Washington mong muốn Kiev tổ chức bầu cử tổng thống và quốc hội, có thể diễn ra vào cuối năm nay, theo tờ Reuters đưa tin vào hôm thứ Bảy (1/2), dẫn lời ông Keith Kellogg, đặc phái viên của Tổng thống Donald Trump về cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. 

Keith Kellogg
Tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông ở Palm Beach, Florida, vào ngày 20 tháng 2 năm 2017, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump bắt tay ông Keith Kellogg (phải) sau khi công bố ông này là chánh văn phòng cho cố vấn an ninh quốc gia Trung tướng Lục quân Hoa Kỳ H.R. McMaster. (Nguồn ảnh: NICHOLAS KAMM/AFP via Getty Images)

Theo bản tin, ông Kellogg và các quan chức Nhà Trắng đã thảo luận về việc yêu cầu Kiev tổ chức các cuộc bầu cử như một phần của thỏa thuận đình chiến tiềm năng với Moskva. Phát biểu với hãng tin Reuters, ông Kellogg cho biết cả cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội “đều cần được thực hiện”.

Hầu hết các quốc gia dân chủ đều tổ chức bầu cử ngay cả trong thời chiến. Tôi nghĩ điều đó rất quan trọng. Tôi cho rằng điều đó có lợi cho nền dân chủ. Vẻ đẹp của một nền dân chủ vững chắc là có nhiều hơn một ứng cử viên có thể bước ra tranh cử”, đặc phái viên Kellogg tuyên bố. 

Cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống tại Ukraine, dự kiến diễn ra vào tháng Mười năm 2023 và tháng Ba năm 2024, đã không được tổ chức sau khi ông Zelensky tuyên bố vào tháng Mười Hai năm 2023 rằng các cuộc bầu cử sẽ không được tiến hành khi tình trạng thiết quân luật vẫn còn hiệu lực, một biện pháp đã được áp đặt trong thời kỳ chiến tranh với Nga. 

Tình trạng thiết quân luật được ban bố sau khi chiến sự giữa Kiev và Moskva leo thang vào tháng Hai năm 2022 và ông Zelensky đã liên tục gia hạn tình trạng này kể từ đó. Vào tháng Mười Một năm 2024, tình trạng này lại được kéo dài một lần nữa và dự kiến duy trì ít nhất cho đến ngày 7 tháng Hai năm 2025.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã nhiều lần cam kết sẽ nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Vào hôm thứ Sáu (31/1), ông Trump tuyên bố rằng Hoa Kỳ đang “có các cuộc thảo luận rất nghiêm túc về cuộc chiến đó” với Nga – tuy nhiên, phía Moskva vẫn chưa xác nhận bất kỳ động thái nào.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cũng đã nhiều lần tuyên bố rằng ông sẵn sàng đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong thời gian sớm nhất nhằm đạt được một thỏa thuận hòa bình chấm dứt chiến tranh. Moskva nhiều lần khẳng định rằng họ luôn sẵn sàng đối thoại bất cứ lúc nào, nhưng chưa nhận được bất kỳ tín hiệu cụ thể nào từ phía Hoa Kỳ. Theo Bộ Ngoại giao Nga, hiện chưa có cuộc đàm phán nào được lên kế hoạch, và mọi kênh liên lạc vẫn chỉ giới hạn ở cấp độ đại sứ quán.

Nếu kế hoạch của Hoa Kỳ cuối cùng bao gồm một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời trước khi tiến tới một hiệp định lâu dài hơn, thì chính trị gia thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống Ukraine sắp tới có thể sẽ chịu trách nhiệm đàm phán các điều khoản của hiệp ước cuối cùng, theo hãng tin Reuters đưa tin vào hôm thứ Bảy (2/1), dẫn lời các cuộc thảo luận tại Nhà Trắng. 

Moskva đã đặt nghi vấn về việc liệu ông Zelensky tiếp tục lãnh đạo Ukraine có hợp pháp hay không, viện dẫn rằng ông Zelensky không còn đủ tư cách để ký kết các thỏa thuận quốc tế nhân danh Ukraine, vì nhiệm kỳ tổng thống của ông đã chính thức kết thúc vào tháng Năm năm 2024.

Phát biểu vào đầu tuần này, ông Putin cho biết mặc dù ông Zelensky có thể tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán tiềm năng nào, nhưng ông Zelensky không thể là chính trị gia ký kết thỏa thuận cuối cùng. “[Chúng tôi] có thể đàm phán với bất kỳ ai”, nhà lãnh đạo Nga Putin tuyên bố, đồng thời nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng là một “vấn đề rất hệ trọng” và phải “bảo đảm an ninh cho cả Ukraine và Nga” trong một khoảng thời gian “đáng kể”.

Trước đó, ông Putin từng nhiều lần tuyên bố rằng hiến pháp Ukraine không có điều khoản nào cho phép gia hạn nhiệm kỳ tổng thống, mà chỉ có thể áp dụng đối với quốc hội. Moskva cũng nhấn mạnh rằng họ sẽ không chấp nhận một lệnh ngừng bắn tạm thời, và một thỏa thuận hòa bình phải bao gồm “các cam kết pháp lý đáng tin cậy nhằm loại bỏ các nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột”.

Thiên Vân