Đức: Thu hoạch nội tạng được nhắc đến trong phiên điều trần quốc hội
- Minh Nhật
- •
Ngày 8/5/2019, Ủy ban Hạ viện Đức về Nhân quyền và Viện trợ nhân đạo đã tổ chức một phiên điều trần về việc chính quyền Trung Quốc đàn áp các nhóm tôn giáo thiểu số ở Trung Quốc. Hơn 20 nghị sĩ đã tham gia phiên điều trần cùng các chuyên gia thuộc tổ chức phi chính phủ, đại diện các nhóm thiểu số, và các học giả. Nạn thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm cũng được nhắc đến trong phiên điều trần này.
Trong phiên điều trần này, ông David Li, một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Thu hoạch Nội tạng Trung Quốc (COHRC) đã được mời đến để trình bày về tình trạng thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc. Ông Li cho biết: “Không giống như việc buôn bán nội tạng ở chợ đen tại các nước khác trên thế giới, việc thu hoạch nội tạng theo nhu cầu từ các tù nhân lương tâm là được chính quyền ĐCSTQ hậu thuẫn, được công nghiệp hóa và được thi hành bởi quân đội và các cơ quan chính quyền địa phương.”
“Nó là một trong những thảm họa nhân quyền ghê gớm nhất của thế kỷ 21”, ông Li nói.
Theo COHRC, tại Trung Quốc, ngành cấy ghép nội tạng đã phát triển mạnh mẽ từ năm 2000 trong khi gần như chưa hề thống hiến tạng nào tồn tại. Mãi đến năm 2006, các nhà điều tra quốc tế mới thu thập đủ bằng chứng và lên tiếng cáo buộc rằng sự phát triển của ngành cấy ghép nội tạng là do ĐCSTQ đã hậu thuẫn cho hoạt động thu hoạch nội tạng từ người còn sống.
Mặc dù chính quyền Trung Quốc công bố hàng năm họ thực hiện từ 10.000 đến 15.000 ca cấy ghép, con số mà COHRC ước tính vượt xa số liệu này. Ông Li cho biết, COHRC kết luận việc này dựa trên yêu cầu về số lượng giường tối thiểu do Bộ Y tế Trung Quốc đã quy định, đồng thời dựa theo việc hầu hết các bệnh viện trong số 169 bệnh viện được cho phép cấy ghép tạng đều hoạt động vượt xa công suất tối thiểu (thậm chí vượt quá 100% số giường bệnh dành cho cấy ghép). Theo đó, chỉ riêng 169 bệnh viện được cấp phép chính thức đã có khả năng tiến hành 70.000 ca cấy ghép mỗi năm.
Khi một nghị sĩ hỏi về nạn nhân của việc thu hoạch nội tạng, ông Li cho biết nạn nhân là các tù nhân lương tâm, bị giam giữ do tín ngưỡng của họ, bao gồm những người tập Pháp Luân Công, cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, những người Tây Tạng, và nhóm Cơ Đốc giáo không cầu nguyện tại nhà thờ do nhà nước quản lý.
Ông Ulrich Delius, Chủ tịch Hiệp hội Người bị Đe dọa Quốc tế tại Đức, cũng tham gia làm chứng trong phiên điều trần. Là một chuyên gia về các vấn đề châu Á, bản thân ông Ulrich Delius đã đích thân đến Trung Quốc để âm thầm tiến hành một cuộc điều tra (các cuộc điều tra công khai sẽ không được chính quyền Trung Quốc cấp hộ chiếu). Ông cho biết dù nạn nhân của chính quyền Trung Quốc là Pháp Luân Công, Duy Ngô Nhĩ, hay Tây Tạng, thì mục tiêu vẫn là thống nhất: chế độ Trung Quốc mong muốn kiểm soát suy nghĩ của người dân, và không cho người dân tụ tìm kiếm đức tin của mình.
Tội ác thu hoạch nội tạng ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Trong vài tháng vừa qua, hàng loạt các nước đang có động thái sửa đổi luật pháp để ngăn chặn người dân nước mình tới Trung Quốc ghép tạng và trở thành kẻ đồng lõa với tội ác xảy ra ở quốc gia này. Theo đó trong nửa đầu năm 2019, Hạ viện Bỉ đã thông qua dự luật cấm du lịch ghép tạng; Séc sửa luật cấy ghép tạng, chống nạn thu hoạch nội tạng; Thượng viện Canada thông qua dự luật chống buôn bán nội tạng; Nghị sĩ Anh cũng đang kêu gọi chính phủ cấm người dân đến Trung Quốc cấy ghép nội tạng; v.v.. Trước đó, luật cấy ghép tạng đã được Israel (2006), Tây Ban Nha (2013), Đài Loan (2015), và Ý (2016) thông qua.
Chuỗi các sự kiện sửa đổi luật trên thế giới này xuất phát từ việc vào cuối tháng 12/2018, quan tòa Geoffrey Nice của Tòa án độc lập điều tra về thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc tuyên bố:
Chúng tôi chắc chắn không chút hoài nghi rằng tại Trung Quốc, việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm đã được thực hiện trên quy mô lớn, trong một thời gian dài, dẫn tới số lượng nạn nhân rất lớn.
Là người đảm trách vụ truy tố cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic tại Tòa án Hình sự Quốc tế, từng tham gia vào nhiều tòa án độc lập quốc tế, và tư vấn luật miễn phí cho các nhóm nạn nhân quốc tế khác nhau, luật sư Anh Quốc uy tín Geoffrey Nice còn cho biết chính quyền Trung Quốc đồng thời vi phạm một lúc ít nhất 7 điều của Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế, trong đó bao gồm cả việc tra tấn, không tuân thủ luật pháp khi bắt giữ và xét xử, thậm chí không tuân thủ cả quyền sống cơ bản nhất của con người được nêu ra trong Tuyên ngôn.
Minh Nhật
Xem thêm:
Từ khóa nhân quyền ở Trung Quốc Thu hoạch nội tạng Du lịch ghép tạng tòa án độc lập