Dubai trải qua một tuần thảm họa vì lũ lụt
- Phan Anh
- •
Dubai tuần qua đã trải qua một tuần thảm họa vì lũ lụt trong bối cảnh những cư dân nơi đây đã quen với cuộc sống sôi động của đô thị đầy nắng trên sa mạc. Thành phố chưa từng chứng kiến một thảm họa thiên nhiên nào có quy mô lớn như vậy và mức độ tàn phá mà nó để lại chỉ trở nên rõ ràng hơn sau khi cơn bão đi qua. Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), trong đó có Dubai, chứng kiến trận mưa lớn nhất trong ít nhất 75 năm, với lượng mưa 24 giờ tương đương hơn một năm. Cuộc sống của nhiều người ở trung tâm tài chính và du lịch hào nhoáng gần như bị tê liệt. Cơ quan phản ứng khẩn cấp phải làm việc suốt ngày đêm và không có trường hợp tử vong nào trong thành phố được ghi nhận, mặc dù một người đàn ông 70 tuổi đã thiệt mạng sau khi lũ lụt cuốn trôi chiếc xe của ông ở tiểu vương quốc Ras Al-Khaimah lân cận. Tình trạng hỗn loạn sau đó chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng nó cho thấy Dubai dễ bị tổn thương trước thiên tai như thế nào. Khi đường băng chìm dưới nước, các chuyến bay tại một trong những sân bay bận rộn nhất thế giới đều bị hủy. Các trung tâm hào nhoáng ngập trong nước mưa chảy thấm qua trần nhà, thang máy ngừng hoạt động trong các tòa nhà chọc trời, buộc người dân phải leo cầu thang bộ lên hàng chục tầng. Không thể trở về nhà, một số người phải ngủ trong xe. Những hình ảnh này thực sự gây sốc đối với Dubai, nơi được mệnh danh là thành phố công nghệ cao, địa điểm du lịch quốc tế hàng đầu với cơ sở hạ tầng tiên tiến. Mưa vốn khan hiếm ở vùng Vịnh Ba Tư và quy hoạch đô thị không tính đến khả năng xảy ra bão lớn. Dubai có mô hình nhân khẩu học độc đáo. Trong 3,5 triệu dân thành phố, 92% là người nước ngoài, đến từ 200 quốc gia. Họ bị thu hút bởi chính sách miễn thuế và cuộc sống thoải mái, tiện nghi tại đây. Theo một báo cáo, Dubai là điểm đến du lịch tốt thứ hai thế giới với hơn 17 triệu người tới thăm vào năm ngoái. Du khách bị hấp dẫn bởi ánh nắng quanh năm, những quán ăn ngon và khu mua sắm sang trọng. Những gián đoạn xảy ra trong tuần qua ảnh hưởng đến gần như tất cả mọi người, từ khách du lịch, người lao động nhập cư đến dân cư địa phương. Chính quyền kêu gọi người dân ở nhà, nhưng nhiều người vẫn mạo hiểm ra ngoài và không thể trở về do đường phố ngập nước. “Điều đáng sợ là bạn không thể đi đâu cả”, Sofie, cư dân nước ngoài sống tại Dubai, cho hay. Cô đã bị mắc kẹt trên những con đường ngập nước của thành phố suốt 12 tiếng. Trên đường cao tốc 16 làn Sheikh Zayed với những tòa nhà chọc trời hai bên, người dân cho biết một số khu vực chứng kiến tình trạng tắc nghẽn gần như hoàn toàn với nhiều ôtô thậm chí quyết định đi ngược chiều giao thông để mong thoát khỏi cảnh hỗn loạn. Tại khu tài chính, nơi đặt trụ sở của một số ngân hàng hàng đầu thế giới, những chiếc ôtô sang trọng chìm trong nước khi đường phố biến thành hồ. Tại quận Dubai Marina, điểm đến ưa thích của du khách phương Tây và Nga, đồ đạc từ các nhà hàng, quán cà phê đều bị dòng nước cuốn trôi. Khi