Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cho biết Trung Quốc sẽ giúp Nepal tăng cường kết nối thông qua đường bộ và đường sắt, một động thái được các chuyên gia cho rằng sẽ gây những lo ngại chiến lược cho đối thủ khu vực là Ấn Độ.

Embed from Getty Images

Phát biểu tại Hội nghị quốc tế về tái thiết Nepal, ông Vương cam kết Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng lại đất nước sau trận động đất kinh hoàng năm 2015 và thúc giục hợp tác chặt chẽ hơn trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường.

“Trung Quốc sẽ nỗ lực để nghiên cứu tính khả thi của dự án đường sắt xuyên biên giới, cải thiện mạng lưới kết nối đa chiều xuyên Himalaya, và giúp Nepal thực hiện ước mơ của họ nhằm thay đổi từ một ‘đất nước sâu bên trong lục địa’ thành một ‘đất nước được kết nối,’” ông Vương nói tại hội nghị qua video hôm thứ Tư (9/12).

Ông cũng kêu gọi Nepal hợp tác sâu sắc hơn các dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường trên các vấn đề từ thương mại, đầu tư và cung cấp năng lượng đến cơ sở hạ tầng và biến đổi khí hậu. 

Trong số này bao gồm tuyến đường sắt xuyên biên giới trị giá 8 tỷ đôla chạy từ Shigatse ở miền nam Tây Tạng tới thủ đô Kathmandu của Nepal. Nó được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nền kinh tế Nepal, đất nước nghèo thứ hai ở châu Á sau Triều Tiên. Đây cũng là một phần quan trọng của chiến lược Vành đai và Con đường đầy tham vọng của Trung Quốc ở Nam Á. 

Tuyến đường sắt nằm trong  20 thoả thuận song phương được ký trong chuyến thăm chính thức Nepal của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2019, nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng kết nối hai nước.

 

Các chuyên gia cho rằng động thái của Trung Quốc rõ ràng là nhằm vào uy thế của Ấn Độ với nước láng giềng trên dãy Himalaya. 

Giáo sư Madhav Nalapat, phó chủ tịch Manipal Advanced Research Group, nói rằng vấn đề của tuyến đường sắt là, mặc dù có giá trị chiến lược, nhưng việc sử dụng trong thực tế là hạn chế vì có rất ít nhu cầu giao thương trên tuyến đường này.  

“Nhu cầu đi lại của hành khách cũng không có nhiều,” ông Nalapat nói. “Do đó, với nhiều người ở Ấn Độ, mục đích thực sự của tuyến đường sắt này là nhanh chóng mở lối cho quân đội từ Trung Quốc vào Nepal [nước có chung biên giới với Ấn Độ].”

Quan hệ giữa Bắc Kinh và New Delhi đã xấu đi kể từ tháng 6 năm ngoái, khi quân đội Trung Quốc và Ấn Độ giao chiến trong một vụ đụng độ giáp lá cà chí tử tại biên giới tranh chấp của họ ở phía tây Himalaya.

“Có một khoảng cách giữa vị thế của Trung Quốc và Ấn Độ tại Nam Á, mức độ thâm nhập của Ấn Độ tại các nước Nam Á cao hơn nhiều so với Trung Quốc,” Lin Minwang, phó giám đốc Trung  tâm Nghiên cứu Nam Á tại Đại học Phúc Đán, cho biết.

Dự án tuyến đường sắt Tây Tạng – Kathmandu đã vấp phải sự phản đối của Ấn Độ trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng tăng với Trung Quốc để giành ảnh hưởng chiến lược tại Himalaya, nơi các nhà chức trách Nepal đã đồng ý triển khai một tuyến đường sắt từ Kathmandu tới lục địa Ấn Độ vào năm ngoái.

Ngân Hà (theo SCMP)

Xem thêm: