Cựu nhân viên ngoại giao thời Obama gửi Trump ba lời khuyên về Bắc Hàn
- YJ Fischer
- •
Sau việc hôm thứ Năm vừa qua Tổng thống Trump bất ngờ hủy bỏ cuộc họp thượng đỉnh ngày 12/6 với lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un, tương lai những nỗ lực của Mỹ trong việc buộc chế độ nhà họ Kim từ bỏ vũ khí hạt nhân vẫn còn rất mơ hồ. Nhưng nỗ lực này chưa hẳn đã kết thúc.
Dưới đây, bà YJ Fischer – cựu nhân viên của Bộ Ngoại giao dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama đưa ra gợi ý về một số hành động mà Tổng thống Trump có thể thực hiện để giảm bớt nguy cơ xung đột quân sự giữa Mỹ và Bắc Hàn, đồng thời khiến Bình Nhưỡng bớt nguy hiểm hơn với các nước láng giềng.
Trên thực tế, khả năng Tổng thống Trump đạt được mọi mục tiêu mà ông muốn – sự phá hủy hoàn toàn và có thể kiểm chứng đối với vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn, và giám sát nhằm đảm bảo Bắc Hàn vĩnh viễn dừng phát triển vũ khí hạt nhân – là rất mong manh. Nhưng điều đó không có nghĩa là tổng thống không thể đạt được một thỏa thuận có lợi cho Mỹ và các đồng minh.
Bắc Hàn, nổi tiếng với những lời lẽ chống Mỹ kịch liệt – bao gồm đe dọa chiến tranh và xúc phạm cá nhân các vị lãnh đạo Mỹ – đã bất ngờ hòa giải sau khi Tổng thống Trump hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh với ông Kim dự kiến được tổ chức ở Singapore vào ngày 12/6.
Trong lá thư gửi ông Kim hôm thứ Năm (24/5), Tổng thống Trump nói rằng ông buộc phải hủy cuộc họp thượng đỉnh khi “xét tới sự giận dữ khủng khiếp và thù địch công khai trong phát biểu gần đây nhất” của Bắc Hàn dành cho Mỹ.
Nhưng thay vì giận dữ đáp trả, Thứ trưởng Ngoại giao Bắc Hàn Kim Kye-gwan lại bày tỏ như sau trong một phát biểu hôm thứ Sáu 25/5 (giờ Hàn Quốc): “Chúng tôi sẵn sàng ngồi trực diện với Mỹ để giải quyết các vấn đề bất cứ khi nào, theo bất kỳ cách thức nào”. Ông này nói thêm: “Cam kết của chúng tôi trong việc cố gắng hết sức vì hòa bình và sự ổn định của thế giới và Bán đảo Triều Tiên là không thay đổi, và chúng tôi rất cởi mở trong việc cho Mỹ thời gian và cơ hội”.
Động thái trên của Bắc Hàn đã thúc đẩy Tổng thống Trump bày tỏ hòa giải trên Twitter: “Quả là một tin tốt lành khi nhận được tuyên bố nồng ấm và hiệu quả từ Bắc Hàn. Chúng ta sẽ sớm thấy nó dẫn tới đâu, hy vọng là tới hòa bình và sự thịnh vượng lâu dài. Chỉ có thời gian (và thiên tài) mới biết!” Ngoài ra, Tổng thống Trump còn trả lời các phóng viên rằng Mỹ và Bắc Hàn sẽ tiếp tục đối thoại.
Vậy điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Thiên tính của Tổng thống Trump cho rằng Mỹ và Bắc Hàn sẽ đối thoại thay vì đánh nhau là hoàn toàn chính xác. Nhưng điều này luôn khó khăn. Sẽ là một sai lầm nếu Tổng thống Trump từ bỏ bởi con đường này đang trở lên gập ghềnh. Không có lựa chọn tốt nào với Bắc Hàn, nhưng ngoại giao vẫn tốt hơn chiến tranh.
Cuộc họp thượng đỉnh Trump – Kim chỉ là một bước trong toàn bộ quá trình, và chúng ta không nên gán cho nó tầm quan trọng quá mức. Một cuộc gặp gỡ – bất kể ở cấp cao đến đâu – cũng sẽ không thể đủ để giải quyết một vấn đề phức tạp như chương trình hạt nhân của Bắc Hàn.
Việc trì hoãn cuộc gặp thượng đỉnh thực ra có thể lại là một may mắn trong cái rủi. Hiện tại, Tổng thống Trump có cơ hội để thiết lập lại cách tiếp cận của mình. Ông có thể đặt các cuộc đàm phán trong tương lai trên một nền tảng vững chắc hơn bằng cách nhận lời trước ít hơn, thể hiện sự kiên nhẫn hơn, thiết lập một quy trình dài hạn để có thể đứng vững trước những thăng trầm của cuộc đàm phán phức tạp, và xác định những điều khoản của một thỏa thuận có thể chấp nhận được ở mức tối thiểu.
Cho đến nay, Tổng thống Trump xem hội nghị thượng đỉnh như một chiến thắng dễ dàng. Ông quá tự tin về những gì đã đạt được, đặt ra những kỳ vọng quá lớn và bỏ qua những lựa chọn khó khăn phía trước. Tư thế của ông, cùng với sự cổ vũ từ giới truyền thông, có thể đã tạm thời làm tăng số phiếu thăm dò ý kiến của ông tại Mỹ, khi người Mỹ cảm thấy thoải mái với những phát triển tích cực sau cuộc khẩu chiến “nảy lửa” đáng sợ hồi năm ngoái. Nhưng thực tế lại đang xen ngang.
Lịch sử dạy chúng ta rằng không có chiến thắng nhanh chóng nào trong kiểu ngoại giao này. Tổng thống Mỹ Reagan và Lãnh đạo Xô viết Mikhail Gorbachev đã mất ba năm và nhiều cuộc họp thượng đỉnh, cùng với vô số cuộc họp cấp thấp hơn để đạt được thỏa thuận kiểm soát vũ khí ban đầu. Hai cuộc họp thượng đỉnh ban đầu đã tạo ra ý muốn tốt đẹp từ hai phía, nhưng thực tế vẫn không có thỏa thuận nào.
Các cuộc đàm phán để đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran của chính quyền ông Obama mà Tổng thống Trump mới loại bỏ gần đây cũng phải mất nhiều năm.
Ngay cả cuộc họp của Tổng thống Nixon với lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông cũng phải mất gần một năm để chuẩn bị. Mối quan hệ Mỹ – Trung cũng chưa thể bình thường hóa cho tới tận sáu năm sau đó.
Nếu Tổng thống Trump muốn đạt được một thỏa thuận có ý nghĩa với Bắc Hàn, ông cần ngừng tìm kiếm một chiến thắng chớp nhoáng và bắt đầu chuẩn bị cho một công việc vất vả lâu dài phía trước.
Là người từng tham gia vào các cuộc đàm phán hạt nhân của Mỹ với Iran, tôi có lời khuyên cho Tổng thống Trump như sau:
Thứ nhất, Tổng thống Trump sẽ cần cam kết nhiều hơn về hội nghị thượng đỉnh, và giảm bớt căng thẳng với ông Kim Jong Un.
Tổng thống Trump tuyên bố rằng “áp lực tối đa” khiến ông Kim sẵn sàng từ bỏ chương trình hạt nhân của mình trên bàn đàm phán. Điều đó đã gây ra một phản ứng tức giận từ phía Bắc Hàn và kích hoạt một cuộc khẩu chiến dẫn đến sự sụp đổ của hội nghị thượng đỉnh.
Để thành công với ông Kim, Tổng thống Trump không thể miêu tả như thể lãnh đạo Bắc Hàn đầu hàng trước các yêu cầu của Mỹ. Đây sẽ là một viên thuốc đắng mà Tổng thống Trump phải nuốt, nhưng đó là một động thái khôn ngoan.
Hãy nhìn xem cách Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đề cử giải Nobel Hòa Bình cho Tổng thống Trump, đề cao hư danh của ông và khiến ông đầu tư vào ngoại giao. Đó là một nước cờ thông minh, và Tổng thống Trump sẽ làm tốt khi áp dụng chiến thuật tương tự với ông Kim.
