Người Đức không tin câu chuyện nhóm Ukraine đi du thuyền đánh nổ Nord Stream — Bild
- Nhật Tân
- •
Một loạt các luận điểm của Sven Thomas chỉ ra chỗ phi lý trong câu chuyện một nhóm 6 người Ukraine đi du thuyền Andromeda tới đánh nổ hai đường ống dẫn khí đốt Nord Stream tháng 9/2022 đã được tờ báo Bild (Đức) đăng tải hôm Thứ Bảy, với trọng tâm của các luận điểm là chiếc du thuyền dài 15 m là quá nhỏ cho hoạt động này. Tiến sỹ Thomas (58 tuổi) là người đứng đầu đội cứu hộ dưới nước, đứng đầu đội thợ lặn chuyên nghiệp, và các nhà khảo cổ học dưới nước, đã có kinh nghiệm trong thám hiểm dưới nước nhiều năm.
“Chúng tôi đã đánh giá cẩn thận thiệt hại do vụ nổ gây ra, thiết bị cần thiết cho hoạt động dưới nước này, tuyến đường của tàu Andromeda, điều kiện thời tiết và biển vào thời điểm xảy ra vụ án,” tiến sỹ Sven Thomas nói, và đưa ra kết luận, “Nó không thể xảy ra theo cách mà nhiều phương tiện truyền thông và các nhà điều tra nhà nước [Đức] miêu tả.”
Ông Thomas chỉ ra các mâu thuẫn:
- Du thuyền Andromeda quá nhỏ, quá lung lay: Nhóm thợ lặn cần 4 dây neo để ổn định vị trí, trong khi đó thuyền Andromeda chỉ có thể cung cấp tối đa 1 neo.
- Thiết bị lặn quá nặng: 4 vụ nổ cần tối thiểu 8 lần lặn khảo sát và đặt chất nổ, các thiết bị cộng lại tối thiểu 4 tấn; hoàn toàn nằm ngoài khả năng chuyên chở của du thuyền Andromeda, chưa kể rằng muốn thao tác những thiết bị đó đòi hỏi phải có cần cẩu, loại thiết bị mà Andromeda không có.
- Chất nổ quá nặng: Riêng chất nổ, tương đương lực nổ của 400 kg TNT, đòi hỏi phải chứa trong các bom có khối lượng vượt quá khả năng thao tác của du thuyền Andromeda, vốn chỉ có động cơ 75 mã lực.
- Thợ lặn quá tải: Để lặn 90 m, mang kèm chất nổ và các thiết bị lặn, mỗi thợ lặn phải mang 110 kg tải trọng trong khi lặn, và điều đó không khả thi.
- Thời tiết không cho phép: Thời điểm xảy ra vụ nổ thì tốc độ gió cao (40 km/h) và sóng dữ (cao 3 m), vượt khỏi khả năng của du thuyền Andromeda.
- Hình dạng của đường ống do bị đánh nổ là khác nhau: Một quả bom nếu gắn vào đường ống và phát nổ, thì sẽ cho ra hình ảnh đường ống bị vỡ tung từng mảnh. Trong 4 vụ nổ, chỉ có 1 vụ để lại hiện trường tương tự như vậy. Nhưng ở 3 vụ khác, thì đường ống bị biến dạng như ta đập bẹp một chiếc lon.
Ông Thomas nghi ngờ rằng nếu Andromeda tham gia hoạt động này, thì chỉ có thể làm nhiều nhất 1 vụ nổ. Còn 3 vụ khác là do đội khác làm, làm theo cách khác chứ không phải theo cách gắn bom và đánh nổ như truyền thông báo cáo.
- WSJ: Zelensky đã duyệt vụ đánh nổ đường Nord Stream, và thất bại khi muốn ngăn chặn nó — Câu chuyện 6 người Ukraine (5 nam 1 nữ) đi du thuyền mang tên “Andromeda” tới đánh nổ đường ống khí đốt Nord Stream 1 và 2 được Tạp chí Phố Wall (WSJ) đăng vào tháng 8. Khởi phát từ ý tưởng của một tiệc nhậu say xỉn, cho đến lên kế hoạch, tài trợ, và cuối cùng là thực hiện, tất cả đều là người Ukraine, do Tổng tư lệnh Valery Zaluzhny bật đèn xanh, theo tờ báo.
