Cựu quan chức Bắc Hàn đào tẩu: Nhà nước đang tê liệt, không thể kéo dài quá 1 năm
- Tuấn Minh
- •
Theo tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng hôm 17/10, một cựu quan chức chính phủ Bắc Hàn đào thoát sang Mỹ nói rằng nước này đang phải vật lộn chống đỡ các lệnh trừng phạt nặng nề, và cho rằng chính quyền họ Kim sẽ chỉ có thể kéo dài không quá một năm.
Ông Ri Jong Ho, người từng điều hành mạng lưới quốc tế các doanh nghiệp Bắc Triều Tiên, một nguồn cung ngoại tệ quan trọng cho Bình Nhưỡng, cho biết: “Mức độ của các biện pháp trừng phạt mà Nhà Trắng đang áp đặt lên Bắc Triều Tiên là chưa từng có trong lịch sử.”
“Chưa bao giờ đất nước này phải đối mặt với những trừng phạt nặng nề như vậy. Tôi không biết liệu Bắc Triều Tiên có thể tồn tại một năm nữa với những biện pháp trừng phạt này hay không. Người dân sẽ chết”.
Ông Ri nói tại một sự kiện xã hội của Châu Á ở New York rằng hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên thực ra là một nỗ lực “tuyệt vọng” của chính quyền Bình Nhưỡng trong việc mở cửa ngoại giao với Hoa Kỳ, và nói thêm rằng một trong những ưu tiên của chính phủ Bắc Hàn là tìm cách cắt đứt quan hệ giữa Washington và Hàn Quốc.
Ông nói: “Lãnh đạo của Triều Tiên đã triển khai các tên lửa nhằm vào Hoa Kỳ và họ đang có những hành động khiêu khích, nhưng họ muốn lập quan hệ với Hoa Kỳ đến tuyệt vọng.”
“Nhà lãnh đạo Triều Tiên muốn duy trì quyền lực trong thời gian dài. Ông Kim Jong-un tin rằng để làm được điều đó thì phải có quan hệ hữu nghị với Hoa Kỳ. Họ không muốn Hàn Quốc tham gia vào các cuộc đàm phán.”
“Họ chỉ muốn đàm phán song phương. Điều mà nhà lãnh đạo Triều Tiên mong muốn là làm sao để làm nóng mối quan hệ với Hoa Kỳ.”
Paul Stares, một ủy viên cao cấp về phòng chống xung đột và là giám đốc Trung tâm Dự phòng Hành động ở Hội đồng Quan hệ Đối ngoại tại New York, nhận định:
“Có thể giải thích về hành động và tuyên bố gây hấn gần đây của CHDCND Triều Tiên liên quan đến thử hạt nhân và tên lửa theo hai cách”.
“Họ dùng nó để thương lượng hoặc để có được sự nhượng bộ tối đa nếu có những cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí trong tương lai.”
“Tuy nhiên, bây giờ thì rõ ràng là bất cứ cuộc đàm phán nào như vậy sẽ đề cập về quy mô của kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên chứ không phải sự tồn tại của nó. Họ sẽ không bao giờ từ bỏ nó. Chấm hết.”
Ông Ri cũng nói rằng quan hệ của Bắc Triều Tiên với Trung Quốc đang xuống dốc sau những vụ thanh trừng của Kim Jong-un đối với người chú Jang Song-thaek và các quan chức thân Bắc Kinh khác.
Sự căm ghét của nhà lãnh đạo Kim đối với Bắc Kinh tăng lên sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình viếng thăm Seoul chứ không phải Bình Nhưỡng trong chuyến đi đầu tiên tới bán đảo Triều Tiên năm 2014
Ông Ri nói cái chết của “hàng ngàn” người thân cận với ông Jang cũng như ý định mở rộng quan hệ ngoại giao đã khiến ông Tập quyết định hành động như vậy.
Kim Jong-un đã coi quyết định của ông Tập là một sự xúc phạm. Vào tháng 7 năm 2014, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã triệu tập một cuộc họp các quan chức cấp cao, gọi ông Tập là “đồ khốn” và gọi người dân Trung Quốc là “những thằng khốn,” ông Ri cho biết.
“Hiện tại Trung Quốc đã dừng các hoạt động thương mại với Triều Tiên, là điều chưa từng xảy ra trước đây. Đây có lẽ là thời điểm tồi tệ nhất trong mối quan hệ giữa hai nước”.
Những nhận xét của ông Ri trái ngược với sự hoài nghi mà ông từng đưa ra trước đó đối với các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm ngăn chặn chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Kể từ khi trốn ra nước ngoài vào năm ngoái, ông Ri cho biết trước đây sở dĩ Bình Nhưỡng có thể chống chọi được với các lệnh trừng phạt bởi có sự trợ giúp từ Trung Quốc.
“Tôi có thể thấy rõ triển vọng của nền kinh tế Bắc Triều Tiên giống như nó đang nằm trong lòng bàn tay tôi”, ông Ri nói.
“[Triều Tiên] phải mua nguyên liệu để sản xuất vũ khí và họ phải xuất khẩu sản phẩm [để hỗ trợ cho chương trình này]. Họ đang ở trong một vị thế rất khó khăn, họ cần phải giải quyết vấn đề này.”
Khi còn ở Đại Liên, Trung Quốc, ông Ri từng là người đứng đầu Tổng công ty Thương mại Daehung Triều Tiên, được quản lý bởi Văn phòng 39, một tổ chức bí mật dưới sự kiểm soát trực tiếp của gia đình họ Kim.
Văn phòng 39 có trách nhiệm cung cấp tiền cho chính phủ Kim. Điều này rất quan trọng để giúp hỗ trợ nền kinh tế và đảm bảo sự trung thành của các tầng lớp tinh hoa của đảng.
Vào tháng 7, ông Ri nói với tờ Washington Post rằng ông từng giám sát việc thực thi các chiến thuật mà chính quyền Bắc Triều Tiên sử dụng để lách trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Một trong số các biện pháp bao gồm việc các quan chức Triều Tiên làm việc ở Trung Quốc như ông Ri mang các túi đựng hàng triệu đô la Mỹ tiền mặt đến các tàu Bắc Triều Tiên để đem trở về nước. Một cách khác là thay đổi tên của các công ty bị trừng phạt bởi Liên Hợp Quốc, ông Ri nói.
(Gần đây, Mỹ đã điều tàu sân bay USS Ronald Reagan tuần tra ở vùng biển phía đông của bán đảo Triều Tiên. Ảnh: Getty)
Liên Hiệp Quốc bắt đầu thi hành các biện pháp trừng phạt lên Bắc Triều Tiên kể từ năm 2006, sau thất bại của các cuộc đàm phán 6 bên gồm Triều Tiên, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga. Các biện pháp trừng phạt gần đây nhất, được thông qua vào tháng 8 và tháng 9 năm nay, đã cắt đứt tất cả thương mại với Bắc Triều Tiên trừ các chuyến hàng nhân đạo và một số lượng dầu hạn chế.
Gần một tuần sau vụ thử hạt nhân gần đây nhất của Bắc Triều Tiên, vào ngày 3 tháng 9, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết mới nhất của Hoa Kỳ đối với vấn đề Triều Tiên.
Nghị quyết này nhằm cắt giảm 55% hàng nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ tinh chế của Triều Tiên và cấm cung cấp các dẫn xuất khí thiên nhiên và khí đốt tự nhiên để đảm bảo chúng không được sử dụng làm chất thay thế.
>> Malaysia dừng nhập khẩu tất cả các mặt hàng từ Bắc Hàn
Hơn nữa, với việc cấm Bắc Triều Tiên xuất khẩu hàng dệt may và ngăn tiền gửi của công nhân Bắc Triều Tiên ở nước ngoài về Bình Nhưỡng, nghị quyết này dự đoán sẽ cắt giảm 1,3 tỷ USD ngoại tệ hàng năm của Bắc Triều Tiên.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn đồng ý cho phép một số chuyến hàng chở dầu tiếp tục đến Bắc Triều Tiên theo đề nghị từ Trung Quốc do nước này lo ngại rằng những động thái cấm vận có thể gây bất ổn đối với họ, nhất là vấn đề người tị nạn. Trung Quốc có đường biên giới dài 1.400km với Bắc Triều Tiên dọc theo sông Áp Lục.
Ông Ri Jong Ho cùng gia đình đã trốn tới Hàn Quốc vào năm 2014 từ Đại Liên, thành phố cảng đông bắc Trung Quốc.
Trong một diễn biến khác, một quan chức Bắc Triều Tiên khẳng định rằng quốc gia này không quan tâm đến việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ và nhấn mạnh lại cam kết của Bình Nhưỡng trong việc phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tầm xa có khả năng tiếp cận “tới bờ biển phía đông của lục địa Hoa Kỳ”, theo CNN.
Theo Business Insider
Tuấn Minh
Xem thêm:
Từ khóa Kim Jong Un Bắc Triều Tiên Quan hệ Trung Quốc - Triều Tiên Lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc Lệnh trừng phạt với Bắc Triều Tiên