Để đạt được thỏa thuận với Bắc Hàn còn cần sự kiên nhẫn. Việc đó trái ngược với cách Tổng thống Trump tiếp cận đàm phán với các đối tác Châu Âu về việc “sửa chữa” thỏa thuận hạt nhân Iran. Châu Âu đang chuẩn bị một đề xuất để giải quyết các quan ngại mà ông Trump đặt ra, nhưng ông đã không thể đợi mà vội vàng kéo Mỹ ra khỏi thỏa thuận.
Thứ hai, Tổng thống Trump cần thiết lập một quá trình dài hạn để có thể đứng vững trước các thăng trầm của cuộc đàm phán phức tạp.
Nói về hội nghị thượng đỉnh như thể nó là sự kiện cuối cùng đã khiến Tổng thống Trump khó có thể chấp nhận thất bại. Thay vào đó, hội nghị thượng đỉnh nên được xem là một trong số các bước của một quá trình ngoại giao dài hơi.
Một trong những điểm lạ về hội nghị thượng đỉnh đã được lên kế hoạch giữa ông Trump và ông Kim là việc thiếu công tác chuẩn bị. Thông thường, những sự kiện cấp cao như thế này được lên kế hoạch chi tiết trong nhiều tháng, với rất nhiều cuộc họp cấp thấp hơn để đưa ra những điểm chính cần thỏa thuận. Nhiều khi, thậm chí còn có một văn bản được thương lượng trước để chuẩn bị cho các nhà lãnh đạo ký tại hội nghị thượng đỉnh.
Tổng thống Trump nên sử dụng khoảng thời gian tạm nghỉ trước thềm hội nghị thượng đỉnh để khởi động một vòng đàm phán mạnh mẽ do tân Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dẫn đầu nhằm đạt được một mức độ nhất trí nào đó.
Thứ ba, Tổng thống Trump cần cố gắng trả lời câu hỏi khó về việc xác định đâu là một thỏa thuận chấp nhận được ở mức tối thiểu.
Trong khi Tổng thống Trump muốn một sự giải thể hoàn toàn, có thể kiểm chứng, và không thể đảo ngược đối với toàn bộ chương trình hạt nhân của Bắc Hàn, việc đạt được mục tiêu này có lẽ là bất khả thi, bất kể ông có đe dọa hay nịnh nọt những người Bắc Hàn như thế nào đi nữa.
Tổng thống Trump sẽ chấp nhận chiến thắng ngắn hạn như thế nào? Ông từ chối thỏa thuận Iran vì nó không đủ sâu rộng – ví dụ, không bao gồm chương trình tên lửa đạn đạo của Iran và các can thiệp quân sự của Iran tại Syria và các nơi khác ở Trung Đông.
Thật không may, cho dù mọi tổng thống đều tìm cách để đạt được tất cả các mục tiêu của mình, họ vẫn thường phải thỏa hiệp. Tổng thống Trump cần xem xét rằng một thỏa thuận “ít hơn” – ví dụ như một thỏa thuận đóng băng chương trình hạt nhân của Bắc Hàn nhưng không thể giải thể nó một cách không thể đảo ngược – trên thực tế là có thể đạt được và vẫn tốt hơn là không có gì.
Ngay cả nếu có được lên lịch lại, một hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim cấp cao sẽ gần như chắc chắn không thể dẫn đến bước đột phá ấn tượng biến Bắc Hàn thành một quốc gia phi hạt nhân trong tương lai gần. Thành công cần thời gian và sự kiên nhẫn.
Tổng thống Trump cần được chuẩn bị cho những thăng trầm trên con đường dài, gập ghềnh phía trước nếu ông muốn giành chiến thắng. Và ông cần chấp nhận rằng đạt được một số mục tiêu vẫn tốt hơn là không đạt được mục tiêu nào.
Tác giả: YJ Fischer
(Bà YJ Fischer từng làm trong Bộ Ngoại giao Mỹ từ 2012-2016, trong đó từng đảm nhiệm vai trò trợ lý điều phối thực thi thỏa thuận hạt nhân Iran. Bà Fischer là một trong những người trực tiếp soạn thảo chương trình chính trị Đảng Dân chủ Năm 2016 và làm việc trong Đội ngũ chuyển giao Clinton-Kaine).
Nhật Hạ biên dịch
Xem thêm:
Từ khóa Kim Jong Un Donald Trump Bắc Hàn phi hạt nhân hóa Hội nghị Trump - Kim