Dân Hàn Quốc thờ ơ trước mối đe dọa hạt nhân từ Bắc Hàn
- Hùng Cường
- •
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên ngày càng leo thang, thu hút sự chú ý của giới truyền thông và công chúng toàn cầu. Tuy nhiên, thực tế tại Hàn Quốc người dân lại không quá bận tâm tới nguy cơ chiến tranh xảy ra với miền Bắc. Dường như áp lực cuộc sống mưu sinh đã lấy hết thời gian của thường dân Hàn Quốc và đa phần họ đều tỏ ra thờ ơ với mối đe dọa tên lửa, hạt nhân từ chế độ Kim Jong-un.
Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về vụ thử bom hạt nhân của Bắc Triều Tiên năm 2016
Một thời gian ngắn sau cú sốc Bắc Hàn thử bom hạt nhân lần thứ 6, BBC và Reuters đã phỏng vấn một số thường dân Hàn Quốc về mối bận tâm của họ đối với những đe dọa mà chế độ Kim Jong-un đang gây ra.
You Jae-youn, 32 tuổi, sống ở thành phố Sejong, miền trung Hàn Quốc nói rằng: “Đối với tôi, những cuộc nói chuyện về Bắc Hàn tôi thực sự cảm thấy xa xôi. Chúng tôi có quá đủ nhiều thứ khác trong cuộc sống hàng ngày để phải bận tâm hơn. Cá nhân tôi, tôi lo lắng về việc mất bao nhiêu tiền để mua thực phẩm hàng ngày hơn nhiều vấn đề Bắc Hàn”.
Đối với phần lớn thường dân Hàn Quốc, vốn đã quen sống qua hàng nhiều thập kỷ dưới sự đe dọa chiến tranh từ nước láng giềng thù địch và giờ là nước đã có vũ khí hạt nhân, những mối quan tâm hàng đầu níu kéo họ từ sáng tới đêm, đó là công việc, kinh tế và những áp lực đi kèm cùng với sự phát triển nhanh chóng của Hàn Quốc kể từ khi kết thúc chiến tranh với miền Bắc vào năm 1953.
Thực tế, nhiều chỉ dấu cho thấy người dân Hàn Quốc ngày càng tỏ ra thờ ơ với nguy cơ chiến tranh. Họ phớt lờ các cuộc tập trận phòng vệ dân sự lớn và những cuộc khảo sát chỉ ra rằng hiện tại có ít người dự đoán về một cuộc xung đột với miền Bắc hơn so với 25 nămntrước.
Theo khảo sát của hãng Gallup Korea đầu tháng này, 58% người Hàn Quốc nói rằng họ không nghĩ sẽ có một cuộc chiến tranh khác xảy ra trên bán đảo Triều Tiên, đây là tỉ lệ cao thứ hai kể từ cuộc khảo sát lần đầu tiên vào năm 1992.
Kể từ sau năm 1992, tỉ lệ phần trăm người dân Hàn Quốc dự đoán có cuộc chiến tranh khác đã ngày càng giảm dần, và giảm tới 37% vào cuộc khảo sát mới nhất, bất chấp những vụ thử tên lửa tăng cao dưới thời ông Kim Jong-un – lãnh đạo thế hệ thứ 3 của dòng họ Kim tại miền Bắc.
Cho tới nay, hai miền Triều Tiên về mặt lý thuyết vẫn đang trong tình trạng chiến tranh vì cuộc xung đột 1950-1953 chỉ kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn, chứ không phải một hiệp ước hòa bình.
Kim Hye-ji, nhân viên thiết kế đồ họa, 27 tuổi, nói rằng: “Mọi người nói cuộc chiến tranh đó chưa kết thúc về mặt lý thuyết, nhưng trong thế hệ của tôi, chúng tôi chưa bao giờ thấy chiến tranh. [Tình trạng chiến tranh] dường như là một thực tế mơ hồ đối với tôi. Đó là lý do tại sao thậm chí khi mọi người nói tình trạng này là nguy hiểm, tôi vẫn không thực sự cảm nhận được điều đó. Tất cả bạn bè của tôi đang lo lắng nhiều hơn về công việc của họ”.
Áp lực cuộc sống khiến nhiều người Hàn Quốc bị trầm cảm, tự tử
Nền kinh tế công nghệ cao, nền kinh tế với định hướng xuất khẩu của Hàn Quốc hiện nay đang phải vật lộn để thoát khỏi tốc độ tăng trưởng chậm, điều đang có nguy cơ sẽ trở thành một xu hướng dài hạn.
An ninh việc làm lại là một vấn đề khác nữa mà người dân Hàn Quốc phải lo lắng. Tại Hàn Quốc, số lượng lao động thời vụ cao gấp đôi so với con số trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên đã tăng lên trong 4 năm liên tiếp từ 2013 tới 2016.
