EU, Trung Quốc họp khẩn về tương lai của Thỏa thuận Khí hậu Paris sau khi Mỹ rút lui
- Tân Bình
- •
Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhóm họp vào thứ Sáu (2/6) để thảo luận về tương lai của thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu sau khi hôm thứ Năm (1/6) Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố nước Mỹ sẽ rút lui khỏi thỏa thuận mà ông cho là “thiếu công bằng” với Hoa Kỳ.
Reuters cho biết, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ gặp mặt các nhà lãnh đạo cấp cao của EU trong một hội nghị quan trọng tại Brussels (Bỉ) vào thứ Sáu (2/6). Trung Quốc hiện đang nổi lên là đối tác toàn cầu của EU trong nhiều lĩnh vực từ thương mại tới an ninh. Ngoài vấn đề biến đổi khí hậu, hội nghị lần này hai bên cũng sẽ thảo luận về vấn để thử tên lửa của Bắc Triều Tiên và dư thừa sản lượng thép toàn cầu.
Trung Quốc từ năm 2007 đã vượt qua Hoa Kỳ trở thành nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới. Thủ tướng Lý Khắc Cường đang có chuyến thăm Đức và trong phát biểu của mình tại Thủ đô Berlin (Đức), ông đã nhấn mạnh Trung Quốc luôn ủng hộ mạnh mẽ Thỏa thuận Khí hậu Paris 2015.
Sau cuộc gặp với Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel và trước khi bay tới Brussels, ông Lý đã nói với phóng viên rằng: “Trung Quốc giữ vững lập trường về trách nhiệm của mình đối với biến đổi khí hậu”.
EU và các quan chức Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh và Brussels sẽ đưa ra tuyên bố cam kết thực hiện đầy đủ Thỏa thuận Khí hậu Paris.
Đây là tuyên bố chung đầu tiên giữa Trung Quốc và EU về vấn đề này, theo đó các bên cam kết cắt giảm nhiên liệu hóa thạch, phát triển công nghệ xanh nhiều hơn và giúp gây quỹ 100 tỷ USD/năm từ năm 2020 nhằm giúp các nước nghèo cắt giảm lượng khí thải.
Reuters cho biết tuyên bố sẽ được đưa ra bởi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường có đoạn nói rằng: “EU và Trung Quốc nhìn nhận hành động về khí hậu và việc chuyển đổi năng lượng sạch là một yêu cầu quan trọng hơn bao giờ hết. Tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu đòi hỏi phải có phản ứng quyết đoán”.
Trung Quốc là nước đề xuất tổ chức hội nghị thường niên với EU hàng năm, thông thường dự kiến vào giữa tháng 7. Sáng kiến này của Bắc Kinh được đưa ra để thúc đẩy thực hiện tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về việc bảo vệ thương mại đa phương trước lập trường bảo hộ thương mại trong nước của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos (Thụy Sĩ) hồi tháng 1 vừa qua.
Ông Miguel Arias Canete, Ủy viên Ủy ban năng lượng của EU, nói trong một tuyên bố sau khi ông Trump thông báo quyết định nước Mỹ sẽ rút khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris rằng Liên minh châu Âu rất lấy làm tiếc về quyết định này nhưng sẽ tìm kiếm các đồng minh mới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Ông Canete nói: “Chúng tôi nhìn nhận Thỏa thuận Paris và sự chuyển dịch sang năng lượng ít cacbon đúng bản chất của nó, là động lực phát triển kinh tế không thể đảo ngược, và là chìa khóa để bảo hệ hành tinh này”.
Trung Quốc và EU đang nhìn về cùng một hướng trong vấn đề khí hậu. Bắc Kinh cần bí quyết kỹ thuật của EU để xử lý ô nhiễm tại nhiều thành phố của nước này. Trong khi, EU đang muốn cùng Trung Quốc chung tay hành động chống lại việc phát thải carbon mà cả hai đều cho rằng đó là nguyên nhân làm gia tăng hạn hán, nước biển dâng và các ảnh hưởng khác của biến đổi khí hậu.
Tân Bình
Xem thêm:
Từ khóa biến đổi khí hậu nóng lên toàn cầu thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu