Đẻ thuê ở Ukraine
- Nhật Tân
- •
Ngành mang thai hộ ở Ukraine đang bùng nổ. Kể từ chiến tranh tháng 2 năm ngoái đã hơn 1.000 ca đẻ thuê ở Ukraine, trong đó BioTexCom cung cấp 600 ca, theo The Guardian. Chính chiến tranh là một nguyên nhân khiến ngành này phát triển, theo hãng đẻ thuê hàng đầu quốc tế BioTexCom trụ sở ở Kyiv, bởi vì chiến tranh khiến người dân ở đây nghèo đi. Khách hàng ngoại quốc trả phí cao, trong khi tiền thuê đẻ trong nước rẻ, đã khiến đẻ thuê trở thành ngành kiếm lời lớn ở Ukraine. Một nguyên nhân nữa là đích thân tổng thống Ukraine cùng đội ngũ của ông đang tích cực khuyến khích dân Ukraine đẻ thuê cho quốc tế với các chính sách dễ dãi cho ngành. Còn một nguyên nhân nữa là do một số quốc gia khác đang siết chặt quản lý ngành này, thậm chí một số nước, trong đó có Nga và Ấn Độ, đã cấm hẳn người người ngoài dùng dịch vụ đẻ thuê, trước những quan ngại ngày càng gia tăng về nạn buôn người và một số vấn đề tiêu cực. Trong khi đó, các nước phương Tây, nơi dân chúng giàu hơn và cũng là khách hàng sử dụng dịch vụ này, đang làm ngơ và không báo cáo đầy đủ về tệ nạn trong ngành này.
Tanya, một phụ nữ 45 tuổi sống ở Los Angeles, đã không lường trước những vấn đề đau lòng mà cô sẽ gặp, khi cô chi trả 10.000 đô la và gửi hai phôi đến một công ty đẻ thuê ở Ukraine với kỳ vọng một gia đình hạnh phúc vào 6 năm trước, theo phóng sự và điều tra của Politico đăng 23/7.
Ngành mang thai hộ toàn cầu đạt 14 tỷ USD năm 2022, và dự kiến tăng trưởng 25% hàng năm trong năm nay và những năm tới, theo phân tích của Global Market Insights, và có thể đạt 129 tỷ USD vào năm 2032. Theo nghiên cứu của tổ chức giáo dục JPIA 2020 thị trường đẻ thuê Ukraine chiếm 1/4 thế giới, nhờ giá rẻ và luật pháp lỏng lẻo.
Tanya rất muốn có con nhưng không thể tự mình mang thai. Trước chi phí đắt đỏ của dịch vụ mang thai hộ ở Mỹ, vợ chồng cô, qua quá trình tìm hiểu, đã liên lạc với công ty đẻ thuê BioTexCom có trụ sở tại Kyiv, mà theo cách miêu tả của Politico là “nhà máy đẻ” (baby factory) lớn nhất nơi này.
Cha mẹ của Tanya là người gốc Odessa, cho nên cô cảm thấy đứa con tương lai của mình sinh ra ở Ukraine cũng tốt. Tuy nhiên, sau khi bắt đầu làm việc với BioTexCom vào mùa thu năm 2017, Tanya có một cảm giác khó chịu.
BioTexCom chào giá đẻ thuê 40.000–50.000 USD, và gói VIP 71.000 USD. Thấp hơn đáng kể so với giá 100.000 USD chi phí đẻ thuê ở Mỹ. Hiện nay công ty chiếm trên một nửa thị trường đẻ thuê ở Ukraine theo nguồn thạo tin mà Politico có được.
- Video giới thiệu của BioTexCom, trong đó miêu tả rằng hoạt động của họ ở Ukraine phát triển rất mạnh mẽ, và họ cung ứng cơ sở thuận tiện cho các phụ nữ Ukraine thực hiện mang thai hộ trong điều kiện chiến tranh.
Swiss-based surrogacy company BioTexCom is cashing in on the financial desperation of Ukrainian women while receiving protection from Kiev and the West
Baby farming is so lucrative, the company has built bomb shelters for local women leasing their wombs to affluent foreigners pic.twitter.com/RdtlOPQLRR
— Max Blumenthal (@MaxBlumenthal) August 1, 2023
Tanya nói sau khi gửi phôi của mình, cô ấy được thông báo rằng chúng sẽ được cấy vào một người mang thai hộ gần như ngay lập tức, một mốc thời gian không phù hợp với tất cả các nghiên cứu mà Tanya tìm hiểu về quy trình mang thai hộ. Vài ngày sau, khi công ty nói với cô rằng việc chuyển phôi không thành công và cung cấp thông tin tối thiểu về lý do tại sao, cô nói, cô nghi ngờ có điều gì đó không ổn.
Vài tuần sau, chồng cô đến Kyiv trong một chuyến công tác, và quyết định ghé qua công ty BioTexCom để xem liệu anh có thể nhận được câu trả lời nào không. Anh giới thiệu mình với một nhân viên phòng khám, người này ngay lập tức cảm ơn anh vì đã hiến phôi của họ cho một cặp vợ chồng khác. Điều đó khiến anh giật mình và bối rối: Đây có phải là điều đã xảy ra khi công ty nói với họ rằng thủ thuật đã không thành công?
“Đó là lúc, bạn biết đấy, rõ ràng điều khó chịu đã xảy ra,” cô Tanya nói, kể rằng tại thời điểm đó, BioTexCom đã ngừng trả lời tin nhắn của cô, và vợ chồng cô không bao giờ nhận lại được phôi của mình.
Lời kể của vợ chồng Tanya là một trong nhiều lời phàn nàn mà các phóng viên của Politico và hãng tin Welt của Đức đã phát hiện ra trong một cuộc điều tra về BioTexCom, công ty đẻ thuê được coi là số 1 thế giới.
Người khiếu nại đã được phép ẩn danh để thảo luận về một chủ đề nhạy cảm. Một cặp vợ chồng người Đức cho hay BioTexCom đã nhầm lẫn cặp song sinh mang thai hộ của họ với cặp của một đôi vợ chồng khác, buộc họ phải trao đổi các em bé tại một điểm hẹn bí mật ở Đức.
“Một cách lô-gíc, các [phụ nữ đẻ thuê] phải là ở nơi nghèo hơn so với các khách hàng của chúng tôi,” BioTexCom trả lời La Marea hồi tháng 3, lý giải cho sự phát triển mạnh của mình ở Ukraine, hướng tới những phụ nữ nghèo ở nơi chiến tranh đang diễn ra.
Politico đã liên lạc với BioTexCom và nhận được trả lời từ người sáng lập công ty Albert Tochilovsky. Ông Tochilovsky đã bác bỏ cáo buộc của Tanya, gọi đó là “hoàn toàn sai sự thật.” Ông thừa nhận vụ cặp song sinh, nhưng miêu tả đó là trường hợp nhầm lẫn duy nhất ở bệnh viện.
Ngành dịch vụ bùng nổ và góc tối ở Ukraine
Trong thập kỷ qua, mang thai hộ hay “mướn tử cung” hoặc “đẻ thuê”, đã trở thành một ngành toàn cầu đang bùng nổ. Năm 2016, Tổ chức xã hội quốc tế phi chính phủ Thụy Sĩ ước tính có 20.000 trẻ sơ sinh được sinh ra hàng năm nhờ mang thai hộ. Được thúc đẩy bởi những người nổi tiếng như Kim Kardashian, Elton John, và Paris Hilton, hoạt động đẻ thuê này trị giá ước tính 14 tỷ đô la vào năm 2022 và có thể đạt 129 tỷ đô la vào năm 2032, theo công ty nghiên cứu và tư vấn Global Market Insights. (Lưu ý: Các con số lấy từ các nguồn khác nhau với các cách tính đếm khác nhau vào các thời điểm khác nhau có thể không khớp với nhau).
Đẻ thuê là bị cấm ở các mức độ khác nhau ở hầu hết các nước trên thế giới, gồm cả Châu Âu, nhưng nó là hợp pháp ở hầu hết các tiểu bang của Hoa Kỳ. Ngay cả là hợp pháp, nhưng chi phí y tế ở Hoa Kỳ khá đắt đỏ nếu so với các nước khác. Đó là lý do mà những người như Tanya thử tìm đến nước ngoài để có được dịch vụ này.
BioTexCom hoạt động ở Ukraine là nhắm vào nhu cầu đặc thù như vậy. Công ty quảng cáo rất mạnh ở thị trường quốc tế với những câu chuyện gia đình hạnh phúc được trình chiếu. Nhưng có thể tìm thấy một số nhỏ các thông tin chi tiết trên các phương tiện truyền thông về các khiếu nại trước đây nhắm vào BioTexCom và sự cọ xát với cơ quan thực thi pháp luật Ukraine.
Ví dụ: Vào năm 2018 và 2019, các công tố viên Ukraine đã nhận được lệnh của tòa án quản thúc Tochilovsky tại gia vì điều mà một cựu công tố viên, Yuriy Kovalchuk, cho là có thể xảy ra trong các vụ buôn bán trẻ em, vì một số trẻ em có thể không có liên kết DNA với cha mẹ, cùng với các cáo buộc trốn thuế và rửa tiền.
Nhưng các vụ việc đã được chuyển hướng đến các cơ quan thực thi pháp luật khác và các tòa án cấp thấp hơn để rồi cuối cùng bị hủy bỏ. Cựu công tố viên Kovalchuk tuyên bố rằng ông đã bị các quan chức cấp cao gạt sang một bên dưới chiêu bài cải cách thể chế để giải quyết tình trạng tham nhũng tràn lan trong hàng ngũ thực thi pháp luật của Ukraine.
Thị trường đẻ thuê ở Ukraine, trị giá hàng chục triệu đô la, đang phát triển mạnh mẽ, cả trong thời chiến. Theo các bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội của công ty BioTexCom, trẻ sơ sinh đã được bảo vệ trong boongke. Có các cảnh binh lính có vũ trang hộ tống trẻ sơ sinh đến và rời bệnh viện, trong khi người nước ngoài thực hiện những chuyến đi điên cuồng đến Kyiv để nhận trẻ sơ sinh của họ.
Chiến tranh đang tạo điều kiện thuận lợi cho BioTexCom không chỉ ở phương diện tiếp cận được nhiều hơn với các phụ nữ sẵn sàng đẻ thuê, mà còn ở phương diện quảng cáo.
Ví như chiến dịch quảng cáo “Make babies, not war” (hãy sinh đẻ đẻ chứ không phải chiến tranh) trong đó trình bày những nỗ lực rằng họ “sẽ cố gắng hết sức phục vụ ước mơ trở thành cha mẹ của các bạn. Không gì có thể ngăn cản chúng tôi,” như được đăng thường xuyên trên tài khoản Facebook, Telegram, Tik Tok, và Instagram của công ty.
Ông chủ công ty Tochilovsky nói: “Chúng tôi đang thiếu rất nhiều những bà mẹ đẻ thuê, số lượng khách hàng tiềm năng nhiều gấp 3 lần số lượng những bà mẹ đẻ thuê.”
Lợi nhuận, bóc lột, và rủi ro sức khỏe
Mang thai hộ là một vấn đề gây tranh cãi mạnh mẽ trên toàn thế giới. Mang thai hộ vì mục đích thương mại đã bị cấm ở Thái Lan và Nepal vào năm 2015, sau đó là ở Ấn Độ vào năm 2019 sau một loạt vụ bê bối đầy tai tiếng về bóc lột và các cáo buộc về đạo đức đáng ngờ trong ngành.
Nhưng nhu cầu mang thai hộ không biến mất, trái lại đang tăng nhanh, đặc biệt là ở các quốc gia phát triển. Cho nên thị trường này không biến mất được. Nó chỉ đơn giản là chuyển sang các quốc gia như Ukraine, nơi chi phí rẻ hơn, và luật pháp lỏng lẻo hơn, đồng thời được sự khích lệ kiếm tiền của chính quyền đối với ngành.
Các yêu cầu để thuê đẻ ở Ukraine rất đơn giản: Một cặp vợ chồng kết hôn, nhưng vì lý do nào đó không muốn tự sinh con. Họ chỉ cần cung cấp tinh trùng hoặc trứng, hoặc cả 2. Thế là đủ.
BioTexCom quảng cáo trên các gói dịch vụ trên website của mình chỉ từ 40.000 USD. Trung bình, việc mang thai hộ với BioTexCom có sẽ có chi phí thực tế từ 40.000 đến 50.000 USD. Còn với gói “VIP trọn gói” có giá 71.000 USD.
Những mức giá này thấp hơn so với chi phí đẻ thuê ở Mỹ, nơi các chuyên gia và công ty đẻ thuê ước tính rằng mức giá trung bình là 100.000 đô la.
Những người thạo tin về ngành mang thai hộ cho hay trước chiến tranh ở Ukraine thì gần một nửa trong số khoảng 2.000 đến 2.500 ca mang thai hộ của đất nước mỗi năm được thực hiện thông qua BioTexCom.
Theo báo cáo của công ty vào tháng 2/2023, 600 gia đình đã sử dụng dịch vụ của họ trong 11 tháng đầu tiên kể từ khi chiến tranh nổ ra vào 2/2022. Nếu mỗi gia đình trả trung bình 50.000 đô la, thì BioTexCom đã thu về 30 triệu đô la.
Trong khi đó, hàng ngàn phụ nữ trẻ Ukraine đã dựa vào ngành để mưu sinh. BioTexCom quảng cáo trên xe buýt, qua phương tiện truyền thông xã hội và sử dụng các đại lý để tuyển dụng phụ nữ trẻ trên khắp Ukraine, theo những phụ nữ làm công việc đẻ thuê.
Welt đã phỏng vấn 7 người Ukraine của BioTexCom, với điều kiện giấu tên để thảo luận về một vấn đề nhạy cảm. Phần lớn chia sẻ rằng họ hối hận về quyết định của mình.
Victoria kể rằng cô đã rời bỏ người bạn đời bạo hành của mình, và sau đó cô cần tiền để trả tiền mua nhà. Cô ấy nói với Welt rằng BioTexCom đã trả cho cô ấy tổng cộng 12.000 euro —tương đương 15.000 đô la— vào năm 2018 cho 3 lần mang thai, trong đó lần cuối cùng đã thành công.
Sau khi đứa trẻ chào đời, Victoria bị cách ly hoàn toàn khỏi đứa bé. Cô ấy nói rằng cô ấy không được phép cho cháu ăn hoặc thăm cháu, điều này khiến cô ấy buồn và đau khổ.
“Đứa trẻ không được đặt trên ngực tôi, tôi không có quyền cho nó ăn, tôi không có quyền đến thăm nó,” cô nói. “Tôi chỉ là đẻ, đưa đi, và tất cả chỉ thế thôi. Tôi đã khóc, tôi đã hét lên ở sân. Tôi không thể chịu đựng được, tôi cảm thấy tồi tệ, tôi đã mơ về con của mình.”
Tuy nhiên cô nói thêm, khi nhìn thấy cha của đứa bé, cô đã bình tĩnh lại và tự an ủi rằng “Tôi hiểu ra mình đã không làm điều đó một cách vô ích. Tôi đã đem lại hạnh phúc cho 2 người khác, những người đã mơ ước có một đứa con cả đời.”
Tatiana, một phụ nữ 41 tuổi đến từ thành phố Chernihiv phía bắc Ukraine, cho biết cô gặp nhiều vấn đề về sức khỏe sau khi mang thai hộ vào năm 2014–2015. “Tôi thấy những người muốn thoát nghèo và tìm đến chương trình [đẻ thuê] để kiếm tiền, mua nhà,” cô nói, “và để rồi giống như tôi, sự việc không diễn ra như suy nghĩ ban đầu. Tôi muốn cảnh báo họ.”
Cô kể rằng các quan chức của BioTexCom đã phá ra cười khi có người yêu cầu họ giúp đỡ chi phí thuốc men. Vào năm 2018, cô ấy đã cùng với những người từng mang thai hộ khác chia sẻ những khiếu nại của họ với văn phòng công tố, trong một vụ án chưa bao giờ được đưa ra tòa. Tatiana cho hay các bác sĩ đã cắt bỏ cổ tử cung, tử cung và buồng trứng của cô. Kể từ đó, cô đã trải qua 20 lần xạ trị và bắt đầu hóa trị ung thư. Cô nói: “Tôi mắc các bệnh về dạ dày, bàng quang, thận, lá lách.”
Olga, đến từ vùng Zhytomyr cách Kyiv khoảng 140 km về phía tây, kể rằng sau khi đứa con mà cô đang mang thai chết trong khi mang thai vào năm 2014, các bác sĩ đã cắt bỏ hoàn toàn tử cung của cô. Khiếu nại của cô với các công tố viên là một phần của cuộc điều tra, nhưng sau đó đã bị hủy bỏ. Một người từng mang thai hộ khác, Nadia, đã đệ đơn kiện phòng khám vì những thiệt hại về sức khỏe. Nó đã được đăng ký chính thức và vẫn còn trong đơn ở tòa án ở Kyiv, cô nói.
Anna, cựu y tá BioTexCom sống gần thành phố Rivne, cách Kyiv 330 km về phía tây, nói với Welt rằng cô đã nhận nuôi một đứa trẻ bị bệnh sau khi cha mẹ ruột người Trung Quốc từ chối đưa nó về nhà. Cô ấy nói rằng đây là hiện tượng phổ biến vì có nhiều đứa trẻ được sinh ra với tình trạng sức khỏe hoặc y tế không thỏa mãn kỳ vọng của khách hàng.
Welt đã thu được một loạt tài liệu của BioTexCom từ năm 2014 đến năm 2017 cho thấy những người đẻ thuê được trả thù lao rẻ mạt như thế nào.
Phụ nữ nhận được 100–200 euro (khoảng 120–240 USD) cho mỗi lần nhận phôi; đó là để mang thai và khám thành công. Việc hiến trứng có giá 500 euro (hoặc khoảng 600 USD) mỗi quả trứng, so với tối đa 10.000 đô la cho mỗi quả trứng ở Hoa Kỳ.
Mỗi hợp đồng là có khác nhau nhưng trung bình, những người mang thai hộ được trả 8.000—12.000 euro (khoảng 9.600–14.400 USD) để mang thai hộ.
BioTexCom thường tính phí cho khách hàng gấp 5 lần số tiền đó.
Một bộ tài liệu khác, được gọi là “giao thức”, cho thấy 5 phụ nữ trong độ tuổi 27–35 đã đồng ý thực hiện một số lần chuyển phôi theo một quy trình được biết là có nguy cơ biến chứng cao hơn. Mẫu chấp thuận dài một trang bao gồm các cụm từ như: “trong trường hợp xảy ra các tình huống hoặc biến chứng không lường trước được, trước tiên tôi đồng ý sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết để loại bỏ các biến chứng.” Biểu mẫu này cũng nêu rõ: “các biến chứng, rủi ro và hậu quả khác” là “có thể xảy ra” nhưng nó không nêu rõ những rủi ro sức khỏe là gì cũng như không giải thích các tác động lâu dài tiềm ẩn của chúng.
Tuy trong tài liệu có nói về chăm sóc y tế, nhưng một số người từng mang thai hộ đã tuyên bố trong cuộc điều tra của cựu công tố viên rằng BioTexCom chưa bao giờ trả tiền cho họ và không chịu trách nhiệm về các vấn đề sức khỏe của họ, không cảnh báo đầy đủ cho họ về những rủi ro mà họ phải đối mặt khi trở thành người mang thai hộ.
Ông Tochilovsky, trong tuyên bố bằng văn bản của mình, không trả lời về các trường hợp cụ thể nhưng thừa nhận rằng một số phụ nữ đã phàn nàn về công ty. Ông đổ lỗi cho các công tố viên vì những điều mà ông cho là cáo buộc không đúng sự thật.
Ông nói: “Chúng tôi nhận được một số khiếu nại của các bà mẹ mang thai hộ cho rằng họ bị các công tố viên buộc phải nói những gì mà các công tố viên muốn nghe, chứ không phải thông tin mà những người mang thai hộ thực sự muốn bày tỏ.”
Theo ông, trên thực tế công ty có quan tâm đến sức khỏe của những người đẻ thuê, chăm sóc y tế cho họ một cách nghiêm túc và gần đây đã tăng mức bồi thường cho họ lên gần 20.000 đô la.
Ông Tochilovsky nói: “Tất cả những bà mẹ mang thai hộ đều trải qua cuộc kiểm tra toàn diện và phỏng vấn với đội ngũ y tế, đồng thời họ nhận được tất cả thông tin cần thiết.”
Tuy nhiên, các chuyên gia bên ngoài nói rằng quá trình mang thai và sau đó phá thai hoặc không thành vì lý do nào đó là có nguy cơ biến chứng cả về thể chất và tâm lý, và một số bày tỏ lo lắng về việc thiếu giám sát ở Ukraine.
Bà Katie Hasson, phó giám đốc của Trung tâm Di truyền học và Xã hội ở Oakland, California, đã dành nhiều năm tập trung vào các khía cạnh đạo đức của công nghệ di truyền và sinh sản của con người. Bà cho biết mang thai hộ đã trở thành một chủ đề nóng khi nó trở thành một phần của thông lệ sinh sản chính thống.
Bà nói: “Những người ủng hộ sức khỏe phụ nữ và quyền của phụ nữ đều cho rằng việc thiếu quy định của Ukraine về bảo vệ những người mang thai hộ và những người cung cấp trứng là một mối lo ngại nghiêm trọng. Đó là một lo lắng thực sự.”
Theo bà, một số thủ tục y tế do BioTexCom và các công ty đẻ thuê toàn cầu khác cung cấp gây ra những rủi ro sức khỏe đáng kể cho phụ nữ. Việc cấy nhiều phôi vào người đẻ hộ để tăng cơ hội mang thai thành công hoặc vì cha mẹ tương lai muốn có hai con, làm tăng đáng kể nguy cơ biến chứng cho cả em bé và người phụ nữ mang chúng.
Và khi khoa học sinh sản xuất hiện những phương pháp mới, nhu cầu bảo vệ trở nên lớn hơn.
“Ví dụ, kỹ thuật được gọi là ‘chuyển ty thể’ nhưng chưa được kiểm chứng và còn có rủi ro, liên quan đến việc kết hợp các vật liệu từ trứng của hai phụ nữ khác nhau,” bà dẫn chứng. “Nó bị cấm ở Mỹ. Nhưng ở Ukraine, một số phòng khám đã quảng cáo nó như một cách để giải quyết tình trạng vô sinh nói chung, mặc dù không có bằng chứng [khoa học] nào cho tuyên bố [khả năng] này.”
Vào ngày 9/5 năm nay, tờ The Guardian đưa tin em bé đầu tiên của Vương quốc Anh được sinh ra với DNA của 3 người thông qua chuyển giao ty thể.
Tuy nhiên, cũng có những lo ngại rằng việc cho phép thủ thuật loại này có thể gây ra biến đổi gen di truyền, theo bà Hasson.
“Không có nơi an toàn”
Maryna Legenka, phó chủ tịch tổ chức phi chính phủ nhân quyền La Strada-Ukraine, đã đặt câu hỏi về sự an toàn của việc mang thai hộ trong chiến tranh bất chấp niềm hạnh phúc tiềm tàng mà nó có thể mang lại cho những người sắp làm cha mẹ. “Không có nơi nào an toàn ở Ukraine ngày nay,” bà nói. “Và tất cả các phòng khám đều phải đối mặt với những vấn đề rất nghiêm trọng.”
Tổ chức đã hỗ trợ hàng trăm người mang thai hộ, và bà Legenka cho biết hầu hết người Ukraine không đồng ý với hoạt động kinh doanh đẻ thuê và rằng có một sự kỳ thị gắn liền với những phụ nữ chọn làm việc đó. “Đại đa số những phụ nữ mang thai hộ đều che giấu xã hội rằng họ đang tham gia chương trình mang thai hộ. Hơn nữa, họ thường che giấu những sự thật như vậy ngay cả với gia đình của họ,” bà nói.
Nhà hoạt động vì quyền phụ nữ Ukraine Maria Dmytrieva, giám đốc các chương trình tại Trung tâm Phát triển Dân chủ có trụ sở tại Kyiv, là một người kiên quyết phản đối việc mang thai hộ. “Việc bảo vệ phụ nữ ở Ukraine thật là khủng khiếp,” bà nói, đồng thời miêu tả việc mang thai hộ là “tương đương với nô lệ”.
“Từ pháp luật đến thực tế, những vấn đề này ít được quan tâm. Người mẹ ruột mang đứa bé không có quyền gì. Cô ấy không phải là một người mẹ hợp pháp, [không có] quyền đối với đứa bé, cũng như không có quyền đối với thủ tục y tế nếu các biến chứng xảy ra,” bà phân tích. “Đây là những điều cuối cùng được quyết định bởi phụ huynh ủy quyền và trung tâm đẻ thay.”
Legenka, từ La Strada, đưa ra những lo ngại tương tự. Bà chỉ ra rằng trong nhiều hợp đồng mang thai hộ có bao gồm các hạn chế đối với phụ nữ mang thai thuê. Ví dụ như không cho họ nâng vật nặng hơn 3 kg, cùng với các hướng dẫn khác, chẳng hạn như ăn gì và không được ăn gì, ảnh hưởng đến việc họ chăm sóc cho con riêng của mình.
Bà nói: “Bản chất hạn chế của các hợp đồng dành cho các bà mẹ mang thai hộ, được thiết kế để giảm nguy cơ chấm dứt thai kỳ, thường cấm họ đón con của mình hoặc mang theo đồ tạp hóa để cho chúng ăn.”
Một y tá đang cho trẻ sơ sinh bú sữa tại khách sạn Venice của Kyiv ngày 15/5/2020. (Nguồn ảnh: SERGEI SUPINSKY/AFP qua Getty Images)
Luật pháp lỏng lẻo
Đẻ thuê vì mục đích thương mại là bất hợp pháp ở hầu hết các nước châu Âu, Vương quốc Anh, Canada, và Australia. Như đã phân tích bên trên, các quốc gia khác cung cấp dịch vụ này để đáp ứng nhu cầu.
Nhưng nhiều nơi có quy định không phù hợp và thực thi lỏng lẻo.
Sam Everingham có trụ sở tại Sydney, người đã thành lập Tổ chức Gia đình đang phát triển, một cơ quan tư vấn mang thai hộ có trụ sở tại Sydney, sau khi trở thành cha mẹ thông qua việc mang thai hộ ở Ấn Độ, trong thập kỷ qua đã tư vấn cho các gia đình đang tìm kiếm một đứa trẻ thông qua việc mang thai hộ. Ông cho biết BioTexCom “hoạt động trong vùng xám” làm tăng thêm rủi ro cho một thị trường đang có nhu cầu tăng cao.
“Chúng tôi coi BioTexCom giống như một nhà máy. Họ không đặt dịch vụ chăm sóc thay thế lên hàng đầu và trung tâm,” ông nói. “Chúng tôi không khích lệ khách hàng dùng dịch vụ của họ. Nhưng họ có một cỗ máy tiếp thị khổng lồ, chủ yếu là qua mạng Internet và giá rất rẻ, cho nên họ vẫn nổi tiếng.”
Sylvie Mennesson, chủ tịch của CLARA, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Paris chuyên hỗ trợ các cặp vợ chồng hiếm muộn bằng lời khuyên về việc mang thai hộ mặc dù quá trình này là bất hợp pháp ở Pháp, cho biết các bậc cha mẹ hy vọng nên tránh xa Ukraine.
“Nếu có bất kỳ vấn đề gì, họ sẽ không quan tâm đến nó. Đặc biệt nếu em bé sinh non. Đó không phải chỉ là vấn đề đạo đức, mà còn là một vấn đề y tế,” bà nói. “Ngoài ra, về tổng thể, vì lợi ích của trẻ. Bạn sẽ kể cho họ nghe câu chuyện gì? Ai muốn sinh ra dưới bom đạn, chúng tôi không biết tác động đến đứa trẻ sẽ thế nào.”
Nhà hoạt động nữ quyền Marie-Josèphe Devillers, tác giả cuốn Hướng tới bãi bỏ việc làm mẹ thay thế, cho rằng việc người châu Âu trả tiền cho việc tiếp cận thân thể phụ nữ Ukraine đã khiến tình hình tuyệt vọng trở nên tồi tệ hơn nhiều. “Đây là sự bóc lột kiểu ‘tân tự do’,” Bà nói: “Một động cơ lợi nhuận do thị trường định hướng đã đặt những cá nhân, những người muốn có con bằng mọi giá, lên trên lợi ích tập thể để bảo vệ phụ nữ.”
Tất nhiên, từ BioTexCom là những câu chuyện vui vẻ: Hàng trăm gia đình mới đã đăng video trực tuyến để cảm ơn BioTexCom. Đến từ các quốc gia rộng khắp như Úc, Brazil và Trung Quốc, niềm vui và thoải mái, của họ khi mới được làm cha mẹ là không có giới hạn, v.v.
Nhưng, như trường hợp Tanya, không phải tất cả các gia đình từ nước ngoài sử dụng dịch vụ đẻ thuê của công ty đều có kết thúc có hậu.
Vào năm 2011, BioTexCom đã cung cấp một đứa trẻ không có kết nối DNA được xác nhận cho một cặp vợ chồng người Ý ở Brescia. Theo báo cáo trên phương tiện truyền thông vào thời điểm đó, cặp vợ chồng đã trải qua nhiều năm trong hệ thống tòa án của Ý trước khi đứa trẻ được đưa đi làm con nuôi.
Những câu chuyện khác đã xuất hiện trong những năm qua. Vào tháng 3/2011, một cặp cha con người Pháp đã bị bắt quả tang buôn lậu hai đứa trẻ sơ sinh trong một chiếc xe tải qua biên giới từ Ukraine đến Hungary sau khi đại sứ quán của họ từ chối cấp hộ chiếu cho con của họ, vì việc mang thai hộ là bất hợp pháp ở Pháp.
Các khách hàng cũ đã nói với Welt về chấn thương hoặc bi kịch cá nhân của họ liên quan đến công ty. Ngay sau khi trở về nhà vào năm 2020, cặp vợ chồng người Đức Anke và Ingo, những người được phép giấu tên để thảo luận về một vấn đề cá nhân, cho biết họ nhận được một email bí ẩn từ một nhân viên BioTexCom nói rằng đã có sự nhầm lẫn với một cặp vợ chồng người Đức khác liên quan đến cặp song sinh của họ. Cặp vợ chồng sợ rằng mình đã vi phạm pháp luật nên đã liên lạc với các bậc cha mẹ khác, và sau đó họ bí mật hoán đổi những đứa trẻ để con trai của họ, Anton, được gặp đúng nghĩa với anh trai của mình. “Khi chúng tôi cho họ xem cuốn album những ngày đầu đời của trẻ sơ sinh, chúng tôi sẽ phải thốt lên rằng: Anton, đây không phải là con,” Anke nói.
Một phụ nữ Đức khác, Inge, đã quyết định không tiếp tục mang thai hộ vào năm 2016 mặc dù đã chi hơn 11.000 USD khi cung cấp trứng. Cô ấy nói, sau nhiều lần yêu cầu, BioTexCom không bao giờ trả lại một trong những quả trứng của họ. “Chúng tôi không bao giờ lấy lại được phôi của mình. Có thể họ đã sử dụng nó trong một lần mang thai khác. Nhưng chúng tôi không thể chứng minh điều đó,” cô nói. Ông Tochilovsky bác bỏ cáo buộc này, tuyên bố rằng “chúng tôi luôn phát hành tài liệu của bệnh nhân theo yêu cầu của họ.”
Luật pháp và chính trị
Trước chiến tranh, chính quyền Zelensky đã cam kết cải cách nền kinh tế Ukraine và tinh chỉnh một hệ thống chính trị vốn đã nhiều lần bị chỉ trích bởi vì nó cho phép giới thượng lưu giàu có và quyền lực đạt được những lợi thế không công bằng thông qua mạng lưới thực thi pháp luật, kinh doanh và lợi ích chính trị.
Kovalchuk, cựu công tố viên, nói với Welt về những khó khăn mà ông và những người khác gặp phải khi cố gắng buộc tội Tochilovsky. Các công tố viên đã chính thức buộc tội ông ta vào năm 2018 sau một cuộc điều tra bao gồm một loạt cuộc khám xét văn phòng, nhưng đến năm 2019, vụ án trở nên khó khăn và Tochilovsky vẫn là một người tự do. Anh ấy nói rằng “Albert [Tochilovsky] và luật sư của ông đã công khai nói với tôi rằng nếu anh tiếp tục đưa vụ việc ra tòa, thì anh sẽ không còn làm việc tại văn phòng công tố nữa.”
Ông chủ BioTexCom – Albert Tochilovsky. (Nguồn ảnh: Anastasia Vlasova/Getty Images)
Sau đó, Kovalchuk nói, anh ta đã bị loại khỏi cuộc điều tra của BioTexCom sau 14 năm ở văn phòng công tố.
Tochilovsky nói rằng ông không chịu trách nhiệm về việc các công tố viên bị sa thải: “Tôi thực sự có quan hệ với các chính trị gia Ukraine, nhưng tôi không tham gia vào bất kỳ hoạt động vận động hành lang nào cho công việc kinh doanh chính của mình hoặc để bảo vệ bản thân khỏi các vụ án hình sự. Tôi cố gắng phát triển những ngành công nghiệp mới đầy hứa hẹn.”
Rõ ràng là BioTexCom và Tochilovsky có những người ủng hộ nổi bật. Một người đặc biệt là cựu nhà lập pháp và là ứng cử viên tổng thống năm 2019 Vitaliy Kupriy, người vào tháng 8/2018 đã dành một tập trong chương trình truyền hình của mình để bảo vệ BioTexCom.
