Giới chức Đức tin rằng Ba Lan đã cố ý để nghi phạm Ukraine trong vụ đánh nổ đường ống Nord Stream chạy thoát hồi tháng 7 là để che dấu rằng chính Ba Lan đã thông đồng Ukraine trong vụ này, Politico đưa tin hôm Thứ Bảy. Giới chức Ba Lan bác bỏ cáo buộc, và gọi đó là “vô căn cứ.”

230328 nordstream 01
Tháng 2/2023, nhà báo đoạt giải Pulitzer, Seymour Hersh, châm ngòi lại vụ việc nổ đường ống Nord Stream khi ông tuyên bố Hoa Kỳ là người đứng sau. (Ảnh ghép từ Wikipedia và Shutterstock)

Vụ đánh nổ đường ống Nord Stream 1 & 2 tại biển Baltic dẫn từ Nga sang Đức khí đốt cung ứng cho Đức và các nước Châu Âu lân cận vào tháng 9/2022, đã dấy lên nhiều nghi ngờ khác nhau, dù đã có khá nhiều cơ quan các quốc gia đứng ra điều tra. Nó là một trong những vụ đình đám tốn nhiều giấy mực báo chí liên quan đến giao tranh giữa Nga và NATO do Mỹ đứng đầu.

“Đối với Kiev, thì [đường ống Nord Stream] được coi là mục tiêu quân sự hợp pháp [trong chiến tranh].” — Quan chức cao cấp Ukraine

Tháng trước, Đức loan tin rằng điều tra của công tố viên Đức đã đưa trát bắt người cho chính quyền Ba Lan vào tháng 6, yêu cầu dẫn độ một nghi phạm người Ukraine mang tên “Volodymyr Z.” mà lúc đó đang sống ở Ba Lan. Nhưng mà, bằng cách nào đó mà nghi phạm đã trốn thoát qua đường biên vào tháng 7, ngay trước mũi của các cơ quan an ninh Ba Lan.

“Chính phủ Ba Lan hiển nhiên đã để cho hắn ta đào tẩu, chính là để che dấu sự tham dự của họ vào vụ tấn công đường ống,” cựu lãnh đạo BND August Hanning nói với Welt. BND là cơ quan tình báo Liên bang Đức, Welt là kênh truyền thông liên kết của Politico.

Ông Hanning tuyên bố rằng chính phủ Ba Lan đã phá hoại công tác điều tra và thực thi công lý của Đức. Một nguồn thạo tin khác cũng nói với tờ báo câu chuyện tương tự, và miêu tả việc làm đó của Ba Lan là “cản trở công lý.”

Politico khẳng định rằng nhiều người Đức cũng là nhìn nhận giống ông Hanning về chính phủ Ba Lan.

Tháng trước, tờ báo Die Zeit (Đức) đã viết rằng nhiều người Ba Lan coi hành động phá hoại đường ống Nord Stream là hành động của anh hùng. Tờ báo viết, “Liệu một “anh hùng” như anh có thực sự bị dẫn độ? Hay Volodymyr Z. sẽ biến mất vào một lúc nào đó?”“Cho đến cuối cùng, Chính phủ Đức vẫn không chắc chắn được người Ba Lan sẽ giải quyết lệnh bắt giữ như thế nào.”

Ngay sau vụ Nord Stream xảy ra, giới truyền thông đều miêu tả việc phá hoại công trình dân sự Nga-Đức này là một hành động giống như của khủng bố. Nó cũng là hành động gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tuy nhiên, có những người cho rằng đánh vào túi tiền của Tổng thống Nga là việc làm tốt lắm, mặc dù việc làm ấy cũng ảnh hưởng tới Đức.

Như Politico đưa tin hôm7/9, thì hiện nay người Đức tin rằng đích thân Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đều không thể thoát khỏi liên quan đến vụ tấn công đường ống Nord Stream. Tờ báo dẫn lời của ông Hanning:

“Hoạt động tầm cỡ này là không thể nào xảy ra nếu không có sự đồng ý của những người lãnh đạo các quốc gia liên đới.”

Nhóm tội phạm 6 người Ukraine chính là được đào tạo ở Ba Lan, theo kết luận từ tổ điều tra của Đức. Nhóm này đã thuê một du thuyền mang tên “Andromeda” để lái tới nơi mà họ cài chất nổ. Điều tra viên của Đức tin rằng công tác hậu cần của toàn bộ hoạt động này chính là do Ba Lan đảm nhiệm. Nhóm đã lái thuyền tới nhận các thiết bị cần thiết cho hoạt động gây án từ một nhà nghỉ mát tại Kołobrzeg, Ba Lan. Và cũng tại đó, chiếc du thuyền đã đậu lại tận 7 ngày trước khi nhóm nhận được chất nổ.

240815 wsj02
Hành trình định mệnh của du thuyền Andromeda cùng vị trí vụ nổ đường ống Nord Stream. Con thuyền đi từ Rostock, đảo quanh trong biển Baltic, và quay về Rostock. (Ảnh cắt chụp màn hình của WSJ kèm dịch tự động sang tiếng Việt)

Tổ điều tra của Đức cho hay giới chức Ba Lan đã cố ý không cung cấp các video tự động ghi hình ở khu bến cảng Kołobrzeg nơi liên quan tới vụ việc. Cách làm đó khiến người Đức nghi ngờ rằng Ba Lan đang che dấu điều gì đó.

Về phía Ba Lan, giới chức tỏ ra tức giận trước cáo buộc của Đức.

“Cáo buộc rằng Ukraine làm hoạt động này trong khi Ba Lan biết rõ là điều hoàn toàn vô căn cứ,” Jacek Siewiera, người đứng đầu cơ quan an ninh quốc gia Ba Lan nói với Welt.

Ông Siewiera nói rằng đó là luận điệu của nhóm những phần tử thân-Nga ở Đức, của những cựu quan chức giờ đã không còn cầm quyền.

“Tôi mong rằng chúng tôi không phải đang đối đầu với một chiến dịch làm nhiễu loạn thông tin một cách có tổ chức, mà ở đó có những người đang tự để bản thân mình bị lợi dụng từ đó đổ lỗi cho Ba Lan,” ông Siewiera nói.

Theo ông, phải điều tra tất cả các hướng đáng ngờ, mà trong đó gồm cả Nga.

Một quan chức cao cấp Ukraine, hiện giờ đang sống ở một thành phố lớn tại Ukraine, và trong kết luận của tổ điều tra, thì ông bị nghi ngờ là có liên quan đến vụ tấn công đường ống Nord Stream này.

Ông nói, “Thật lố bịch khi tin rằng chúng tôi đã làm việc này. Nhưng mà, nếu đúng là Ukraine đã làm việc này, thì Đức có thể chấm dứt hoạt động điều tra được rồi, bởi vì, đối với Kiev, thì [đường ống Nord Stream] được coi là mục tiêu quân sự hợp pháp [trong chiến tranh].”

Vào tháng trước, sau khi truyền thông Đức loan tin điều tra vụ nổ đường ống Nord Stream và nghi phạm trốn thoát, thì Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk biểu thị quan điểm của ông về bản thân dự án xây dựng đường ống mua khí đốt từ Nga. Ông Tusk đã viết trên mạng xã hội X (Twitter) như sau: “Gửi tới tất cả những ai khởi xướng và bảo trợ cho [dự án xây dựng] Nord Stream 1 & 2: Điều duy nhất mà các vị có thể làm hôm nay là hãy xin lỗi và im lặng.”

Tổ điều tra của Đức đã dứt khoát phủ quyết cái gọi là chính người Nga làm ra vụ đánh nổ đường ống này, một thuyết mà giới chức Ukraine nhiều lần nói đến mặc dù không đưa ra bất cứ bằng chứng nào.

Tổ điều tra nói thẳng rằng đích thân ông tổng tư lệnh Ukraine bấy giờ, Valery Zaluzhny, đã ra lệnh tấn công đường ống.

Bộ Tư pháp Đức, hồi tháng 8, có nói rằng “Chính phủ Liên bang [Đức] không có bình luận, và sẽ không bình luận về những gì liên quan tới cái gọi là ‘kết quả điều tra chi tiết’ ở trên các phương tiện truyền thông.” Theo Politico, cho đến nay các quan chức của Đức nào mà không liên quan đến điều tra đều không có phát biểu gì về việc này ở các hoàn cảnh công khai.

Ukraine 1
Công tố viên Đức đã ban hành trát bắt một công dân Ukraine có tên Volodymyr Z., người bị tình nghi đã đánh nổ đường ống khí đốt Nord Stream. (Ảnh: Facebook)

Politico cũng chỉ ra rằng, diễn biến sự việc cho thấy nghi phạm mang tên ‘Volodymyr Z.’ dường như sẽ không bị bắt quy án. Người này đã trốn thoát về Ukraine. Theo các điều khoản hiệp ước hiện hành ở Châu Âu, Ukraine không có trách nhiệm phải dẫn độ người mang quốc tịch Ukraine sang nước khác. Những nghi phạm khác trong nhóm 6 người được giả định là hiện đang lẩn trốn.

Theo thông lệ, tòa án không nêu tính danh đầy đủ của nghi phạm trên các phương tiện đại chúng. Tuy nhiên, theo khám phá của một truyền thông Thụy Điển Expressen, ‘Volodymyr Z.’ này có tên đầy đủ là Volodymyr Zhuravlov, 44 tuổi.

Vào tháng 6, khi Đức gửi yêu cầu dẫn độ cho Ba Lan, nghi phạm đang ngụ tại một khu dân cư ở Pruszków, ngoại ô phía Tây Nam thủ đô Vácsava của Ba Lan.

Đầu tháng 7, nghi phạm rời Ba Lan qua đường biên giới để về Ukraine, ngay trước mũi cơ quan an ninh của Ba Lan. Anna Adamiak, người phát ngôn của tổng công tố Ba Lan, nói với truyền thông rằng sở dĩ biên phòng Ba Lan không chặn người này là bởi vì Đức đã không nhập cái tên “Volodymyr Zhuravlov” vào cơ sở dữ liệu tội phạm.

Các thuyết xoay quanh vụ đánh nổ đường ống Nord Stream 1 & 2

Đường ống mang tên Nord Stream 1 và Nord Stream 2, đa phần sở hữu là thuộc ‘gã khổng lồ’ năng lượng nhà nước Nga Gazprom, dùng để vận chuyển khí đốt của Nga tới Đức, và qua đó bán cho khách hàng ở Đức và Châu Âu.

Nord Stream 1 hoạt động đến cuối tháng 8/2022. Nord Stream 2 tuy đã xây dựng xong nhưng chưa bao giờ đi vào hoạt động. Cả 2 trường hợp ngừng và không hoạt động đều là vì lý do chiến tranh Ukraine dẫn đến việc Nga ngừng cung ứng dầu khí sang các quốc gia phương Tây. Các vụ nổ trên cả hai đường ống đều xảy ra vào ngày 26/9/2022.

Đến tháng 2/2023, khi câu chuyện Nord Stream lắng xuống, nhà báo gạo cội Mỹ Seymour Hersh đã châm ngòi lại sự việc trên báo giới, khi ông đưa tin, với nguồn tin giấu tên, rằng chính là CIA của Mỹ đứng sau vụ đánh nổ đường ống này.

Theo tờ New York Post của Mỹ, ông Hersh đã đoạt giải Pulitzer, giải thưởng cao quý nhất trong ngành báo chí, cách đây hơn 50 năm vì đã phơi bày vụ thảm sát thường dân Mỹ Lai năm 1968 của quân đội Mỹ tại Việt Nam. Ông cũng là cựu phóng viên của Associated PressNew York Times, đồng thời là cộng tác viên lâu năm của tờ New Yorker. Ông cũng là người chủ chốt phơi bày vụ Watergate, dẫn tới tổng thống Mỹ Richard Nixon phải từ chức.

Chính phủ Mỹ đã bác bỏ hoàn toàn luận thuyết này của ông Hersh.

Thuyết một nhóm người Ukraine là hung thủ lần đầu tiên được New York Times đăng tải hồi tháng 3/2023. Nhưng bấy giờ không được giới quan sát để ý lắm.

Cho tới tháng 14/8/2024, hàng loạt báo của Đức đồng loạt loan tin rằng công tố viên Đức đã đưa trát dẫn độ cho Ba Lan vào tháng 6, nhưng sau đó nghi phạm vụ này đã trốn mất vào tháng 7. Vụ việc đã tái khẳng định thuyết về nhóm người Ukraine này.

Gần như ngay sau đó, cùng ngày 14/8, Tạp chí Phố Wall có báo cáo “sự thật đích thực” rất chi tiết về câu chuyện một nhóm 6 người Ukraine đã đánh nổ đường ống khí đốt Nord Stream như thế nào. Câu chuyện khá chi tiết. Trong đó có tham gia của các nhà tài trợ giàu có Ukraine, vai trò của tổng tư lệnh Ukraine lúc bấy giờ Valery Zaluzhny, và liên quan tới tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Nhưng vấn đề là toàn bộ câu chuyện, từ đầu đến cuối, từ ý tưởng, cho đến tài trợ, và thực hiện, tất cả đều là do Ukraine làm ra. Mỹ không dính dáng tí gì, nếu có, thì chỉ là yêu cầu Tổng thống Ukraine dừng tay, nhưng bất thành.

Các quan chức Ukraine đồng loạt phản đối thuyết Ukraine là thủ phạm này, và có quan chức cho rằng chính Nga là thủ phạm, mặc dù không đưa ra bất kỳ bằng chứng gì.

Nhật Tân (theo Politico)