Điều gì đằng sau việc Donald Trump đồng ý với chính sách ‘một Trung Quốc’?
Các nhà phân tích nói rằng động thái bất ngờ này Tổng thống Trump là để tạo không gian cho các cuộc đàm phán với Trung Quốc trong tương lai, trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình có thể tập trung đối phó các vấn đề trong nước.
Khi ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói chuyện trong cuộc điện thoại đầu tiên hôm 9/2, tân Tổng thống Mỹ dường như đã né tránh tranh cãi và mâu thuẫn với Trung Quốc mà chính ông đặt ra trong suốt quá trình tranh cử và cả sau khi nhậm chức.
Trong cuộc nói chuyện “rất thân mật, Tổng thống Trump đã đồng ý, theo yêu cầu của Chủ tịch Tập, tôn trọng chính sách một Trung Quốc”, theo thông báo cuả Nhà Trắng.
Điều này khiến nhiều người bất ngờ vì chỉ trước đó không lâu, những phát biểu của Tổng thống Mỹ còn khiến Bắc Kinh vô cùng tức giận.
Sau khi có những biểu hiện chúc mừng trước chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ tháng 11/2016, truyền thông nhà nước Trung Quốc bắt đầu chỉ trích ông nặng nề sau khi ông nhận điện thoại chúc mừng của lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, một hòn đảo dân chủ mà Bắc Kinh coi là một tỉnh ly khai và chắc chắn sẽ lấy lại. Sau đó căng thẳng đẩy lên cao hơn khi tân Tổng thống Mỹ nói ông không cho là Mỹ phải bị ràng buộc chính sách ‘một Trung Quốc’, trừ khi hai nước có một thoả thuận nào đó, có thể là về thương mại.
Tuy nhiên mấy ngày vừa qua, Donald Trump tỏ ra mềm mỏng hẳn với Trung Quốc, ông gửi thư chúc Tết tới Chủ tịch Trung Quốc, sau đó lại nói chuyện trực tiếp qua điện thoại với ông Tập, trong đó ông nói sẽ tôn trọng ‘chính sách một Trung Quốc’ mà Bắc Kinh coi là bản lề trong quan hệ với Mỹ.
Liệu đây có phải là bằng chứng cho thấy ông Trump đi ngược lại những cam kết của mình, rằng sẽ cứng rắn với Trung Quốc?
Các nhà phân tích cho rằng giọng điệu và ngôn ngữ của Nhà Trắng cho thấy có một thoả thuận nào đó đã được lập giữa Trump và Tập. Về phía Mỹ, ông Trump đã tạo không gian dễ dàng hơn để xây dựng cho các cuộc đàm phán trong tương lai với Trung Quốc trong khi Tập Cận Bình rảnh tay để tập trung xử lý các vấn đề trong nước.
J Michael Cole, nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách Trung Quốc tại Đại học Nottingham viết trên tờ Taiwan Sentinel rằng “lời tuyên bố mơ hồ này chắc chắn sẽ đủ để làm hài lòng Bắc Kinh trong khi thông báo với Đài Bắc rằng Washington không hề có ý định khôi phục vị thế chính trị của họ”.
Còn theo Ming Chu-cheng, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Đài Loan rằng tuyên bố của Nhà Trắng rằng Tổng thống Trump công nhận chính sách “một Trung Quốc” theo yêu cầu của ông Tập Cận Bình có thể hiểu theo hai nghĩa.
Thứ nhất, vì trước đó ông Trump đã nói ông coi toàn bộ các chính sách đối ngoại với Mỹ là có thể tái đàm phán cho tới khi chính quyền Trung Quốc thực sự thay đổi hoạt động tiền tệ và thương mại của họ, tức là Bắc Kinh đã phải nhân nhượng gì đó để cuộc điện đàm trên có thể diễn ra.
Thứ hai, nếu ông Trump đơn giản là nhấc điện thoại nói chuyện với lãnh đạo Trung Quốc mà không có bất cứ điều kiện gì trước đó, thì Trung Quốc sẽ có thể coi tân Tổng thống Mỹ là người yếu đuối, “dễ tạo áp lực”. Theo giáo sư Ming, đây là tình huống xấu nhất.
Đối với Chủ tịch Trung Quốc, việc không có Mỹ gây rắc rối bên ngoài về chính sách “một Trung Quốc” khiến ông rảnh tay tập trung vào hoạt động đả hổ, đang nhắm tới mạng lưới quan chức của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân và tập trung quyền lực chính trị. Giáo sư Ming cho rằng chính quyền Mỹ âm thầm ủng hộ việc này của Tập Cận Bình trong những năm qua, và vì vậy việc Tổng thống Trump xác nhận lập trường truyền thống của Mỹ chính là tạo điều kiện để ông Tập hoàn thành công việc của mình.
Trọng Đức (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa Donald Trump Mổ cướp nội tạng Quan hệ Mỹ - Trung Tập Cận Bình