Kupriy, cựu Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Pháp lý của Quốc hội Ukraine, vào năm 2018, nói với Welt rằng ông đã nhận được khiếu nại từ các luật sư của Tochilovsky liên quan đến cuộc điều tra buôn bán trẻ em của cơ quan công tố.
“Tôi đã xem xét kỹ hơn vụ việc,” anh ấy nói trong một tin nhắn WhatsApp. “Theo như tôi hiểu thì BioTexCom quyết định không đưa hối lộ mà sử dụng các biện pháp hợp pháp để bảo vệ quyền và lợi ích của họ.”
Điều gây sốc nhất trong các cáo buộc của bên công tố là BioTexCom đã giả mạo tài liệu và làm giả các xét nghiệm DNA để cho phép những đứa trẻ sinh ra ở Ukraine được bán cho những bậc cha mẹ hoàn toàn không có quan hệ huyết thống với chúng. “Dù rằng cứ 1.000 trẻ mới có 1 trẻ bị bán [bất hợp pháp] thì cũng hủy bỏ đi những mục đích tốt đẹp, nhân đạo mà phòng khám đã đặt ra cho mình. Tôi tin rằng điều này là không thể chấp nhận được,” Kovalchuk nói.
Nhưng Tochilovsky bác bỏ những cáo buộc này và kêu gọi cơ quan công tố phải cung cấp bằng chứng DNA để chứng minh những cáo buộc đó.
Trên thực tế, nhiều phụ nữ đã mang thai hộ từ năm 2013 đến năm 2017 đã đưa ra hàng chục cáo buộc, bao gồm cả cáo buộc rằng BioTexCom đã không trả tiền cho họ, bồi thường cho họ khi mất thai hoặc chi trả chi phí cho các biến chứng y tế phát sinh trong quá trình mang thai hộ, Kovalchuk nói.
“Thật khó khăn cho tôi, về mặt tâm lý, với tư cách là một điều tra viên vì mỗi người trong số họ đến và kể câu chuyện cuộc đời của họ,” anh nói. “Đặc biệt là những người dám nói ra, mỗi người trong số họ đều có yếu tố bi kịch.”
Tương tự, văn phòng công tố cáo buộc về trốn thuế liên quan đến hàng chục triệu của quỹ BioTexCom, được cất giấu thông qua các công ty nước ngoài đăng ký ở Seychelles hoặc ở Latvia, Síp và Cộng hòa Séc.
Tochilovsky, người bị quản thúc tại gia hai tháng trong cuộc điều tra năm 2018, nói với Politico và Welt trong văn bản trả lời rằng các công tố viên không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào hoặc tìm thấy một ví dụ nào về buôn bán trẻ em. Ông nói, bất kỳ đứa trẻ nào được cung cấp cho cha mẹ không có liên kết DNA đều là lỗi của con người, đồng thời cáo buộc rằng văn phòng công tố đã phóng đại mức độ của vấn đề này. Theo ông: “Chúng tôi tự mình thực hiện xét nghiệm [DNA] bắt buộc, chúng tôi có nó trong gói.”
Ông nói rằng ông chưa bao giờ bị kết án về bất kỳ tội danh nào liên quan đến công việc mang thai hộ của mình.
Tochilovsky cáo buộc những nhân vật quyền lực trong chính phủ cũ của Ukraine đang cố tống tiền ông. “Họ chỉ muốn kiếm tiền,” ông nói, “Các quan chức trong các cơ quan thực thi pháp luật rất giàu có vì họ nắm chuyện kinh doanh của người khác.”
Ông không đưa ra bằng chứng nào để hỗ trợ những cáo buộc này.
“Không có gì để che giấu”
Ngày Welt đến thăm trung tâm Kyiv của BioTexCom, vào cuối tháng 12 năm 2022, rất nhiều bà mẹ mang thai hộ đã kiên nhẫn đợi ở sảnh tiếp tân để chờ khám sức khỏe. Ở đó người ta bảo nhóm Welt rằng họ có thể quay phim mọi thứ. “Không có gì phải che giấu,” Tochilovsky nói với một nụ cười chào đón.
Theo website tự miêu tả về mình, Tochilovsky là một nhân vật lớn hơn ngoài đời, một “doanh nhân, nhà từ thiện, người của công chúng”, và Tochilovsky dễ dàng đưa đẩy với giới truyền thông quốc tế cũng như thách thức những lời gièm pha. Nhưng khi được hỏi về việc có bao nhiêu trẻ sơ sinh được sinh ra trong thời chiến, ông trở nên nói ít trực tiếp hơn, chỉ đưa ra con số ước tính chỉ có 30 ca sinh mỗi tháng vào đầu mùa xuân, và ông kể khổ: “Chúng tôi chỉ đủ sống sót, hiện tại chúng tôi đang hoạt động thua lỗ vì có rất nhiều chi phí, một đội ngũ lớn và rất ít chương trình.”
Ông cũng phủ nhận việc trở thành triệu phú nhờ kinh doanh mang thai hộ, một ngành rất béo bở, và giải thích tài sản khổng lồ của mình bằng cách khác. “Tôi có họ hàng giàu có,” ông nói. “Tôi đã vay rất nhiều tiền.”
Không có sự đồng thuận
Trong những năm qua, Tòa án Nhân quyền Châu Âu đã đứng ra giải nhiều vấn đề liên quan đến việc mang thai hộ. Hầu hết các phán quyết là nghiên về ủng hộ cha mẹ hơn là về luật pháp quốc gia, và những ca giải quyết ấy đã nêu bật tính chất phức tạp của luật pháp châu Âu xung quanh những vấn đề như vậy.
Rõ ràng là không có sự đồng thuận về vấn đề kinh doanh mang thai hộ. Trong thập kỷ qua, các chuyên gia pháp lý quốc tế ở Hague, Hà Lan, với tư cách là một phần của Dự án Mang thai hộ/Nuôi con, đã phải vật lộn chỉ để phát triển một cái khung sườn, chứ chưa nói đến khả năng có thể lập ra và thực hiện các quy định cho thương mại toàn cầu này.