nước rút, đường phố trở nên ngổn ngang. Hình ảnh trên các phương tiện truyền thông địa phương cho thấy hàng loạt ô tô chết máy nằm la liệt trên đường. Tới sáng 18/4, chúng vẫn chưa được thu dọn ở một số khu vực. Avinash Babur, giám đốc điều hành InsuranceMarket, nhà môi giới bảo hiểm ở UAE, đánh giá thiệt hại kinh tế do cơn bão gây ra có thể lên tới hàng trăm triệu USD, chủ yếu do phương tiện, tài sản và cơ sở hạ tầng bị hư hại. “Thiệt hại là tương đối lớn với những ảnh hưởng đáng chú ý đến cả tài sản công và tư, trong đó có các cơ sở hạ tầng quan trọng”, ông nói. “Mặc dù Dubai từng trải qua nhiều cơn bão trong quá khứ, cường độ đặc biệt của thảm họa lần này đã đặt ra những thách thức mới”. Babur cho biết số lượng cuộc gọi đến các công ty bảo hiểm đã tăng gấp 10 lần, cùng với nhu cầu bảo hiểm tăng vọt. Một số cư dân bị mắc kẹt trong nhà mà không có điện. Số khác chọn cách liều mạng bơi qua nước lũ. Với việc điện thoại cố định ngày càng trở nên hiếm hoi ở Dubai, những người bị mất điện phải dựa vào sạc dự phòng để duy trì điện thoại thông minh. Với việc các ứng dụng thực phẩm tạm dừng giao hàng trong và sau cơn bão, một số cư dân đã phải dùng đến thực phẩm đóng hộp hoặc bất cứ thứ gì còn sót lại trong tủ lạnh để chống đói. Những người không có điện sử dụng bếp nướng than để nấu thức ăn đông lạnh. Theo các video được chia sẻ trên truyền thông địa phương, một số ngôi nhà còn bị ngập tới thắt lưng, đồ đạc và trang thiết bị đều hỏng. UAE là một trong những quốc gia có tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao nhất thế giới, ở mức 96%. Người dân chủ yếu đặt giao tận nhà cho mọi thứ, từ hàng tạp hóa, nhiên liệu ôtô đến dịch vụ chăm sóc móng tay chân. Vào một ngày bình thường, đường phố của Dubai tràn ngập những người đi xe máy giao hàng cho các công ty. Nhưng hồi đầu tuần, hầu hết đều không thể làm việc. Điều đó buộc mọi người phải mạo hiểm đi bộ, tạo ra những đám đông lớn ở các quán ăn và siêu thị. Không ít người phải xếp hàng dài trong nhiều giờ để mua đồ ăn. Một số nhà hàng vẫn mở cửa đến tận sáng sớm để đáp ứng nhu cầu. Người dân cho hay hàng loạt kệ hàng tại siêu thị, trong đó có thực phẩm đông lạnh và đồ ăn sẵn, đều trống rỗng một ngày sau cơn bão. Các ứng dụng giao hàng bắt đầu hoạt động trở lại hôm 18/4 nhưng vẫn phải đối mặt tình trạng chậm trễ kéo dài. Ali Salem, 55 tuổi, kể ông đã bị mắc kẹt trong nhà ở quận Jumeira mà không có điện hay nước sạch sau khi cơn bão đổ bộ hôm 16/4 gây ngập úng trên đường phố. Điện chỉ được phục hồi hôm 19/4. “Tôi đã học được bài học đắt giá”, ông nói. “Máy phát điện sẽ trở nên hữu ích trong tương lai”. Tuy nhiên, cơn mưa không hẳn là nỗi khốn khổ đối với người trẻ. Các trường học chuyển sang hình thức học từ xa, nhưng nhiều học sinh không thể tham gia vì nhà bị mất điện. Họ chọn cách coi đây như một kỳ nghỉ. Vô số hình ảnh hài hước xuất hiện trên mạng xã hội, cho thấy cách người dân tìm thấy niềm vui trước những bất tiện từ hiện tượng 75 năm mới có một lần. Phan Anh Video: So đo càng nặng thì mất mát càng nhiều