Diễn văn kỷ niệm 30 năm Bức tường Berlin sụp đổ của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo
Ông Pompeo đọc diễn văn này trong sự kiện kỷ niệm 30 năm bức tường Berlin sụp đổ tại Đức, hôm 8/11/2019:
“Bài học năm 1989, Tự do và Tương lai”
Như nhiều bạn đã biết, tôi đến từ bang Kansas tuyệt vời, nơi đã chào đón những người Đức nhập cư từ những năm 1800. Nhưng sự kết nối cá nhân của tôi với nước Đức vĩ đại của các bạn và nhân dân Đức, bắt đầu từ mùa thu 1986, khi tôi còn là một thiếu úy trẻ hơn, gầy hơn và liều lĩnh hơn, ở một nơi được gọi là Bindlach, cũng không xa đây lắm. Tôi là một trong số hàng triệu người Mỹ đã sống ở Đức từ ngày thành lập nền cộng hòa liên bang từ năm 1949.
Thời gian tôi đóng quân ở đây, tình cờ là lúc Chiến Tranh lạnh sắp kết thúc, nhưng các đồng đội của tôi không biết điều đó cho đến tận lúc cuối cùng. Chúng tôi thường tập trận khẩn cấp vào lúc nửa đêm và huấn luyện ở khu vực gần khu biên giới được quân sự hóa. Có phải lần đi tuần tiếp theo sẽ là lần cuối cùng của chúng tôi? Điều đó rất thật, và rất khó để những người trẻ của cả 2 nước chúng ta tưởng tượng được tình cảnh lúc đó.
Nhưng chúng tôi biết là chúng ta có lợi thế tối hậu. Chúng ta có những lãnh đạo quốc gia với niềm tin sâu sắc vào Chúa, vào nhân phẩm và tin tưởng vào nhân dân tự do, với quyết tâm và dũng khí của nhân dân, những người cũng rất kiên nhẫn và bền bỉ. Chính nhân dân đã dựng lên sự kiên định của 2 dân tộc, và khẳng định mạnh mẽ sự tồn tại của chúng ta. Họ xây dựng những thể chế và đồng minh để chúng ta có thể cùng sống sót và chiến thắng trước chủ nghĩa cộng sản và lũ ma quỷ.
Và đằng sau bức Rèm Sắt này, những công dân Đông Đức dũng cảm, cao quý đã không chấp nhận tiếp tục bị xiềng xích trong một hệ thống cộng sản mà chối bỏ phẩm giá cơ bản nhất của mỗi con người. Quả thực, họ là những anh hùng thực sự của câu chuyện này. Đêm qua, tôi đã có dịp gặp một số người trong số họ ở Leipzig.
Cùng với nhau, chúng ta đã chiến thắng cuộc Chiến tranh Lạnh: Đức và Hoa Kỳ, cả khối Đồng Minh và những đối tác của chúng ta. Tôi rất vui mừng và tự hào khi được đứng ở đây, phát biểu ở nơi mà Bức Tường đã từng đứng chỉ cách vài mét- để kỷ niệm sự sụp đổ của nó vào 3 thập kỷ trước. Đôi khi chúng ta cần phải nhớ lại chiến thắng. Chúng ta bị mắc kẹt trong các thách thức ngày này qua ngày khác và quên mất những chiến thắng vĩ đại mà ta đã đạt được khi đưa hàng tỷ người thoát khỏi cảnh khổ đau, và chúng ta đã làm được cùng với nhau.
Nhưng trong khi chúc tụng, khi sống lại chiến thắng này, chúng ta cũng phải tỏ tường rằng tự do không bao giờ được đảm bảo. Chúng ta đã nói về nó, tự do không tự dưng mà có. Hôm nay, chủ nghĩa độc tài chỉ cách chúng ta một hòn đá ném. Nó đang trỗi dậy. Và xin được nói thật là nó chưa bao giờ biến mất hoàn toàn. Việc bảo vệ hòa bình và tương lai phụ thuộc vào chính chúng ta, và đó là chủ đề mà tôi muốn nói hôm nay. Mỹ và Đức có thể thực hiện sứ mệnh này như thế nào, và chúng ta phải làm như thế nào vì lợi ích cho dân tộc chúng ta cũng như vì thế giới.
Tôi biết rằng rất nhiều người trong số khán giả ở đây, bất kể bạn lớn lên ở phía nào của Bức tường, sẽ không thể quên được nỗi kinh hoàng mang tên Cộng hòa Dân chủ Đức.
Năm 1961, lực lượng Vopo (Công an Đông Đức) lần đầu tiên đập bể vỉa hè thành phố và đặt nền móng cho sự tàn bạo.
Những viên đá trở thành bức tường dài 27 mét, như con rắn cắt qua thủ đô Đức, chia rẽ một dân tộc. Bức Tường không phải để ngăn phương Tây xâm nhập, mà nó là để giam cầm người Đông Đức ở bên trong. Đó là cách mà các chế độ độc tài hoạt động khi xưa, và cũng là cách mà chúng vận hành ngày nay. Chúng ép buộc người ta phải sống trái với ý nguyện, không có khả năng tự chủ mà phải phụ thuộc vào chúng.
Tổng thống Reagan cho rằng chủ nghĩa cộng sản là một thứ bệnh hoạn và ông gọi nó là “sự điên rồ”. Ông đã đúng đến mức nào. Chúng ta không bao giờ được quên bao nhiêu triệu người đã phải chịu đau khổ và chết chóc bởi các nguyên do cộng sản trong thế kỷ 20.
Quả thực, sự u ám của Đông Đức quá rõ đối với tôi, khi tôi đóng quân ở đây. Tôi có thể thấy nó, mặc dù từ một khoảng cách không xa từ đường biên giới. Dù còn trẻ nhưng tôi hiểu rằng, đất nước kiểu gì mà phải xây tường gạch, rào thép gai và dùng súng máy chỉ để ngăn người dân của mình chạy trốn và dùng cảnh sát ngầm (Stasi) để ngăn cấm người dân cất tiếng nói? Hôm qua, tôi có cơ hội quay lại một số nơi mà tôi đã đi qua khi tôi khoảng 20. Tôi đã thấy những công cụ khủng bố từ góc nhìn phía bên kia. Tôi chưa bao giờ đi qua vùng đất phía bên kia. Hôm qua, tôi đã tới đó.
Và với tất cả những công cụ đó, tất cả quyền lực chính phủ và chế độ độc tài này, Đông Đức không thể phá hủy tinh thần con người. Người Đức vẫn giữ được hy vọng bất diệt về tự do và một tương lai tốt đẹp hơn dưới chế độ tàn bạo toàn trị.
Vô số người Đông Đức – rất nhiều người từ Berlin đã liều mạng vượt qua “vùng giết chóc” và Bức tường kia, và trong số đó nhiều người đã chết khi gắng sức. Đại Sứ quán của chúng tôi ở Berlin, nơi quốc kỳ Mỹ đang tung bay đầy tự hào, đứng ở nơi mà trước đó được gọi là “vùng giết chóc”.
Nhưng người Đông Đức biết họ không đơn độc. Họ biết họ có một người bạn.
Trái tim của họ đã ghi lại những lời nói vang vọng của các lãnh đạo và hành động của các Tổng thống Truman, Kennedy và Reagan.
Họ nhớ rõ cuộc nổi dậy Đông Đức năm 1953, cuộc nổi dậy ở Hungary năm 1956 và Mùa Xuân Prague năm 1968.
Và họ đã nhìn thấy. Họ thấy những tinh thần giống họ trên khắp thế giới. Họ thấy nó ở Ba Lan trong cuộc tuần hành vì Đoàn kết.
Họ cảm thấy những lời cầu nguyện của Đức Giáo hoàng John Paul II.
Họ thấy sự dũng cảm đòi tự do của cuộc biểu tình sinh viên tại Quảng trường Thiên An Môn.
Và đằng sau lưng họ, sau lưng tất cả chúng ta, là cơn gió của sức mạnh và quyết tâm của phương Tây.
Nhiệm vụ đó không phải lúc nào cũng dễ dàng. Dường như khi chúng ta nghĩ về các thách thức giữa các đối tác đồng minh hôm nay, những cãi vã tràn đầy trên mặt báo, và chúng ta tin rằng trước kia là một thời đẹp đẽ yên bình. Nhưng không, tôi có thể đếm được vô số lần khối đồng minh của ta gặp trục trặc.
Pháp từng rút lui khỏi NATO vào những năm 1960. Hoa Kỳ đã cố gắng giảm bớt căng thẳng với Liên Xô nhưng thất bại. Thủ tướng Kohl phải chịu sự chống đối chính trị và các cuộc biểu tình khổng lồ khi ông quyết định triển khai tên lửa hạt nhân ở Đức để chống lại Liên Xô. Chúng ta cũng đừng quên rằng Mitterrand và Thatcher đã từng phản đối thống nhất nước Đức. Trong lịch sử, đã có những lúc các quốc gia từng có sự khác biệt trong phán xét và đánh giá.
Nhưng như Tổng thống Reagan đã nói, có 2 điều hoàn toàn không thể thỏa hiệp: nền tự do chung và tương lai chung của chúng ta.
Ở sâu thẳm, chúng ta đều biết rằng một hệ thống mà sợ hãi người dân của chính mình không thể bền vững tồn tại. Đến nay, tôi vẫn hoàn toàn tin tưởng điều đó. Chúng ta chỉ không biết nó sẽ kết thúc vào lúc nào. Cả anh thiếu úy trên mặt trận lẫn Tổng thống Mỹ hoặc Thủ tướng Đức đều không biết được thời điểm đó, nhưng điều khẩn thiết quan trọng là chúng ta phải chiến đấu vì điều đó. Tôi nghĩ đó là một bài học thực sự dành cho những ai còn nghĩ rằng các chế độ độc tài sẽ tồn tại mãi mãi.
Vào năm 1989, ngày trước khi Tổng thống George H.W.Bush nhậm chức, Erich Honecker đã dự đoán rằng Bức Tường sẽ đứng vững. Ông ta nói: “Nó sẽ tồn tại 50 năm và thậm chí 150 năm”. Lúc đó tôi vừa rời khỏi Đức, chính xác là vào đầu tháng 10/1989 và trở về nước cho nhiệm vụ tiếp theo. Tôi không hề biết rằng tôi chỉ rời đi sớm vài tuần định mệnh. Sự dũng cảm của người Đức đã đập đổ bức tường sau đó 294 ngày. Tôi đã thực sự cảm động khi tới thăm lại Nhà thờ St. Nicholas tối qua.
Chiến thắng người Đức đã truyền cảm hứng cho những người khác bẻ gãy xiềng xích của đế chế Liên Xô và đảm bảo tự do, tương lai và nhân phẩm cho chính bản thân họ.
Và chúng ta ở đây, vào ngày kỷ niệm 30 năm một tượng đài chiến thắng cho khát vọng tự nhiên được tự do của nhân loại, cho thành phố Berlin vĩ đại, và cho nhân dân Đức nhưng cũng là cho tất cả phương Tây và chúng ta.
Chúng ta đều đã có những giờ phút đánh mất bản thân trong hào quang sau những ngày chiến thắng.
Có lẽ chúng ta nghĩ rằng sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Berlin và Moscow và toàn bộ Khối Đông Âu là sự bắt đầu của một xu hướng không thể tránh được trên toàn thế giới. Đã có những người viết những dòng về “sự kết thúc của lịch sử”.
Chúng ta đã nghĩ rằng xã hội tự do sẽ vươn lên ở khắp mọi ngóc ngách trên thế giới, và ở một một số nơi nó thực sự đã như vậy. Nhưng quan trọng nhất là chúng ta đã tưởng rằng mình được phép dịch chuyển những nguồn lực rời khỏi đồng minh, khỏi quân sự và những thứ đã bảo vệ cho sự tự do của chúng ta.
Đáng buồn là chúng ta đã sai lầm. Chúng ta đã sai về các hoàn cảnh con người và bản chất của những con đường mà các quốc gia hôm nay có thể bước đi.
Hôm nay, Nga – được lãnh đạo bởi một cựu đặc vụ KGB từng trú tại Dresden, Đông Đức – xâm lược láng giềng và sát hại các đối thủ chính trị. Nó đàn áp sự độc lập của Chính Thống giáo ở Ukraine. Chính quyền Nga, trong lúc chúng ta đang nói, điều cảnh sát tới săn bắt và tra tấn những người Tatar ở Crimea và những người Ukraine phản đối sự xâm lược của Nga. Ở Chechnya, bất kỳ ai bị chính quyền “không ưa” đều biến mất.
Tại Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang định hình một cái nhìn mới về chế độ toàn trị, một thứ mà thế giới chưa từng chứng kiến trong một thời gian rất lâu rồi.
ĐCSTQ sử dụng những phương pháp và kỹ thuật đàn áp người dân của mình mà có nét tương đồng kinh dị với chế độ Đông Đức ngày trước. Giải phóng quân Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của các nước láng giềng, và ĐCSTQ chối bỏ những đặc quyền đi lại của những người phê phán nó – thậm chí cả những nghị sĩ Đức đã lên án hồ sơ nhân quyền thấp kém của nó. ĐCSTQ quấy rối các gia đình Hồi giáo Trung Hoa ở Tân Cương, những người chỉ muốn tìm nơi trú ngụ an toàn ở nước ngoài. Chúng ta, mỗi người trong phòng này, chúng ta có một trách nhiệm. Chúng ta phải công nhận rằng các quốc gia tự do đang trong một cuộc đối đầu về giá trị với các nước phi tự do.
Chúng ta đã không nhìn rõ sự thật này vào năm 1989. Điều đó có lẽ có thể hiểu được. Vì thế hôm nay, sau 30 năm, chúng ta vừa phải chúc mừng vừa phải tỉnh táo. Chúng ta phải nhìn thế giới theo đúng thực tế của nó.
Chúng ta phải nhận ra chúng ta là ai. 2 nền dân chủ của chúng ta, Hoa Kỳ và Đức, sở hữu sức mạnh và tư bản chính trị và kinh tế phong phú mà chỉ có thể tích lũy bởi những xã hội tự do. Chúng ta có một trách nhiệm – mỗi người trong chúng ta – là dùng tất cả những gì ta có để bảo vệ những gì mà chúng ta cực khổ mới giành được trong năm 1776, 1945 và 1989.
Chúng ta phải sát cánh cùng nhau, bởi không ai có thể làm được điều đó một mình. Nhiệm vụ này chưa bao giờ dễ dàng. Nó chưa bao giờ và sẽ không bao giờ dễ dàng.
Đó là lý do vì sao chúng tôi vô cùng nghiêm trọng khi thúc đẩy việc Đức không phụ thuộc năng lượng vào Nga. Chúng tôi không muốn việc cung cấp năng lượng của Châu Âu phụ thuộc vào Vladimir Putin.
Đó là lý do vì sao chúng tôi yêu cầu nhiều hơn từ các đồng minh NATO, bởi vì phương Tây, bởi vì các quốc gia tự do có trách nhiệm chống lại mối đe dọa đối với người dân và chỉ có sát cánh cùng nhau chúng ta mới mạnh mẽ hơn.
Đó là lý do tại sao Tổng thống Trump yêu cầu mỗi quốc gia trợ giúp tăng áp lực lên chế độ cách mạng Hồi giáo ở Tehran để buộc họ trở lại bàn đàm phán và buộc Iran làm một việc đơn giản – cư xử giống như một quốc gia bình thường, ngừng thi hành các chiến dịch ám sát ngay trung tâm Châu Âu.
Đó là lý do vì sao tôi dành một lượng thời gian tương đối lớn nói về những mối hiểm họa mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đang mang đến cho thế giới, việc nó mua lại các công ty công nghệ nhạy cảm và tham vọng xây dựng hệ thống mạng tiếp theo của thế giới của các công ty Trung Quốc. Chính giám đốc tình báo của các bạn nói rằng không thể hoàn toàn tin tưởng Huawei, bởi vì nó phải nghe theo quyền lực của ĐCSTQ.
Đó là lý do vì sao chúng tôi lên tiếng khi chứng khiến vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc, ở Myanmar, ở Iran và các nơi khác, bởi vì nếu bạn không dẫn dắt, nếu nước Mỹ không lãnh đạo, thì còn ai?
Hôm nay, các đồng bào người Mỹ và tôi cùng chúc mừng nhân dân Đức. Bức tường Berlin không còn nữa.
Nhưng chúng ta hãy chớ coi nhẹ các mối đe dọa đối với tự do, những thách thức mà tất cả chúng ta phải đối mặt từ những chế độ dùng thống trị thay vì quản trị, tước đoạt nhân quyền thay vì bảo vệ nó, những chế độ khiến cho buổi lễ kỷ niệm này trở thành một lời cảnh báo đáng sợ chứ không phải nguyên nhân khiến chúng ta chúc mừng.
Những ai trong chúng ta muốn lan tỏa tự do đều buộc phải đối đầu với những kẻ muốn truyền bá tư tưởng độc ác của họ với mục tiêu thống trị các quốc gia tự do trên thế giới, để lật đổ nền pháp trị và để phá hoại các thể chế đa phương có giá trị vô cùng đối với tự do. Họ muốn biến chúng thành các công cụ phục vụ mục đích chính trị của họ.
Chúng ta phải tiến lên cùng với nhau, cùng hướng về phía trước và đối mặt với mối đe dọa này bằng đôi mắt mở to nếu muốn chiến thắng nó. Tôi biết rằng chúng ta sẽ làm như vậy. Nhiệm vụ của chúng ta là quyết định hoàn cảnh mà dân tộc của chúng ta sẽ sống và chúng ta muốn sống trong tự do và hòa bình.
Vì thế tất cả chúng ta, những người làm việc trong chính phủ, những người kinh doanh, hãy kiên quyết đứng cạnh bên nhau trong sự đoàn kết, như những đồng minh, với tư cách là những người bạn tốt như chúng ta vẫn luôn là.
Trước kia chúng ta đã làm được. Tôi rất tin tưởng rằng chúng ta sẽ tiếp tục làm được.
Mong Chúa phù hộ các bạn, Chúa phù hộ nước Đức vĩ đại và tình bằng hữu thân thiết của chúng ta.
Trọng Đức chuyển nghĩa
Xem thêm:
Từ khóa Mike Pompeo Ngoại trưởng Mỹ Bức tường Berlin