- Đức chỉ trích Ba Lan thông đồng Ukraine trong vụ Nord Stream — Đức ban lệnh vào tháng 6 dẫn độ bắt công dân Ukraine đang sống ở Ba Lan, mang tên Volodymyr Z., vì nghi ngờ tham gia vụ nổ, nhưng người này đã trốn vào tháng 7. Đức tin rằng Ba Lan đã thông đồng nghi phạm.
- Cố vấn tổng thống Ukraine bác bỏ việc Kiev liên quan tới vụ Nord Stream — Giới chức các cấp của Kiev đồng loạt phủ nhận việc người Ukraine tham gia vụ này, tuy nhiên, nói rằng nếu người Ukraine tham gia đánh nổ công trình dân sự của hợp tác Nga-Đức thì cũng không sai, vì Kiev coi đó là mục tiêu quân sự hợp pháp.
Không chỉ người Đức không tin câu chuyện này. Trước đó, Thủ tướng Slovakia, Robert Fico, từng nói với Rossia-1 hôm Thứ Tư: “Chúng tôi đọc được rằng một số sĩ quan Ukraine say rượu rồi nghĩ ra rằng họ sẽ cho nổ tung [đường khí đốt Nord Stream]. Tôi đang phóng đại một chút, nhưng hãy tưởng tượng rằng họ đi trên một chiếc thuyền nhỏ đến nơi đặt đường ống… lặn cả trăm mét, mang theo một số chất nổ và cho nổ tung. Thật là vô nghĩa.”
Đường ống khí đốt Nord Stream 1 và 2 bị đánh nổ vào tháng 9/2022 tại biển Baltic, nơi gần đảo Bornholm. Khi đó, hoạt động cung cấp khí đốt từ Nga tới Đức và các nước Châu Âu lân cận qua 2 đường ống đó, đã đang tạm ngừng bởi vì Đức bắt đầu chủ trương cắt sự phụ thuộc năng lượng vào Nga.
Hiện nay, khi các báo cáo về tình trạng không đẹp của kinh tế Đức, có thể là do mất đi nguồn năng lượng giá rẻ này từ Nga, đã khiến câu chuyện đường ống Nord Stream lại được báo Đức đưa ra bình luận.
Kể từ khi chiến tranh Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2/2022, EU đã phát ra chủ trương cắt giảm việc mua dầu khí từ Nga, thuộc về chính sách chung là cô lập Nga trên mọi phương diện, nhưng mà, thực tế diễn ra không phải hoàn toàn như thế. Trong báo cáo gần đây nhất từ Gazprom, đường ống trung chuyển qua Ukraine, nơi bị Ukraine liên tục tăng thuế quá quan trong những năm qua, cung cấp khí đốt từ Nga tới Châu Âu và Moldova đã được mở gần như hết công suất, với 42,3 triệu m3 khí đốt trong tháng 10, tăng 5% so với cùng tháng 10 năm ngoái. Trong tháng 10 năm nay, tổng lượng khí đốt xuất khẩu khỏi từ Nga là 1,31 tỷ m3.
Nền kinh tế Nga phụ thuộc không nhỏ vào lượng khẩu dầu khí của nước này.
Thời Donald Trump làm tổng thống, ông đã lập luận rằng Đức và các quốc gia NATO khác phải tăng cường chi tiêu cho quân sự, và ông muốn cắt giảm chi tiêu của Mỹ cho NATO, với luận điểm rằng tại sao Mỹ phải chi quân sự có lợi cho quốc phòng Đức trong khi Đức vẫn nhập khẩu dầu khí từ Nga. Ông Trump bấy giờ đã tác động làm ngừng hoạt động của đường Nord Stream 1 và sau đó là Nord Stream 2. Thời điểm đánh nổ 2 đường ống này vào tháng 9/2022, kỳ thực, chúng đã không còn hoạt động nữa.
Nhật Tân
Từ khóa nổ đường ống Nord Stream Nord Stream Đức Dòng sự kiện