Hôm 14/9, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố, Đức sẽ không cung cấp vũ khí chính xác tầm xa cho Ukraine, bất chấp quyết định của các đồng minh khác trong NATO như thế nào.

240911OlafScholz00
Thủ tướng Đức Olaf Scholz, 21/4/2024, tại Moldova (ảnh Shutterstock / Victor Mogyldea

Theo Cơ quan thông tấn Đức (DPA), tuyên bố của Thủ tướng Scholz được đưa ra trong một sự kiện công khai ở Prenzlau, một thành phố thuộc bang Brandenburg ở miền đông nước Đức, khi nhà lãnh đạo Đức viện dẫn lo ngại về nguy cơ xảy ra leo thang nghiêm trọng.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã và đang yêu cầu các quốc gia phương Tây cung cấp vũ khí tầm xa để nhắm mục tiêu vào các cơ sở hậu cần và các sân bay quân sự của Nga nằm phía sau chiến tuyến. Phản ứng lại, các quan chức hàng đầu ở Moscow đã đe dọa sẽ đáp trả “một cách tàn bạo” nếu Ukraine được phép bắn tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp vào Nga.

Trong thuật ngữ quân sự, “tầm xa” đề cập đến các hệ thống tên lửa hành trình có khả năng tấn công các mục tiêu ở khoảng cách lớn hơn 496 km. 

Phát biểu tại sự kiện hôm 14/9, Thủ tướng Scholz lập luận rằng việc chuyển giao tên lửa Taurus có tầm bắn khoảng 496 km sẽ cho phép Kyiv tấn công các mục tiêu ở Moscow, điều này sẽ kéo theo “nguy cơ leo thang nghiêm trọng”. 

Thủ tướng Scholz nhấn mạnh: “Tôi đã nói ‘không’ với điều đó. Và tất nhiên điều đó cũng áp dụng đối với các vũ khí khác, nếu chúng tôi cung cấp, chúng có thể đạt đến [tầm bắn] khoảng cách xa như vậy”. Nhà lãnh đạo Đức khẳng định, quyết định này sẽ giữ nguyên không đổi “ngay cả khi các quốc gia khác có quyết định khác”. 

Kyiv đã và đang được các đồng minh phương Tây cung cấp vũ khí nhưng bị hạn chế về cách thức và thời điểm các loại vũ khí này có thể được sử dụng bên trong Nga, vì lo ngại rằng các cuộc tấn công như vậy có thể dẫn đến việc Nga trả đũa, hậu quả có thể kéo các nước NATO tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột. 

Cho đến nay, Hoa Kỳ, Anh, và Pháp đã cung cấp tên lửa hành trình có tầm bắn khoảng 304 km cho Ukraine, trong khi vũ khí tầm xa nhất mà Đức cung cấp cho Kyiv là hệ thống rocket Mars II có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách khoảng 80 km.

Đã có một số đồn đoán rằng Hoa Kỳ đang xem xét dỡ bỏ các hạn chế hiện tại đối với các vũ khí mà Washington đã cung cấp cho Ukraine.

Tuy nhiên, Washington đã tuyên bố rõ rằng, ít nhất tại thời điểm hiện tại, họ không kế hoạch nới lỏng các hạn chế đối với việc Ukraine sử dụng các vũ khí do phương Tây cung cấp.

Phát biểu với các phóng viên hôm 13/9, ông John Kirby, phát ngôn viên Nhà Trắng về an ninh quốc gia, khẳng định: “Không có sự thay đổi nào trong quan điểm của chúng tôi về việc cung cấp năng lực tấn công tầm xa cho Ukraine để sử dụng bên trong Nga. Hiện tại, không có sự thay đổi nào trong chính sách của chúng tôi liên quan đến năng lực [quân sự] đó, vì tất cả các lý do mà trước đây chúng tôi đã tuyên bố rằng chúng tôi không ủng hộ việc đó”. 

Gần đây khi phát biểu với các phóng viên, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định, Ukraine không thể thực hiện các cuộc tấn công bên trong lãnh thổ Nga nếu không có sự hỗ trợ của phương Tây, bởi vì Kyiv dựa vào thông tin tình báo vệ tinh và dữ liệu chuyến bay để thực hiện các hoạt động như vậy. Ông chỉ trích rằng các cuộc thảo luận đang diễn ra giữa các nước NATO vượt ra ngoài khả năng sử dụng vũ khí tầm xa phương Tây của Ukraine, mở rộng đến mức liệu có nên tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột hay không.

The kênh Telegram chính thức của Điện Kremlin, khi đề cập đến quyết định tiềm năng của các nước NATO trong việc cho phép Kyiv tấn công sâu vào Nga, Tổng thống Putin cảnh báo: “Điều này sẽ thay đổi đáng kể bản chất của cuộc xung đột. Điều đó có nghĩa là các nước NATO, Hoa Kỳ, các quốc gia châu Âu, đang tiến hành chiến tranh với Nga”. 

Cho đến nay, Đức là nước đóng góp hoặc viện trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine, sau Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Berlin đã lên kế hoạch tạm dừng ngân sách dành cho khoản viện trợ đó vào năm tới.