Cựu Chuẩn đô đốc Mỹ: Đánh giá thấp hậu quả xâm lược Đài Loan, ĐCSTQ có thể sụp đổ
- Giai Kỳ
- •
Ngày 7/8, Chuẩn đô đốc về hưu Michael Studeman kiêm cựu giám đốc tình báo Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, cảnh báo rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đánh giá thấp hậu quả của việc xâm lược Đài Loan.
Ông Michael Studeman cho rằng một khi cuộc chiến xâm lược vũ trang đối với Đài Loan bị kích hoạt, sẽ tàn phá thế giới. Trường hợp xấu nhất có thể dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Tập Cận Bình, và điều mà Hoa Kỳ phải làm là cố gắng hết sức để ngăn chặn chiến tranh xảy ra.
Theo báo cáo của VOA, cựu Chuẩn đô đốc Studeman, người đã nghỉ hưu vào tháng 7 năm nay, đã phát biểu tại hội nghị chuyên đề về cách ngăn chặn hành vi hung hăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tại “Viện Hudson”.
Ông nói rằng khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hiện nay giống như một đồng cỏ khô, một tia lửa nhỏ cũng có thể nhanh chóng đốt cháy cả thảo nguyên. Một khi chiến tranh nổ ra, sẽ không có người chiến thắng thực sự. Do đó, ông hy vọng Hoa Kỳ sẽ duy trì các kênh liên lạc với Trung Quốc, để ngăn chặn việc này xảy ra.
Tuy nhiên, quan hệ Mỹ – Trung hiện nay đang tồn tại không ít vấn đề, môi trường an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cũng đầy thách thức. Mỹ cũng đang tìm mọi cách để ngăn chặn nền hòa bình của eo biển Đài Loan bị phá hoại.
Ông Studeman nhấn mạnh rằng một khi chiến tranh nổ ra ở eo biển Đài Loan, sẽ giáng một đòn tàn khốc đối với Trung Quốc, với ông Tập Cận Bình và toàn thế giới.
Ông Tập Cận Bình đã đánh giá thấp khả năng cuộc chiến ở eo biển Đài Loan sẽ dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Tập. Một khi ông Tập đưa ra quyết định tấn công Đài Loan, cuối cùng sẽ dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Cựu Chuẩn đô đốc nhắc lại sự cần thiết phải liên lạc với Trung Quốc. Ông mô tả các hành động cưỡng chế khác nhau của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã gây bất ổn cho Tây Thái Bình Dương.
Tất cả các nước ở Đông Nam Á đều lo lắng về điều này, nhưng chính quyền Bắc Kinh không cho rằng đó là vấn đề của riêng họ. Ngược lại, còn cho rằng các nước đang bao vây Trung Quốc, nên phải đột phá vòng vây. Vì vậy, Mỹ cần tăng cường liên lạc với Trung Quốc để tránh đánh giá sai về nhau.
Về vấn đề Đài Loan, ông Studeman phân tích, theo cách hiểu của ông Tập Cận Bình, việc sử dụng cưỡng chế kinh tế để “thúc đẩy thống nhất” không có tác dụng, ngoại giao cũng vậy. Vì vậy họ chỉ còn biện pháp quân sự và tích cực sử dụng biện pháp này để phát tín hiệu.
Nhưng cựu Chuẩn đô đốc cũng tin rằng dưới chế độ độc tài Trung Quốc, việc hiểu được suy nghĩ của ông Tập Cận Bình thực sự là một vấn đề rất khó. Bởi không ai biết về quá trình ra quyết định của ông Tập, và không ai dám nói sự thật với ông ấy. Vì vậy cần phải dự đoán quan điểm của ông ấy về bước tiếp theo sẽ tiến hành với Đài Loan trở nên khó khăn hơn.
Gần đây, Viện Hudson đã công bố một báo cáo về những toan tính của Trung Quốc đối với Đài Loan. Trong đó đề cập rằng thế trận phòng thủ của Hoa Kỳ và lợi thế chống lại Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương không thể trấn áp Quân đội ĐCSTQ.
Báo cáo cho rằng quân đội Mỹ cần tiếp tục cải thiện khả năng bảo vệ Đài Loan. Nhưng bất kỳ chiến lược nào chỉ tìm cách tăng kho đạn dược và cơ cấu lực lượng, đều không thể giúp quân đội Mỹ thiết lập lợi thế ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Cuộc chiến ở Ukraine đã trở nên nổi bật, ảnh hưởng đến nhận thức của các đồng minh và kẻ thù, cũng quan trọng như đạt được tiến bộ trên thực địa.
Bộ Quốc phòng nên coi các hoạt động răn đe là một loạt các hành động do cộng đồng tình báo và quốc phòng Hoa Kỳ lãnh đạo, nhằm thiết lập một cách có hệ thống cơ sở để hiểu dược suy nghĩ của Trung Quốc, đo lường xem những suy nghĩ đó thay đổi như thế nào, và cuối cùng là tác động đến chúng theo hướng có lợi hơn cho Hoa Kỳ.
Ông Quách Trọng Hưng, người sáng lập tập đoàn “Nước cộng hòa đọc sách”, đã nhận lời phỏng vấn độc quyền của Liberty Times. Sau khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, đã có thái độ “không khoan nhượng” đối với Đài Loan. Hoa Kỳ ngày càng thể hiện rõ lập trường của mình đối với tình hình ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Trước kia, cựu Tổng thống Mỹ Trump tiến hành cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Ngày nay, đương kim Tổng thống Biden kêu gọi nước Mỹ quay trở lại vai trò “thủ lĩnh của phương Tây”, đồng thời củng cố liên minh Nhật Bản – Philippines, cũng như mối quan hệ “Đối thoại An ninh Bốn bên (QUAD)” giữa Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ.
Một cách giải thích khác đó là, điều này nhằm tránh “hành vi sai trái” của ĐCSTQ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đài Loan nằm ở trung tâm của cơn bão chuỗi đảo đầu tiên, là điểm đột phá trong ý đồ của ĐCSTQ, và là địa điểm quan trọng mà Hoa Kỳ đang bảo vệ mạnh mẽ.
Đài Loan nên đối phó với cuộc cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc như thế nào? Ông Quách Trọng Hưng tin rằng ngay cả khi Đài Loan không lớn lắm và không mạnh lắm, thì nhiệm vụ chính vẫn là giữ gìn sự đoàn kết trong nội bộ. Trước tiên phải hình thành sự đồng thuận về địa chính trị.
Chính phủ hiện tại của bà Thái Anh Văn đang thúc đẩy độc lập quốc phòng, và nối lại chế độ nhập ngũ 1 năm. Mặc dù một số người phản đối, nhưng đó vẫn là cơ sở được mọi người đồng thuận.
Ông chỉ ra rằng ngoài lĩnh vực quân sự, Đài Loan cũng phải cân nhắc xem, liệu họ có thể tiếp tục củng cố các giá trị chung hiện có như nhân quyền, chính trị dân chủ, chất bán dẫn, công nghệ và chăm sóc y tế theo sự đồng thuận hiện có hay không. Từ đó nhận được thêm sự giúp đỡ từ bên ngoài, khiến các nước đồng minh cảm thấy rằng Đài Loan không thể bị mất.
Từ khóa Đài Loan xâm lược Đài Loan Chuẩn Đô đốc Michael Studeman Tập Cận Bình