Đại diện ngoại giao Trung Quốc tại Mỹ hôm 21/12 đã khẳng định rằng sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc không tạo thành mối đe dọa đối với Mỹ, thúc giục hai nước tìm kiếm sự đồng thuận và đưa quan hệ căng thẳng trở lại  bình thường.

Embed from Getty Images

“[Mục tiêu] phát triển của Trung Quốc là đáp ứng mong chờ của người dân về một cuộc sống tốt đẹp hơn, không phải là tham gia vào cuộc đua tranh thắng – thua với bất kỳ nước nào,” Đại sứ Qin Gang nói tại một sự kiện trực tuyến do Quỹ Chính sách Mỹ – Trung (USCPF) tổ chức. 

“Trên thực tế, sự phát triển lâu dài và ổn định của Trung Quốc không phải là mối đe dọa với nước Mỹ,” ông Qin, người bắt đầu làm việc tại Washington hồi tháng Bảy, nói. “Đó là một cơ hội, và một mối lợi lớn.”

Lời kêu gọi của ông Qin với các đồng cấp Mỹ được đưa ra khi quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đang ở mức thấp lịch sử, ngay cả khi hai nước đã  tìm thấy điểm chung về một số vấn đề như biến đổi khí hậu.

Thời gian gần đây đã chứng kiến những đợt trừng phạt của Mỹ đối với các công ty công nghệ Trung Quốc do việc đối xử của Bắc Kinh đối với các nhóm dân tộc thiểu số tại khu vực Tân Cương. Nhiều quan chức Trung Quốc cũng bị trừng phạt vì phá hoại các quyền tự do dân chủ ở Hồng Kông.

Hôm thứ Ba, Bắc Kinh đã phản ứng lại bằng cách trừng phạt bốn thành viên của Ủy ban tự do tôn giáo chính phủ Mỹ, cấm họ đến Trung Quốc và cấm họ kinh doanh với các thực thể ở đó. 

Căng thẳng bùng phát trong những năm gần đây đã gây thiệt hại cho “lợi ích nền tảng của hai nước,” ông Qin nói, kêu gọi những người tham gia sự kiện hôm thứ Ba tìm cách đưa quan hệ Mỹ – Trung “trở lại đúng hướng phát triển lành mạnh và ổn định.”

Rich Waters, phó trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao về vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, nói tại cuộc họp rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ “tiếp tục đẩy mạnh đầu tư trong nước để vượt Trung Quốc.” 

Ông Waters nói thêm rằng Washington đang “củng cố các liên minh cả mới và cũ” để “phát triển môi trường quốc tế theo hướng phản ánh giá trị và lợi ích của chúng tôi.”

Chính phủ Trung Quốc đã nổi giận trước những nỗ lực đó và cáo buộc Washington xen vào các vấn đề chủ quyền của họ, đặc biệt những vấn đề được coi là lằn ranh đỏ như Tân Cương, Hồng Kông và Đài Loan.

Những bất đồng về chính sách của Bắc Kinh tại khu tự trị Tân Cương có thể gia tăng vào những tuần tới, do luật mới cấm tất cả các sản phẩm nhập khẩu từ khu vực này đã được TT Biden ký thành luật.

Trung Quốc bị buộc tội giam giữ hàng loạt, tẩy não và lao động cưỡng bức đối với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương. 

Lên án hành động của Trung Quốc tại khu vực này là “diệt chủng” và “tội ác chống loài người”, Mỹ đã dẫn đầu một làn sóng các nước tuyên bố sẽ không gửi đoàn đại biểu chính thức tới Olympic và Paralympic sắp tới diễn ra ở Bắc Kinh.

 Bên cạnh các vấn đề nhân quyền, hiện vẫn đang tồn tại nhiều bất đồng khác trong quan hệ Mỹ – Trung, bao gồm việc tiếp tục áp thuế thương mại,  tuyên bố chủ quyền lãnh thổ tại biển Đông, công nghệ 5G và trách nhiệm giải trình về đại dịch COVID-19.

Xuân Lan

Xem thêm: