EU “bật đèn xanh” gói viện trợ mới 500 triệu EUR và huấn luyện 15.000 binh sĩ Ukraine
- Phan Anh
- •
Tại cuộc họp ở Luxembourg, các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất về một sứ mệnh huấn luyện cho khoảng 15.000 binh sĩ Ukraine. Bên cạnh việc ký kết thành lập Phái bộ hỗ trợ quân sự cho Ukraine (EUMAM Ukraine), họ cũng đã thông qua gói viện trợ 500 triệu EUR cho Quỹ Hòa bình châu Âu cho Ukraine.
“Mục đích của sứ mệnh là góp phần nâng cao khả năng quân sự của lực lượng vũ trang Ukraine để tiến hành các hoạt động quân sự một cách hiệu quả. Để đáp ứng yêu cầu hỗ trợ quân sự của Ukraine, EUMAM Ukraine sẽ cung cấp các khóa đào tạo cá nhân, tập thể và chuyên ngành cho lực lượng vũ trang Ukraine, bao gồm cho cả Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ của họ, đồng thời phối hợp và đồng bộ hóa các hoạt động của các quốc gia thành viên hỗ trợ đào tạo”, Hội đồng châu Âu cho biết trong thông cáo báo chí.
🗺 #FAC | ✅ Foreign ministers have approved an EU Military Assistance Mission #EUMAM to help train #Ukraine's armed forces, as well as further €500 million in European Peace Facility #EPF funding for Ukraine.#EU2022CZ
More ⬇️https://t.co/LgySezD7Rxhttps://t.co/nfvO1pNwSN pic.twitter.com/wXBjMAvAua
— EU2022_CZ (@EU2022_CZ) October 17, 2022
Ông Josep Borrell, Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại của EU, tuyên bố: “Phái đoàn hỗ trợ quân sự của EU không chỉ là một nhiệm vụ huấn luyện, mà nó là bằng chứng rõ ràng cho thấy EU sẽ sát cánh với Ukraine trong thời gian này”.
EUMAM Ukraine sẽ hoạt động trong lãnh thổ của các quốc gia thành viên EU và thành lập trụ sở chính tại Cơ quan Hành động Đối ngoại Châu Âu (EEAS) ở Brussels. Phó Đô đốc Herve Blejean (Giám đốc Kế hoạch và Triển khai Quân sự (MPCC) trong EEAS) sẽ đảm nhiệm vị trí chỉ huy sứ mệnh. Sứ mệnh này dự kiến kéo dài hai năm, với chi phí ước tính lên khoảng 106,7 triệu EUR. Các nước thứ 3 cũng có thể tham gia sứ mệnh.
Một số thông tin trước đó tiết lộ dự án huấn luyện quân sự sẽ bắt đầu vào giữa tháng 11 và diễn ra trên lãnh thổ EU, với Ba Lan được đặt làm trung tâm. Đức cũng được cho là nhân tố hậu thuẫn chủ chốt cho việc huấn luyện. Các chương trình đào tạo do các quốc gia châu Âu vận hành riêng rẽ sẽ tiếp tục hoạt động độc lập cho đến khi các chương trình này được hợp nhất vào phái bộ EU ở giai đoạn sau.
Kể từ khi Nga bắt đầu cuộc tấn công nhắm Ukraine vào ngày 24/2, phương Tây đã đồng loạt áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moscow, cũng như cung cấp hỗ trợ quân sự và kỹ thuật cho Kyiv. Mặc dù các quốc gia đã trừng phạt Nga nhiều lần tuyên bố rằng họ không có ý định điều quân đến Ukraine và trở thành một phần của cuộc xung đột, nhưng họ vẫn cử người hướng dẫn đến Ukraine và hỗ trợ binh sĩ Ukraine đến các quốc gia khác để tập huấn.
Ngoài Mỹ, Canada và Anh, những quốc gia đã và đang huấn luyện hàng nghìn binh sĩ Ukraine, một số quốc gia EU khác như Đức và Pháp cũng hướng dẫn quân đội Ukraine sử dụng các hệ thống pháo, bệ phóng tên lửa và hệ thống phòng không hiện đại mà họ đã chuyển giao cho Kyiv.
Từ khóa EU viện trợ cho Ukraine xung đột Nga - Ukraine