Đánh giá của Bộ Quốc phòng Mỹ: ĐCSTQ là mối đe dọa chiến tranh sinh học lớn nhất
- Sở Nhất Đinh
- •
Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố “Đánh giá tình hình phòng vệ [chiến tranh] sinh học năm 2023” (2023 Biodefense Posture Review) vào tháng 8. Báo cáo nêu rõ quốc phòng Mỹ đang ở thời điểm quan trọng và đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa chiến tranh sinh học phức tạp chưa từng có. Đồng thời báo cáo cũng đã liệt việc phòng thủ trước các mối đe dọa nhiều mặt từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là ưu tiên hàng đầu của Bộ Quốc phòng Mỹ trước các mối đe dọa sinh học.
Trước khi xuất bản báo cáo này, bà Deb Rosenblum, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ về Phòng thủ Hạt nhân, Hóa học và Sinh học, đã tuyên bố vào ngày 28/7 rằng vào năm 2022, trên cơ sở phân bổ 1,4 tỷ USD dùng cho phòng thủ hóa chất, sinh học, phóng xạ và hạt nhân, thêm 300 triệu USD sẽ được phân bổ hàng năm trong 5 năm tới, chuyên dùng để đối phó với các mối đe dọa sinh học đang gia tăng.
Báo cáo này liệt kê rõ ràng 4 mục tiêu ưu tiên mà Mỹ phải đạt được trước năm 2035 để chống lại các mối đe dọa sinh học:
- Bảo vệ lãnh thổ, đồng bộ theo kịp các mối đe dọa ngày càng tăng của ĐCSTQ trên nhiều lĩnh vực;
- Ngăn chặn các cuộc tấn công chiến lược vào Mỹ và các đồng minh của Mỹ;
- Làm tốt các chuẩn bị để giành được quyền chủ động cần thiết khi ứng phó với xung đột. Đầu tiên là ứng phó với những thách thức do ĐCSTQ đặt ra ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, thứ hai là đối phó với những thách thức do Nga đặt ra ở châu Âu;
- Thiết lập hệ thống phòng thủ hợp tác có tính linh hoạt và thích ứng cao để bảo vệ hệ sinh thái.
Trong 4 mục tiêu ưu tiên nêu trên, mối đe dọa chủ yếu đến từ hai quốc gia được nêu tên trực tiếp là Trung Quốc (ĐCSTQ) và Nga. ĐCSTQ hai lần bị nêu tên và Nga một lần, hơn nữa chỉ ra rõ ràng rằng mối đe dọa ở vị trí đầu là từ ĐCSTQ, sau đó là Nga. Vì vậy, không khó để nhận thấy Bộ Quốc phòng Mỹ đã liệt ĐCSTQ là đối thủ có khả năng phát động chiến tranh sinh học nhất trong tương lai. Và bắt đầu thiết lập hệ thống phòng thủ cần thiết để đối phó với các mối đe dọa chiến tranh sinh học có thể xảy ra trong tương lai.
Với tư cách là nhà lãnh đạo của thế giới tự do, có thể nói Mỹ là cảnh sát quốc tế duy trì trật tự thế giới sau Thế chiến II. Hơn nữa, quân đội Mỹ còn được trang bị hệ thống vũ khí tiên tiến nhất thế giới, có thể đối phó với mọi loại mối đe dọa chiến tranh khác nhau. Vậy điều gì khiến Bộ Quốc phòng Mỹ cảm thấy nước Mỹ đang đối mặt với một mối đe dọa “chưa từng có” và do đó đưa ra cảnh báo nguy hiểm nghiêm trọng như vậy?
Những thách thức của công nghệ mới và sự trỗi dậy kiêu ngạo của ĐCSTQ
Vào những năm 1990, quân đội Trung Quốc đã phát minh ra khái niệm “chiến tranh không giới hạn”: Một cuộc chiến phá vỡ ranh giới giữa chiến tranh và phi chiến tranh, quân sự và phi quân sự, một cuộc chiến trong đó thông tin có mặt khắp nơi và chiến trường có mặt khắp nơi. Chiến tranh sinh học kết hợp chính xác tất cả các đặc điểm của loại hình chiến tranh này.
Bộ Quốc phòng Mỹ đã đề cập trong báo cáo này của mình rằng ĐCSTQ đã công bố kế hoạch trở thành nước dẫn đầu thế giới trong các lĩnh vực như kỹ thuật di truyền, y học chính xác và khoa học thần kinh. Trong những kế hoạch này, ĐCSTQ gọi sinh học là một lĩnh vực chiến tranh mới. Bài viết nêu rõ:
“Việc sử dụng vũ khí gen là đơn giản và đa dạng. Có thể sử dụng con người, máy bay, tên lửa hoặc pháo binh để đưa vi khuẩn biến đổi gen, côn trùng vi khuẩn và vi sinh vật có gen gây bệnh vào các con sông, thành phố lớn hoặc huyết mạch giao thông, khiến virus lây lan và nhân lên một cách tự nhiên, khiến con người và động vật mắc phải căn bệnh nan y trong thời gian ngắn. Hơn nữa, vũ khí di truyền có thể tái tổ hợp các gen một cách tùy ý khi cần thiết, và có thể cấy các gen vào một số sinh vật để gây tổn hại đến trí lực của con người. Khi người thuộc một dân tộc nào đó bị nhiễm loại vi khuẩn mang gen gây tổn hại trí lực này, họ sẽ mất đi trí lực thông minh bình thường. “
Vào ngày 10/11/2017, Nhật báo Quân đội Giải phóng Nhân dân của ĐCSTQ đã đăng một bài viết có chữ ký với tựa đề “Vũ khí di truyền ảnh hưởng như thế nào đến chiến tranh trong tương lai”, do Tào Thi Dương (Cao Shiyang) viết. Bài viết đề cập:
“Một khi vũ khí di truyền được đưa vào sử dụng sẽ mang lại những thay đổi to lớn trong các cuộc chiến tranh trong tương lai: Phương thức chiến tranh sẽ thay đổi. Các bên thù địch có thể sử dụng vũ khí di truyền trước chiến tranh, gây thiệt hại về nhân sự và môi trường sinh hoạt của đối phương, dẫn đến một dân tộc, một quốc gia, mất đi lực chiến đấu và bị chinh phục mà không đổ máu…, cơ cấu biên chế quân đội sẽ có sự thay đổi…, vũ khí chiến lược và vũ khí chiến thuật sẽ được tích hợp. Chiến trường trong tương lai sẽ biến thành chiến trường vô hình.”
Ngày 8/11/2018, Mạng lưới Quân sự Trung Quốc đã xuất bản một bài viết của Đàm Tuyết Bình (Tan Xueping) và Dương Vũ (Yang Yu) với tiêu đề “Chiến tranh di truyền, cái bóng mới bao trùm nhân loại”. Bài báo nêu rõ:
“Vũ khí di truyền của con người là tác nhân chiến tranh sinh học, lợi dụng sự khác biệt về gen của con người để giết một số người được nhắm mục tiêu hoặc khiến họ mất đi một số khả năng, đồng thời bảo vệ những người không phải mục tiêu khỏi bị tổn hại. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng 99,7% đến 99,9% DNA của con người là giống nhau và các điểm khác biệt ít ỏi này là chìa khóa để phân biệt các chủng tộc khác nhau. Do đó, mỗi quốc gia và chủng tộc đều có những đặc điểm di truyền riêng biệt, từ cấp độ lý thuyết mà nói, dựa trên đặc điểm này, vũ khí di truyền có thể được phát triển để tiêu diệt các đối tượng chủng tộc đã được xác định trước, từ đó tấn công có chọn lọc các mục tiêu có gen chủng tộc cụ thể.”
Bài viết cũng nói không chút đắn đo:
“Sử dụng 50 triệu đô la Mỹ để xây dựng kho vũ khí di truyền, nó sẽ có sức sát thương cao hơn nhiều so với xây dựng với kho vũ khí hạt nhân trị giá 100 tỷ đô la Mỹ.”
Nói tóm lại, cùng với việc khoe khoang “Đông thăng, Tây giáng” (phương Đông trỗi dậy, phương Tây đi xuống) trong thể chế của ĐCSTQ và chính sách ngoại giao chiến lang đối với phương Tây ngày càng leo thang, nhiều kênh truyền thông chính thống hoặc một số phương tiện truyền thông trong nước Trung Quốc có bối cảnh liên quan đến chính quyền cũng không ngừng hùa theo. Trong 10 năm qua, các kênh truyền thông này đã không ít lần kêu gọi cần chiến tranh đánh bại phương Tây, trong đó có nhiều bài viết về chiến tranh sinh học. Không có gì nghi ngờ khi tất cả những cuộc thảo luận công khai và cuồng nhiệt này trên các kênh truyền thông chính thống và truyền thông quân sự của ĐCSTQ đã thu hút sự chú ý và lo lắng của Chính phủ Mỹ.
Chiến lược dung hợp quân sự – dân sự của ĐCSTQ và Viện Virus học Vũ Hán
Trong báo cáo này của Bộ Quốc phòng Mỹ, đặc điểm lưỡng dụng của công nghệ sinh học được đề cập nhiều lần. Bà Deb Rosenblum cho biết tại buổi công bố báo cáo của Bộ Quốc phòng rằng ĐCSTQ đã đầu tư rất nhiều vào công nghệ cao cho cả mục đích quân sự và dân sự.
Vào tháng 10/2015, đích thân ông Tập Cận Bình đã ban hành chỉ thị, Trung ương ĐCSTQ chính thức bắt đầu chuẩn bị cho các vấn đề liên quan đến việc sử dụng con đường dung hợp quân sự – dân sự để phát triển khoa học và công nghệ. Vào tháng 1/2017, Ủy ban Phát triển dung hợp Quân sự – Dân sự được chính thức thành lập. Ông Tập Cận Bình giữ chức chủ nhiệm ủy ban này.
Theo nghĩa ban đầu, dự án phát triển hội nhập quân sự – dân sự ở các nước phương Tây là chuyển đổi mục đích sử dụng công nghệ cao quân sự thành mục đích dân sự và mang lại lợi ích cho người dân. Nhưng quân đội của ĐCSTQ không có nhiều công nghệ tiên tiến. Cách tiếp cận của ĐCSTQ đối với sự dung hợp quân sự – dân sự đi ngược lại với con đường trước đây của phương Tây. Kế hoạch của ĐCSTQ là tham gia trao đổi và hợp tác với nước ngoài thông qua nhiều tổ chức phi quân sự khác nhau, thu thập các công nghệ tiên tiến từ phương Tây dưới chiêu bài trao đổi, sau đó chuyển giao những công nghệ này cho quân đội ĐCSTQ để sử dụng.
Là một tổ chức phi quân sự, Đại học Thanh Hoa là một ví dụ về quá trình thực hiện kế hoạch dung hợp quân sự – dân sự của ĐCSTQ.
Sau khi ông Tập Cận Bình bắt đầu thúc đẩy dung hợp quân sự – dân sự vào năm 2015, Đại học Thanh Hoa đã đi đầu trong việc khởi động nghiên cứu khả thi dưới sự hướng dẫn của Quân ủy Trung ương ĐCSTQ. Vào tháng 5/2016, một báo cáo tóm tắt về kinh nghiệm dung hợp quân sự – dân sự trong quá khứ của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga, Israel và các nước khác đã được viết và trình lên Quân ủy Trung ương ĐCSTQ.
