Cuộc chiến eo biển Đài Loan và rủi ro đối với kinh tế châu Âu
- Lý Giai Kỳ
- •
Học giả Philippe Le Corre người Pháp đã chỉ ra trên Les Echos hôm 19/8, rằng 40% thương mại của châu Âu ra bên ngoài phải đi qua eo biển Đài Loan, nếu nổ ra chiến tranh ở khu vực này thì tác động đến châu Âu là “không thể tưởng tượng”. Do đó các nhà hoạch định chính sách châu Âu đã bắt đầu đưa ra các kịch bản khẩn cấp và âm thầm tăng cường hợp tác với Đài Loan.
Trên tờ báo Pháp Les Echos hôm 19/8, nhà nghiên cứu chính sách đối ngoại Philippe Le Corre tại Trung tâm Phân tích Trung Quốc (CCA) thuộc Viện Chính sách Xã hội châu Á (ASPI) đã chỉ ra rằng châu Âu lo lắng về căng thẳng Đài Loan – Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sau khi ông Lại Thanh Đức chiến thắng trở thành Tổng thống Đài Loan, điều này thấy rõ qua các cuộc tập trận quân sự ngày càng thường xuyên của ĐCSTQ ở eo biển Đài Loan.
Trong vài năm qua, các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhận ra những rủi ro địa chính trị của eo biển Đài Loan. Nếu một cuộc chiến nổ ra giữa Đài Loan và Trung Quốc sẽ tác động nặng nề đến nền kinh tế toàn cầu, khi đó thương mại của châu Âu ra bên ngoài đi qua eo biển Đài Loan cũng ảnh hưởng tương ứng. Bài báo trên Les Echos chỉ ra Đài Loan là đối tác thương mại lớn thứ 14 của EU với khối lượng thương mại hàng hóa song phương đạt 77,6 tỷ euro vào năm 2022. EU cũng là bên đầu tư nước ngoài lớn nhất của Đài Loan, do đó hậu quả của một cuộc chiến tranh xuyên eo biển Đài Loan sẽ rất thảm khốc.
Theo Bloomberg, nếu chiến tranh nổ ra ở eo biển Đài Loan, thế giới sẽ phải trả giá khoảng 10.000 tỷ USD, tương đương 10% tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) toàn cầu, vấn đề hệ trọng nữa là Đài Loan đang đứng đầu thế giới về sản xuất chất bán dẫn.
Tác giả cho rằng việc ĐCSTQ liên tục gia tăng các cuộc tập trận quân sự nhắm vào Đài Loan đã khiến Liên minh châu Âu và các nước lớn ở châu Âu như Pháp, Đức, Hà Lan và Anh… phải đánh giá lại tầm quan trọng của an ninh ở eo biển Đài Loan, bởi vì một cuộc chiến ở eo biển Đài Loan có thể dẫn đến sự đứt gãy trong chuỗi sản xuất toàn cầu, định hình lại cấu trúc an ninh của châu Á và gây những hậu quả kinh tế và chiến lược nghiêm trọng.
Bài báo trên Les Echos nhấn mạnh, hàng năm không chỉ 40% ngoại thương của EU và hơn 100.000 tàu chở hàng phải đi qua eo biển Đài Loan, mà còn có hơn 30.000 người châu Âu sống ở Đài Loan. Mặc dù hầu hết các chính phủ châu Âu đều có sự hiện diện chính thức tại Đài Loan, nhưng các chính phủ EU và châu Âu vẫn không thể thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, vì quan hệ ngoại giao của châu Âu với Bắc Kinh và chính sách “một Trung Quốc” hạn chế ngoại giao chính thức giữa châu Âu và Đài Loan.
Trong bối cảnh chiến tranh Nga – Ukraine và xung đột ở Trung Đông, cũng như hành vi ngày càng hung hăng của Bắc Kinh sau khi Tổng thống Lại Thanh Đức nhậm chức, lo ngại của châu Âu về eo biển Đài Loan ngày càng gia tăng – hàng ngàn công ty châu Âu có thể bị ảnh hưởng một khi xung đột nổ ra, dù trong lĩnh vực hậu cần, vận tải hàng hải, dịch vụ tài chính hay chất bán dẫn. Do đó, các nhà hoạch định chính sách châu Âu bắt đầu xem xét các kịch bản khác nhau có thể xảy ra và lên kế hoạch cẩn thận cho các kế hoạch khẩn cấp. Không chỉ Ủy ban châu Âu và Bộ Ngoại giao châu Âu, mà cả Bộ Quốc phòng của nhiều nước và Ủy ban Chính trị và An ninh châu Âu cũng đang nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề Đài Loan.
