Cái gọi là ‘hội nghị hòa bình’ của ông Vladimir Zelensky tại Thụy Sĩ là “không nghiêm túc” – chỉ có các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine mới giải quyết được xung đột, nhà khoa học chính trị người Mỹ John Mearsheimer cho biết.

John Mearsheimer
Giáo sư John Mearsheimer. (Ảnh chụp màn hình video)

Hội nghị thượng đỉnh của nhà lãnh đạo Ukraine dự kiến ​​diễn ra vào ngày 15 đến ngày 16 tháng 6 tại Burgenstock Resort gần Lucerne, Thụy Sĩ. 

Nga không được mời tham dự hội nghị, Trung Quốc đã từ chối tham dự và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden được cho là sẽ bỏ qua sự kiện này để tham dự một buổi dạ tiệc gây quỹ với George Clooney ở Hollywood.

“Đây không phải là điều nghiêm túc”, giáo sư Mearsheimer nói với người dẫn chương trình Daniel Davis trong một buổi phòng vấn. “Nếu muốn có một loạt các cuộc đàm phán hòa bình có ý nghĩa, để giải quyết cuộc chiến này, thì điều đó sẽ phải liên quan đến việc Ukraine đàm phán trực tiếp với Nga”.

Kể từ khi xung đột bắt đầu vào năm 2022, ông Mearsheimer lưu ý rằng chỉ có hai sáng kiến ​​hòa bình đạt được “tiến triển đáng kể” – các cuộc đàm phán do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian tại Istanbul vào tháng 3/2022 và các cuộc đàm phán riêng rẽ được Thủ tướng Israel khi đó là Naftali Bennett làm trung gian.

Theo các điều khoản sơ bộ được thỏa thuận tại Istanbul năm 2022, Ukraine sẽ trở thành một quốc gia trung lập với quân đội hạn chế để đổi lấy các đảm bảo an ninh quốc tế. Tuy nhiên, Thủ tướng Anh khi đó là Boris Johnson đã thuyết phục Ukraine rút khỏi các cuộc đàm phán.

Ông Bennett cũng cho biết rằng những cơ hội đàm phán hòa bình nào vào năm 2022 đều bị phá hoại bởi Hoa Kỳ và các đồng minh của họ, những nước đã ra lệnh cho Ukraine “tiếp tục tấn công Nga”“ngăn chặn” thỏa thuận Istanbul.

Ông Zelensky có thể sẽ sử dụng hội nghị trong tháng Sáu này để thúc đẩy lộ trình đề xuất của mình nhằm chấm dứt xung đột với Nga. Tài liệu gồm mười điểm yêu cầu rút toàn bộ lực lượng Nga khỏi mọi lãnh thổ mà Ukraine coi là của mình, để Nga bồi thường và các quan chức Nga phải trình diện trước tòa án xét xử tội ác chiến tranh.

Nga đã bác bỏ kế hoạch này vì cho rằng nó “xa rời thực tế”. Phát biểu với các nhà báo vào tháng trước, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố rằng trong khi Nga sẵn sàng cho các cuộc đàm phán nghiêm túc, Ukraine có kế hoạch “tập hợp càng nhiều quốc gia càng tốt, thuyết phục mọi người rằng đề xuất tốt nhất là các điều khoản của phía Ukraine, sau đó gửi cho chúng tôi dưới dạng tối hậu thư”.

“Hội nghị này hoàn toàn không có triển vọng… bởi vì việc tập hợp lại và thảo luận nghiêm túc về xung đột Ukraine mà không có sự tham gia của Nga là điều vô lý”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với RT vào thứ Ba (28/5).

“Người Ukraine và người Nga phải đối mặt để nói về thỏa thuận có thể chấp nhận được đối với cả hai bên”, giáo sư Mearsheimer nói. “Ý tưởng đàm phán hòa bình ở Thụy Sĩ mà không có Nga là điều nực cười”.

Là một giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Chicago, ông Mearsheimer đã bị phương Tây chỉ trích dữ dội vì cho rằng sự mở rộng của NATO sau Chiến tranh Lạnh là nguyên nhân chính gây ra xung đột Ukraine. Ông Mearsheimer đưa ra lập luận như vậy từ năm 2014 rằng “khuyến khích người Ukraine cứng rắn với người Nga” sẽ khiến đất nước của họ “bị tàn phá”.

Thanh Tâm, theo RT