Vào tháng 9/2017, Đại học Thanh Hoa đã tổ chức Triển lãm hội dung hợp quân sự – dân sự lần thứ ba của ĐCSTQ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương.
Vào tháng 6/2018, Đại học Thanh Hoa chính thức thành lập Viện Nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo, nguồn vốn khởi nghiệp để thành lập viện đến trực tiếp từ Quân ủy Trung ương ĐCSTQ, tổng cộng 100 triệu nhân dân tệ. Ngay khi ra mắt, viện đã ngay lập tức hợp tác với Google để phát triển trí tuệ nhân tạo. Theo báo “Giáo dục Trung Quốc” (China Education News), ông Trương Bác (Zhang Bo), giám đốc đầu tiên của Viện Trí tuệ Nhân tạo Đại học Thanh Hoa, từ lâu đã lãnh đạo nghiên cứu khoa học và công nghệ quân sự tại Đại học Thanh Hoa.
Ngay từ năm 2014, Đại học Thanh Hoa và Đại học California, đã thành lập viện nghiên cứu ở Thâm Quyến để cùng nhau trau dồi các tài năng khoa học và công nghệ cao. Trong quá trình hợp tác với Đại học Berkeley, Đại học Thanh Hoa đã đạt được nhiều thành tựu học thuật của Mỹ. Sau khi ĐCSTQ bắt đầu thúc đẩy quá trình dung hợp quân sự – dân sự, Đại học Thanh Hoa đã đặc biệt triển khai chương trình thạc sĩ quản lý kỹ thuật, để tuyển dụng và đào tạo sinh viên trong lĩnh vực dung hợp quân sự – dân sự. Thông báo tuyển sinh ngành này liệt kê cụ thể: Ưu tiên những ứng viên có lý lịch quân sự. Để duy trì vị trí dẫn đầu trong kế hoạch dung hợp quân sự – dân sự của ĐCSTQ, Đại học Thanh Hoa thậm chí đã thành lập một cơ sở sản xuất công nghệ cao dung hợp quân sự – dân sự ở Hà Nam.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã tiến hành một cuộc điều tra đặc biệt về kế hoạch dung hợp quân sự – dân sự của ĐCSTQ. Báo cáo điều tra kết luận rằng đây là một chiến lược quốc gia đầy tham vọng và mục đích của nó là giúp ĐCSTQ phát triển quân đội với công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới.
Điều đáng chú ý là Viện Virus học Vũ Hán chính là một viện nghiên cứu tích hợp quân sự – dân sự điển hình. Hơn nữa, viện còn tham gia vào nghiên cứu tích hợp quân sự – dân sự trong lĩnh vực virus sinh học.
Vào tháng 5/2021, cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói trong một cuộc phỏng vấn với chương trình trò chuyện “Fox & Friends Weekend” của Fox News: “Tôi có thể nói chắc chắn, chúng tôi biết họ đã tham gia vào công việc liên quan đến Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, tiến hành cả các hoạt động quân sự và cái mà họ gọi là nghiên cứu dân sự.”
Nhìn lại thời kỳ đầu của dịch Covid-19, ngày 25/1/2020, chưa đầy hai ngày sau khi Vũ Hán bị phong tỏa, Thiếu tướng Trần Vi (Chen Wei), chuyên gia về chiến tranh sinh học của quân đội ĐCSTQ, đã dẫn người của mình đến đóng quân và tiếp quản Viện Virus học Vũ Hán. Hành động này của quân đội ĐCSTQ chắc chắn đã xác nhận tính xác thực của những gì ông Pompeo nói.
Dịch Covid-19 khiến Mỹ cảnh giác trước mối đe dọa sinh học từ ĐCSTQ
Theo thông tin do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố, tính đến cuối tháng 8/2023, dịch bệnh virus corona mới đã khiến gần 7 triệu người tử vong và lây nhiễm hơn 700 triệu người. Trong “Báo cáo đánh giá” dài 53 trang này, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đề cập đến dịch bệnh virus corona 38 lần. Không có gì nghi ngờ, tác động của COVID-19 là một trong những lý do chính dẫn đến việc thực hiện báo cáo đánh giá này.
Sở dĩ dịch bệnh khiến Chính phủ Mỹ phải cân nhắc về an ninh là vì cho đến nay, các nước phương Tây nhìn chung vẫn đặt câu hỏi về nguyên nhân gây ra dịch bệnh. Các nước phương Tây dù tả hay hữu đều có một nguyên tắc chung cơ bản là tính nhân văn. Một trận đại dịch toàn cầu chưa từng xảy ra trong một thế kỷ đã xảy ra, nhiều người chết như vậy, việc tìm ra nguyên nhân là chuyện bình thường. Nhưng ngay từ đầu, các quan chức ĐCSTQ đã vô trách nhiệm tạo ra nhiều câu chuyện khác nhau về nguồn gốc của dịch bệnh, và những câu chuyện này không nhất quán và tự mâu thuẫn.
Ví dụ vào ngày 25/8/2021, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã đưa ra một tuyên bố có tiêu đề “Ủng hộ truy tìm nguồn gốc virus một cách khoa học, phản đối virus chính trị”, trong đó tuyên bố rằng “virus corona mới không thể do Viện Virus Vũ Hán thiết kế, sản xuất và rò rỉ. Đồng thời, phòng thí nghiệm tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn chuyên môn quốc tế và được quản lý rất tốt. Các nhân viên và nghiên cứu sinh của viện cho đến nay vẫn duy trì trạng thái ‘không lây nhiễm’ loại virus corona mới.”
Tuy nhiên, chưa đầy hai năm sau, ông Cao Phúc (Gao Fu), cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, người đã từ chức, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Đài BBC của Anh vào tháng 5/2023 rằng không thể loại trừ khả năng virus corona mới đã rò rỉ từ phòng thí nghiệm.
Một ví dụ khác, vào ngày 13/3/2020, người phát ngôn Bộ Ngoại giao ĐCSTQ Triệu Lập Kiên đã đăng trên Twitter rằng virus corona mới được đưa đến Trung Quốc bởi các quân nhân Mỹ đến Vũ Hán để tham gia Đại hội thể thao quân sự thế giới năm 2019. Tuy nhiên, Bộ Ngoại ĐCSTQ đã đăng một bài viết trên trang web của Bộ Ngoại giao hôm 2/1/2021, trích dẫn nhận xét của ông Vương Nghị (khi đó giữ chức Ngoại trưởng) trong một cuộc phỏng vấn với các phương tiện truyền thông dòng chính: “Dịch bệnh có khả năng bùng phát ở nhiều nơi và nhiều điểm trên khắp thế giới. Đối mặt với loại virus corona mới chưa được biết đến, Trung Quốc là nước đầu tiên tiến hành một cuộc điều tra dịch tễ học, xác định mầm bệnh sớm nhất, và công bố sớm nhất những thông tin quan trọng như trình tự di truyền của virus. Đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo về cuộc chiến toàn cầu chống lại dịch bệnh.”
Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ cho thấy có hai lý do khiến Chính phủ Mỹ phải cảnh giác hơn trước các mối đe dọa sinh học ngày càng gia tăng từ ĐCSTQ: Thứ nhất, trong hơn 10 năm qua, trên các kênh truyền thông dòng chính của chính quyền, quân đội, hoặc các phương tiện truyền thông có bối cảnh nhà nước tại Trung Quốc, liên tục có những cuộc thảo luận công khai và cuồng nhiệt về chiến tranh sinh học; thứ hai là tác động của dịch bệnh virus corona mới trên thế giới, và những gì ĐCSTQ đã làm kể từ khi xuất hiện đại dịch.
Từ khóa Vũ khí sinh học Dòng sự kiện Chiến tranh sinh học Viện Virus học Vũ Hán Vũ khí di truyền Vũ khí gen