Bài báo đề cập rằng Pháp là nước thành viên EU tích cực nhất ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhiều nước châu Âu trong đó có Pháp đang âm thầm tăng cường quan hệ pháp lý và an ninh mạng với Đài Loan. Ví dụ, tàu hải quân Pháp thường xuyên đi qua eo biển Đài Loan; vào tháng 6 năm nay, tàu khu trục Zr.Ms.Tromp của Hải quân Hoàng gia Hà Lan cũng đi qua eo biển Đài Loan, nhưng trên đường đi đã bị hai máy bay chiến đấu và một máy bay trực thăng của Trung Quốc cố gắng tiếp cận.
Bài viết phân tích, để tránh tái diễn xung đột khu vực, EU nên chuẩn bị các kế hoạch khẩn cấp, trong đó có hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm ngăn chặn Trung Quốc tấn công Đài Loan. EU cũng nên áp dụng cách tiếp cận đa tầng từ phong tỏa kinh tế đến xâm nhập quân sự toàn diện để ứng phó với các kịch bản. Bài báo cũng chỉ ra; trước tình trạng căng thẳng gia tăng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, châu Âu không chỉ nên chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa mà còn chuẩn bị đối phó với nhiều tình huống có thể xảy ra về mặt kinh tế và quân sự.
Đài Loan qua 2 báo cáo của Liên minh châu Âu
Trên thực tế, quan hệ giữa Đài Loan và Liên minh châu Âu trong những năm gần đây đã tiến triển nhanh chóng. Vào cuối tháng Hai năm nay, Nghị viện châu Âu (European Parliament) đã tổ chức cuộc họp toàn thể thông qua báo cáo đánh giá thực hiện năm 2023 về “Chính sách Đối ngoại và An ninh Chung” (CFSP) cũng như “Chính sách An ninh và Quốc phòng Chung” (CSDP), theo đó Đài Loan đã được đề cập nhiều lần trong cả hai báo cáo.
Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA) cho hay, báo cáo Chính sách Đối ngoại và An ninh Chung của EU nêu rõ Đài Loan không thuộc về Trung Quốc, và kêu gọi EU cùng các nước thành viên hợp tác với các đối tác quốc tế để giúp duy trì nền dân chủ của Đài Loan, bảo vệ Đài Loan khỏi sự can thiệp và đe dọa từ nước ngoài, nhấn mạnh rằng chỉ có chính phủ được bầu cử dân chủ của Đài Loan mới có thể đại diện cho người dân Đài Loan trên trường quốc tế.
Báo cáo cũng kêu gọi EU và các nước thành viên hợp tác chặt chẽ hơn với Đài Loan; hoan nghênh các phái đoàn chính thức từ nhiều ủy ban quốc hội khác nhau đến thăm Đài Loan, và kêu gọi Ủy ban châu Âu ngay lập tức bắt đầu quá trình chuẩn bị đàm phán về một hiệp định đầu tư song phương (BIA) với Đài Loan.
Báo cáo “Chính sách Quốc phòng và An ninh Chung” lo ngại về việc ĐCSTQ tiếp tục gây áp lực quân sự lên Đài Loan, thực hiện các cuộc tập trận tấn công vi phạm không phận và các hoạt động quân sự vùng xám khác, bao gồm các hoạt động mạng và thông tin sai lệch nhắm vào Đài Loan. Báo cáo cũng khuyến khích các nước thành viên tăng cường tự do hoạt động hàng hải ở eo biển Đài Loan và tăng cường đối thoại an ninh với Đài Loan nhằm ngăn chặn Trung Quốc xâm chiếm hòn đảo theo hệ thống chính trị dân chủ này.
Từ khóa eo biển Đài Loan Trung Quốc tấn công Đài Loan Đài Loan