Hôm thứ Ba (10/8), một tòa án Trung Quốc đã giữ nguyên án tử hình đối với một người đàn ông Canada bị tình nghi buôn lậu ma túy. Trước thực tế là vụ dẫn độ giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou) của Huawei vẫn đang được xét xử tại tòa án Canada, tờ Wall Street Journal nhận định rằng tác động địa chính trị của các vụ việc nêu trên là nổi bật hơn cả. 

Robert Lloyd Schellenber
Ngày 10/8, tòa án Trung Quốc tuyên bố giữ nguyên bản án tử hình người đàn ông Canada Robert Lloyd Schellenberg. (Nguồn: Chụp màn hình video CCTV)

Ông Schellenberg, quốc tịch Canada, bị ĐCSTQ buộc tội buôn lậu ma túy, mức án ban đầu là 15 năm tù. Nhưng vào tháng 1/2019, sau một phiên tái thẩm kéo dài 1 ngày, mức án đột ngột bị nâng lên tử hình. Trước đó 1 tháng, bà Mạnh Vãn Châu đã bị bắt giữ tại Canada theo yêu cầu của Hoa Kỳ .

Hôm thứ Ba, Tòa án nhân dân cấp cao tỉnh Liêu Ninh đã bác đơn kháng cáo của ông Schellenberg và đưa ra một tuyên bố nói rằng các sự kiện được xác định trong bản án sơ thẩm là rõ ràng và việc kết tội là chính xác.

Vụ dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu bước vào vòng điều trần cuối cùng

Cùng khoảng thời gian khi tòa án của ĐCSTQ ra phán quyết về kháng cáo của ông Schellenberg, vụ việc của Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu ở Canada cũng đang bước vào vòng điều trần cuối cùng. Vòng xét xử cuối cùng dự kiến ​​kết thúc vào ngày 20/8 và thẩm phán sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng về việc có dẫn độ sang Hoa Kỳ vào mùa thu hay không. Ba loại cáo buộc chính của Hoa Kỳ đối với bà Mạnh Vãn Châu là gian lận ngân hàng và viễn thông, cản trở công lý và trộm cắp công nghệ.

Tốc độ quá nhanh của phiên xét xử lại vụ án Schellenberg vào tháng 1/2019, đưa mức án 15 năm lên tử hình, đã gây sốc cho giới quan sát. Các nhà phân tích chỉ ra rằng đưa ra án tử vào thời điểm này đã gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ rằng vụ án của người này giờ đã trở thành một vấn đề chính trị.

Hôm thứ Ba, Đại sứ Canada tại Trung Quốc Dominic Barton nói với các phóng viên: “Chúng tôi mạnh mẽ lên án bản án này.”

Ông nhận đinh, việc tái thẩm vụ án của Schellenberg vào năm 2019 là tùy tiện và bản án tử hình cho người này là một “hình phạt tàn nhẫn và vô nhân đạo”.

Ông Barton nói: “Rõ ràng là vẫn còn một chặng đường dài phía trước, điều này không có nghĩa là kết thúc.” Ông cho biết, sau phán quyết của tòa án, ông đã nói chuyện với ông Schellenberg, và Schellenberg cũng tỏ ra “rất bình tĩnh”.

Bộ trưởng Ngoại giao Canada lên án sự tùy tiện trong việc trừng phạt Schellenberg của ĐCSTQ

Theo Weibo chính thức của Đại sứ quán Canada tại Trung Quốc, hôm thứ Ba, Bộ trưởng Ngoại giao Canada Marc Garneau đã ra tuyên bố lên án mạnh mẽ quyết định của ĐCSTQ trong việc duy trì án tử hình đối với Schellenberg.

Tuyên bố nêu rõ, Canada đã nhiều lần bày tỏ với Trung Quốc sự phản đối kiên quyết đối với hình phạt dã man và vô nhân đạo này, đồng thời sẽ tiếp tục đàm phán với chính quyền Trung Quốc. “Trong mọi trường hợp, chúng tôi phản đối án tử hình. Chúng tôi lên án hình phạt tùy tiện đối với ông Schellenberg.”

Lãnh đạo Đảng đối lập Canada Erin O’Toole kêu gọi Chính phủ Tự do cứng rắn hơn với ĐCSTQ. Ông nói với các phóng viên hôm thứ Ba rằng Bắc Kinh “lên kế hoạch giết một người Canada vì lý do chính trị”. Ông cũng đề nghị các vận động viên tẩy chay Thế vận hội mùa đông sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh vào năm sau.

Ngoài vụ án Schellenberg, ĐCSTQ cũng bắt giữ cựu nhà ngoại giao Canada Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor sau khi bà Mạnh Vãn Châu bị chính quyền Canada bắt giữ. Trước khi bắt giữ hai người này, Bộ Ngoại giao ĐCSTQ đã triệu tập khẩn cấp Đại sứ Canada và Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, yêu cầu Canada trả tự do ngay lập tức cho bà Mạnh Vãn Châu, đồng thời đe dọa rằng “nếu không sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng”. ĐCSTQ cũng yêu cầu Hoa Kỳ thu hồi ngay lệnh bắt giữ.

Ông Michael Kovrig và ông Michael Spavor đã bị giam giữ ở Trung Quốc với tội danh gián điệp, đã được xét xử vào tháng Ba và hiện vẫn đang chờ phán quyết.

Đại sứ Canada: Diễn tiến của vụ 3 người Canada và việc xét xử vụ án của Mạnh Vãn Châu không phải ngẫu nhiên

Đại sứ Canada Dominic Barton cho biết hôm thứ Ba rằng ông mong đợi phán quyết về vụ án của ông Spavor sẽ được đưa ra sớm nhất vào thứ Tư tuần này. Ông cho biết thêm, hiện chưa nhận được bất kỳ tin tức nào về thời điểm đưa ra phán quyết đối với ông Kovrig.

Ông Barton nhận định, diễn tiến xét xử liên quan đến 3 người Canada là một phần của tiến trình địa chính trị và là mô hình thu nhỏ của tình trạng tổng thể quan hệ Canada – Trung Quốc.

Đề cập đến cách làm hiện tại của ĐCSTQ trong việc duy trì bản án tử hình đối với ông Schellenberg và phiên tòa sắp tới đối với ông Kovrig và ông Spavor, ông Barton khẳng định: “Trong khi phiên điều trần ở Vancouver (vụ Mạnh Vãn Châu) đang diễn ra, thì những điều này hiện cũng đang diễn ra ở Trung Quốc. Đó không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.”

Theo Trương Đình, Epoch Times

Xem thêm: