EU cảnh báo bổ sung trừng phạt: TT Belarus dọa ngừng vận chuyển khí đốt đến châu Âu
- Minh Ngọc
- •
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng người di cư tại biên giới giữa Belarus và Ba Lan ngày càng nghiêm trọng, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đe dọa sẽ ngừng vận chuyển khí đốt đến châu Âu.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko (Ảnh minh họa: Getty Images)
Ông đã đưa ra tuyên bố này trong cuộc họp với chính phủ nước này hôm 11/11: “Chúng tôi cung cấp năng lượng cho châu Âu, nhưng họ lại dọa đóng cửa biên giới. Và điều gì sẽ xảy ra nếu chúng tôi dừng vận chuyển khí đốt tự nhiên ở đó? Vì vậy, tôi khuyên ban lãnh đạo Ba Lan, Litva và những ai không có đầu óc khác nên suy nghĩ trước khi phát biểu.”
“Nhưng đó là tùy thuộc vào họ. Nếu họ đóng cửa biên giới, hãy để họ làm điều đó,” ông Lukashenko nói. Đồng thời, ông ra lệnh cho Bộ Ngoại giao “cảnh báo tất cả mọi người ở châu Âu: nếu họ đưa ra các biện pháp trừng phạt bổ sung mà quá đáng đối với chúng ta, thì chúng ta sẽ đáp trả”.
Theo tờ Washington Post, “Châu Âu phụ thuộc vào Nga về phần lớn nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên thông qua các đường ống như Nord Stream 1 qua Biển Baltic; TurkStream và Blue Stream qua Thổ Nhĩ Kỳ; và đường ống Yamal-Europe qua Belarus và Ba Lan đến Đức.”
Ngoài ra, còn một đường ống mới gây tranh cãi là Nord Stream 2, vốn bị Ukraine phản đối và Mỹ chỉ trích, đang trải qua quá trình phê duyệt theo quy định ở Đức, trong đó Nga thúc ép châu Âu đẩy nhanh tiến độ.
Washington Post còn cho biết: “Đường ống Yamal-Europe dài 1.242 dặm có công suất hàng năm là 32,9 tỷ mét khối, theo tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga, so với 31 tỷ mét khối của TurkStream và 16 tỷ mét khối cho Blue Stream. Công suất của Nord Stream 1 là 55 tỷ mét khối và Nord Stream 2 dự kiến sẽ tăng gấp đôi.”
Cuộc khủng hoảng biên giới đã leo thang kể từ đầu năm nay khi Lithuania, Latvia và Ba Lan chứng kiến lượng lớn dòng người di cư.
Liên minh châu Âu đã quy trách nhiệm cho ông Lukashenko dàn dựng cuộc khủng hoảng mới nhằm gây ra một vấn đề ở biên giới Ba Lan hòng trả đũa các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu đối với Belarus vào đầu năm nay.
Các nhà chức trách cho hay, có 8 người chết do các điều kiện ở biên giới, nhưng con số được báo cáo có thể còn cao hơn nữa. Khi tình hình kéo dài, cuộc khủng hoảng nhân đạo có xu hướng càng trầm trọng hơn.
Ngày 11/11, các quan chức biên giới Ba Lan thông báo, 150 người di cư đi theo một nhóm lớn đã cố gắng vượt qua biên giới từ Belarus trong đêm. Các nhà chức trách cũng cảnh báo về nguy cơ “bão” biên giới vào đêm 11/11, do các vấn đề về Ngày Độc lập đang khiến lực lượng an ninh ở Ba Lan thiếu hụt.
Trước đó, ngày 9/11, Lithuania đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở biên giới với Belarus, trong khi Ba Lan cũng có phản ứng trước việc hàng nghìn người di cư đổ xô đến biên giới giữa Belarus và Ba Lan.
Tổng thống Ba Lan, ông Andrzej Duda, tuyên bố vào thời điểm đó: “Chế độ Belarus đang tấn công biên giới Ba Lan, EU, cuộc tấn công chưa từng có. Chúng tôi hiện có một trại người di cư bị chặn từ phía Belarus. Đây là những hành động gây hấn mà chúng tôi phải đẩy lùi, hoàn thành nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên của Liên minh châu Âu.”
Đáng chú ý, vai trò của Nga trong vấn đề này cũng đang được thảo luận khá nhiều. Tờ The Times of Israel đưa tin, trong bài phát biểu tại một phiên họp khẩn cấp của Quốc hội Ba Lan, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã cáo buộc ông Putin điều khiển dòng người di cư cố gắng nhập cảnh trái phép vào Ba Lan từ Belarus.
Một số quốc gia đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Belarus vì cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử năm 2020. Các biện pháp trừng phạt bổ sung đã được đưa ra đối với nước này sau khi ông Lukashenko được cho là đã yêu cầu một máy bay dân dụng hạ cánh hồi đầu năm nay để bắt giữ một nhà báo bất đồng chính kiến.
Minh Ngọc (Theo The Daily Wire)
Xem thêm:
Từ khóa khí đốt thiên nhiên EU trừng phạt Belarus khủng hoảng biên giới Ba Lan - Belarus người di cư Belarus đến Ba Lan