Vào tháng 2 năm 2021, Ủy ban Liên Hợp Quốc về Quyền Trẻ em đã ủng hộ “các nguyên tắc của Verona” nhằm xây dựng hướng dẫn bảo vệ trẻ em sinh ra nhờ mang thai hộ. Một hành động tương tự, vào tháng 5/2022, Nghị viện Châu Âu đã lên án việc mang thai hộ và kêu gọi “các biện pháp ràng buộc” để bảo vệ phụ nữ và trẻ em trong một báo cáo về cuộc chiến ở Ukraine.
Tuy nhiên trên thực tế, rất ít việc được thực hiện để trao quyền cho những người đẻ thuê, bảo vệ trẻ em hoặc điều chỉnh ngành công nghiệp này. Một nhân viên báo chí của Ủy ban châu Âu cho biết việc mang thai hộ không thuộc thẩm quyền của họ. Bà nói: “EU không có quyền thông qua luật hài hòa luật pháp quốc gia về luật gia đình nói chung và về phương pháp sinh sản của con người với sự giúp đỡ của các bà mẹ thay thế nói riêng.”
Người phát ngôn của Europol, cơ quan thực thi pháp luật của Châu Âu trong đó có nghiệp vụ giải quyết nạn buôn người, cho rằng “vấn đề mang thai hộ được giải quyết ở cấp quốc gia và nằm ngoài nhiệm vụ của chúng tôi.”
Các cơ quan của Liên Hợp Quốc, dù được thành lập để bảo vệ nhân quyền, phụ nữ hay trẻ em, đều từ chối bình luận hoặc đưa ra những phản hồi tương tự và từ chối trách nhiệm khi vấn đề dính dáng với Ukraine.
Everingham, thuộc Tổ chức Gia đình đang phát triển, cho rằng các chính phủ như Úc, cũng như ở châu Âu, có thể không khuyến khích việc mang thai hộ một cách công khai nhưng lại làm rất ít việc thực thi luật để tránh các tranh chấp lộn xộn trong nước hoặc quốc tế, trong trường hợp này là với Ukraine. Ông nói: “Sẽ thật tồi tệ nếu bỏ tù cha mẹ mới chỉ vì đã tạo dựng một gia đình.”
Nỗ lực của Ukraine để trở thành một quốc gia thành viên EU —quốc gia này đã được cấp tư cách ứng cử viên EU vào tháng 6/2022— có thể là một điểm gây áp lực cho các quan chức ở cả hai bên trong việc điều tiết hơn nữa ngành dịch vụ đẻ thuê của nước này.
Có một số dấu hiệu cho thấy Ukraine đang thực hiện các bước để tăng cường giám sát hoạt động này. Vào tháng 4 năm nay, dự luật đề xuất cấm mang thai hộ cho người nước ngoài đã được soạn thảo để trình quốc hội nhưng khi nào nó sẽ được tranh luận vẫn chưa được chỉ định. Ủy ban chăm sóc sức khỏe của Ukraine hiện đang xem xét nó.
“Tình trạng của luật này vẫn chưa được biết,” theo Maria Dmytrieva, thuộc Trung tâm Phát triển Dân chủ. “Ở giai đoạn này, nó có thể đi theo cả hai hướng, xét về việc được thông qua. Nhưng chúng tôi cũng đang cố gắng lấy thêm thông tin chi tiết.”
Nhưng những nỗ lực này hiện đang không hề được ưu tiên trong các chương trình nghị sự ở Ukraine, khi chiến tranh đang diễn ra, và thậm chí quân Kyiv dường như không đạt được những gì họ kỳ vọng.
“Vấn đề nằm ở chính luật pháp của chúng ta,” theo cựu công tố viên Kovalchuk. “Nó không đảm bảo việc bảo vệ quyền của người mẹ, cũng không bảo vệ quyền của đứa trẻ. Nói chung, về phương diện này trên thực tế không được quy định. Và đó là lý do tại sao các phòng khám vô đạo đức được hưởng lợi.”
Về phần mình, ông Tochilovsky đang đấu tranh chống lại dự luật.
“Chúng tôi hy vọng rằng dự luật sẽ không được thông qua,” ông nói, và cho biết BioTexCom đang “thu xếp để thành lập các chi nhánh ở Georgia và Kazakhstan để sẵn sàng cho mọi tình huống.”
Vẫn đang tìm câu trả lời
Ngày nay, Tanya vẫn cảm thấy bất an và thất vọng vì sự thiếu rõ ràng hoặc giải thích từ BioTexCom. Sau chuyến thăm của chồng, cô cho biết công ty đã hoàn toàn ngừng trả lời các cuộc gọi và email của họ. Cô đã liên hệ với Interpol để nộp đơn yêu cầu bồi thường, nhưng khi đại dịch xảy ra, cô không nhận được phản hồi từ cơ quan quốc tế.
Cuối cùng, cô và chồng quyết định tiến tới mang thai hộ ở Mỹ và hiện nay đã có một cậu con trai nhỏ. “Câu chuyện không hoàn toàn chỉ là bi kịch,” cô tự an ủi.
Nhưng cô ấy nói rằng cô ấy sẽ dành phần đời còn lại của mình để tự hỏi điều gì đã xảy ra với phôi thai đó, và liệu có một đứa trẻ nào đó lớn lên mà không hề biết cha mẹ ruột của mình hay không.
“Tôi đã từng khóc về điều đó, tôi từng buồn về điều đó,” Tanya nói. “Nhưng bất kể tình hình bây giờ là gì, tôi sẽ không thể làm được gì nhiều. Vì vậy, tôi chỉ đi đến thỏa hiệp với nó.”