Đội tuyển bóng đá nữ Afghanistan đốt đồ tập, xóa facebook và lẩn trốn
- Hoài Anh
- •
Cựu đội trưởng của đội tuyển bóng đá nữ Afghanistan kêu gọi các cầu thủ đóng mạng xã hội, xóa danh tính công khai, đốt tất cả đồ tập và tìm cách đi trốn khi đất nước quay trở lại sự cai trị của Taliban.
Cô Khalida Popal đang sống ở Đan Mạch nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn video hôm thứ Tư (18/8) rằng việc các chiến binh từng giết hại, hãm hiếp và ném đá phụ nữ trong quá khứ khiến các cầu thủ nữ sợ hãi về những gì có thể xảy ra.
Người đồng sáng lập giải bóng đá nữ Afghanistan cho biết trước đây cô luôn dùng tiếng nói của mình để khuyến khích các phụ nữ trẻ “hãy mạnh mẽ, mạnh dạn và thể hiện bản thân” nhưng giờ đây cô đã có một thông điệp khác.
“Hôm nay tôi gọi điện cho họ và nói với họ rằng hãy vào các tài khoản mạng xã hội xóa danh tính, gỡ ảnh của họ xuống để đảm bảo an toàn và trốn đi nếu có thể. Thậm chí tôi còn bảo họ đốt cháy hoặc vứt bỏ đồng phục của đội tuyển quốc gia Afghanistan“, cô nói.
Điều đó thật đau đớn đối với một nhà hoạt động đã đứng lên và làm mọi thứ có thể để có được tư cách là một tuyển thủ quốc gia nữ.
Trong cuộc họp báo chính thức đầu tiên kể từ khi chiếm giữ Kabul, đại diện Taliban cho biết họ sẽ tôn trọng quyền của phụ nữ trong khuôn khổ luật Hồi giáo và các cô gái xem đó là một lời cam kết vô giá trị.
Trong thời kỳ cai trị 1996-2001, được hướng dẫn bởi luật Hồi giáo, Taliban đã ngăn không cho phụ nữ làm việc. Trẻ em gái không được phép đến trường và phụ nữ phải mặc quần áo burqas để ra ngoài chỉ khi có người thân là nam giới đi cùng. Những người vi phạm các quy tắc đôi khi phải chịu sự sỉ nhục và đánh đập công khai bởi cảnh sát tôn giáo của Taliban.
Popal cho biết bóng đá đã giúp phụ nữ có lập trường mạnh mẽ cho quyền của họ và thách thức những người sẽ khiến họ phải im lặng.
“Họ rất sợ. Họ lo lắng, họ sợ hãi, không chỉ các cầu thủ, mà còn cả các nhà hoạt động … họ không có ai để trợ giúp, để tìm kiếm sự bảo vệ hoặc yêu cầu giúp đỡ nếu họ gặp nguy hiểm. Tất cả trong số họ đều đang vô cùng căng thẳng vì có thể bị Taliban gõ cửa bất cứ lúc nào”, cô nói.
Người phát ngôn của FIFA cho biết cơ quan bóng đá thế giới chia sẻ mối quan tâm và thông cảm với tất cả những người bị ảnh hưởng bởi tình hình đang diễn biến.
“Chúng tôi đang liên hệ với Liên đoàn bóng đá Afghanistan, và các bên liên quan khác, đồng thời sẽ tiếp tục theo dõi tình hình địa phương và cung cấp hỗ trợ của chúng tôi trong những tuần và tháng tới.”
Trong quá khứ Khalida Popal đã bỏ trốn cùng gia đình sau khi Taliban chiếm được Kabul vào năm 1996, cô trở lại Afghanistan hai thập kỷ trước khi còn là một thiếu niên sống trong trại tị nạn ở Pakistan. Với sự bảo vệ của cộng đồng quốc tế, Popal cảm thấy lạc quan rằng quyền của phụ nữ sẽ được thúc đẩy.
“Thế hệ của tôi có hy vọng xây dựng đất nước, tạo lập vị thế mới cho thế hệ phụ nữ và nam giới tiếp theo của đất nước,” cô nói. “Vì vậy, tôi bắt đầu cùng với những phụ nữ trẻ khác sử dụng bóng đá như một công cụ để trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.”
Đến năm 2007, đã có đủ số cầu thủ để Popal góp mặt trong đội tuyển quốc gia nữ đầu tiên của Afghanistan.
“Chúng tôi cảm thấy rất tự hào khi mặc chiếc áo đấu. Đó là cảm giác đẹp nhất, tuyệt vời nhất từ trước đến nay”, Popal nói.
Tuy nhiên cô cũng thường xuyên nhận được rất nhiều lời đe dọa và thách thức về cái chết bởi gọi Taliban là kẻ thù trên sóng truyền hình quốc gia.
Popal ngừng thi đấu vào năm 2011 để tập trung vào việc điều phối đội bóng với tư cách là giám đốc tại Liên đoàn bóng đá Afghanistan. Nhưng những lời đe dọa vẫn tiếp diễn và cuối cùng cô buộc phải chạy trốn khỏi Afghanistan để xin tị nạn ở Đan Mạch vào năm 2016.
Cô nói: “Cuộc sống của tôi đang gặp rất nhiều nguy hiểm. Nhưng tôi sẽ không bao giờ bỏ rơi các cầu thủ nữ của mình”
Hoài Anh
Xem thêm:
Từ khóa đội tuyển bóng đá nữ Khalida Popal Afghanistan phụ nữ