Đường dây nóng liên Triều có gì đặc biệt?
- Hùng Cường
- •
Sau 2 năm bị để “ngủ đông”, đường dây nóng liên Triều đã được kết nối trở lại vào 15h30 ngày 3/1 (giờ địa phương) theo lệnh của lãnh đạo tối cao Bắc Hàn Kim Jong-un. Nhưng việc kênh liên lạc này hoạt động thế nào không phải là điều nhiều người biết.
Binh lính hai miền đối mặt nhau tại Khu Phi Quân sự (DMZ)
Theo xác nhận của truyền thông Hàn Quốc, vào hồi 15h30 ngày 3/1, hai miền Triều Tiên đã thực hiện cuộc gọi qua đường dây nóng liên Triều khoảng 20 phút. Đây được cho là một cuộc gọi kiểm tra kết nối và hai bên sẽ cần có thêm thời gian để chính thức nối lại các cuộc gọi hàng ngày như trước năm 2016.
>>Bắc Hàn mở lại đường dây nóng với Hàn Quốc
Đường dây liên lạc qua điện thoại này đã được hai miền Triều Tiên thiết lập từ năm 1971, nhưng chúng ta thực sự chưa biết nhiều về cách thức hoạt động của kênh thông tin này.
Dưới đây là một vài điểm đáng chú ý của đường dây nóng liên Triều:
1. Vị trí nhận cuộc gọi của hai bên chỉ cách nhau dưới 100m
Đường dây điện thoại trực tiếp Hàn Quốc – Bắc Hàn được thiết lập vào năm 1971 tại làng biên giới Panmunjom, trong Khu Phi quân sự liên Triều để cho phép các cuộc đối thoại giữa miền Nam và Hội Chữ thập đỏ miền Bắc.
Điện thoại của Hàn Quốc được đặt trên một chiếc bàn trong Ngôi nhà Tự do và kết nối trực tiếp với một cái bàn được thiết kế tương tự tại văn phòng Panmungak của Bắc Hàn. Hai tòa nhà này chỉ cách nhau chưa tới 100m.
2. Bàn điện thoại liên lạc được thiết kế đặc biệt
Bức ảnh mà Getty Image đăng tải về chiếc bàn điện thoại liên lạc liên Triều cho thấy cụm mô hình này gần giống với những thiết bị liên lạc thời Chiến tranh Lạnh. Các thiết bị được đặt trên một chiếc bàn gỗ màu đen, có chứa một điện thoại màu xanh và một chiếc màu đỏ, cùng một màn hình máy vi tính.
Ông Kim Yeon-cheol, một cựu nhân viên thông tin của Hàn Quốc trực tiếp trực đường dây nóng liên Triều trong những năm 1990, nói với hãng tin Yonhap rằng phía miền Nam dùng điện thoại màu xanh lá cây để gọi cho miền Bắc và nhận cuộc gọi bằng điện thoại màu đỏ.
3. Giờ gọi điện là cố định hàng ngày
Đường dây liên lạc này chính thức được hoạt động vào năm 1972, sau đó nối lại vào những năm 1990 và những năm 2000.
Ông Kim Yeon-cheol nói rằng các cuộc gọi diễn ra hàng ngày vào 9 giờ sáng và 16 giờ chiều.
“Chúng tôi gọi cho họ vào các ngày lẻ và Bắc Hàn gọi cho chúng tôi vào các ngày chẵn”, ông Kim Yeon-cheol nói thêm.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc mới đây nói với BBC rằng những năm qua không còn duy trì gọi theo ngày chẵn, lẻ, nhưng việc gọi cho nhau hai lần/ ngày vẫn được thực hiện. Trong hai năm qua, Hàn Quốc vẫn đều đặn gọi cho miền Bắc, đường dây vẫn thông suốt, nhưng phía Bắc Hàn không nghe máy.
4. Các cuộc gọi là chính thức, không có nói chuyện phiếm
Ông Kim Yeon-cheol nói với Yonhap rằng “tất cả các cuộc gọi là chính thức. Chúng tôi không trao đổi bất kỳ câu chuyện phiếm không chính thức nào”.
Phát ngôn viên Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết: “Trước tháng 2/2016, hai bên đã thực hiện các cuộc gọi hàng ngày từ thứ Hai tới thứ Sáu. Mỗi bên sẽ gọi vào lúc 9h sáng để kiểm tra xem điện thoại có hoạt động không”.
5. Hai bên có thể gặp mặt trực tiếp để trao đổi các thông điệp
Phía Hàn Quốc nói rằng nếu họ muốn gửi thông điệp đặc biệt tới Bắc Hàn, họ sẽ gọi điện hỏi xem miền Bắc có thiện chí nhận thông điệp đó không. Sau đó, họ sẽ gửi thông điệp này qua máy fax hoặc thậm chí có thể gặp trực tiếp nhau để đưa thông điệp tận tay.
6. Các đường dây liên lạc liên Triều được phân thành các lĩnh vực riêng biệt
Theo BBC, hiện nay giữa hai miền Triều Tiên có tới 33 đường dây liên lạc. Trong đó, 5 đường dây dùng cho thông tin liên lạc hàng ngày, 21 đường dây phục vụ các cuộc đối thoại liên Triều, 2 đường dây cho các vấn đề giao thông hàng không, 2 cho các vấn đề hàng hải và 3 dường dây để phục vụ các thông tin về hợp tác kinh tế.
Hùng Cường
Xem thêm:
Từ khóa Bắc Hàn căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên