháng 12/2021, Nga đã chuyển hai dự thảo hiệp ước, một dự thảo chuyển cho Washington, và một dự thảo chuyển cho NATO. Trong dự thảo, ngoài việc ngăn chặn Kiev trở thành thành viên NATO, Moscow còn yêu cầu khối quân sự phương Tây nên hạn chế các hoạt động quân sự trên lãnh thổ của các quốc gia thuộc Hiệp ước Warsaw trước đây, vốn đã tham gia sau năm 1997, sau khi Liên Xô tan rã.
Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã từ chối thỏa hiệp các vấn đề mà tổ chức này cho là quan trọng đối với các giá trị cốt lõi của mình để đáp ứng các yêu cầu của Nga. Ông cũng chỉ trích các yêu cầu của Nga, đồng thời nhận định rằng Moscow không có quyền phủ quyết các nỗ lực của Ukraine trong việc gia nhập NATO và tổ chức này sẽ không chấp nhận một hệ thống thành viên “hai cấp” vốn sẽ ngăn cản tổ chức này triển khai quân đội ở một số quốc gia thành viên nhất định.
Vào năm 2020, Quốc hội Croatia đã ủng hộ các lực lượng vũ trang của nước này triển khai như một phần trong 9 sứ mệnh riêng biệt, bao gồm tham gia các lực lượng dự phòng của NATO đóng quân tại Ba Lan.
Gia Huy (Theo RT)
Xem thêm:
Từ khóa quan hệ Nga- Nato xung đột Nga - Ukraine khủng hoảng biên giới Ukraine - Nga