Sự suy thoái này tạo ra áp lực cạnh tranh tăng cao trong cả môi trường học tập và làm việc. Điều này được cho là nguyên nhân chủ yếu khiến Hàn Quốc có tỷ lệ người dân bị căng thẳng và tự tử cao.
Tỉ lệ tử tự tại Hàn Quốc năm 2015 là cao nhất trong số các nước thành viên OECD – cao hơn gấp đôi tỉ lệ này ở Hoa Kỳ và gần gấp 4 lần tỉ lệ ở Anh Quốc.
Theo một bài thuyết trình gần đây tại Hiệp hội Phòng chống Tự sát Hàn Quốc, các vấn đề tài chính, bệnh tật, sự cô đơn, vấn đề trong các mối quan hệ là những nguyên nhân khiến cho nhiều người Hàn Quốc bị trầm cảm và từ đó dẫn tới gia tăng hành vi tự tử.
Sim Min-young, một nhà tâm thần học chuyên về chứng lo âu và căng thẳng tại Trung tâm Y tế Tâm thần Quốc gia Hàn Quốc, cho biết: “Phần lớn những người tìm đến chúng tôi là để quản lý căng thẳng, họ làm vậy vì những điều thực tế trong cuộc sống bình thường, như việc tìm kiếm việc làm. Thậm chí những người đã có việc làm, họ đến với chúng tôi vì các vấn đề họ đang vướng mắc trong môi trường làm việc. Họ không đến với chúng tôi để nói chuyện về Bắc Triều Tiên”.
Cô Sim Min-young nói rằng nếu người dân Hàn Quốc phải đối mặt với những mối đe dọa thực tế như siêu bão Irma tại Hoa Kỳ, họ cũng sẽ chủ động làm mọi thứ như lên kế hoạch sơ tán, tìm kiếm nơi trú ẩn v.v…Nhưng các cuộc tấn công hạt nhân khiến người dân bất lực và họ ngừng suy nghĩ về những gì họ thực sự có thể làm được.
“Tuy nhiên khi chúng tôi nghĩ về một quả bom hạt nhân nổ chỉ cách chúng tôi có vài cây số, chúng tôi không biết chúng tôi có thể thực sự làm được gì để có thể bảo vệ bản thân mình”. Cô Sim giải thích về sự thờ ơ với mối đe dọa hạt nhân từ Bình Nhưỡng.
Người dân an ủi tâm hồn bằng hoạt động tín ngưỡng
Đối với số ít người lo lắng về chiến tranh, những lựa chọn đối phó của họ là có giới hạn.
Một số người đã lập kế hoạch khẩn cấp sơ tán khỏi tầm bắn của pháo binh Bắc Triều Tiên. Một số đã tính đến việc phải mua các hàng hóa dùng cho tình huống khẩn cấp, trong đó có “túi chiến tranh” – chứa các loại như bật lửa, còi báo động và các gói thực phẩm.
Những người khác thì tìm đến sự an ủi tinh thần qua hoạt động tâm linh, tín ngưỡng.
Mục sư trưởng Choi Ei-woo của Nhà thờ Tin lành Chongkyo ở trung tâm thủ đô Seoul nói rằng các nhà thờ đã tập trung vào vấn đề Bắc Triều Tiên nhiều hơn trong các bài giảng và các buổi cầu nguyện.
Mục sư Choi cho hay: “Tôi không nghĩ sẽ có chiến tranh, nhưng cũng có thể có những hành động bất ngờ có thể dẫn tới xung đột. Tôi đang cầu Chúa dẫn dắt chúng ta vượt qua thời gian này”.
Ông Lee Chul-hyee, 63 tuổi, đã cầu nguyện nhiều hơn kể từ khi ông nghỉ hưu từ quân đội Hàn Quốc cách đây sáu năm. Ông cũng tham gia thuyết giảng tại các hội trường thành phố và ở các nhà thờ để chia sẻ kiến thức của ông về mối nguy Bắc Hàn dựa trên những kiến thức về quân sự mà ông có.
Tại một ngôi chùa Phật giáo ở trung tâm Seoul, bà Mun Myung-ha, 59 tuổi, nói rằng bà cũng đang đến cầu nguyện nhiều hơn với hy vọng rằng một cuộc chiến tranh sẽ không nổ ra.
Bà Mun nói: “Bắc Hàn đang tiến hành nhiều cuộc thử hạt nhân hơn và mỗi khi tôi bật tin tức, trái tim tôi bắt đầu đập loạn nhịp”.
Hùng Cường (T/h)
Xem thêm:
Từ khóa Hàn Quốc căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên